Có cần tiêm vắc xin khi đã mắc COVID-19?

(CDC Hà Nam)
Theo những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, những người đã mắc COVID-19 có khả năng miễn dịch có thể kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn và việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 có thể tạo miễn dịch suốt đời mà không cần phải tiêm nhắc lại.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, các tế bào miễn dịch nằm trong tủy xương của chúng ta giữ một “bộ nhớ” về coronavirus và có thể tạo ra các kháng thể bảo vệ để ngăn ngừa tái nhiễm.

Một nghiên cứu khác cho thấy những tế bào miễn dịch này có thể trưởng thành và mạnh lên trong khoảng một năm sau khi nhiễm bệnh. Các tác giả nghiên cho biết: Dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch ở những người đã mắc COVID-19 sẽ rất lâu dài và những người đã mắc COVID-19 được tiêm vắc xin mRNA (vắcxin sử dụng RNA thông tin- mRNA để kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người ) sẽ tạo ra các kháng thể và tế bào B bộ nhớ để bảo vệ cơ thể, chống lại các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành.

Phản ứng miễn dịch hoạt động như thế nào?

Hệ thống miễn dịch của chúng ta bao gồm các tế bào B, là một loại tế bào bạch cầu chịu trách nhiệm về miễn dịch dịch thể. Chúng bắt nguồn và trưởng thành trong tủy xương, sau đó di chuyển đến lá lách và các hạch bạch huyết. Tế bào B được kích hoạt để phản ứng với kháng nguyên, vi rút hoặc vi khuẩn. Tế bào B có các thụ thể trên bề mặt của chúng có thể liên kết với các mầm bệnh này. Với sự giúp đỡ từ các tế bào T (một thành phần khác của hệ thống miễn dịch), các tế bào B sẽ biệt hóa thành các tế bào plasma để tạo ra các kháng thể bẫy vi rút hoặc vi khuẩn xâm nhập và cho phép các tế bào khác (đại thực bào) tiêu diệt kẻ xâm lược.

Sau khi cơ thể nhiễm bệnh, các tế bào B “bộ nhớ” vẫn ở xung quanh, vì vậy nếu cùng một loại vi rút hoặc vi khuẩn đó xâm nhập một lần nữa, hệ thống miễn dịch sẽ “ghi nhớ” và kích hoạt lại để chống lại nó.

Những người đã bị nhiễm COVID-19 cần tiêm phòng vắc xin COVID để tạo miễn dịch suốt đời.

Vẫn nên tiêm phòng khi đã mắc COVID-19

Theo TS Len Horovitz , chuyên gia về phổi tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York, khả năng miễn dịch ở những người đã mắc COVID-19 có thể không tồn tại lâu hơn 11 tháng.

Ông giải thích rằng điều này có nghĩa là những người đã mắc bệnh không thể dựa vào sự lây nhiễm trước đó để đạt được miễn dịch như cách những người mắc bệnh sởi, quai bị và rubella có thể làm được.

Mặc dù không biết chính xác tỷ lệ tái nhiễm là bao nhiêu nhưng thực tế đã có những ca tái nhiễm COVID-19. Và nếu bị tái nhiễm, nguy cơ có thể lây bệnh cho người khác.

Vì vậy, điều quan trọng là nếu bạn đã bị COVID-19, bạn vẫn cần được chủng ngừa bởi vì các kháng thể mà bạn nhận được khi bị nhiễm bệnh khác với các kháng thể mà bạn nhận được từ việc chủng ngừa. Chúng là hai loại kháng thể có thể đo lường khác nhau.

Không cần tiêm nhắc lại ở những người đã bị bệnh

Những nghiên cứu mới này cũng gợi ý rằng phần lớn những người đã khỏi bệnh COVID-19 và sau đó được chủng ngừa bằng một trong các loại vắc-xin mRNA sẽ không cần tiêm nhắc lại để duy trì sự bảo vệ chống lại vi rút.

Tuy nhiên, những người đã được tiêm phòng mà không bị nhiễm COVID-19 trước đó cần tiêm nhắc lại, cũng như một số ít người đã mắc bệnh nhưng không tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh.

Như vậy, theo các chuyên gia, việc tái nhiễm mặc dù không phổ biến, vẫn có thể xảy ra và việc được tiêm một trong các loại vắc xin mRNA có thể tăng cường khả năng miễn dịch một cách đáng kể. Những người đã bị nhiễm COVID-19 có thể không cần tiêm nhắc lại để duy trì sự bảo vệ, vì vắc-xin mRNA tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở nhóm này. Tuy nhiên, những người chưa từng bị nhiễm COVID trước đó vẫn nên tiêm nhắc lại.

Mậu Ngọ tổng hợp 

Bài viết liên quan

Ngành Y tế chủ động kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, kiên quyết không để dịch lan rộng

Ngọc Nga

Chuyên gia lý giải nguồn lây của ca bệnh COVID-19 “siêu lây nhiễm” ở Hà Nam

Ngọc Nga

TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ủng hộ huyện Lý Nhân 400 triệu đồng để phòng chống dịch

Ngọc Nga

Để lại bình luận