Tổ COVID-19 cộng đồng sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”
Kích hoạt “lá chắn” cộng đồng
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đà Nẵng đã kích hoạt lại hơn 1.600 tổ COVID-19 cộng đồng tại 56 xã, phường. Tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nơi công cộng, các chợ, các điểm chốt ở bãi biển, nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh trên bình diện rộng. Đồng thời, tổ xử phạt liên ngành cũng tiến hành xử phạt đối với những trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch nơi công cộng.
Bà Lê Thị Thuận – Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết, phường có tất cả 37 tổ phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng, tất cả đã được kích hoạt ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Song song với công tác tuyên truyền, các tổ sẽ triển khai tuần tra trên địa bàn, tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm. Các tổ đã tuyên truyền đến tận khu dân cư về tình hình dịch bệnh, để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế.
Chị Trần Thị Trang, nhân viên cửa hàng kinh doanh quần áo ở phường Hải Châu 2, nói: “Tổ COVID-19 của phường hoạt động rất nhanh, hiệu quả. Các chủ trương của thành phố, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đều được các thành viên trong tổ kịp thời tuyên truyền đến từng người dân. Qua đó, tôi cũng nâng cao ý thức hơn và hướng dẫn, thông tin cho những người trong gia đình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”.
Tổ COVID-19 cộng đồng là cánh tay nối dài của các lực lượng
Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, TP Hội An cũng đã kích hoạt tất cả 54 tổ giám sát cộng đồng tại 54 thôn, khối phố để tăng cường công tác phòng ngừa, truy vết, theo dõi, cách ly các trường hợp F1, F2 trong cộng đồng.
Tại TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng yêu cầu kích hoạt các Tổ COVID-19 cộng đồng để không ngừng nâng cao tính hiệu quả trong phòng, chống dịch, nâng mức độ cảnh giác với dịch bệnh, khi tình hình dịch bệnh đang có nhiều diến biến phức tạp.
Mô hình sáng tạo và hiệu quả
Theo các chuyên gia, Tổ COVID-19 cộng đồng là một mô hình sáng tạo và hiệu quả trong việc vận dụng sức mạnh toàn dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nước ta.
Trong đợt dịch tại miền Trung vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, các địa phương ở miền Trung thông qua công tác dân vận đã thành lập được hàng vạn tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Điều này đồng nghĩa có thêm được gần 3 vạn người dân trực tiếp tham gia phòng, chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng.
Tùy theo đặc điểm của từng địa phương mà có sự khác nhau trong thành phần, số lượng người dân tham gia các tổ COVID-19 cộng đồng. Mỗi tổ thường có 2-5 người, có thể là tình nguyện viên tại khu dân cư, cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể… Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách khoảng từ 40 đến 60 hộ gia đình, có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.
Nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng, chống dịch
Hằng ngày, tổ COVID-19 cộng đồng sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay qua điện thoại cho chính quyền địa phương và đơn vị y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; mất ngủ hoặc đau ngực, khó thở… Hỏi và phát hiện những trường hợp đi từ vùng có dịch COVID-19 về.
Đồng thời, các thành viên tổ cũng thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình: Thực hiện thông điệp 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”; Ở nhà, hạn chế đi ra ngoài khi không thực sự cần thiết.…
Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính trị, lực lượng chức năng, đội ngũ xét nghiệm, y, bác sĩ… trong phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ “Tổ COVID-19 cộng đồng” cũng ngày đêm không quản vất vả, tranh thủ từng phút, từng giờ để vào cuộc kịp thời, với quyết tâm mạnh mẽ, khẩn trương nhất.
GS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từng nhận định: Tổ COVID-19 cộng đồng là vũ khí lợi hại bởi việc phòng, chống dịch phải dựa vào nhân dân, từng gia đình, từng cá nhân… Chúng ta coi chống dịch như chống giặc, cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân. Cuộc chiến này cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân, để tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống dịch. Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó.
CDC Hà Nam