Bệnh sởi và một số biện pháp phòng bệnh

(CDC Hà Nam)

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh thường gây thành dịch và hay gặp vào mùa Đông Xuân, nhất là vào những ngày mưa ẩm. Trước đây, bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi; nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn, do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng, như: tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.

TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH QUA CÁC GIAI ĐOẠN

Giai đoạn ủ bệnh: thường kéo dài 10 -14 ngày, trong giai đoạn này người bệnh không có biểu hiện gì.

Giai đoạn khởi phát: 2-4 ngày. Bệnh nhân sốt cao 38 – 390C, viêm long đường hô hấp trên (ho, hắt hơi, sổ mũi) và viêm kết mạc mắt: mắt đỏ, có gỉ mắt, chảy nước mắt, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ 0,5-1 mm màu trắng trong niêm mạc miệng.

Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Sau khi sốt cao 3 – 4 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Ban hồng, dát và sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐIỂN HÌNH

Bệnh biểu hiện là thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt.  Trường hợp này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh ra cộng đồng mà người dân không biết.

Bệnh nhân cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.

Xét nghiệm:

Đối với thể điển hình: Xét nghiệm tìm kháng thể IgM (lấy máu sau ngày thứ 3 của sốt). Đối với các cơ sở xét nghiệm, chỉ làm được IgG thì lấy 02 mẫu huyết thanh giai đoạn cấp và giai đoạn hồi phục để xác định hiệu giá kháng thể. Hiệu giá kháng thể lần 2 cao gấp ít nhất 4 lần so với lần đầu. Phân lập được vi rút sởi

Đối với trường hợp sởi bội nhiễm: Có thêm hình ảnh viêm phổi kẽ hoặc tổn thương nhu mô phổi.

          CÁC BIẾN CHỨNG

Viêm não màng não: Biến chứng thường xuất hiện vào giai đoạn hồi phục với biểu hiện có thể sốt lại, đau đầu, cứng gáy, co giật và thay đổi ý thức từ lú lẫn, ngủ gà tới hôn mê.

Bội nhiễm sau mắc sởi: Viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm phổi, viêm loét miệng (cam tẩu mã), viêm cơ tim,… Đối với phụ nữ mang thai, khi mắc sởi thường dễ bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.

Một số biểu hiện để phân biệt bệnh sởi với một số bệnh khác:

Bệnh sốt phát ban do vi rút rubella: Phát ban không có trình tự, ít khi có viêm long.

Nhiễm một số enterovirus: Phát ban không có trình tự, hay kèm rối loạn tiêu hoá.

Sốt mò: Có vết loét hoại tử do côn trùng đốt.

Phát ban mùa xuân trẻ em: Trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, khởi đầu là tình trạng nhiễm khuẩn rồi có biểu hiện thần kinh, sau khi hết sốt thì ban mới mọc.

Ban dị ứng: Kèm theo ngứa, tăng bạch cầu ái toan.

Nguyên tắc điều trị bệnh sởi

– Bệnh nhân sởi cần được cách ly với người khỏe mạnh; vệ sinh da, mắt, miệng họng, tăng cường dinh dưỡng, bù nước điện giải, điều trị các triệu chứng  nếu có.

– Bổ sung vitamin A:

+ Trẻ 6-12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị liều duy nhất.

+ Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: 200.000 đơn vị liều duy nhất.

+ Những trường hợp có biểu hiện bệnh về mắt do thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên vào ngày 2 và ngày 28.

PHÒNG BỆNH SỞI

– Người dân cần phòng bệnh chủ động bằng vắc xin: Thực hiện tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng

– Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

– Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

– Không tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi đi đến các vùng địa phương đang có thông báo bệnh dịch sởi.

– Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Thạc sỹ Trần Đắc Tiến

Phó Khoa phòng chống Bệnh truyền nhiễm

Bài viết liên quan

Sáng 13/7: Thêm 466 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh nhiều nhất với 365 ca

Ngọc Nga

Sau khi tiêm vắc xin COVID-19 bao lâu thì có thể hiến máu?

Ngọc Nga

Bộ Y tế hướng dẫn F0 cách ly hiệu quả tại nhà, tránh lây cho người thân

Mậu Ngọ

Để lại bình luận