Trưa 31/8: Có 20 bệnh nền cần được điều trị tại bệnh viện khi mắc COVID-19; Quảng Bình thêm 95 ca mắc

(CDC Hà Nam)
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chăm sóc người nhiễm COVID-19 có 20 bệnh nền cần được điều trị tại bệnh viện khi mắc COVID-19. Chiều 31/8, Bộ Y tế đưa vào hoạt động Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 quy mô 500 giường tại Hà Nội.
20 bệnh nền cần được điều trị tại bệnh viện khi mắc COVID-19

Bộ Y tế đã có Quyết định về việc ban hành Tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19. Theo Hướng dẫn này, người có các bệnh nền sau khi nhiễm COVID-19 cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện:

1. Đái tháo đường.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác.

3. Ung thư.

4. Bệnh thận mạn tính

5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

6. Béo phì, thừa cân.

7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).

8. Bệnh lý mạch máu não.

9. Hội chứng Down.

10. HIV/AIDS.

11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ).

12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác.

13. Hen phế quản.

14. Tăng huyết áp

15. Thiếu hụt miễn dịch.

16. Bệnh gan.

17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.

18. Đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

19. Các bệnh hệ thống.

20. Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên, thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh hoặc mắc phải.

Bộ Y tế lưu ý trường hợp người nhiễm COVID-19 có các bệnh nêu trên và nếu đang mang thai cần báo cho nhân viên y tế biết để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Chiều 31/8: Bộ Y tế đưa vào hoạt động Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 quy mô 500 giường tại Hà Nội

Chiều nay 31/8, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (gọi tắt là Bệnh viện điều trị COVID-19 – Y Hà Nội), với quy mô 500 giường bệnh tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động.

Đây là bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn).

Đồng thời Bệnh viện này cũng thực hiện chức năng của trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia với nhiệm vụ cụ thể là tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch.

Bệnh viện được thiết kế thành 19 khối nhà điều trị người bệnh COVID-19 và các khu phụ trợ về chuyên môn, hậu cần.

Quảng Bình: Thêm 95 ca mắc COVID-19 trong các khu phong tỏa, nâng tổng số mắc toàn tỉnh lên 583 ca

Quá trình triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 đại trà tại các khu cách ly, phong tỏa, trong tổng số 9.172 mẫu đã lấy trong ngày 30/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình (CDC) đã phát hiện 95 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (tính từ 18h ngày 30/8/2021 đến sáng ngày 31/82021)

Trong đó, Bố Trạch 69 ca, Đồng Hới 22 ca và Quảng Ninh 4 ca. Tất cả các ca dương tính này đều ở trong các xã, phường đã phong tỏa và F1 đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung.

Đến sáng 31/8, Quảng Bình đã ghi nhận tổng cộng 583 ca COVID-19, có 61 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Hiện còn 522 ca đang được cách ly điều trị tại Cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh, Cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 cấp 1 Trường cao đẳng Luật miền Trung và Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng thuộc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.

Để nhanh chóng “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng, sớm khống chế dịch bệnh, sáng 31/8, CDC Quảng Bình cùng đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai nhanh xét nghiệm RT-PCR diện rộng tại các khu cách ly phong tỏa.

Đồng Nai: Tiêm gần 700 nghìn liều vaccine COVID-19 trong đợt 7

Sở Y tế Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch phân bổ sử dụng vaccine phòng COVID-19 đợt 7 năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Trong đợt 7 này, từ ngày 1/9 đến 15/9, toàn tỉnh sẽ triển khai tiêm 102.558 liều vaccine Pfizer, 84.900 liều vaccine AstraZeneca và 500 ngàn liều vaccine Sinopharm.

Địa điểm tiêm chủng tại 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn; các cơ sở tiêm chủng của 11 Trung tâm y tế huyện, thành phố; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực, các bệnh viện và cơ sở tiêm chủng ngoài công lập…

Để công tác tiêm chủng diễn ra thuận lợi, đúng đối tượng, an toàn, Sở Y tế đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể cùng phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, lập danh sách đối tượng tiêm đúng đối tượng.

Đồng thời huy động các lực lượng đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các lực lượng khác tham gia, hỗ trợ công tác tiêm chủng như phân luồng, hướng dẫn người dân đi tiêm, đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

Người dân trước khi đi tiêm vaccine cần cài đặt App Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại cá nhân để cập nhật thông tin liên quan đến vấn đề tiêm chủng, hỗ trợ công tác nhập liệu thông tin tiêm chủng.

Bình Dương: TX Tân Uyên cần tổ chức hoạt động các khu cách ly thành khu điều trị COVID-19

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TX Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 30/8 tổng số ca F0 đang điều trị tại thị xã là 12.213 người, trong đó F0 điều trị tầng 2 là 399 người, F0 điều trị tầng 1 là 2.563 người.

Đáng chú ý, F0 ở 44 khu điều trị khu cách ly xã, phường là 9.251 ca đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu y, bác sĩ (chỉ có 6 bác sĩ phụ trách). Hiện thị xã đang tăng cường công tác xét nghiệm, với chủ trương “quét đi quét lại” và thực hiện xoay vòng liên tục, mục tiêu bóc tách hết F0 trên toàn địa bàn ra khỏi cộng đồng.

Dự báo, qua sàng lọc thị xã sẽ phát hiện thêm khoảng 14.000 ca mắc mới. Do vậy,TX Tân Uyên kiến nghị tỉnh xem xét chuyển 9.251 F0 ở 44 khu cách ly trên địa bàn các xã, phường lên Bệnh viện dã chiến tuyến huyện, thị, thành phố và tỉnh để giảm tải cho thị xã, đồng thời điều thêm nhân lực y tế cho thị xã…

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TX Tân Uyên, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương đã yêu cầu Cơ sở điều trị dã chiến bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa (TX Bến Cát) tiếp nhận 8.000 F0 của 44 khu cách ly trên địa bàn TX Tân Uyên, giao ngành công an và quân đội đảm nhận công tác vận chuyển bệnh nhân tuyệt đối an toàn phòng dịch, an toàn giao thông trong quá trình chuyển bệnh nhân F0.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu TX Tân Uyên tổ chức sắp xếp lại nhân lực y tế trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế một cách khoa học hơn, trong đó mô hình trạm y tế lưu động phải gắn liền với các bệnh viện, cơ sơ điều trị dã chiến tầng 1; trạm y tế lưu động phải bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Bộ Y tế; cơ số thuốc, bình oxy, nhân lực y tế bảo đảm đầy đủ… Đồng thời, Tân Uyên phải tổ chức hoạt động y tế theo hướng không còn khu cách ly, mà chỉ có khu điều trị…

Phan Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 04 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Một số hình ảnh cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lấy mẫu xét nghiệm tại Công ty Cổ phần may Kinh Bắc

CDC Hà Nam

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 13/11/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận