Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành y tế đã yêu cầu các cơ sở điều trị phải có sự chuẩn bị để nếu có bệnh nhân Covid-19 sẽ thu dung điều trị. Ở các đợt bùng phát trước do số lượng bệnh nhân còn ít nên mới chỉ có Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng ở lần bùng phát dịch lần thứ 4 có thêm cả BV Lao và Bệnh phổi tỉnh.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, thực hiện Công văn số 5741/BYT-KCB của Bộ Y tế về việc củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh đang khẩn trương có các giải pháp nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt là năng lực hồi sức tích cực trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
BVĐK Hà Nam tập trung đào tạo lực lượng hồi sức cấp cứu
Ngay từ khi tỉnh có những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, BVĐK Hà Nam đã thu dung điều trị bệnh nhân. Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, khi số lượng bệnh nhân nhiều hơn và có thêm BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cùng điều trị bệnh nhân Covid-19, BVĐK Hà Nam thực hiện điều trị cho những ca nặng hơn. Hiện tại, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, bệnh viện đang tích cực triển khai các giải pháp nâng cao năng lực hồi sức tích cực trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
BVĐK Hà Nam là BV tuyến tỉnh hạng 1. Theo Công văn số 5741/BYT-KCB của Bộ Y tế, các BV đa khoa tuyến tỉnh từ hạng 1 trở lên, Khoa Hồi sức tích cực tối thiểu phải có 50 giường và sẵn sàng mở rộng 100 giường, với hệ thống oxy trung tâm, đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao (thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu…) để tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Trao đổi với TS Phan Anh Phong, Giám đốc BVĐK Hà Nam được biết, hiện BV có 45 giường hồi sức tích cực. BV đã rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu và xây dựng kế hoạch đề nghị được xem xét đầu tư phần còn thiếu. Riêng phần quan trọng nhất là đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao đang được BV triển khai rất tích cực. Đó không chỉ là lực lượng nhân lực phục vụ việc cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV (nếu có), mà BV còn phải chuẩn bị cả nguồn nhân lực dự phòng để sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ chính nếu tình huống bệnh nhân tăng, tỉnh phải thành lập BV dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, trung tâm y tế trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao, BV xác định các y, bác sỹ hồi sức là lực lượng nòng cốt. Kế đó huy động lực lượng gây mê hồi sức, những người từng công tác ở Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Cấp cứu. Ngoài ra, BV huy động tất cả bác sỹ, điều dưỡng dưới 40 tuổi để đào tạo tại chỗ kiến thức, kỹ năng hồi sức. Thực hiện kế hoạch của Sở Y tế, thời gian tới BV sẽ tham gia đào tạo kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao cho các bệnh viện tuyến dưới và các trung tâm y tế (TTYT).
Các BV tuyến dưới và trung tâm y tế đều sẵn sàng thu dung điều trị
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh bắt đầu thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. Ở thời điểm ngày 3/8/2021, bệnh viện vẫn đang điều trị cho 14 bệnh nhân Covid-19. Theo ông Phạm Xuân Viết, Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, hiện tại BV thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 1, tầng 2 (bệnh nhân nhẹ) theo mô hình tháp 4 tầng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bộ Y tế. Vì thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ nên BV chỉ chuẩn bị cơ sở vật chất các phòng là chính và lực lượng điều trị. BV dành toàn bộ tầng 2, tầng 3 trong khu nhà 4 tầng để làm khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19. Trước đây BV duy trì 20 giường điều trị với 2 kíp trực, nhưng thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế về tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, hiện BV đã nâng lên 40 giường với 4 kíp y, bác sỹ luân phiên làm việc trong khu cách ly. Dự kiến kế hoạch, nếu lượng bệnh nhân Covid-19 nhiều sẽ lấy BV Lao và Bệnh phổi tỉnh làm BV dã chiến của tỉnh để điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô khoảng 100 giường và BV đủ điều kiện đáp ứng.
Các TTYT và các BV khác cũng đều có sự chuẩn bị tích cực để nâng cao năng lực chuyên môn, sẵn sàng thu dung điều trị nếu có bệnh nhân Covid-19. Ông Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc TTYT huyện Bình Lục cho biết: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trung tâm đã dành Khoa Lâm sàng các bệnh nhiệt đới để cách ly các trường hợp F1. Quy mô giường bệnh của toàn trung tâm là 100 giường, nếu xảy ra tình huống dịch lan rộng có thể tiếp nhận điều trị khoảng 50 bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, về trang thiết bị, nếu theo yêu cầu của Bộ Y tế tại Công văn số 5741/BYT-KCB (tất cả các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2: tối thiểu phải có hệ thống oxy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao (HFNC) thì trung tâm chưa đáp ứng được, phải có sự đầu tư. Hiện tại trung tâm có hệ thống oxy trung tâm nhưng vì dùng oxy khí nén nên chỉ đáp ứng điều trị bệnh nhân bình thường. Nếu đáp ứng hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng phải chạy oxy lỏng mới đáp ứng được.
Xung quanh việc nâng cao năng lực điều trị, năng lực hồi sức tích cực trong điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các cơ sở khám, chữa bệnh để có thể đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng, ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế đã và đang triển khai theo yêu cầu của Bộ Y tế, phù hợp với tình hình dịch. Việc đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao trong điều trị bệnh nhân Covid-19 đang được tập trung thực hiện. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng sẽ tiếp tục bổ sung tùy theo tình hình, bảo đảm ứng phó được với các tình huống dịch ở cấp độ cao hơn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế huy động cả cơ sở khám, chữa bệnh y tế tư nhân sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch, tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Mậu Ngọ