Bộ Y tế đề nghị UNICEF thúc đẩy COVAX sớm tiếp tục cung ứng vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam

(CDC Hà Nam)
Tại buổi làm với bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc UNICEF tăng cường trao đổi với COVAX để cung ứng vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam càng sớm càng tốt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch COVID-19 thứ 4 với biến chủng Delta của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh và rộng. Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch để sớm ổn định tình hình.

DSCF2095

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc với bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam   Ảnh: Trần Minh

Một trong những ưu tiên trong phòng chống COVID-19 của Việt Nam là có vắc xin phòng COVID-19 sớm và thực hiện bao phủ tiêm chủng rộng hơn cho người dân. Do đó song song với nỗ lực tìm kiếm, đàm phán và trao đổi với các đối tác, nhà sản xuất vắc xin để đưa vắc xin về Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cũng tập trung phát triển vắc xin trong nước để dần đảm bảo tự chủ vắc xin. Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia cơ chế cung ứng vắc xin toàn cầu của COVAX.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, dù Bộ Y tế đã và đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vắc xin để đảm bảo từ nay đến cuối năm tiêm đủ 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đến thời điểm này các nguồn vắc xin về Việt Nam rất chậm.

Gửi lời cảm ơn đến COVAX và UNICEF đã đồng hành với Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã làm việc với COVAX và đã có thư gửi UNICEF mong muốn UNICEF tăng cường thúc đẩy, trao đổi với COVAX làm sao để các nguồn vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam nhanh nhất, nhiều nhất.

Tại buổi làm việc, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ hoàn toàn đồng ý với Bộ trưởng về tính phức tạp và lây lan nhanh của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam.  Bà Rana Flowers vui mừng cho biết kết quả một khảo sát do UNICEF cùng đối tác thực hiện cho thấy 67% người dân Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vắc xin phòng COVID-19, đây là tỷ lệ khá cao.

Về việc đặt hàng mua dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin phòng COVID-19, bà Trưởng đại diện UNICEF cho biết, lô hàng 1.910 tủ lạnh công suất lớn sẽ được chuyển về Việt Nam trong cuối tháng 7/2021. Đây là đợt trang thiết bị đầu tiên trong gói hỗ trợ dây chuyền lạnh thông qua ngân sách hỗ trợ của Chính phủ Australia.

Đồng thời UNICEF đã đặt hàng 5 xe tải lạnh chuyên dụng vận chuyển vắc xin và lô hàng này cũng sẽ về Việt Nam trong tháng 8 và 9/2021. Song song đó, UNICEF cũng đã đặt hàng và sẽ sớm chuyển cho Việt Nam 5 triệu bơm kim tiêm bằng đường hàng không.

DSCF2088

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam     Ảnh:Trần Minh

Liên quan đến việc chuyển vắc-xin COVID-19 thông qua Cơ chế COVAX về Việt Nam càng sớm càng tốt như đề nghị của Chính phủ và Bộ Y tế, Bà Rana Flowers chia sẻ các đợt vắc xin chuẩn bị chuyển về cho các quốc gia tham gia được cung ứng bởi một cơ sở sản xuất mới đang được xem xét phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của WHO. Ngay sau khi được phê duyệt, các liều vắc xin này sẽ được chuyển về cho các quốc gia bao gồm Việt Nam, dự kiến trong tháng 7 năm 2021.

Bà Rana Flowers hoan ngênh sáng kiến của Việt Nam trong việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 cũng như những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, với vai trò là người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bà bày tỏ quan tâm đến vấn đề cách ly cho trẻ em.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Cách ly đối với trẻ em nói riêng và cách ly chống dịch nói chung là đặc trưng của Việt Nam, và đây cũng là bài học kinh nghiệm trong chống dịch của Việt Nam.

“Một trong những bài học thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch là cách ly tập trung. Đối với đợt dịch này, chủng virus Delta có tính chất lây lan nhanh, tất cả các thành viên trong gia đình (bao gồm cả người cao tuổi có bệnh mãn tính) có thể đều bị lây nhiễm nếu như có nguồn lây trong gia đình. Do đó chúng tôi chọn cách ly tập trung để ngăn chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng”- Bộ trưởng nói.

DSCF2090

Quang cảnh buổi làm việc  Ảnh: Trần Minh

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin thêm: Trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên ở Việt Nam, tất cả mọi vấn đề về chăm sóc, chi phí cách ly… đều được nhà nước bảo trợ. Mới đây cơ quan chức năng đã điều chỉnh quy định cách ly, theo đó trẻ em dưới 5 tuổi được thực hiện cách ly tại nhà. Đối với trẻ em trên 5 tuổi, tới đây sẽ có người nhà hoặc người bảo trợ cách ly cùng.

“Chúng tôi sẽ điều chỉnh quy định về cách ly đối với trẻ em phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch, đồng thời tôn trọng quyền trẻ em theo công ước quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer để có thể tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Kết thúc buổi làm việc, thêm một lần nữa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn UNICEF tăng cường thúc đẩy để COVAX sớm cung ứng thêm vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam trong tháng 7, 8 và 9/2021.

“Vắc xin về bao nhiêu, chúng tôi sẽ tiêm hết từng đó. Chúng tôi cam kết người dân Việt Nam được sử dụng vắc xin phòng COVID-19 một cách công bằng, hiệu quả” – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định và cho biết Bộ Y tế mong muốn sẽ có thêm buổi làm việc với COVAX để thúc đẩy việc đưa vắc xin về Việt Nam càng sớm càng tốt.                                              “Về phía UNICEF, sau cuộc làm việc hôm nay, chúng tôi sẽ tích cực đàm phán, thúc đẩy với các bên liên quan để làm sao nhanh chóng có vắc xin về Việt Nam” – bà Rana Flowers nói khi kết thúc buổi làm việc.

Nguyễn Thị Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Khi ung thư vấp phải dịch COVID-19:Những lưu ý đặc biệt với người bệnh

Ngọc Nga

Bộ Y tế: 63 tỉnh, thành hỏa tốc lập danh sách 10 nhóm ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí

Ngọc Nga

Tối 7/7: Thêm 330 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca trong ngày lên 1.007

Ngọc Nga

Để lại bình luận