Thứ trưởng Bộ Y tế: Đồng Nai phải làm tốt công tác điều trị, cần bảo vệ thầy thuốc tuyến đầu
Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đoàn công tác của Bộ Y tế đã về kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của BVĐK Thống Nhất và BVĐK tỉnh Đồng Nai.
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ thầy thuốc tỉnh Đồng Nai đang ngày đêm chống dịch, GS.TS Trần Văn Thuấn mong muốn thầy thuốc của 2 bệnh viện tiếp tục nỗ lực hơn nữa, rà soát và luôn chuẩn bị đầy đủ TTB-VTYT, thiết lập ngay Telehealth để thầy thuốc tuyến trên như BV ĐH Y Hà Nội, BV Bạch Mai sẵn sàng hỗ trợ từ xa…
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh Đông Nam Bộ chống dịch COVID-19 làm việc với lãnh đạo BVĐK tỉnh Đồng Nai
Thông tin các ca mắc mới:
– Tính từ 6h đến 19h ngày 27/7 có 5.149 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4.469), Đồng Nai (120), Long An (75), Bình Dương (79), Đồng Tháp (154), Cần Thơ (54), Bình Thuận (45), Đà Nẵng (26);
Phú Yên (23), Sóc Trăng (22), Hà Nội (19), Ninh Thuận (13), Vĩnh Phúc (11), Gia Lai (5), Đắk Nông (5), Bình Định (4), Huế (4), Quảng Nam (3), Hậu Giang (3), Quảng Ngãi (3), Kon Tum (2), Lạng Sơn (2), Kiên Giang (2), Thái Nguyên (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1), Lâm Đồng (1), Hà Tĩnh (1), Đắk Lắk (1) trong đó có 525 ca trong cộng đồng.
Trong ngày 27/7 có 7.913 ca mắc mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 7.911 ca ghi nhận trong nước.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
– Tính đến chiều ngày 27/7, Việt Nam có tổng 114.260 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 ca mắc trong nước.
– Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 110.487 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
– Có 07/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
– Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Hà Nội ghi nhận 76 ca bệnh trong 24 giờ qua
Cập nhật vào 18h ngày 27/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 27/7 , Hà Nội ghi nhận 21 bệnh nhân mắc mới trong đó 12 ca tại cộng đồng và 09 tại khu cách ly tập trung.
Tính từ 18h ngày 26/7 đến 18h ngày 27/7, Hà Nội có tổng cộng 76 ca mắc COVID-19 mới trong đó có 45 ca tại cộng đồng và 31 ca tại khu cách ly.
Chi tiết các ca mắc mới tại Hà Nội xem tại đây
Hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện chống dịch COVID-19 có mặt tại TP Hồ Chí Minh
Cuối giờ chiều 27/7, thông tin từ Bộ phận thường trực đặc biệt phía Nam của Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này đã có hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện có mặt tại TP Hồ Chí Minh, đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực với tổng số 3.969 người, trong đó, 700 bác sĩ, 1.553 điều dưỡng, 78 Kỹ thuật viên, 9 nhân viên y tế khác và 1.629 sinh viên.
Cụ thể: Đợt 1, thành phố đã tiếp nhận 3.671 người, gồm: 612 bác sĩ, 1362 điều dưỡng, 68 kĩ thuật viên và 1.629 sinh viên.
Đợt 2, thành phố tiêp nhận 289 người, gồm: 88 bác sĩ, 191 điều dưỡng và 10 kĩ thuật viên.
Y bác sĩ Quảng Bình tình nguyện lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch
3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vắc xin COVID-19 đã được ký kết
Chiều 27/7, trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống, TS Nguyễn Ngô Quang- Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vắc xin COVID-19 với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết.
Theo đó, Vabiotech cùng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản, đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19.
Công nghệ vắc xin được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System), tức công nghệ sản xuất vắc xin tái tổ hợp. Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vắc xin và công nghệ.
Hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 3 được xuất viện
Bệnh viện Dã chiến số 3 TP Hồ Chí Minh (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP. Thủ Đức) mới đi vào hoạt động được 3 tuần, nhưng nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã giúp nhiều bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.
Sau 3 tuần hoạt động, tổng cộng hơn 1.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, cho xuất viện. Riêng trong ngày 27/7 có hơn 300 bệnh nhân được ra viện. Dự kiến trong thời gian sắp tới sẽ nhận các ca bệnh mới từ các khu cách ly tập trung chuyển đến.
Xúc động cảnh tiêm chủng an toàn cho người già, người nhiều bệnh nền
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (tiền thân là Bệnh viện Quận 2, TP.HCM) được phân công là đơn vị trọng điểm tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho người trên 65 tuổi, người có nhiều bệnh nền ở Thành phố Thủ Đức.
Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiêm cho từ 300-400 người. Để bảo đảm tính an toàn cao trong quá trình tiêm, tất cả người lớn tuổi được test nhanh với COVID-19.
Đảm cao an toàn cao nhất cho những đối tượng là người cao tuổi tiêm chủng
Đồng Nai bắt đầu thực hiện cách ly F1 tại nhà
TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai từ ngày 27/7/2021, chính thức bắt đầu thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà. Hiện nay, thống kê sơ bộ của TP Biên Hòa, có khoảng 4.000 người thuộc diện F1 phải thực hiện cách ly tập trung. Tuy nhiên, số cơ sở cách ly của TP cũng như của các phường, xã đã bắt đầu quá tải.
Để thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, TP Biên Hòa yêu cầu tăng cường trách nhiệm của tổ dân phố, Tổ COVID cộng đồng, tổ chức quản lý, giám sát nghiêm việc cách ly y tế tại nhà, không để người được cách ly đi ra khỏi phòng cách ly. Giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly.
Hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm quy định cách ly F1 tại nhà
230 người tiêm tiêm thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax mũi 2 giai đoạn 3
Chiều 27/7, PGS.TS Chử Văn Mến giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân Y- cho biết, đến thời điểm này có khoảng 230 tình nguyện viên giai đoạn 3 đã tiêm mũi 2 vắc xin Nano Covax phòng COVID-19.
230 tình nguyện viên này nằm trong số 12.000 tình nguyện viên còn lại của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 3b. Đợt tiêm thử nghiệm này được thực hiện sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho 1.004 tình nguyện viên (đợt 3a) trước đó.
Thông báo Khẩn: Tìm người đến BV Phổi Hà Nội
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người đã đến: khám, chữa bệnh, làm việc, liên hệ công tác, có liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người đã đến: khám, chữa bệnh, làm việc, liên hệ công tác, có liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội trong thời gian từ ngày 06/07/2021 đến ngày 25/07/2021.
Người đã đến Bệnh viện phổi Hà Nội trong thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số:
0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 (CDC Hà Nội).
Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Bộ Y tế có Quyết định số 3588/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin COVID-19 để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.
Hầu hết các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa hai liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất), cụ thể:
– Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2: 8-12 tuần
– Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần
– Vắc xin Comirnaty: Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần
– Vắc xin SARSCoV-2 Vaccine: Mũi 1 cách mũi 2: 3-4 tuần
– Vắc xin COVID-19 Vaccine Moderna: Mũi 1 cách mũi 2: 4 tuần
TP.HCM: Người lao động phải mang thẻ và giấy phân công nhiệm vụ khi lưu thông trên đường
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã ban hành văn bản số 8087/SGTVT-KT về việc thực hiện tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tham gia lưu thông trên đường phải mang thẻ ngành nơi đơn vị công tác, mặc đồng phục (nếu có), giấy phân công, lệnh điều động hoặc các giấy tờ có liên quan đến công tác để thuận lợi trong công tác nhận diện, kiểm tra và xác minh của lực lượng chức năng trên đường .
Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát người tham gia lưu thông trên đường
87 nhân viên y tế BV Hùng Vương TP.HCM nhận nhiệm vụ tại BV Dã chiến số 16
Thông tin từ BV Hùng Vương TP.HCM, ban lãnh đạo bệnh viện vừa điều động 87 nhân sự gồm 3 lãnh đạo, 8 quản lý, 25 bác sĩ, 47 hộ sinh – điều dưỡng – kỹ thuật viên và 4 nhân viên hành chính lên đường đến với BV Dã chiến số 16.
BV Thu dung điều trị COVID-19 số 16 (BV Dã chiến số 16) tại Q. 7, TP.HCM với quy mô 2.800 giường dự kiến sẽ nhận bệnh nhân từ ngày 28/7.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết động viên tinh thần đội ngũ nhân sự trước khi lên đường đến BV Dã chiến số 16. Ảnh: Thành Nhân
Các bệnh viện tư ở TP HCM chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19
Hưởng ứng lời kêu gọi trong Thư ngỏ của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM chống dịch, nhiều bệnh viện tư trên địa bàn TP.HCM như BV Hoàn Mỹ Thủ Đức, BV Triều An, BV Xuyên Á, BV Nam Sài Gòn đã đăng ký chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Hiệp Lợi tham gia tiêm chủng.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19
Nghệ An: Phong tỏa tạm thời bệnh viện sau khi phát hiện hiện 2 nhân viên nhiễm COVID-19
Ngay sau khi phát hiện có 2 nhân viên dương tính khi thực hiện test nhanh COVID-19, 01 bệnh viện ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã tạm thời phong tỏa để chống dịch.
Bệnh viện ĐK Minh An đang phong tỏa tạm thời để triển khai phòng, chống dịch
Xử lý nghiêm hành vi phát tán tung tin sai lệch sự thật ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhằm tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí.
Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân phát tán tung tin sai lệch sự thật ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch.
29 nhân viên y tế Quảng Bình tình nguyện vào TP.HCM chống dịch
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM đang diễn biến hết sức phức tạp, 29 nhân viên y tế thuộc 8 bệnh viện tuyến huyện/thành phố- Sở Y tế Quảng Bình và Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (trực thuộc Bộ Y tế) đã viết đơn tình nguyện vào TP.HCM chống dịch.
Đoàn tình nguyện gồm 14 bác sĩ và 15 điều dưỡng, trong đó, có 17 nhân viên y tế thuộc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới và 12 nhân viên y tế thuộc Sở Y tế.
Đoàn y bác sĩ Quảng Bình trước giờ lên đường
Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam: Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 đúng hướng
Theo Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 là con đường thiết yếu để ngăn chặn thành công sự lây lan của virus. Hiện virus có khả năng biến đổi và làm gia tăng mức độ lây nhiễm ở các quốc gia. Sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể giúp cho nhiều người trong cộng đồng được tiêm phòng. Hành trình này không hề dễ dàng. Hiện đã có hàng triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 về tới Việt Nam. Tiêm phòng là giải pháp mang tính lâu dài.
BS Eric Dziuban cũng cho rằng TP.HCM đang áp dụng mô hình đúng đắn trong việc phân bổ nguồn lực y tế, điều trị ca dương tính theo 2 mức: mức nặng nhập viện và mức nhẹ điều trị tại nhà. Đây là mô hình được coi là thành công nhằm giảm tình trạng quá tải cho hệ thống y tế xét về mặt dịch tễ học. Những ca mắc nhẹ, không có triệu chứng được điều trị tại nhà dưới sự theo dõi của nhân viên y tế nhằm giảm áp lực cho bệnh viện. Việc chia điều trị theo cấp độ là mô hình phù hợp.
BS. Eric Dziuban trả lời trực tuyến các nhà báo từ văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
Bệnh viện E xuất quân chi viện cho TP. Hồ Chí Minh
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh, chiều ngày 26/7, Bệnh viện E đã tổ chức lễ xuất quân lên đường tiếp sức cho TP. Hồ Chí Minh phòng chống dịch COVID-19.
Đoàn công tác của bệnh viện gồm 45 y bác sĩ của nhiều khoa như tim mạch, gây mê hồi sức, gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch, phẫu thuật cột sống, hô hấp, cơ xương khớp, tiêu hóa, gan mật… do TS.BS Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E làm trưởng đoàn.
Đoàn công tác được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi lên đường.
2.100 cán bộ y tế đăng ký tình nguyện cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19
Bộ phận Thường đặc biệt của Bộ Y tế cho biết, tính đến 18h ngày 26/7- ngày thứ hai từ khi PGS.TS, Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh kêu gọi các đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế chung tay tham gia chống dịch hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, đã có hơn 2 ngàn lượt người đăng ký, trong đó tình nguyện viên ngụ tại TP Hồ Chí Minh gần 1.900 người; các tỉnh khác hơn 200 người.
Đối tượng là bác sĩ gần 300 người; Điều dưỡng gần 400; Dược sĩ gần 200 người và các ngành nghề khác là 800 người.
Độ tuổi tham gia tình nguyện viện rất phong phú: Dưới 20 tuổi: 80 người; Từ 20-50 tuổi: hơn 1.800 người; Trên 50 tuổi: hơn 120 người.
Nguyễn Thị Thanh Huyền Tổng hợp