Hiến máu sau khi tiêm vaccine COVID-19- Băn khoăn được giải đáp

(CDC Hà Nam)
Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của nhân dân ta. Trong các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, vô cùng quan ngại là nguồn máu dự trữ giảm đáng kể, nhất là nhóm máu A và O, khiến nhiều người bệnh buộc phải hoãn điều trị. Bên cạnh đó, giải pháp then chốt trong cuộc chiến này là tăng tỷ lệ người dân được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Vậy những người đã tiêm vaccine COVID-19 có thể hiến máu được không?

Câu trả lời của các chuyên gia y tế là được và việc hiến máu sau khi chủng ngừa COVID-19 là an toàn, miễn là bạn cảm thấy khỏe mạnh, không cần thiết phải chờ đợi giữa việc tiêm và hiến máu. Trên thực tế, việc hiến máu còn được khuyến khích mạnh mẽ, đặc biệt là trong những tháng hè khi lượng máu hiến có xu hướng thấp.

Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ (The American Red Cross) báo cáo rằng phản ứng miễn dịch của người hiến tặng đối với vaccine sẽ không bị gián đoạn khi cho máu và không làm giảm khả năng bảo vệ của kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, bạn có thể hiến máu có kháng thể từ vaccine. Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng việc truyền máu từ người đã tiêm vaccine COVID-19 là an toàn. Máu có thể được hiến tặng giữa liều vaccine thứ nhất và thứ hai miễn là người hiến máu không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào từ vaccine, chẳng hạn như đau nhức cơ, nhức đầu, sốt. Việc hiến máu có thể tiếp tục sau khi hết tác dụng phụ.

Nếu bạn khỏe mạnh, hoàn toàn có thể hiến máu sau khi chủng ngừa vaccine COVID-19.

Khi nào không nên hiến máu?

Mặc dù hiến máu là một cách tuyệt vời để giúp những người đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe nguy cấp, nhưng có một số tiêu chí nhất định không được hiến máu tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên không nên hiến máu nếu bạn: Bị bệnh cúm, đau họng, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác; Vừa hoàn thành một can thiệp điều trị nha khoa, bạn phải đợi 24 giờ trước khi hiến máu; Gần đây đã đi du lịch đến địa phương có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh do muỗi truyền; Đã thực hiện hành vi tình dục không an toàn và có nguy cơ trong 12 tháng qua; Xét nghiệm dương tính với HIV; Đang cho con bú.

Vấn đề kháng thể từ huyết tương hiến tặng

Trong thời kỳ đầu của đại dịch, các kháng thể từ huyết tương hiến tặng thu được từ những người hồi phục sau COVID-19 được cho là có lợi trong việc điều trị những người đang bị nhiễm trùng COVID-19. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng không phải hoàn toàn như vậy, và theo Tổ chức Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, những người được chủng ngừa không đủ điều kiện để hiến huyết tương có kháng thể vào thời điểm này.

Tóm lại, việc hiến máu vô cùng quan trọng trong tất cả các thời điểm và ngay trong mùa dịch COVID, vì không có nguồn thay thế nhân tạo cho máu, các bác sĩ dựa vào việc hiến máu để cứu sống khoảng 4,5 triệu người mỗi năm. Truyền máu được sử dụng trong phẫu thuật, cho các chấn thương mất máu, bệnh nhân ung thư, bệnh mãn tính và cho những người bệnh liên quan máu như thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh máu khó đông. Nếu bạn khỏe mạnh và cảm thấy khỏe mạnh, không có lý do gì bạn không thể hiến máu sau khi chủng ngừa vaccine COVID-19.

Phan Thị Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 189 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga

Sáng 10/8: Có 5.149 ca mắc COVID-19 tại TP HCM và 22 địa phương khác

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 23/01/2022

hanh phan

Để lại bình luận