Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao nhất thế giới

(CDC Hà Nam)

Tính đến sáng nay, 26/4, Ấn Độ ghi nhận 354.531 ca mắc COVID-19, đây là số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất thế giới và cũng là mức cao nhất của nước này kể từ khi dịch bùng phát dịch bệnh, đồng thời đánh dấu chuỗi ngày thứ 5 liên tiếp quốc gia 1,3 tỉ dân này ghi nhận trên 300.000 ca mắc.

Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 2.806 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này.

Ấn Độ đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với số ca mắc COVID-19 tăng thêm hơn 1,6 triệu ca chỉ trong chưa đầy một tuần qua và số ca mắc mới ngày hôm sau vượt mức kỷ lục của ngày hôm trước, áp đảo hoàn toàn hệ thống y tế và đẩy nước này đến bờ vực một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Phát biểu trên đài phát thanh ngày 25/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu rõ nước này đã lạc quan hơn sau khi kiểm soát thành công làn sóng lây nhiễm thứ nhất nhưng “cơn bão” COVID-19 lần này đang làm rung chuyển quốc gia Nam Á.

Sau khi các ca nhiễm mới giảm xuống mức dưới 10.000 ca/ngày, Ấn Độ đã cho phép tổ chức các cuộc tụ họp tôn giáo và chính trị lớn, trong khi thiếu kế hoạch cải thiện hệ thống y tế. Do đó, khi dịch bệnh lây lan, các bệnh viện và bác sĩ đều đưa ra thông báo khẩn cấp về việc không thể đối phó với lượng bệnh nhân quá đông.

Tình hình dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn trong bối cảnh Chính phủ tìm cách cung cấp oxy y tế cho các bệnh viện đang phải xử lý hàng trăm nghìn ca mắc mỗi ngày. Bệnh nhân COVID-19 và người thân của họ đang tập trung bên ngoài các bệnh viện tại những thành phố lớn trên khắp cả nước.

Trước tình hình này, Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức chuyến tàu đặc biệt để đưa oxy y tế đến những thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, đồng thời hối thúc các cơ sở sản xuất tăng cường sản lượng oxy và những loại thuốc đang bị thiếu nguồn cung. Không quân Ấn Độ cũng tham gia vận chuyển bình oxy và nhiều thiết bị y tế khác trên khắp cả nước.

Tại Delhi, chính quyền cho biết sẽ bắt đầu thiết lập nguồn dữ trự oxy để tăng tốc độ cung cấp cho các bệnh viện. Theo ghi nhận của truyền thông, nhiều người đã tử vong bên ngoài bệnh viện tại thủ đô của Ấn Độ do thiếu giường bệnh và oxy y tế.

Trong ngày 25/4, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết nước này sẽ bổ sung thêm 551 máy tạo oxy trên cả nước nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt oxy tại các bệnh viện vốn khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong trong những ngày qua. Thủ tướng Modi ra chỉ thị các thiết bị này phải được đưa vào sử dụng sớm nhất có thể.

Theo dự báo, làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ hiện nay sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 5 tới với số ca nhiễm mới theo ngày tăng ở mức 500.000 ca, sau đó có thể giảm xuống trong thời gian từ giữa tháng 6 đến tháng 7.

Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này tính tới 10h30 sáng nay, 26/4, là 17.306.300 ca và 195.116 trường hợp tử vong.

Sát cánh cùng Ấn Độ

Ngày 25/4, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ “ngay lập tức” cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết: “Mỹ đã lên danh mục những nguyên liệu thô cụ thể cần thiết mà phía Ấn Độ đề nghị cho quá trình sản xuất vaccine Covishield”.

Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho biết nước này sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ tăng cường khả năng bổ sung hệ thống máy thở “quan trọng” trong những ngày tới, để giúp quốc gia Nam Á này chống chọi lại với đại dịch COVID-19. Theo thông báo, kế hoạch hỗ trợ của Pháp bao gồm cả các máy trợ thở.

Trước đó, Chính phủ Anh cho biết sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở, tới Ấn Độ để hỗ trợ quốc gia Nam Á này đối phó với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19. Theo Bộ Ngoại giao Anh, số thiết bị trên được lấy từ kho dự trữ còn dư của nước này và chuyến hàng đầu tiên dự kiến sẽ đến New Delhi vào sáng 27/4.

Ủy ban châu Âu (EC) đã kích hoạt Cơ chế bảo vệ dân sự Liên minh châu Âu (EU) đồng thời tìm cách đưa oxy và thuốc men sang hỗ trợ Ấn Độ sau khi nhận được lời đề nghị từ nước này. Cơ chế bảo vệ dân sự EU cho phép các nước trong liên minh hợp tác viện trợ trong trường hợp khẩn cấp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ. Tuy nhiên, chưa rõ chi tiết việc hỗ trợ của nền kinh tế lớn nhất EU này. Theo tuần báo Der Spiegel, lực lượng vũ trang nước này đã nhận được đề nghị hỗ trợ tổ chức cung ứng oxy.

Trong khi đó, Pakistan ngày 24/4 đã đề nghị hỗ trợ y tế cho nước láng giềng Ấn Độ. Pakistan đã đề nghị cung cấp máy thở, máy X-quang kỹ thuật số và phương tiện bảo vệ cá nhân cho Ấn Độ.

Theo hanamtv.vn

Bài viết liên quan

Sáng 13/9: Gần 374.600 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi; ca nghi mắc tại “tỉnh xanh” Cao Bằng âm tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Học sinh đi học trở lại cần làm gì để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2?

Ngọc Nga

Bình Dương cách ly khu dân cư liên quan bệnh nhân COVID-19

CDC Hà Nam

Để lại bình luận