Phòng tránh các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường

(CDC Hà Nam)

Môi trường là tập hợp tất cả các điều kiện, hiện tượng trong tự nhiên như: đất, nước, không khí, thế giới động vật và thực vật. Môi trường có mối quan hệ mật thiết qua lại với sức khỏe con người. Khi môi trường bị ô nhiểm như: ô nhiễm nước, không khí, đất, thực phẩm và các ô nhiểm khác sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực cho lao động, sản xuất, đời sống và đặc biệt là sức khẻ con người.

Đối với nước sạch:

Nước sạch phải là nước trong, không màu, không mùi, không vị lạ, không gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh, không chứa các chất độc hại.

 Nước sạch có nhiều nguồn cung cấp khác như nước mưa, nước giếng khoan, nước máng lần, nước giếng  và hệ thống cung cấp nước tập trung.

Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch nếu chưa có thì cần hỏi ý kiến tư vấn của Y tế địa phương để xây dựng cho mình một nguồn nước sạch thích hợp. Nước được lấy từ bất cứ nguồn nào cho dù đã xử lý thì trước khi uống cũng phải đun sôi, tuyệt đối không uống nước lã.

Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận vì vậy mọi người phải có ý thức khai thác bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch.

Đối với vệ sinh môi trường:

Phải giữ gìn sạch sẽ nguồn nước và khu vực xung quanh, không đổ rác và xây nhà vệ sinh gần nguồn nước, phải thu gom rác phân gia súc để ủ chôn hoặc đốt.

Phân loại và thu gom rác thải vô cơ vào nơi quy định hoặc bán phế liệu để tái chế xử lý. Vỏ hộp và chai lọ để hóa chất bảo vệ thực vật phải chôn đúng nơi quy định. Thu gom và xử lý rác hữu cơ bằng cách quét dọn nhà cửa hàng ngày, lá cây, rơm rạ, giấy loại phải đổ vào hố rác của gia đình rồi đốt hoặc chôn. Khi có động vật chết phải chôn sâu bằng vôi bột.

Nước thải của nhà máy, khu công nghiệp phải được sử lý trước khi đưa ra nguồn nước thải tập trung.

Vì một thế giới tươi đẹp, vì sức khỏe bản thân  và để phòng tránh các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường, mỗi chúng ta cần phát huy và thực hiện tốt nguyên tắc vệ sinh sau đây:

Ăn chín uống sôi

Nước lã chứa nhiều mầm bệnh. Ngay cả nguồn nước máy sau khi chảy qua hệ thống đường ống cũ, qua các dụng cụ  đựng nước không hợp vệ sinh vẫn có thể bị nhiễm bẩn. Đun sôi nước hoặc hoặc cho nước chảy qua các thiết bị diệt khuẩn  có thể diệt được mầm bệnh.

 Thức ăn sống, đặc biệt là các loại thịt có thể chứa nhiều mầm bệnh.

Mầm bệnh sinh sản nhanh ở thức ăn ấm hoặc thức ăn để lâu ở nhiệt độ bình thường.

Dụng cụ nấu  bếp như dao, thớt, bát đĩa, khăn lau… nếu không vệ sinh cũng là môi trường thuận tiện cho mầm bệnh phát triển.

Rau quả nếu không được ngâm và rửa kỹ cũng chứa nhiều mầm bệnh và độc tố.

Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất kháng sinh và những chất cần thiết khác giúp trẻ phòng chống bệnh tật.

Những điều cần làm:

 Uống nước đã đun sôi hoặc nước đã được làm sạch và khử trùng bằng các thiết bị diệt khuẩn.

Thức ăn cần được nấu chín. Ăn sau khi nấu , không được ăn thức ăn ôi thiu.

Hâm kỹ thức ăn khi dùng lần sau.

Bảo quản thức ăn, tránh ruồi nhặng.

Dụng cụ nấu bếp, khăn lau cần được giặt rửa sạch sẽ, để nơi khô thoáng.

Ngâm và rửa rau quả bằng nước sạch trước khi ăn và trước khi nấu nướng.

 Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú tới 18 tháng hay hơn nữa.

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch

Phân người và phân súc vật chứa rất nhiều mầm bệnh. Do đó tay có thể bị nhiễm bẩn và mang mầm bệnh sau khi đi vệ sinh.

 Khi chuẩn bị thức ăn, khi ăn hoặc khi trẻ em mút tay, mầm bệnh sẽ truyền từ bàn tay bẩn qua miệng rồi vào cơ thể.

Những điều cần làm:

 Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn.

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, lau chùi cho trẻ em và sau khi làm những công việc có tiếp xúc với phân.

Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch.

 Đặt dụng cụ rửa tay và xà phòng nơi thường chuẩn bị bữa ăn.

 Gần nhà vệ sinh nên có nước và xà phòng để rửa tay.

Cắt và giữ móng tay sạch sẽ.

 Tắm rửa thường xuyên

Cơ thể và mặt mũi dơ bẩn là môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Ruồi và bàn tay là nguồn lan truyền các mầm bệnh này.

Quần áo dơ bẩn và ẩm ướt tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

  Bệnh mắt đỏ và bệnh mắt hột có thể lây từ người này sang người khác nếu dùng chung khăn mặt.

Giun móc sống trong đất có thể xuyên qua da.

Những điều cần làm:

Tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.

Rửa mặt hàng ngày.

Giặt quần áo và khăn mặt thường xuyên bằng xà phòng và phơi khô ngoài nắng.

 Không dùng chung khăn mặt.

 Không để trẻ bò lê dưới đất.

Hồng Hạnh

Bài viết liên quan

Vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn trong trường học

hanh phan

Những bệnh thường gặp nhất ở trẻ mầm non khi đi học

hanh phan

Vai trò và lợi ích sử dụng muối I ốt

hanh phan