Ngày 1/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Tại phiên họp, Chính phủ sẽ nghe và thảo luận 6 báo cáo về các vấn đề, nhóm vấn đề gồm: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2021; tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021;
Tình hình thực hiện chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021; rà soát các quy định của luật, pháp lệnh đang gây khó khăn, vướng mắc cho công tác phòng, chống dịch COVID-19;
Dự thảo quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp lần này có ý nghĩa quan trọng, đánh giá tình hình kinh tế – xã hội, công tác điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm và bàn các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021; đồng thời bàn nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay như phòng, chống dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự phiên họp tập trung thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, cụ thể với tinh thần có những vấn đề cần kế thừa, ổn định, nhưng cũng có những vấn đề cần đổi mới, phát triển; việc thảo luận cần tập trung vào những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ chung của Chính phủ, không sa đà vào các nhiệm vụ của bộ, ngành, cơ quan.
Đợt dịch lần thứ 4 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, xảy ra cùng lúc tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát; 14/50 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát. Dịch đã được kiểm soát tốt tại Hà Nội; Bắc Giang, Bắc Ninh đã được kiểm soát, tình hình bắt đầu ổn định và một số địa phương đang rất nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Riêng tại TP.HCM và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp; số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng; nhiều ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp liên tục gia tăng số mắc tại cộng đồng do địa bàn tiếp giáp với TP. HCM, có nhiều khu công nghiệp, nhà máy với số lượng lớn người lao động có mật độ giao lưu, đi lại cao.
Một số nơi, người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các tỉnh như Phú Yên, Quảng Ngãi đã có nhiều nguồn lây từ các khu vực đang có dịch do mật độ giao thương, đi lại liên tỉnh qua địa bàn cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, đợt dịch lần thứ 4 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, xảy ra cùng lúc tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch. Các chủng vi rút Delta lây nhanh hơn, mạnh hơn, làm tăng bệnh nặng hơn và không chỉ lây nhiễm theo chuỗi mà còn lây nhanh, rộng theo chùm, qua không khí đặc biệt trong hộ gia đình, trong môi trường kín như trong các nhà máy, khu công nghiệp, các nơi tập trung đông người.
Các địa phương đã rất nỗ lực, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly kịp thời, phù hợp; các chuỗi lây nhiễm nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát nhờ đó công tác phòng, chống dịch hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Nhận định tình hình dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn kéo dài, chưa có khả năng kiểm soát trên quy mô toàn cầu trong năm 2021; các biến chủng mới có khả năng tiếp tục xuất hiện, các làn sóng bùng phát dịch có thể quay lại bất kỳ lúc nào kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.
Trong nước, dịch bệnh tiếp tục kéo dài; sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc tại cộng đồng, trong các khu công nghiệp, tập trung đông người và có thể lây lan thành ổ dịch lớn hơn; nên các nguyên tắc phòng, chống dịch cơ bản là ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch cần tiếp tục thực hiện kịp thời, phù hợp, triệt để.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế xã hội, có thể gây gián đoạn các chuỗi cung ứng; giao thông, du lịch tiếp tục bị đình trệ; các vấn đề an sinh xã hội không được bảo đảm; ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu kép.
Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước
Về các hoạt động triển khai phòng chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã bám sát diễn biến tình hình; lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả với tinh thần chống dịch như chống giặc, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công.
Bộ Y tế đã liên tục thiết lập các bộ phận thường trực và huy động số lượng lớn nhân lực, vật lực, cùng với các địa phương nhanh chóng, kiểm soát tình hình; liên tục được cập nhật các chiến lược, quy trình, hướng dẫn chuyên môn để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế. Số lượng truy vết, xét nghiệm, cách ly trong đợt dịch này cao hơn nhiều lần cả 3 đợt dịch trước; nhờ đó đã tiếp tục kiểm soát được tình hình và không để dịch bệnh gây hậu quả nặng nề như các quốc gia khác.
Về tiếp cận vắc xin, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đến nay đã có cam kết viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trong năm 2021 với khoảng 105 triệu liều; số đang đàm phán là khoảng 45 triệu liều và tiếp tục tìm kiếm, đàm phán các nguồn vắc xin khác.
Dự kiến từ tháng 7/2021 số lượng vắc xin sẽ về nhiều hơn và đến quý 3/2021 sẽ có khoảng 30 triệu liều.Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước; liên tục trao đổi, đàm phán với các quốc gia Hoa Kỳ, Nhật, Đức, Nga, Cuba để chuyển giao công nghệ; đồng thời yêu cầu các đơn vị sản xuất trong nước đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy trình.
Về công tác tiêm chủng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin: Bộ Y tế phối hợp với các Bộ liên quan thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch trên phạm vi toàn quốc và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chiến dịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đến 29/6/2021, cả nước đã tiêm được 3.617.187 liều vắc xin (đạt 94,7%); trong tháng 6/2021, đã tiêm 2.575.239 liều.
Trong thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên cao nhất, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm ổn định tình hình. TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số địa phương lân cận yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội theo quy mô phù hợp; nâng cao năng lực và áp dụng chiến lược xét nghiệm phù hợp với thực tế; siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp; tổ chức chiến dịch tiêm chủng an toàn, hiệu quả, đảm bảo tuân thủ phòng, chống dịch tại các điểm tiêm chủng.
Các địa phương tiếp tục thực hiện chiến lược 5K+vắc xin và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đánh giá đúng mức độ nguy cơ; chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản; thực hiện 4 tại chỗ, đảm bảo công tác hậu cần; chủ động nâng cao năng lực; áp dụng linh hoạt, phù hợp các biện pháp phòng, chống dịch và kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.