Bệnh nhân tim mạch tiêm vắc xin COVID-19-Những khuyến nghị hữu ích

(CDC Hà Nam)
Vắc xin COVID-19 đã trở thành một cứu cánh cho nhân loại trước đại dịch vô tiền khoáng hậu hiện nay. Tuy nhiên, lợi ích, hiệu quả cũng như nguy cơ khi tiêm vắc xin COVID-19 đối với bệnh nhân bị các bệnh tim mạch ra sao là điều nhiều người bệnh tim mạch quan tâm.

Dưới đây là tổng hợp các khuyến nghị hữu ích được tham khảo từ các hiệp hội, các cơ quan có thẩm quyền quốc tế như của Hội Tim Mạch Châu Âu (ESC); Hội Tim Mạch và Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ACC).

Có tiêu chí cụ thể về lựa chọn tiêm vắc xin với bệnh nhân tim mạch?

Đầu tiên, cần nhấn mạnh là tất cả các bệnh nhân có vấn đề về tim mạch cần được tiêm vắc xin COVID-19. Đây là nhóm ưu tiên hàng đầu theo các khuyến cáo của tất cả các hiệp hội chuyên ngành cũng như các cơ quan, tổ chức y tế trên thế giới.

Vắc xin có thể không ngăn ngừa được tất cả bệnh nhân tim mạch khỏi nhiễm COVID-19, nhưng chắc chắn sẽ làm giảm khả năng mắc bệnh nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Những người bị bệnh tim mạch có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều một khi mắc COVID-19. Người bệnh tim mạch (nếu không được tiêm vắc xin bảo vệ) khi bị mắc sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu đến tim thông qua nhiều cơ chế, bao gồm cả tình trạng viêm cơ tim. Do đó, tất cả bệnh nhân bị bệnh tim mạch đều hưởng lợi rõ rệt, vượt trội từ việc tiêm vắc xin COVID-19. Như thế, người bệnh cần chấp nhận việc tiêm chủng khi được đề nghị.

Bệnh nhân bị bệnh tim mạch cần tiêm phòng COVID-19 bao gồm: Tất cả những người bệnh bị các bệnh lý rối loạn nhịp tim (đặc biệt là rung nhĩ), bệnh động mạch vành (đau thắt ngực), bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường có biến chứng tim mạch, sa sút trí tuệ, nhồi máu cơ tim, suy tim, ghép tim, thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi), bệnh mạch máu ngoại vi (xơ vữa động mạch), đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhẹ).

Những phản ứng có thể xảy ra khi người bệnh tim mạch tiêm vắc xin COVID-19

Liệu vắc xin COVID-19 có gây ảnh hưởng khác biệt với những người có bệnh lý tim mạch (trong giai đoạn cấp tính của bệnh tim mạch cũng như khi tình trạng bệnh tim mạch ổn định đang được kiểm soát do thuốc)?

Nhìn chung, các biến chứng nặng, nghiêm trọng do vắc xin COVID-19 là rất hiếm. Các thử nghiệm về vắc xin COVID 19 cho thấy, trên những bệnh nhân bị bệnh nền tim mạch không thấy các ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều hơn so với người không có bệnh nền tim mạch (dù rất hiếm).

Thực tế cho thấy, triệu chứng phổ biến nhất ở tất cả các bệnh nhân sau tiêm vắc xin COVID-19 bao gồm đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc ớn lạnh. Cánh tay có thể cứng và đau trong vài ngày.

Mệt mỏi và ớn lạnh là triệu chứng thứ phát sau tác động của hệ thống miễn dịch nhận biết các protein của virus là ngoại lai. Nó không có nghĩa là tiêm vắc xin đã dẫn đến nhiễm COVID-19.

Có thể là trong lần tiêm vắc xin thứ hai khi đáp ứng miễn dịch với vắc xin có thể mạnh hơn, những bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng và thường khó thở khi nghỉ ngơi có thể cảm thấy yếu hơn một chút do sốt nhẹ và mắc các triệu chứng giống như cúm.

Những tác động này sẽ tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài khoảng 24-48 giờ và đáp ứng với paracetamol và truyền dịch. Tuyệt đại đa số không có biến chứng gì trầm trọng.

Một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) hoặc biến chứng đông máu, viêm cơ tim có khả năng làm cho bệnh nhân tim mạch có triệu chứng nặng hơn. Tuy nhiên, nguy cơ này là cực kỳ hiếm, chỉ gặp ở 1 đến 4 người trong số một triệu người được tiêm. Những lợi ích khi được tiêm chủng cao hơn nhiều so với nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng và do đó, việc khuyến khích mọi người tiêm vắc xin không nên bị ảnh hưởng những nguy cơ trên.

Bệnh lý tim mạch có làm cho bạn dễ bị phản ứng, biến chứng hơn khi tiêm vắc xin COVID-19 (đặc biệt là sốc phản vệ)?

Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy bệnh lý tim mạch làm tăng khả năng bị phản ứng, biến chứng của vắc xin. Trong mọi trường hợp, bệnh nhân tim mạch nên thông báo cho các chuyên gia y tế nếu họ đã từng bị phản ứng phản vệ nghiêm trọng đối với một loại vắc xin đường tiêm và họ không nên được tiêm chủng. Những cá nhân đã có phản ứng nghiêm trọng với các chất khác (không liên quan đến vắc xin), ví dụ: thuốc uống hoặc động vật có vỏ, v.v., vẫn có thể được tiêm vắc xin nhưng sẽ cần được theo dõi tại phòng khám trong vòng 30 phút sau đó. Bệnh nhân nên tránh tiêm vắc xin trong thời gian bị sốt (bệnh có kèm theo sốt).

Mục đích của các thông tin trên là để giải đáp, khuyến cáo các băn khoăn cơ bản cho bệnh nhân tim mạch về vắc xin COVID-19. Các thông tin này không nhằm để thay thế các hướng dẫn chẩn đoán hoặc điều trị bệnh đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành.            

Đinh Hạnh Tổng hợp

Bài viết liên quan

COVID-19 làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường ở trẻ em

Ngọc Nga

Khuyến cáo khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

CDC Hà Nam

Bộ Y tế kêu gọi thay ảnh đại diện, ảnh bìa trên MXH để cổ vũ phòng, chống dịch COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận