Một số bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa hè và cách phòng tránh

(CDC Hà Nam)

Do đặc điểm khí hậu thời tiết nước ta, cứ đến mùa hè, nhiều bệnh dịch lại phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe, như bệnh: tiêu chảy cấp, thủy đậu, tay chân miệng, quai bị,  sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,… Đặc biệt, trong các năm gần đây, trước những biến đổi về khí hậu, nước ta đang phải đối mặt với dịch sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết. Vì vậy, người dân cần quan tâm và chủ động phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm này.

Biện pháp để phòng bệnh chung cho bệnh dịch trong mùa hè, mùa mưa bão sắp tới là: Mọi người dân cần tăng cường sức khoẻ và khả năng phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin; có chế độ làm việc, sinh hoạt, luyện tập thể thao và nghỉ ngơi hợp lý. Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ các bệnh trên, phải đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan ra người thân và cộng đồng.

Sau đây là một số biện pháp hướng dẫn người dân tự phòng chống một số bệnh dịch hay gặp:

  1. Tiêu chảy cấp: Có thể là tiêu chảy thường hoặc tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả, thương hàn,.. Tiêu chảy thường do nhiễm vi rút, hoặc các loại vi khuẩn thông thường, bệnh thường nhẹ hơn và ít gây thành dịch lớn so với tiêu chảy do phẩy khuẩn tả. Bệnh tả là bệnh tối nguy hiểm, có thể gây tử vong cao. Mùa hè có khí hậu nóng ẩm nên các loại vi khuẩn dễ phát triển trong thực phẩm, thức ăn, làm cho thức ăn nhanh bị hỏng, bị ôi, thiu là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp bị tiêu chảy. Mặt khác, sau những ngày mưa bão, lũ lụt thì các vi khuẩn càng có điều kiện sinh sôi, phát tán trong môi trường đất, nước, thực phẩm làm cho số người mắc tiêu chảy càng tăng cao.

Để phòng bệnh tiêu chảy, chúng ta cần tăng cường vệ sinh cá nhân, bảo vệ và dùng nước sạch. Đặc biệt là mùa mưa bão, sát khuẩn nước bằng Cloramin B, không đổ chất thải, nước giặt, rửa xuống giếng, ao, hồ, sông suối. Bảo đảm vệ sinh thực phẩm, như: ăn chín, uống chín, không ăn rau sống, không uống nước lã, không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn như: tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua. Bên cạnh đó, tránh tập trung ăn uống đông người trong các dịp ma chay, cưới xin, cúng giỗ,.. hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

  1. Bệnh Tay chân miệng: Là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút Coxsackie A và virusEnterovirus 71 (EV-71) gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, thường gặp trẻ nhỏ và dễ phát triển thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Là bệnh chưa có vắc xin dự phòng, nên để phòng bệnh, chúng ta cần: Thường xuyên rửa tay cho trẻ và cho người chăm sóc trẻ bằng nước sạch với xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vệ sinh cho trẻ. Hàng ngày, làm sạch sàn nhà và đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường với nước sạch. Thu gom và xử lý phân, chất thải của trẻ đúng cách. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. Dùng riêng thìa, bát, cốc uống nước cho trẻ.

  1. Bệnh sốt xuất huyết: Là bệnh nhiễm vi rút sốt xuất huyết Dengue cấp tính do muỗi vằn truyền (Muỗi Aedes). Muỗi vằn thường đẻ trứng và nở thành bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà, nơi chứa nước tự nhiên, như: hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa; các vật dụng chứa nước sinh hoạt để lâu ngày, như: chum vại, bể nước mưa, lọ hoa hoặc các đồ phế thải chứa nước như lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa… Bệnh sốt xuất huyết có thể gây tử vong và gây thành dịch lớn, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy bằng cách thường xuyên thu gom, tiêu huỷ các đồ phế thải chứa nước, như: lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa. Thường xuyên thau rửa chum vại, bể nước mưa, lọ hoa, úp ngược vật dụng chứa nước không dùng, như: xô, châu, chén bát,.. Tổ chức phun hoá chất diệt muỗi quy mô cộng đồng hoặc phun diệt muỗi trong nhà bằng các bình xịt muỗi cầm tay.

  1. Bệnh viêm não Nhật Bản: Là bệnh do một loại vi rút có tên là vi rút viêm não Nhật Bản gây nên. Trung gian truyền bệnh là muỗi Culex, một loại muỗi thường sống ở các vùng có nhiều ao tù và đồng ruộng lúa nước. Ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản thường là lợn, dơi, chim hoang dã. Bệnh viêm não Nhật Bản thường có tỷ lệ mắc cao vào mùa hè, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời và có thể gây thành dịch lớn.

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể phòng bệnh bằng cách: Tiêm vắc xin phòng bệnh, thường chỉ tiêm cho trẻ em, mỗi trẻ cần tiêm đủ 3 mũi theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Ngoài ra cần thực hiện các biện pháp chống muỗi đốt và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, như: thả cá tại các ao hồ, ruộng lúa nước để diệt bọ gậy, làm chuồng gia súc xa nhà.

  1. Bệnh Thủy đậu: Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch. Bệnh rất dễ lây truyền, chủ yếu lây qua đường tiếp xúc và thường xảy ra ở trẻ em, Ở Việt Nam, bệnh thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Bệnh có biểu hiện sốt và nổi các nốt phỏng trên mặt da, dải rác toàn thân, nhất là ở da đầu, mặt, ngực lưng và bụng. Trường hợp nặng có thể kèm theo nốt phỏng và xuất huyết. Có biểu hiện kém ăn đối với trẻ nhỏ. Mặc dù là bệnh truyền nhiễm lành tính, nhưng dễ có các biến chứng: Nhiễm khuẩn mụn phỏng nước gây nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não,..

Để phòng bệnh thủy đậu, thì trẻ và người dân cần được đến các cơ sở y tế để tiêm chủng phòng bệnh, cùng với đó là các gia đình cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh ẩm thấp, quần áo mặc phải được khô giáo, thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng, tai mũi họng và nâng cao thể trạng.

Thạc sỹ Trần Đắc Tiến

Phó khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm

Bài viết liên quan

Trưa 3/6: Thêm 96 ca mắc COVID-19 trong nước tại 5 địa phương

Ngọc Nga

Sáng 9/4: Có 1 ca mắc COVID-19 tại Bắc Ninh, hơn 56.300 người Việt đã tiêm vắc xin

Ngọc Nga

Những điều cần biết về liều vaccine COVID-19 tăng cường

Ngọc Nga

Để lại bình luận