Bộ trưởng Bộ Y tế: Thực hiện chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19 để tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng

(CDC Hà Nam)
GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia lần này có nhiều điểm mới và Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho người dân…

PV: Thưa Bộ trưởng, được biết Bộ Y tế đang chủ trì chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 quốc gia. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm cơ bản của chiến dịch này?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có những điểm đặc trưng sau:

Thứ nhất, triển khai trên quy mô tất cả các địa phương và các điểm tiêm là ở tất cả các xã, phường;

Thứ hai, chiến dịch tiêm chủng lần này dựa trên các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, nhưng khác là có thêm các điểm tiêm chủng lưu động như tại khu vực nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin một cách tiện ích nhất và dễ dàng nhất;

Anh Long7

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia vắc xin phòng COVID-19 lần này có nhiều điểm đặc trưng và Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho người tiêm…  Ảnh:Trần Minh

Thứ ba, chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải cũng như nhiều bộ, ngành có liên quan khác cùng đồng hành với Bộ Y tế để triển khai chiến dịch này;

Thứ tư cũng là điểm rất quan trọng của chiến dịch này đó là sự triển khai của tất cả các địa phương. Chúng tôi cho rằng đó là một yếu tố hết sức quan trọng giúp cho thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này;

Tiếp đó, chúng ta cũng áp dụng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó có triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai rất tốt công nghệ thông tin vào phòng chống dịch.

Hiện Bộ Y tế đã phát triển Sổ sức khoẻ điện tử đối với cá nhân. Theo đó, mỗi người dân khi tiến hành tiêm chủng đều đăng ký lịch tiêm trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc qua các tin nhắn. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển các tin nhắn đến người dân thông tin về địa điểm tiêm cũng như thời gian tiêm, tránh việc người dân phải xếp hàng đợi chờ tiêm.

Đồng thời, khi tiêm chủng, cán bộ tiêm chủng sẽ sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử để tiêm xong người nào sẽ tick vào hệ thống phần mềm do Bộ Y tế đã phát triển cùng Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tất cả các cơ sở tiêm chủng triển khai nội dung này.

Tiếp đó, tại Sổ sức khoẻ điện tử này khi tiêm xong sẽ đồng bộ hoá cả thông tin về xét nghiệm. Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu về sau này khi áp dụng hộ chiếu vắc xin.

Ngoài ra, người dân có thể khai báo triệu chứng và những phản ứng sau tiêm để có thể quản lý và xử trí kịp thời.

PV: Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lần này là tiêm được cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam. Tại sao lại đặt ra mục tiêu như vậy, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2021 và đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng.

Mà muốn có miễn dịch cộng đồng việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Đây là điều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị cũng như Chính phủ trong vấn đề mua vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo người dân tiếp cận được vắc xin.

PV: Vậy để đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã có những chuẩn bị như thế nào thưa Bộ trưởng?

tiem vac xin phong COVID 19 cho cong nhan cua nha may Sam Sung o Bac Ninh

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân tại khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có thể nói rằng, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc xin phòng COVID-19 mà còn nhiều vắc xin khác) Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì các điểm tiêm sẽ trì hoãn tiêm.

Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Như Huệ tổng hợp

Bài viết liên quan

Bộ Y tế: Trên 832.000 người Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng COVID-19

Ngọc Nga

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại “tâm dịch” Công Lý, huyện Lý Nhân

Ngọc Nga

Sẵn sàng các điều kiện triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đợt 2/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận