Từ 0h ngày 22/7, Hà Nội cách ly tập trung toàn bộ người về từ các địa phương đang giãn cách xã hội
Tối 21-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ 0h ngày 22-7-2021, tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.
Từ 0h ngày 22/7, người về Hà Nội từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội phải cách ly tập trung
Điều chỉnh khai thác các chuyến bay giữa Hà Nội và TP.HCM, Cần Thơ, Phú Quốc để phòng dịch cho Thủ đô
Để quyết tâm bảo vệ thủ đô Hà Nội không diễn biến xấu trước dịch bệnh, Bộ GTVT đã đưa ra phương án điều chỉnh khai thác các chuyến bay.
Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam ký ngày hôm nay (21/7), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam điều phối các hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hành khách theo phương án 2 đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sẽ dừng khai thác các đường bay Cần Thơ – Hà Nội và ngược lại, Phú Quốc – Hà Nội và ngược lại. Đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội chỉ khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày.
Quyết định trên áp dụng ngay từ 0 giờ ngày 22/7 cho đến khi có thông báo mới.
Từ 0 giờ ngày 22/7, đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội chỉ khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày
TP Đà Nẵng đẩy mạnh việc thực hiện giãn cách xã hội từ 12h ngày 22/7
Ngày 21/7 Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng đã thống nhất cần thiết phải đẩy mạnh việc thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố với việc bổ sung nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm khống chế đẩy lùi dịch bệnh.
Cụ thể, bắt đầu từ 12h trưa mai (22/7), người dân sẽ được yêu cầu ở nhà, chỉ được ra khỏi nhà để đi làm việc tại các cơ quan, công sở nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện hoặc để mua các lương thực thực phẩm, thuốc men, khám chữa bệnh, cấp cứu nhưng phải giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp; không được tập trung quá 2 người ngoài khu vực công sở, bệnh viện, nhà máy.
Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 1.8 triệu dân
Ngày 21/7, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch hỏa tốc số 3346/KH-UBND về việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng COVID-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm Realtime-PCR cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, đợt này toàn tỉnh sẽ triển khai lấy mẫu xét nghiệm PCR và test nhanh kháng nguyên cho gần 1,8 triệu người dân đang sinh sống, làm việc (bao gồm cả tạm trú và công nhân lao động) trên địa bàn tỉnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu sàng lọc cho người dân
Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế tối 21/7 cho biết có thêm 2.570 ca mắc COVID-19, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất với 1.817 ca. Tổng số ca mắc trong ngày là 5.357
Tính từ 6h đến 19h30 ngày 21/7 có 2.570 ca mắc mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 2.568 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1.817), Bình Dương (307), Đồng Tháp (109), Đồng Nai (85), Long An (52), Hà Nội (38), Tây Ninh (30), Ninh Thuận (22), Phú Yên (21), Vĩnh Phúc (18), Cần Thơ (16), Trà Vinh (10), Bình Thuận (7),
Bình Định (6), Sóc Trăng (6), Bắc Ninh (4), Đắc Lắc (4), Lâm Đồng (3), Quảng Ngãi (3), Nghệ An (3), Hưng Yên (3), Lạng Sơn (2), Phú Thọ (1), Thanh Hóa (1) trong đó có 688 ca trong cộng đồng.
– Trong ngày 21/7 có 5.357 ca mắc mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 5.343 ca ghi nhận trong nước, riêng TP.Hồ Chí Minh là 3556.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
– Tính đến chiều ngày 21/7, Việt Nam có tổng cộng 68.177 ca mắc, trong đó có 2.099 ca nhập cảnh và 66.078 ca mắc trong nước.
– Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 64.508 ca, trong đó có 9.197 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
– Có 10/60 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Tình hình điều trị
– 528 bệnh nhân được công bố khỏi bênh trong ngày 21/7.
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 11.971 ca.
– Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 123 ca.
– Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Tình hình xét nghiệm
– Trong 24 giờ qua đã thực hiện 93.160 xét nghiệm cho 367.291 lượt người.
– Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.754.692 mẫu cho 12.853.317 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.336.833 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.019.161 liều, tiêm mũi 2 là 317.672 liều.
Thêm 6 ca COVID-19 cộng đồng, Hà Nội có 46 ca COVID-19 trong ngày 21/7
Chiều ngày 21/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc mới trong cộng đồng thuộc chùm ca bệnh Tân Mai – Hoàng Mai. Như vậy, tính từ sáng ngày 21/7 tới 18h ngày 21/7, Hà Nội ghi nhận thêm 46 ca COVID-19.
Các địa phương nâng cao công tác cấp cứu, hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19
Chiều ngày 21/7 tại Cục quản lý Khám chữa bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã chủ trì cuộc họp góp ý Đề án Tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Đề án xây dựng trên nguyên tắc các bệnh viện, các địa phương đều phải phát triển cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng không chỉ tình hình dịch mà còn cho các bệnh lý không lây nhiễm khác. Tuy nhiên cần chọn lựa các bệnh viện có năng lực chuyên môn “nhỉnh” hơn để huy động, là cánh tay nối dài của Bộ Y tế để đáp ứng hỗ trợ các địa phương khác.
Các chuyên gia họp Đề án Tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng.
Bộ trưởng Bộ Y tế: Không để hệ thống y tế quá tải, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong
Cuối giờ chiều ngày 21/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với các lực lượng của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An để triển khai công tác phòng chống dịch.
Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 cuối giờ chiều 21/7, tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: song song với việc giảm số ca mắc thì việc giảm tỷ lệ tử vong được coi là nhiệm vụ ưu tiên.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng gửi lời động viên, đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng cán bộ của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Bộ Y tế – Ảnh:Trần Minh
Hà Nội đủ năng lực triển khai chiến dịch tiêm 200.000 mũi vắc xin COVID-19/ngày
Ngày 21/7, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, Hà Nội có đủ năng lực thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 ngay khi được phân bổ. Để đảm bảo tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày, Hà Nội đã có sẵn 704 dây chuyền tiêm, sẽ bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới và thiết bị bảo quản vắc xin COVID-19 đáp ứng với tất cả các loại vắc xin COVID-19.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội
Tổ công tác Bộ Y tế giúp doanh nghiệp ở TP.HCM có nhiều ca nhiễm COVID-19 ứng phó với dịch bệnh
Để ứng phó với trường hợp xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, ngày 21/7, Tổ công tác của Bộ Y tế đã có nhiều tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp ở TP.HCM.
Kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ cao về dịch bệnh, Tổ công tác đã có những điều chỉnh, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh. Nhiều công ty còn chưa có kế hoạch phân công cụ thể nhiệm cho các thành viên trong Tổ COVID-19 của doanh nghiệp.
Tổ công tác Bộ Y tế khảo sát doanh nghiệp có nhiều ca nhiễm COVID-19 ở TP.Thủ Đức
Đắk Lắk áp dụng Chỉ thị 16 đối với xã biên giới Ea Bung
Từ 2h ngày 21/7/2021, UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đã chỉ đạo xã Ea Bung áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn xã biên giới này.
Huyện Ea Súp yêu cầu xã Ea Bung căn cứ tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn xã để chủ động thành lập chốt kiểm soát, cách ly, phong tỏa các thôn có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16. Thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Ngành Y tế huyện Ea Súp phun hóa chất khử khuẩn.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống dịch COVID-19
Ngày 21/7, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các Đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình cấp bách hiện nay, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu:
Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế – xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Các địa phương cần xây dựng kịch bản, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: Phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị…
Bộ Y tế công bố 36 ca tử vong do COVID-19 từ ngày 17-20/7
Chiều 21/7, Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo 36 ca tử vong do COVID-19 số 335-370, trong đó TP Hồ Chí Minh nhiều nhất với 32 ca. Hầu hết các ca tử vong đều có bệnh lý nền nặng.
Đây là các bệnh nhân tử vong từ ngày 17-20/7/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và Long An.
Chen chúc chờ xét nghiệm COVID-19 dịch vụ ở Hà Nội
Ngày 21/7, rất đông người dân đã chen nhau trước cửa Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai Hà, Nội) để chờ xét nghiệm COVID-19 dịch vụ.
Người dân tập trung để đăng ký xét nghiệm COVID-19 nhưng không tuân thủ các biện pháp 5K của Bộ Y tế.
Tại đây diễn ra tình trạng người dân chen chúc nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Trước tình trạng chen lấn chờ lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên bảo vệ của Viện cho biết có phương án nhắc nhở, giãn cách nhưng nhu cầu người dân quá lớn dẫn đến quá tải khiến lực lượng bảo vệ cũng bất lực.
Người dân tập trung để đăng ký xét nghiệm COVID-19 nhưng không tuân thủ các biện pháp 5K của Bộ Y tế.
Đồng Nai tiếp tục ghi nhận ca mắc mới liên quan công ty Changsin
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, sáng 21/7, Đồng Nai ghi nhận thêm 215 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, TP. Biên Hòa có 118 ca, chủ yếu thuộc các phường đang phong tỏa như Trảng Dài 15 ca, Bửu Long 15 ca, Hóa An 14 ca, Long Bình 12 ca, Hòa Bình 10 ca…
CDC Đồng Nai nhậ định, tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới liên quan đến công ty Changsin; các ca dương chủ yếu trong các khu nhà trọ tại xã Thạnh Phú, có thể không liên quan đến ổ dịch tại công ty Changshin hoặc có thể là nguồn lây nhiễm vào công ty…
Lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan đến công ty Changsin
Thanh Hóa: Công dân trở về tỉnh phải làm test nhanh kháng nguyên và tự trả phí xét nghiệm
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam và trong địa bàn tỉnh đã có những ca lây nhiễm từ người trở về tại vùng dịch. Tối 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra công điện khẩn về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, từ 0h00 ngày 21/7/2021, tất cả công dân từ các tỉnh, thành phố đến Thanh Hóa lưu trú hoặc công dân trong tỉnh đi ra ngoài tỉnh ngay sau khi trở về nếu không có giấy chứng nhận đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR trong vòng 72 giờ thì phải làm test nhanh kháng nguyên với COVID-19 và phải tự trả phí xét nghiệm. Miễn phí test nhanh cho người trên 65 tuổi; trẻ em dưới 12 tuổi; gia đình chính sách; hộ nghèo; thương binh; bệnh binh.
Người dân trở về từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thể làm test nhanh tại chốt kiểm dịch Dốc Xây (Thị xã Bỉm Sơn).
Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 khẩn trương nhất
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19, để tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả và hỗ trợ kịp thời người lao động, người sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cần hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 một cách khẩn trương nhất. Ảnh minh họa
Trưa 21/7, Hà Nội ghi nhận 14 trường hợp mắc mới
Theo Trung tâm kiếm soát bệnh tật Hà Nội, trong 14 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận, có 04 trường hợp tại Quốc Oai phát hiện qua xét nghiệm sảng lọc người ho, sốt tại cộng đồng, 04 trường hợp liên quan chùm ca bệnh tại Trại Găng, Hai Bà Trưng, 03 trường hợp người về từ TP Hồ CHí Minh, 02 trường hợp liên quan chùm ca bệnh tại Tân Mai – Hoàng Mai, 01 trường hợp tại Công ty SEI liên quan chùm ca bệnh tại Bắc Giang.
Quảng Bình: Ghi nhận 3 ca dương tính với SARS-CoV-2
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình xác nhận tỉnh này đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng.
Theo đó, Các ca mắc COVID-19, gồm: H.T.H. (SN 1993), Đ.T.C. (SN 1993) và C.H. (SN 2002), cả 3 cùng trú ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.
Tiến độ thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam Nano Covax
Học viện Quân y cho biết hiện vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax giai đoạn 3 đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 cho hơn 1.000 tình nguyện viên đầu tiên. Ngày 27/7 tới đây sẽ tiến hành tiêm mũi 2 cho 12.000 tình nguyên viên còn lại.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống sáng 21/7, Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau khi tiêm, hơn 1.000 tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến.
Các tình nguyện viên được lực lượng y, bác sĩ gọi điện để hướng dẫn nhập dữ liệu nhật ký theo dõi điện tử hằng ngày (eDiary) liên quan đến tác dụng phụ (nếu có) sau khi tiêm thử nghiệm.
Tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax cho người tình nguyện
Trọng Đoàn tổng hợp