Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường và biện pháp phòng bệnh

(CDC Hà Nam)

            Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường là những tổn thương (biến chứng) do đường máu tăng cao kéo dài gây ra tại các cơ quan đích như: tim, thận, mắt, thần kinh và mạch máu. Nhưng bằng cách kiểm soát tốt đường huyết, phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh cơ hội sẽ ngăn ngừa và cải thiện biến chứng để sống chung với căn bệnh này:

            Biến chứng mạm tính của bệnh tiểu đường;

Biến chứng mạn tính do tiểu đường xảy ra như một phần tất yếu trong quá trình phát triển của bệnh, đặc biệt ở những người không kiểm soát tốt đường huyết. Stress oxy hóa và viêm mạn tính được cho là tác nhân chính làm hư hại hệ thống mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, từ đó sinh biến chứng.

  1. Biến chứng mắt do tiểu đường

Đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt, gây bệnh võng mạc tiểu đường. Dần dần, người bệnh bị suy giảm thị lực, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mù lòa. Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ một số bệnh về mắt khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, phù hoàng điểm.
Cách phòng ngừa: Kiểm soát tốt đường huyết, khám mắt định kỳ theo qui hoặc có dấu hiệu bất thường. Nếu thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ hay có cảm giác ruồi bay trước mắt, ấn vào quầng mắt thấy đau, nhức… người bệnh phải ngay lập tức đi khám để điều trị kịp thời.

  1. Các vấn đề về tim mạch

Sự xuất hiện và tiến triển của các bệnh về tim mạch là hệ lụy khó tránh khỏi với bệnh nhân tiểu đường. Bệnh nhân dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… gây di chứng liệt hoặc tử vong.
Cách phòng ngừa: Kiểm soát tốt các chỉ số đường máu, mỡ máu và huyết áp trong giới hạn cho phép cùng với chế độ ăn, lựa chọn các môn thể thao phù hợp, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

  1. Bệnh thần kinh tiểu đường

Là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường, bao gồm:

           Bệnh thần kinh ngoại biên: Ảnh hưởng đến những dây thần kinh: cảm nhận được cảm giác như đau, nóng hoặc tiếp xúc và thần kinh kiểm soát vận động, di chuyển cơ bắp.

          Bệnh thần kinh tự chủ: Ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát hoạt động tự chủ như nhịp tim, nhịp thở, tuyến tiết (mồ hôi, dịch tiết)…

          Tổn thương bàn chân đái tháo đường là sự kết hợp của nhiều biến chứng

Cách phòng ngừa: Kiểm soát tốt đường huyết, vệ sinh và chăm sóc bàn chân đúng cách hàng ngày là cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng. Sử dụng chất chống oxy hóa có lợi thế thấm tốt vào mô thần kinh để hỗ trợ điều trị, cũng là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

  1. Bệnh thận do tiểu đường

Lượng đường trong máu cao gây tổn thương tới hàng triệu vi mạch (mạch máu nhỏ) tại thận, làm suy giảm chức năng lọc, bài tiết của thận, nặng hơn là dẫn đến suy thận không hồi phục.

Cách phòng ngừa: Duy trì đường huyết, huyết áp về ngưỡng bình thường,

  1. Biến chứng nhiễm trùng của tiểu đường

Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, rất dễ bị nhiễm trùng, như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền… Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị.

Cách phòng ngừa: Kiểm soát đường huyết trong giới hạn, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là một số vùng dễ nhiễm khuẩn như răng miệng, sinh dục hay tiết niệu. Nếu nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng như: sốt; đau khi đi tiểu, nước tiểu đục…. Hoặc khi có các vết thương hay xây xước nhỏ lâu lành. Ngoài các biến chứng kể trên, đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều cơ quan khác như cơ xương khớp, não bộ (suy giảm trí nhớ) hay các bệnh về da…Người bệnh cần trao đổi ngay với bác sĩ.

          Biến chứng cấp tính thường gặp của tiểu đường:

Biến chứng cấp tính là những biến chứng xảy ra đột ngột trong thời ngắn và rất dễ tử vong nếu không được xử trí hay cấp cứu kịp thời.

  1. Hạ đường huyết

Xảy ra khi đường huyết xuống dưới 3.6 mmol/l (65 mg/dl), nguyên nhân có thể là: quá liều thuốc hạ đường huyết; ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc; tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu… Dấu hiệu nhận biết: đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực;

Cách xử trí: Khi có dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ và trung bình, người bệnh phải nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường, hay ăn 1 chiếc kẹo và nằm nghỉ ngơi yên tĩnh. Khi tỉnh táo trở lại, nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Trong trường hợp hạ đường huyết nặng cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để được xử trí kịp thời.

  1. Hôn mê do tăng đường huyết

Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu. Đây là biến chứng nặng và rất dễ tử vong, đòi hỏi người bệnh phải được cấp cứu ngay lập tức.

Cách phòng ngừa biến chứng cấp tính: Người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết bằng cách uống thuốc đủ liều lượng, đúng thời gian mỗi ngày. Phòng tránh nhiễm khuẩn, chấn thương, stress, sẽ giúp loại bỏ các yếu tố gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Mặc dù tiểu đường chưa thể chữa khỏi, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được các biến chứng và ổn định đường huyết nếu biết phòng bệnh đúng cách.

Hồng Hạnh

Bài viết liên quan

Tác hại của thuốc lá đối với học sinh

hanh phan

Điểm mặt những bệnh thường gặp ở trẻ mầm non và cách phòng tránh

hanh phan

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 08/02/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận