Trẻ mắc bệnh tự kỷ – Những lời khuyên dành cho cha mẹ

(CDC Hà Nam)

Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển, đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt giao tiếp ngôn ngữ. Số trẻ em mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng lên. Một trong những lý do khiến việc điều trị còn khó khăn là bởi chưa có nhiều cha mẹ thực sự hiểu về căn bệnh này. Để nhận biết chính xác trẻ mắc tự kỷ hay không, cần có nhiều đánh giá từ các bác sĩ chuyên khoa.

Nguyên nhân

Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển, đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ; quan hệ xã hội và hành vi, sở thích.

Hiện nay, những nguyên nhân gây ra tự kỷ vẫn chưa được các chuyên gia xác định rõ. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh tự kỷ là hậu quả của nhiều yếu tố tác động khác nhau như:

Ở những gia đình có bố, mẹ hoặc người thân mắc chứng tự kỷ, có khiếm khuyết xã hội nhẹ (hành vi lặp đi lặp lại, gặp vấn đề về giao tiếp…) hay rối loạn cảm xúc (như trầm cảm) thì khả năng trẻ sinh ra bị tự kỷ cao hơn. Nếu như trong gia đình có trẻ bị tự kỷ, thì có đến 5 – 20% khả năng đứa trẻ khác sinh ra cũng bị tự kỷ.

Gen bất thường: Một nhóm nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa một gen bất thường và chứng tự kỷ. Gen bị lỗi làm cho một người dễ mắc tự kỷ hơn khi có mặt các yếu tố khác như mất cân bằng hóa học, hóa chất.

Nguy cơ nào khiến trẻ mắc bệnh tự kỷ?

Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều yếu tố, trong đó tuổi và khoảng cách tuổi của cha mẹ được nhắc đến nhiều.

Một nghiên cứu cho kết quả, nếu người cha trên 50 tuổi thì trẻ sinh ra có khả năng bị tử kỷ cao hơn 66% so với người cha ở độ tuổi 20. Người mẹ trên 40 tuổi hoặc tuổi teen thì con sinh ra cũng dễ bị tự kỷ hơn với tỷ lệ lần lượt là 15%, 18%. Hay khi khoảng cách tuổi giữa cha mẹ > 10 tuổi thì cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ.

Người mẹ mắc một số loại bệnh trong khi mang thai, gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ như: Bệnh về tuyến giáp gây thiếu hụt Tyroxin, bệnh tiểu đường, thiếu axid folic. Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho rằng phơi nhiễm với môi trường; Môi trường gia đình như: Trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với cha mẹ, bạn bè cùng trang lứa, trẻ xem ti vi quá nhiều… cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến trẻ mắc tự kỷ.

Nhận biết trẻ bị tự kỷ

Để nhận biết chính xác trẻ mắc tự kỷ hay không, cần có nhiều đánh giá từ các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, những biểu hiện sau của trẻ có thể là biểu hiện của bệnh:

  • Không biết nhìn theo hướng chỉ tay của người lớn vào một vật, thường chỉ nhìn vào bàn tay của người chỉ.
  • Không trả lời, không có phản ứng khi có người gọi tên mình.
  • Không biết bắt chước.
  • Chậm phát âm, phát âm những tiếng kỳ lạ, không đúng với tình huống
  • Có sở thích kỳ lạ, thích các món đồ bình thường: Bao giấy, đồng xu, sợi dây…
  • Có một số hành vi lặp đi lặp lại (thích sắp xếp các vật dụng theo một thứ tự nhất định)
  • Không có khả năng chơi đùa với các bạn cùng lứa.
  • Thường xuyên kích động, lăng xăng, khó ở yên một chỗ.
  • Thường thức rất khuya, ngủ không yên giấc.
  • Không bộc lộ những cảm xúc vui, buồn một cách rõ ràng.
  • Rất ghét sự tiếp xúc, đụng chạm của người khác đến người của mình hoặc ngược lại, quá gắn bó, đeo bám.
  • Hay có những cơn giận dữ, kích động quá mức mà không kềm chế được.
  • Thờ ơ trước mọi tình huống, ít bộc lộ cảm xúc.
  • Thiếu ý thức về thời gian.
  • Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi, tâm lý thần kinh để được thăm khám. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo, sẽ dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn về sức khỏe, tinh thần của trẻ.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Sa sút trí tuệ – Nỗi khổ của người cao tuổi

Ngọc Nga

6 cách tăng cường hệ thống miễn dịch

CDC Hà Nam

Chuyên gia tư vấn cách tăng chiều cao hiệu quả cho trẻ

CDC Hà Nam