BN4807 khác với các trường hợp tử vong trước đó, khi phần lớn là các bệnh nhân tuổi cao và có nhiều bệnh nền đáng lo ngại. Trường hợp BN4807 có diễn biến rất nhanh. Bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp rất nhanh và tử vong sau 7 ngày nhập viện.
Ngày 24/5, Bắc Giang đã ghi nhận trường hợp nữ công nhân Công ty TNHH Hosiden Việt Nam ở Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên tử vong do mắc COVID-19.
Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 44 tử vong tại Việt Nam. BN4807, nữ, 38 tuổi, chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.
(Ảnh minh họa)
Điều đáng chú ý là BN4807 khác với các trường hợp tử vong trước đó, khi phần lớn là các bệnh nhân tuổi cao và có nhiều bệnh nền đáng lo ngại. Trường hợp BN4807 có diễn biến rất nhanh. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp và tử vong sau 7 ngày nhập viện.
Thông tin cụ thể từ Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, rát họng, mệt mỏi; được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng (Bắc Giang) ngày 17/5/2021.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Tối 22/5, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng: ho, tức ngực, khó thở, đau rát họng, phổi thông khí giảm hai bên. Chẩn đoán khi vào viện: Viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp.
Bệnh nhân được xử trí thở oxy mặt nạ, điều trị kháng sinh, kháng viêm. Khoảng 12h ngày 23/5 bệnh nhân diễn biến nặng hơn, tức ngực khó thở nhiều, chụp XQ cho thấy phổi tổn thương lan tỏa hai bên, được cấp cứu thở ô xy dòng cao HFNC. Đến 22h bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn.
Qua hội chẩn với Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Nhưng tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngừng tuần hoàn không có kết quả. Bệnh nhân tử vong lúc 4h30 ngày 24/5.
Tham gia đoàn chuyên gia y tế hỗ trợ Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã nêu vấn đề lo ngại nhất và cấp thiết nhất là hồi sức cho các bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, ông Khoa cho rằng phải cảnh giác với chủng virus từ Ấn Độ.
ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh tham gia đoàn chuyên gia của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Giang chống dịch COVID-19.
“Tại Bắc Giang, trong số các bệnh nhân đang điều trị đã xuất hiện tình trạng người khoẻ mạnh không có bệnh nền đã suy hô hấp nên cần hết sức cảnh giác biến chủng từ Ấn Độ. Hiện Bộ Y tế đã huy động thêm nhân lực và trang thiết bị cho điều trị. Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cùng lực lượng tại chỗ của Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã thiết lập 58 giường chăm sóc tích cực (ICU)”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã dự báo dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm, thậm chí trong năm 2021, đồng thời cảnh báo Việt Nam ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh.
Theo người đứng đầu ngành y tế, biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn: “CDC công bố khả năng lây nhiễm cao virus SARS-CoV-2 trong môi trường không khí. Như vậy, đúng như ở Việt Nam, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín thì lây rất nhanh. Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan chuẩn bị ứng phó với một kịch bản dịch bệnh bùng phát xấu hơn. Theo đó, đưa ứng dụng CNTT vào truy vết, phòng, chống dịch; đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất y tế, đặc biệt kit xét nghiệm kháng nguyên nhanh… để tiến hành xét nghiệm thường xuyên tầm soát tại các khu vực đông người, khu công nghiệp và các bệnh viện”.
Thông tin được cập nhật sáng 25/5 từ Tiểu ban Điều trị cho biết, cả nước đang có 77 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng. Cụ thể, trong 23 trường hợp nguy kịch có 19 bệnh nhân phải thở oxy xâm nhập, 4 ca còn lại được dùng ECMO.
Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi COVID-19 cho 2.814 bệnh nhân và có 44 trường hợp đã tử vong./.
Trần Thị Mậu Ngọ tổng hợp