Phân biệt COVID-19 và nhiễm virus Hanta

(CDC Hà Nam)
Virus Hanta là một họ virus lây truyền trong không khí qua phân của động vật gặm nhấm. Việc nhiễm virus Hanta có thể gây ra các bệnh khác nhau. Các triệu chứng COVID-19 và virus Hanta có thể giống nhau. Vậy làm thế nào để phân biệt?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, việc nhiễm virus Hanta có thể gây ra các bệnh khác nhau như hội chứng phổi do virus Hanta (HPS) ở châu Mỹ và sốt xuất huyết có hội chứng thận (HFRS) ở châu Âu và châu Á.

2 đợt bùng phát virus Hanta đã xảy ra ở Mỹ trong những năm gần đây: 10 trường hợp được xác nhận nhiễm Hantavirus khi đến thăm Vườn quốc gia Yosemite vào tháng 8/2012 và 17 trường hợp ở 7 tiểu bang vào tháng 1/2017. Một người đàn ông ở Trung Quốc đã chết vì virus Hanta vào đầu năm nay.

Virus Hanta lây từ loài gặm nhấm.

Virus Hanta lây từ loài gặm nhấm.

Giống nhau một số triệu chứng

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Amesh A. Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Maryland, cho biết, các triệu chứng COVID-19 và virus Hanta có thể giống nhau vì đều gây ra các triệu chứng về đường hô hấp.

Theo CDC, các triệu chứng chính của HPS là sốt và đau nhức cơ, đặc biệt ở các nhóm cơ lớn, như đùi, hông, lưng và đôi khi ở vai. Các triệu chứng khác có thể xảy ra là đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh và các vấn đề về bụng, chẳng hạn như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng.

Các triệu chứng của HFRS thường xuất hiện trong vòng 1 đến 2 tuần sau khi tiếp xúc, bao gồm đau đầu dữ dội, đau lưng và bụng, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và mờ mắt. Một số bệnh nhân cũng có thể bị đỏ bừng mặt, viêm hoặc đỏ mắt hoặc phát ban. Các triệu chứng tiếp theo có thể bao gồm sốc cấp tính, huyết áp thấp và suy thận cấp tính.

COVID-19 thường có biểu hiện sốt hoặc ớn lạnh, ho, hụt hơi hoặc khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ hoặc cơ thể, nhức đầu, mất vị giác hoặc khứu giác mới, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn mửa và tiêu chảy… Ở một số người có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào.

TS. Adalja cho hay, ngoài các triệu chứng chung, virus Hanta và COVID-19 lại có điểm khác biệt: COVID-19 chủ yếu lây truyền từ người sang người thông qua các giọt đường hô hấp do người bệnh tiết ra. Nhưng virus Hanta không lây truyền giữa người với người – nó lây lan qua các loài gặm nhấm. Ở Mỹ, các loài gặm nhấm mang virus Hanta bao gồm chuột hươu, chuột bông, chuột gạo và chuột chân trắng. Những loài gặm nhấm này thải virus trong nước tiểu, phân và nước bọt của chúng và sau đó nó có thể lây sang những người hít thở không khí bị ô nhiễm.

Virus Hanta có nguy hiểm?

TS. Adalja cho biết, virus Hanta hiếm khi lây nhiễm sang người. Từ năm 1993 đến năm 2017, có728 trường hợp được xác nhận mắc bệnh do virus Hanta đã được báo cáo ở Mỹ. Virus Hanta có thể hiếm hơn nhiều so với COVID-19, nhưng nó là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn nhiều vì nguy cơ tử vong rất cao. Ước tính tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Mỹ là 2,5%. Tỷ lệ tử vong do Hantavirus thay đổi tùy thuộc vào loại virus gây bệnh, nhưng có thể cao tới 15% với một số chủng gây ra HFRS.

Cách nào điều trị?

Nhiều bệnh nhân COVID-19 nhập viện được điều trị bằng steroid dexamethasone và remdesivir chống virus, nhưng những phương pháp điều trị này không được chấp thuận. TS. Adalja cho hay, trên thực tế, không có phương pháp điều trị hoặc vắc-xin nào được chấp thuận cho COVID-19, cũng như không có phương pháp điều trị, chữa bệnh hoặc vắc-xin cụ thể nào cho bệnh nhiễm virus Hanta. Những bệnh nhân được chuyển vào chăm sóc đặc biệt với tình trạng suy hô hấp nặng được đặt nội khí quản và thở oxy. Các hình thức chăm sóc hỗ trợ khác, như truyền dịch qua đường tĩnh mạch và thuốc hạ sốt, có thể giúp giảm các triệu chứng.

Cách tốt nhất khi thấy cơ thể có triệu chứng bất thường, nên trao đổi với bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, trách các biến chứng có thể xảy ra.

Ngọc Nga tổng hợp 

Bài viết liên quan

Tạm ngưng một số tuyến vận chuyển hành khách trên địa bàn TP.HCM trong thời gian giãn cách

CDC Hà Nam

Bộ Y tế: Ca tử vong thứ 47 liên quan đến COVID-19 là nữ bệnh nhân 22 tuổi có bệnh máu ác tính

CDC Hà Nam

Bộ Y tế: Thực hiện ngay 8 biện pháp phòng chống COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh

Ngọc Nga

Để lại bình luận