Quyết định tiêm chủng đúng
Chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng và không có các yếu tố phải trì hoãn hoặc thận trọng.
Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có các yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng.
Chuyển tiêm và theo dõi tại bệnh viện cho những trường hợp có các yếu tố thận trọng.
Không tiêm đối với những trường hợp có chống chỉ định tiêm chủng.
Theo dõi sau tiêm chủng
Các đối tượng sau khi tiêm cần được theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút tại điểm tiêm, và việc theo dõi này phải được thực hiện bởi cán bộ y tế. Đối tượng được tiêm cũng cần chú ý đến những thay đổi bất thường trong cơ thể của mình như nổi mày đay, ngứa, hay tức ngực, khó thở…. Và cần thông báo ngay với nhân viên y tế về những vấn đề mà mình đang gặp phải. Sau đó, cán bộ y tế hướng dẫn đối tượng tiêm chủng cách theo dõi tại nhà ít nhất 7 ngày sau khi tiêm và đối tượng được tiêm cần phải thực hiện nghiêm túc và thông báo ngay đến cơ sở y tế khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Các triệu chứng này sẽ được hệ thống y tế ghi nhận, báo cáo và theo dõi và xử trí theo phác đồ quy định.
Sau tiêm vắc-xin COVID-19 nếu cơ thể có phản ứng bất thường phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.
Trong phần lớn các trường hợp, người đi tiêm chỉ gặp chút khó chịu trong ngày đầu sau tiêm, dấu hiệu tại chỗ như đau, sưng hay toàn thân như cảm giác gai rét, sốt, chóng mặt sẽ qua nhanh. Do đó, những dấu hiệu này thường không được ghi nhận. Tuy nhiên, ngay cả một số trường hợp sốt cao phải dùng thuốc mới hạ sốt cũng đôi khi bị bỏ qua và không báo lại cho đơn vị tiêm chủng gây ước lượng sai về mức độ các phản ứng thông thường sau tiêm. Bộ Y tế khuyến cáo người được tiêm chủng cần thông báo lại toàn bộ những phản ứng thông thường để giúp cơ quan quản lý có những đánh giá đúng về vắc xin.
Như vậy, an toàn trong tiêm chủng vắc xin COVID – 19 sẽ được thực hiện nếu các quy định trong công tác triển khai tiêm chủng, đặc biệt là những thay đổi trong công tác khám sàng lọc được cập nhật và phải triển khai một cách nghiêm túc.
Trước tình hình một số người được tiêm phản ứng hơi quá do lo sợ tiêm chủng, việc theo dõi những phản ứng cần kèm theo tư vấn đầy đủ về đặc điểm vắc xin, các triệu chứng có thể gặp cũng như làm công tác tư tưởng cho người được tiêm. Đơn vị tiêm chủng cũng cần chủ động liên hệ với đối tượng được tiêm để ghi nhận những biến cố bất lợi nhằm bảo đảm an toàn chung cho công tác tiêm chủng cũng như đảm bảo cho sự thành công của chiến dịch.
Anh Đức tổng hợp