Nhầm tưởng 1: Vắc xin COVID-19 không an toàn
Có một số ý kiến cho rằng vắc-xin COVID-19 không an toàn. Nhưng theo nhà dịch tễ học TS. Vasileios Margaritis – Đại học Walden (Hoa Kỳ): Mặc dù vắc xin COVID-19 đã được phát triển trong một thời gian kỷ lục, nhưng đây là một trong những thành tựu lớn nhất của nghiên cứu y học. Chúng là kết quả của sự hợp tác khoa học quốc tế chưa từng có cũng như sự phân bổ nguồn nhân lực và tài chính khổng lồ.
Tất cả các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và lâm sàng đều được thực hiện tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn và tiêu chí đạo đức nghiêm ngặt nhất, mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của những người tham gia. Vắc xin nhanh chóng được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp bởi tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh.
Và ngay cả bây giờ các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục giám sát chặt chẽ quá trình tiêm chủng trên toàn thế giới để đảm bảo an toàn cho những người được tiêm chủng.
Nhầm tưởng 2: Vắc xin COVID-19 gây vô sinh
Theo nhà dịch tễ học và chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Parenting Pod, Tiến sĩ Elizabeth Beatriz, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật.
Một số phụ nữ tham gia vào các cuộc thử nghiệm vắc xin đã mang thai ngay sau khi tiêm chủng – có nghĩa là họ không bị vô sinh do vắc xin.
Điều đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ đang mang thai hoặc đang nghĩ đến việc mang thai là phải tiêm vắc-xin COVID. Bởi vì nếu họ bị nhiễm COVID-19 thì tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn nếu đang mang thai.
Nhầm tưởng 3: Nếu tiêm vắc xin khi đang mang thai, bạn sẽ bị sảy thai
Nhiều phụ nữ đã chủng ngừa khi đang mang thai đã sinh con thành công với những đứa trẻ khỏe mạnh, xinh đẹp. Điều này bao gồm những phụ nữ đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng (có thai sau khi tiêm phòng) và những phụ nữ đã tiêm phòng khi đang mang thai.
Nhầm tưởng 4: Nếu cho con bú sữa mẹ sau khi tiêm phòng, con bạn có thể tử vong
Điều này là hoàn toàn sai. Không có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh cho tuyên bố này và dựa trên cách hoạt động của vắc xin, không có lý do gì để tin rằng vắc xin có thể gây hại cho mẹ hoặc con.
Trên thực tế, có một số nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ tiêm phòng khi đang cho con bú có thể thực sự bảo vệ trẻ đang bú mẹ khỏi COVID-19 bằng cách chia sẻ các kháng thể thông qua sữa mẹ.
Những đồn thổi tai hại về vắc xin COVID-19 là hoàn toàn không chính xác.
Nhầm tưởng 5: Vắc xin không bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm COVID-19
Có nhiều loại hiệu quả khác nhau của vắc xin, chẳng hạn như hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng và hiệu quả để ngăn ngừa bệnh có triệu chứng hoặc bệnh nặng.
Trong trường hợp vắc xin COVID-19, hầu hết tất cả các thử nghiệm vắc xin đều được thiết kế đặc biệt để đánh giá hiệu quả ngăn ngừa các bệnh có triệu chứng đầu tiên sau đó mới đến hiệu quả chống nhiễm trùng và bệnh nặng.
Với các nghiên cứu này, giả sử hiệu quả của vắc xin là 95%, cho thấy rằng một người được tiêm chủng giảm 95% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng so với một người không được tiêm chủng tương đương.
Mặc dù chưa có chắc chắn rằng vắc-xin có thể ngăn ngừa hoàn toàn (100%) sự lây nhiễm, do đó những người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh, nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ được giảm thiểu.
Có thể mất một thời gian để xác minh mức độ hiệu quả của vắc-xin, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không bảo vệ chúng ta khỏi COVID-19 – bởi vì nó thực sự có tác dụng.
Nhầm tưởng 6: Nếu bạn đã mắc COVID-19 thì không cần phải tiêm vắc xin
Có hai lý do mà mọi người nên tiêm chủng vắc xin COVID-19, ngay cả những người đã từng bị nhiễm bệnh trước đó.
Khả năng miễn dịch mà bạn nhận được khi bị nhiễm COVID chỉ tồn tại trong vài tháng trong khi khả năng miễn dịch từ vắc xin tồn tại lâu hơn. Vì vậy, nếu bạn đã mắc bệnh này một thời gian trước, bạn có thể vẫn bị mắc trở lại, hoặc nếu bạn mắc bệnh gần đây, bạn sẽ được bảo vệ lâu hơn với vắc xin.
Thêm nữa là hiện nay có nhiều biến thể của COVID-19. Việc đã mắc COVID-19 chỉ cung cấp khả năng miễn dịch đối với biến thể cụ thể đó, trong khi vắc xin dường như làm giảm nguy cơ đối với nhiều biến thể khác nhau.
Hoàng Như Huệ tổng hợp