Chuyên gia lưu ý về khám thai định kỳ trong dịch COVID-19

(CDC Hà Nam)
Trong lúc dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều phụ nữ mang thai lo lắng về việc đi khám thai của mình vì sợ nguy cơ lây nhiễm.

tgb-5Chỉ siêu âm khi thật cần thiết vì khi siêu âm thai phụ có nguy cơ lây nhiễm vi rút

Khẳng định việc đi khám thai định kỳ là rất cần thiết đối với phụ nữ mang thai, BS. Đinh Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Bà mẹ- Trẻ em, Bộ Y tế lưu ý chị em rằng: Dù hạn chế ra ngoài là phương án tối ưu để phòng dịch, tuy nhiên phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng. Trong bối cảnh dịch bệnh, phụ nữ mang thai chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của thầy thuốc, trừ khi có những dấu hiệu bất thường xảy ra.

Về siêu âm thai vốn là việc phổ biến trước dịch, BS Tuấn lưu ý, chỉ siêu âm khi thật cần thiết vì khi siêu âm thai phụ có thể lây nhiễm vi rút nếu đầu dò siêu âm không được khử khuẩn trước khi siêu âm cho bạn.

Khi đến khám, thai phụ cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, thiết bị vệ sinh, tay vịn cầu thang… Tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh.

Trong thời gian ở nhà, nếu thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, ra dịch ở cửa mình, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ…, thai phụ cần báo ngay cho bác sỹ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản. Khi đi cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đã nêu trên.

“Trong hoàn cảnh dịch đang xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố, địa phương trên cả nước, nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, phụ nữ có thai cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh cũng gây các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm cũng có thể gây sốt, ho…”- BS. Đinh Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cuối cùng, nếu cần tìm hiểu thông tin, kiến thức về chăm sóc phụ nữ mang thai, bạn cần liên hệ với cán bộ y tế hoặc tìm hiểu từ những nguồn thông tin chính thống, không nên tìm hiểu và làm theo những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học lan truyền trên mạng xã hội.

Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Những nhầm tưởng về phản vệ sau tiêm vaccine COVID-19

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 18/12/2021

Ngọc Nga

Thái Nguyên: Kiểm soát chặt người ra vào tỉnh sau khi có ca mắc COVID-19

CDC Hà Nam

Để lại bình luận