Khi bố mẹ vắng nhà đi chống dịch

(CDC Hà Nam)

Những người làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch COVID-19 đều phải gạt bỏ mọi nỗi lo riêng để làm nhiệm vụ chung, hướng tới mục tiêu lớn nhất là nhanh chóng khoanh vùng, khống chế được dịch bệnh để nhân dân được an toàn. Trong những hy sinh lặng thầm đó không chỉ là của những người trên tuyến đầu mà còn là của chính gia đình, người thân, các con của họ.

“Mẹ đi bắt con Cô vít rồi” – đó là câu trả lời hồn nhiên, ngây thơ của bé Vũ Hoàng Nguyên, con trai thứ 2 của chị Nguyễn Thị Hạt, điều dưỡng khoa Bệnh nghề nghiệp – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hà Nam) mỗi khi mọi người hỏi về mẹ. Bé Nguyên năm nay mới 3 tuổi, nhưng cũng đã quen với những ngày mẹ vắng nhà để “đi bắt con Cô vít” như lời mẹ dặn.

Chị Hạt thuộc đội cơ động phòng chống dịch COVID-19 của CDC Hà Nam. Kể từ khi làn sóng COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các cán bộ, nhân viên CDC Hà Nam luôn trực chiến trên tuyến đầu, tham gia các các nhiệm vụ khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan bệnh nhân dương tính với SARS-Cov-2. Chính vì luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nên phải tự cách ly tại cơ quan trong những ngày làm nhiệm vụ.

Từ làn sóng COVID-19 lần thứ nhất, rồi đến lần thứ 2, thứ 3 và lần thứ 4 này, những ngày đi chống dịch dài đằng đẵng cả tháng cũng chính là những ngày chị Hạt và các cán bộ, nhân viên CDC Hà Nam phải xa gia đình. Nhiều chị em phải gửi con nhỏ cho bố mẹ, người thân chăm sóc để đi làm nhiệm vụ. Đối với chị Hạt, cả ông bà nội ngoại đều ở tỉnh xa, đặc thù công việc của chồng chị cũng đi từ sáng sớm đến tối. Nên mỗi lần chị đi làm nhiệm vụ chống dịch, 2 cậu con trai của chị phải ở nhà tự trông nhau. Cậu anh trai Vũ Hoàng Minh dù mới 11 tuổi nhưng đã biết thay bố mẹ chăm sóc em từ bữa ăn đến giấc ngủ và dỗ dành những lúc em khóc vì nhớ mẹ. Minh kể, mỗi lần bé Nguyên nhớ mẹ quá, khóc quấy đòi mẹ, anh Minh đều phải nghĩ cách làm cho em vui, quên đi việc đòi đi gặp mẹ. Nhưng cách đây mấy ngày, hai anh em nhớ mẹ quá, Minh chở em trên xe đạp từ nhà ở Tổ dân phố Mễ Nội, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý ra cơ quan mẹ trên đường Trường Chinh, để nhìn thấy mẹ từ xa qua cánh cổng cơ quan cho vơi nỗi nhớ. Mỗi khi có tranh thủ thời gian rảnh, chị Hạt gọi điện về nói chuyện với các con qua Zalo để mẹ con nhìn thấy nhau, nghe bé Nguyên bi bô kể chuyện, dặn dò anh Minh vừa chăm em vừa chịu khó ôn thi để chuẩn bị dự thi vào lớp 6 chuyên Trường THPT Biên Hòa. Thấu hiểu nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ, cũng rất tự hào vì những cống hiến của mẹ và các cô, các chú, các bác làm nhiệm vụ phòng chống dịch, cậu bé Minh luôn cố gắng chăm sóc tốt cho em, và chịu khó ôn tập để giành kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Tết thiếu nhi năm nay, món quà mà 2 anh em mong ước nhất không phải là quà bánh, đồ chơi mà chính là dịch bệnh sớm qua đi để mẹ được trở về nhà nghỉ ngơi, gia đình cùng sum vầy.

May mắn hơn anh em Hoàng Minh, hai chị em Nguyễn Trần An Dịu (8 tuổi) và Nguyễn Trần Khánh Dương (5 tuổi) ở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân không phải tự ở nhà chăm nhau, vì bố mẹ đã gửi em về nhà ông bà ngoại ở thôn Mão Cầu, xã Nguyên Lý trong những ngày cả bố mẹ đều đi làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Hơn một tháng nay, bố các em là Thượng úy Nguyễn Đức Hạnh – công tác tại Trung đoàn 151 Bộ CHQS tỉnh và mẹ là Trần Thị Vân Anh công tác tại Trạm y tế xã Chân Lý đều là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Dịch COVID-19 bùng phát hơn 1 tháng qua cũng là bằng ấy thời gian bố mẹ vắng nhà, mọi việc chăm sóc, bảo ban cho 2 chị em đều nhờ cả vào ông bà ngoại.
Mỗi lần nhớ bố mẹ, hai chị em lại nhờ ông bà gọi điện cho cả bố và mẹ để nói chuyện. Nhưng có những lần bố mẹ phải làm nhiệm vụ không thể nghe điện thoại, hoặc có nghe nhưng chỉ là những cuộc nói chuyện ngắn ngủi, vội vàng vì công việc chống dịch luôn bận rộn. Ông Trần Văn Vụ – ông ngoại của hai cháu tâm sự, con gái và con rể công tác trong ngành Y và lực lượng vũ trang, đều là lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch. Con rể thì thường xuyên phải trực ở đơn vị, xa nhà quanh năm, con gái ông thì trong một tháng qua dịch bệnh bùng phát, được huy động tham gia công việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F1, F2 trên địa bàn huyện Lý Nhân không kể ngày đêm sớm tối. Dù biết công việc của các con luôn cực nhọc, lại đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng ông vẫn tự hào và động viên các con. “Tôi vẫn luôn căn dặn cả con gái, con rể dù khó khăn đến đâu, vất vả như thế nào cũng phải cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Ông bà ở nhà luôn chăm sóc, dạy bảo 2 cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn để bố mẹ các cháu yên tâm công tác” – ông Vụ chia sẻ. Đối với chị em An Dịu và Khánh Dương chỉ luôn ao ước bố sớm “đánh thắng con Cô vít” để trở về nhà đưa 2 chị em đi chơi, mẹ lại có thời gian dạy các em chơi trò chơi bác sỹ khám bệnh cho búp bê, lại mua cho quần áo đẹp.
Công tác phòng chống dịch COVID-19 luôn được ví như cuộc chiến không tiếng súng nhưng căng thẳng và quyết liệt, đòi hỏi những hy sinh, cống hiến của những chiến sỹ nơi tuyến đầu. Hơn một tháng qua, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch là cán bộ y tế, chiến sỹ công an, quân đội đã phải căng mình thực hiện nhiệm vụ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại từ ổ dịch thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý. Họ đều phải gạt bỏ mọi nỗi lo riêng để làm nhiệm vụ chung, hướng tới mục tiêu lớn nhất là nhanh chóng khoanh vùng, khống chế được dịch bệnh để nhân dân được an toàn. Trong những hy sinh lặng thầm đó không chỉ là của những người trên tuyến đầu mà còn là của chính gia đình, người thân, các con của họ. Mong ước của anh em Hoàng Minh, Hoàng Nguyên và chị em bé An Dịu, Khánh Dương cũng là mong ước chung của rất nhiều các cháu nhỏ là con của các cán bộ lực lượng tuyến đầu chống dịch trong ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay.
Nguyễn Thị Thanh Huyền

Bài viết liên quan

Sáng 5/6: Có 75 ca mắc COVID-19 trong nước, nâng tổng số bệnh nhân tại Việt Nam là 8.364

Ngọc Nga

Pfizer cam kết cung ứng bổ sung 20 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi

Ngọc Nga

Trưa 2/7: Thêm 175 ca mắc COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh đã có 151 ca

Ngọc Nga

Để lại bình luận