Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh mạn tính trong mùa COVID-19

(CDC Hà Nam)
Những người có bệnh nền là các bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, tăng huyết áp… khi mắc COVID-19 bệnh thường tiến triển nặng và nguy cơ tử vong cao. Việc chăm sóc, điều trị tại nhà để kiểm soát tình trạng bệnh, nâng cao sức đề kháng trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát rộng rãi đóng vai trò quan trọng.

Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh mạn tính tại nhà

– Uống thuốc theo đơn bác sĩ: Trong thời gian dịch bệnh việc đến bệnh viện để thăm khám bệnh khá khó khăn, nhất là ở những người cao tuổi có có bệnh lý nền, hay việc tái khám ở những bệnh nhân đã từng đột quỵ. Do vậy, người bệnh có thể đề nghị bác sĩ kê toa thuốc với thời gian dài trong khoảng 2-3 tháng. Trong thời gian uống thuốc, nên thường xuyên liên hệ với bác sĩ để việc theo dõi bệnh được tốt hơn và nếu có vấn đề gì, hay bệnh trở nặng phải đến bệnh viện thăm khám ngay.

Những người có bệnh mạn tính khi mắc COVID-19 nguy cơ tăng nặng và tử vong cao hơn.

– Trang bị một số kiến thức về căn bệnh mình mắc để kiểm soát bệnh được tốt hơn: 

+ Bệnh nhân tăng huyết áp: Phải biết cách đo huyết áp tại nhà và theo dõi huyết áp thường xuyên trong thời gian uống thuốc. Nếu huyết áp ổn định, bệnh nhân có thể đề nghị bác sĩ kê đơn thuốc kéo dài. Nếu uống thuốc theo đơn bác sĩ đã kê mà huyết áp vẫn không kiểm soát được, vẫn tăng, nếu như ngưỡng gia tăng gây nhức đầu, nôn ói, chóng mặt… phải đến bệnh viện khám ngay. Đến bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến các chuyên khoa trong vùng an toàn, không có COVID-19 để hạn chế các vấn đề lây nhiễm.

+ Với người bệnh tiểu đường: Nên học cách theo dõi đường huyết tại nhà. Nếu như uống thuốc và cải thiện chế độ ăn và sinh hoạt mà đường huyết vẫn không kiểm soát được; Hoặc bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết dẫn đến chóng mặt, choáng, tê tay chân, ngất xỉu… phải liên hệ với bác sĩ ngay để có những điều chỉnh thích hợp.

Tuân thủ các phương pháp điều trị; cai thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích là những biện pháp phòng và kiểm soát bệnh bệnh mạn tính tái phát hiệu quả nhất.

+ Với trường hợp đột quỵ: Những ai đang điều trị đột quỵ, đang cần theo dõi chặt chẽ vẫn phải tuân thủ các phương pháp điều trị. Thời tiết nắng nóng có thể khiến đột quỵ gia tăng ở những người có bệnh lý nền. Do đó, để phòng tránh tốt nhất đột quỵ trong mùa COVID-19, nhất là trong thời tiết nắng nóng hiện nay cần quan tâm kiểm soát tốt các bệnh lý nền.

Nếu có các dấu hiệu như tê yếu tay chân, nói đớ, nói ngọng, nói khó, ngất xỉu, mắt mờ, yếu liệt tay chân thoáng qua… phải nhận biết ngay đó là dấu hiệu của đột quỵ, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, bởi thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ rất quan trọng. Nếu để qua thời gian vàng cứu chữa bệnh nhân có thể để lại những di chứng nặng nề.

 Không  hút thuốc, uống rượu bia: Rượu bia và thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu khiến các bệnh lý nền tái phát và gia tăng.

– Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh hợp lý: Nên ăn nhạt hơn, giảm lượng muối trong chế biến thức ăn; giảm mỡ, giảm đường. Thay các món chiên xào bằng hấp luộc nhiều hơn. Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi trong bữa ăn hàng ngày. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, các loại đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, nước ngọt, nước tăng lực…

– Tập luyện thể dục, thể thao: Tập luyện vừa sức, phù hợp với tình trạng sức khỏe.

– Cải thiện giấc ngủ: Đi ngủ sớm, ngủ đủ và sâu giấc.

– Chăm sóc về tinh thần: Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng căng thẳng.

Phan Hạnh tổng hợp 

Bài viết liên quan

Hà Nam: Triển khai các giải pháp cấp bách khoanh vùng chống dịch

Ngọc Nga

Hà Nam ghi nhận trên 1.500 ca mắc COVID-19 mới sau một tuần

Ngọc Nga

Tối 8/8: Thêm 4.749 ca mắc COVID-19, cả ngày tăng 9.690, riêng Bình Dương 3.210 ca

Ngọc Nga

Để lại bình luận