Máu nhiễm mỡ, căn bệnh thời đại

(CDC Hà Nam)

Máu nhiễm mỡ (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, tăng cholesterol) đã trở thành bệnh thời đại khi số người trong cộng đồng mắc ngày càng gia tăng. Lối sống hiện đại ít vận động, dinh dưỡng không hợp lý đã gây nên căn bệnh nguy hiểm này.

  1. Ai cũng có thể mắc bệnh

Cơ thể con người luôn lưu hành cholesterol trong máu. Cholesterol có ở tất cả các màng tế bào và tham gia vào quá trình chuyển hóa của cơ thể, tăng sự hoạt động của cơ thể, nên cơ thể cần có 1 lượng cholesterol nhất định. Khi lượng cholesterol tăng quá mức hoặc giảm quá mức sẽ gây hại cho cơ thể, trong đó gây nên bệnh máu nhiễm mỡ.

Bệnh máu nhiễm mỡ hay còn gọi là bệnh mỡ máu, rối loạn lipid máu, là tình trạng tăng Cholesterol và triglycerid, hoặc giảm nồng độ mỡ tốt (HDL-C), tăng nồng độ mỡ xấu (LDL-C).

Bệnh do 2 nhóm nguyên nhân.

– Nhóm nguyên nhân thứ nhất gây nên tình trạng rối loạn lipid máu là đột biến gen hoặc có yếu tố gia đình.

– Nhóm nguyên nhân thứ 2 chính là lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì, ăn nhiều chất béo bão hòa, nghiện rượu, hút thuốc lá, xơ gan, đái tháo đường, suy thận mạn và một số loại như thuốc ngừa thai, thuốc lợi tiểu…

– Cùng với đó, tâm lý chủ quan, ít kiểm tra sức khỏe dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

“Một thực tế đáng lo ngại hơn là căn bệnh này ngày càng xuất hiện ở người trẻ tuổi, thậm chí là trẻ em, nhất là trẻ bị thừa cân, béo phì”, BS Hằng cho biết.

  1. Bệnh máu nhiễm mỡ để lại nhiều hậu quả

– Bệnh mỡ máu thường không có hoặc có ít triệu chứng ban đầu khiến khó phát hiện, làm người bệnh chủ quan. Lâu ngày, các lipid xấu trong máu sẽ tích tụ dần trong các lòng mạch, tạo thành các mảng bám lớn chèn ép lối đi của dòng máu. Điều này cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan, gây ra các hiện tượng như: đau đầu, tê bì chân tay, chóng mặt, đau tức ngực, thở gấp, tim đập nhanh…

Ở những người trẻ tuổi, các dấu hiệu của bệnh thường không rõ ràng, khó nhận biết. Đặc biệt, khi các mảng bám lớn xuất hiện ở mạch máu lớn nơi tim, gan, thận sẽ gây tắc nghẽn mạch máu, khiến các cơ quan này ngừng hoạt động, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

– Bệnh mỡ máu cao thường trải qua quá trình điều trị lâu dài, là gánh nặng kinh tế nếu không kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng đến mạch máu, gây xơ vữa mạch máu, kèm theo các vấn đề tim mạch gây tai biến mạch máu não, tắc mạch máu não, tắc mạch máu tim…

– Để hạn chế mỡ máu cao, người dân cần cân bằng lại khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, chọn các chất béo lành mạnh, giảm lượng thức ăn có chất béo bão hòa như mỡ động vật, các thực phẩm chiên rán, tăng cường thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích và các loại hạt… Bổ sung thêm chất xơ hòa tan có trong yến mạch, trái cây, rau, đậu…

Bên cạnh đó, cũng nên tăng cường các hoạt động thể lực, bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và kiểm soát cân nặng. Định kỳ khám sức khỏe hàng năm, xét nghiệm các thông số lipid máu để phát hiện sớm các rối loạn mỡ máu, từ đó có hướng theo dõi và điều trị thích hợp.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Duy trì 6 thói quen này khi ngủ có thể khiến bạn giảm tới 10 năm tuổi thọ

hanh phan

Ngộ độc do ăn côn trùng

Ngọc Nga

Bệnh bạch hầu quay trở lại, những hệ luỵ khi trẻ không được tiêm vaccine đầy đủ

Ngọc Nga