Chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo gì để phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp?

(CDC Hà Nam)
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều lao động, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt thì rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.

“Chỉ cần một công nhân nhiễm COVID-19, cả dây chuyền, cả phân xưởng, thậm chí cả KCN (khu công nghiệp), khu chế xuất (KCX) phải ngừng sản xuất để thực hiện cách ly chống dịch. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xảy ra tại các KCN, KCX sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống, việc làm của công nhân”- PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Đã có không ít ca bệnh COVID-19 ghi nhận tại các KCN, KCX

Cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động, với đặc thù cùng làm việc trong môi trường kín; di chuyển về các khu ký túc xá cùng thời điểm, sinh hoạt trong nhà trọ chật chội, đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại… Ngay từ rất sớm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nhiều lần nhắc nhở và có hướng dẫn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các khu vực này.

Tuy nhiên trên thực tế trong số các ca mắc COVID-19 Việt Nam những ngày qua đã ghi nhận không ít ca mắc có liên quan đến ổ dịch Công ty TNHH Shin young Việt Nam ở Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (Việt Yên) tại Bắc Giang, khu công nghiệp An Đồn (Đà Nẵng). Trước đó, tại một số KCN ở Hải Dương, Đà Nẵng… cũng đã ghi nhận ca bệnh COVID-19.

Cũng theo chuyên gia Trần Đắc Phu: Trước nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập, các hoạt động sinh hoạt tập thể của các công ty trong các KCN, KCX cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Chẳng hạn tại các bếp ăn, ngoài việc thực hiện vách ngăn ở bàn ăn, doanh nghiệp nên điều chỉnh giờ ăn theo ca để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người.

Doanh nghiệp cũng rà soát lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp, sẵn sàng kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất; khuyến khích người lao động làm việc tại nhà, thực hiện giãn cách, giãn tiến độ sản xuất.

“Riêng đối với những doanh nghiệp có xe đưa đón công nhân, cần thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định, mở cửa, nắm chắc thông tin dịch tễ của công nhân – lao động để chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khi có tình huống xảy ra.”- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Khuyến cáo của chuyên gia

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng các tỉnh, thành phố có KCN, KCX phải xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 tại KCN, KCX trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong KCN, KCX và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống dịch COVID- 19 tại KCN, KCX .

Cùng đó, chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo mỗi KCN, KCX cần xây dựng kịch bản cho tình huống nếu có dịch xảy ra và tùy từng mức độ để kích hoạt các giải pháp phòng dịch tương ứng, từ việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, tới đảm bảo  phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong KCN, KCX và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống COVID-19.

Riêng với các KCN, KCX đã phát hiện có ca bệnh, cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp F1, F2, thông qua quản lý ca làm việc, camera… để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời. Toàn bộ người lao động làm cùng phân xưởng có tiếp xúc gần với F0 đều coi là F1.

tu-ngay-18-5-doanh-nghiep-nao-o-vinh-phuc-chua-hoan-thanh-xet-nghiem-covid-19-se-tam-dung-hoat-dong1620957497

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19  

Bên cạnh đó, quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các KCN; tập trung kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng chống như phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức phân luồng y tế của các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp…

“Cần lưu ý rằng các nhà máy, xí nghiệp môi trường lao động thường kín, đông người có yếu tố tiếp xúc gần nên cần mở cửa thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa và hạn chế đông người như bố trí ca làm việc hợp lý… Đặc biệt có người sốt phải được xét nghiệm kịp thời…và thường xuyên kiểm tra, đánh giá xí nghiệp an toàn”- PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý, đồng thời nhấn mạnh: Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải hết sức cảnh giác trong phòng chống và thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt, đồng bộ mới ngăn chặn dịch thành công.

Tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các tỉnh/thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng về công tác phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp, sáng 12/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu: Dịch bệnh xảy ra ở tất cả các nơi đều nguy hiểm nhưng xung yếu nhất là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, đặc biệt các nhà máy trong khu công nghiệp. Các địa phương nỗ lực không để dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp. Qua kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang và những đợt dịch trước, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh/thành phố làm việc, phổ biến quy định phòng, chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp có đông công nhân, đặc biệt doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, xét nghiệm từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn.

Phó Thủ tướng lưu ý: “Phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời, tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, rất nguy hiểm”.

Tại cuộc họp này, đại diện Bộ Y tế cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất nhưng các địa phương chỉ “khoán gọn” cho ngành Y tế. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong các khu công nghiệp.

Đinh Thị Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Rối loạn khứu giác hậu COVID-19: Khi nào có thể hồi phục ?

Ngọc Nga

13 cán bộ y tế mắc COVID-19 ở Hà Nam đã khỏi bệnh, trở lại làm việc

Ngọc Nga

Diễn biến dịch ngày 13/7: Đã xét nghiệm COVID-19 cho hơn 10 triệu lượt người

Ngọc Nga

Để lại bình luận