Một nửa số bệnh nhân từng mắc COVID-19 phát triển các rối loạn tâm thần

(CDC Hà Nam)
Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện San Raffaele của Italia ở Milan, 55% bệnh nhân mắc COVID-19 đã nằm viện phát triển các rối loạn tâm thần sau khi xuất viện.

Viện Y khoa Quốc gia Pháp (ANM) đã liệt kê những hậu quả tiềm ẩn của COVID-19 như rối loạn hô hấp, tim, thận, não và các rối loạn ít đặc hiệu khác như tình trạng khó chịu chung hoặc đau cơ và khớp… và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Theo ANM, tác động tâm lý của đại dịch COVID- 19 là không thể xem nhẹ và ở một số người, cần phải theo dõi và hỗ trợ tâm lý. Hiện tại có khá nhiều cơ sở y khoa muốn làm sáng tỏ những di chứng tâm lý của COVID-19 ở những bệnh nhân đã nhiễm virus.

Một nghiên cứu của Bệnh viện San Raffaele của Italia ở Milan lần đầu tiên cho thấy những hậu quả tâm thần mà căn bệnh này có thể để lại ở những bệnh nhân đã hồi phục. Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 30/7, 55% bệnh nhân đã nằm viện phát triển các rối loạn tâm thần sau khi xuất viện.

Bệnh nhân mắc COVID-19 đối diện với nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã theo dõi 402 bệnh nhân đã từng mắc COVID-19 được điều trị hoặc chẩn đoán tại bệnh viện (265 nam và 137 nữ). Họ tiến hành phỏng vấn và yêu cầu bệnh nhân hoàn thành bảng câu hỏi tự đánh giá. Sau đó, các nhà nghiên cứu xem xét các triệu chứng tâm thần ở những người được nghiên cứu. Họ phát hiện ra rằng 28% bệnh nhân hồi phục bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, 31% trầm cảm, 42% lo âu, 20% rối loạn ám ảnh cưỡng chế và 40% bị mất ngủ.

“Rõ ràng là việc mắc bệnh có thể gây ra hậu quả về tâm thần. Những phản ứng viêm (cũng là hậu quả của nhiễm virus) có thể là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tâm thần khác nhau, đặc biệt là trầm cảm”, Giáo sư Benedetti trưởng nhóm của đơn vị nghiên cứu Tâm thần học và Tâm lý sinh vật học tại Bệnh viện San Raffaele giải thích. Nhưng chứng viêm không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra sự phát triển của các rối loạn tâm thần ở những bệnh nhân từng mắc COVID-19. Các nhà khoa học cho biết các di chứng tâm thần cũng có thể do các tác nhân gây căng thẳng, chẳng hạn như cách ly xã hội, sợ lây truyền virus cho người khác, hoặc kỳ thị bệnh nhân…

Các nhà khoa học khuyến cáo nên đánh giá và nghiên cứu sức khỏe tâm thần của các bệnh nhân cũ và nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ tiềm ẩn giữa SARS-CoV-2 và các rối loạn tâm thần, để chẩn đoán và điều trị những bệnh lý này càng sớm càng tốt.

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 10/11/2021

Ngọc Nga

Người bệnh lọc máu cần được quan tâm đặc biệt trong đại dịch COVID-19

Ngọc Nga

Không nên hoãn tiêm chủng cho bé ngay cả khi có dịch COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận