Cần xây dựng kịch bản xét nghiệm với 30 nghìn người mắc COVID-19

(CDC Hà Nam)
Đó là yêu cầu của GS.TS. Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến “Hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2” với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào sáng ngày 14/5 tại Bộ Y tế.

Năng lực xét nghiệm đã được tăng lên

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Xét nghiệm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, xét nghiệm nhanh, có kết quả nhanh, việc phát hiện bệnh sẽ nhanh hơn, cách ly kịp thời giúp điều trị hiệu quả.

Trong thời gian qua, để tăng cường công tác xét nghiệm Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, đôn đốc, triển khai “4 tại chỗ”, đề nghị các bệnh viện có trên 300 giường trở lên có một máy xét nghiệm Realtime RT-PCR. Cả nước hiện có 31 trang thiết bị sinh phẩm bao gồm 4 sinh phẩm trong nước và 27 sinh phẩm ngoài nước liên quan đến xét nghiệm thẩm định Realtime RT-PCR, xét nghiệm  đáp ứng nhanh và kháng thể. Tuy nhiên, thực tế ở một số đơn vị địa phương việc triển khai công tác xét nghiệm vẫn tồn tại một số vướng mắc, do vậy Hội nghị lần này để chia sẻ kinh nghiệm về xét nghiệm ở những đơn vị đã làm tốt cho các đơn vị khác. Nếu chúng ta làm tốt hơn không những công suất xét nghiệm  mà chất lượng xét nghiệm cũng được tăng lên.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện có 175 phòng xét nghiệm  thực hiện kỹ thuật Realtime  RT-PCR với công suất  65.793 mẫu  (đơn)/ngày, trong trường  hợp cần thiết có thể  nâng công suất lên  1,5-2 lần để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

GS.TS. Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại Hội nghị.

Gộp mẫu xét nghiệm và test nhanh phải đảm bảo chất lượng

Theo đại diện của WHO, Việt Nam đã có khả năng mở rộng phòng xét nghiệm rất lớn để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần đảm bảo chất lượng xét nghiệm.  Hiện tại trên thế giới không có một kít nào đảm bảo 100%  độ chính xác cao, mỗi một loại đưa ra các kết quả dương tính giả, âm tính giả là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên để ngăn ngừa việc đó phải đảm bảo chất lượng ngay từ phòng xét nghiệm. Hiện tại các phòng xét nghiệm đang rất áp lực bởi vì phải làm xét nghiệm rất nhiều.  Việt Nam có 175 phòng xét nghiệm, chính vì thế chúng ta có thể ước lượng được năng lực xét nghiệm là bao nhiêu và phải đảm bảo an toàn  cho nhân viên phòng xét nghiệm. Nếu làm quá nhiều, quá tải sẽ dẫn đến nguy cơ như thế nào. Nên vận dụng mạng lưới phòng xét nghiệm, chia sẻ công việc với nhau để tránh quá tải. Tận dụng nguồn lực một cách tối ưu, ưu tiên những đối tượng nào được làm xét nghiệm trong lúc bị quá tải.

Gộp mẫu là một phương án quan trọng khi số lượng mẫu xét nghiệm quá tải. Tuy nhiên phải để ý chất lượng. Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam có nhiều phương án gộp mẫu khác nhau, có nơi  gộp que, có nơi gộp môi trường… Tuy  nhiên phương pháp nào đi nữa thì các phòng xét nghiệm cần phải xác nhận được giá trị của phương pháp mà chúng ta áp dụng tại cơ sở.  Nếu phương pháp đó chưa được đánh giá bởi cơ quan nào, cần phải xác nhận giá trị sử dụng, không chúng ta phải làm thẩm định. Nếu không làm được điều đó sẽ có nguy cơ rủi ro liên quan đến dương tính giả.

Trên thế giới khi thực hiện phương pháp gộp mẫu, không áp dụng cho những đối tượng có nguy cơ cao, người đã có triệu chứng, hoặc đã mắc bệnh. Đảm chất lượng trong phòng xét nghiệm rất quan trọng bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, liên quan đến công tác điều tra ca bệnh và quản lý ca bệnh mà còn ảnh hưởng đến uy tín của phòng xét nghiệm trong không chỉ xét nghiệm COVID mà cả các xét nghiệm khác.

Test nhanh đơn giản, dễ sử dụng. Tuy nhiên sử dụng test nhanh không được thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR bởi vì độ nhạy kháng nguyên không bằng Realtime RT-PCR. WHO cũng đưa ra khuyến cáo, chỉ trong tình huống thời gian trả kết quả Realtime RT-PCR lâu, cơ sở đó chưa thực hiện được xét nghiệm Realtime RT-PCR thì chúng ta mới dùng đến test nhanh. Test nhanh chỉ sử dụng ở những khu vực dịch lan rộng, nhanh.  Tuy nhiên cũng phải khẳng định bằng Realtime RT-PCR ở vùng dịch đó trước, sau đó mới sử dụng test nhanh. WHO cũng khuyến cáo không sử dụng test nhanh ở vùng có tỷ lệ nhiễm thấp bởi tỷ lệ dương tính giả cao.

Không khuyến cáo sử dụng kháng thể để xét nghiệm cho trường hợp bị nhiễm mà chỉ sử dụng cho nghiên cứu. Các tỉnh nếu có ca dương tính nên chia sẻ mẫu cho các khu vực để làm giải trình tự gen.

Hiện tại mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng, dịch họng hầu là tối ưu nhất cho việc xét nghiệm SARS-CoV-2. Liên quan đến chất lượng xét nghiệm, đầu tiên phải là chất lượng của mẫu bệnh phẩm, kỹ thuật lấy mẫu để kết quả lấy mẫu được chính xác.

Bên cạnh việc thực hiện đảm bảo chất lượng trong lấy mẫu xét nghiệm thì việc an toàn trong lấy mẫu cũng rất quan trọng. Việc thực hành đeo khẩu trang N95 của chúng ta chưa tốt, đeo khẩu trang y tế bên trong khẩu trang N95 không đảm bảo an toàn, phù hợp. Vì N95 được thiết kế khiết với khuôn mặt, việc đeo khẩu trang y tế bên trong có nguy cơ ảnh hưởng tới không an toàn khi lấy mẫu xét nghiệm.

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa Realtime RT-PCR với test nhanh

Theo đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, trong thời điểm này nếu chỉ sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR thì chắc chắn không đủ để chuyển sang chiến lược chủ động tấn công. Bởi vậy chúng ta cần nghiên cứu kỹ để đưa tất cả các công cụ xét nghiệm vào, sử dụng kháng nguyên và kháng thể để bổ trợ cho Realtime RT-PCR bởi  mỗi  công cụ có giá trị riêng mà phải có cách phiên giải riêng và có hướng dẫn cụ thể. Công tác lấy mẫu là một công tác vô cùng quan trọng và có tính quyết định bởi nếu lấy mẫu, gộp mẫu không đảm bảo chất lượng lấy mẫu thì toàn bộ quy trình về sau coi như bỏ đi hết. Việc lấy mẫu phải được tập huấn kỹ càng, thứ hai là phải đánh giá được việc tập huấn đó cho nhân viên lấy mẫu, thứ ba là phải kiểm soát được quá trình lấy mẫu (vật liệu, môi trường).

PGS. TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu từ điểm cầu nơi thực hiện cách ly y tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện một số cơ sở y tế  kể cả những bệnh viện lớn chưa làm được xét nghiệm Realtime RT-PCR. Trong khi đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế khi đủ tiêu chuẩn trên 300 giường bệnh phải triển khai xét nghiệm Realtime RT-PCR để nâng cao xét nghiệm trong toàn quốc trong thời gian tới.

Đối với xét nghiệm kháng nguyên và Realtime RT-PCR, Thứ trưởng hoàn toàn thống nhất với ý kiến của đại diện WHO. Tuy nhiên, trong  thời điểm này dịch bệnh đang có khả năng lan rộng, chúng ta đang xây dựng tình huống có 30 nghìn người nhiễm, do đó để đảm bảo chống dịch phải kết hợp tất cả các phương tiện xét nghiệm hiện có. Realtime RT-PCR chúng ta đã làm rất tốt nhưng vẫn triển khai tích cực kháng nguyên nhanh theo tinh thần Quyết định 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021 về việc Ban hành hướng dẫn  sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2. Xét nghiệm kháng nguyên giúp chúng ta có thể xét nghiệm cho bệnh nhân cấp cứu, xử trí cấp cứu, bảo vệ nhân viên y tế trong khi chờ Realtime RT-PCR.

Xét nghiệm kháng nguyên sẽ áp dụng cho những vùng tâm dịch, nơi cần xét nghiệm rộng như các khu công nhiệp hoặc các cơ sở y tế. Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để có thể sử dụng nhuần nhuyễn 2 vũ khí này trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng không để dịch bệnh len lỏi vào bệnh viện.

 Xây dựng kịch bản xét nghiệm có 30 nghìn người mắc

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Chúng ta tương đối an tâm với công suất hiện tại của các cơ sở xét nghiệm cả 3 miền Bắc  – Trung – Nam. Trong trường hợp cần thiết nếu chúng ta kết nối đồng thời tăng cường trang thiết bị xét nghiệm thì công suất tăng lên được nhiều lần. Các Sở Y tế, các đơn vị CDC địa phương, các cơ sở thực hiện xét nghiệm cần nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Bộ Y tế để lựa chọn phương án triển khai xét nghiệm phù hợp với địa phương và với đơn vị mình. Trong trường  hợp còn những đơn vị chưa rõ, chưa phù hợp cần chủ động liên hệ với Cục Y tế dự phòng, các chuyên gia để tham khảo thêm.

Cục Y tế dự phòng chủ động rà soát, sửa đổi những điểm chưa phù hợp cho phù hợp với nhu cầu xét nghiệm trong tình hình hiện nay. Xây dựng kịch bản xét nghiệm trong trường hợp 30 nghìn người mắc, có báo cáo tổng thể về công suất xét nghiệm, năng suất xét nghiệm, các phương pháp xét nghiệm, sinh phẩm để sớm gửi báo cáo tới Chính phủ. Thành lập tổ tư vấn để xây dựng  hướng dẫn  cụ thể hơn về xét nghiệm  trong tình hình mới. Phối hợp Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về xét nghiệm cho địa phương.

Đối với các địa phương  cần chủ động, khẩn trương chuẩn bị cho nhu cầu xét nghiệm  theo tinh thần “4 tại chỗ”, không để thiếu hụt trang thiết bị xét nghiệm khi dịch lan rộng trong cộng đồng hay diễn biến dịch xấu hơn. Việc mua bán cần công khai, minh bạch, tránh lãng phí, tiêu cực, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Như Huệ tổng hợp

Bài viết liên quan

Tối 15/5: Thêm 129 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Giang 85 ca

Ngọc Nga

Sáng 13/4: Thêm 2 ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Ngọc Nga

Triển khai mô hình “Tự quản, tự phòng, chống COVID-19” tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam

Ngọc Nga

Để lại bình luận