4 nhóm thực phẩm có thể giúp người bệnh tuyến giáp giảm cân

(CDC Hà Nam)

Tăng cân là một trong những triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp. Khi tuyến giáp hoạt động kém, việc kiểm soát cân nặng thực sự là một thách thức đối với người bệnh. Vậy, cần làm gì để thúc đẩy giảm cân ở người bệnh tuyến giáp?

  1. Vì sao người bệnh tuyến giáp dễ bị tăng cân ?

Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả những thay đổi nhỏ trong chức năng tuyến giáp cũng có liên quan đến việc tăng cân. Điều đó có thể là do:

  • Sự trao đổi chất chậm hơn. Khi bạn bị suy giáp, sự trao đổi chất có thể chậm lại đáng kể khiến bạn đốt cháy ít calo hơn mỗi ngày.
  • Suy giáp cũng có thể khiến bạn mệt mỏi, đau nhức và ít vận động hơn, dẫn đến tăng cân nhiều hơn. Và khi mệt mỏi, người bệnh có xu hướng thèm ăn và ăn nhiều thức ăn có đường và carbohydrate hơn để cung cấp năng lượng dẫn đến tăng cân.
  • Có sự thay đổi trong cách cơ thể người bệnh xử lý, lưu trữ và đốt cháy chất béo và glucose (đường).
  • Xu hướng giữ lại chất lỏng trong các mô.
  • Suy giáp chưa được điều trị hoặc đang được điều trị nhưng nồng độ hormone tuyến giáp có thể không ở trong phạm vi tối ưu.
  • Nếu người bệnh chưa được chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp nhưng không thể giảm cân, xét nghiệm có thể cho thấy suy giáp.
  • Một số người bị bệnh tuyến giáp có sự mất cân bằng nội tiết tố khác có thể cản trở việc giảm cân thành công như: mức độ thấp của leptin và ghrelin là những hormone điều chỉnh cân nặng và sự thèm ăn góp phần gây béo phì và không thể giảm cân.
  • Insulin liên quan đến việc sử dụng glucose và lưu trữ chất béo. Khi kháng insulin, cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả và do đó cần nhiều hơn, dẫn đến tích trữ thêm chất béo.
  • Mức độ cao của hormone căng thẳng cortisol có thể dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân…
  1. Người bệnh suy giáp nên làm gì để thúc đẩy giảm cân?

Việc điều trị các bệnh tuyến giáp rất khó khăn, đòi hỏi thời gian dài, chủ yếu là cân bằng lại hormon để tuyến giáp hoạt động được tốt nhất. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng giúp hỗ trợ điều trị và kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Để thúc đẩy giảm cân, người bệnh tuyến giáp cần có kế hoạch cụ thể từ lựa chọn thực phẩm đến tập luyện, nghỉ ngơi và uống đủ nước.

Một chế độ ăn lành mạnh có thể hỗ trợ chức năng tuyến giáp, giúp kiểm soát cân nặng hoặc giảm cân và thậm chí có thể giúp giảm một số triệu chứng như mệt mỏi, táo bón và chuyển hóa chậm. Người bệnh tuyến giáp nên thực hiện một chế độ ăn uống tối ưu giảm thiểu carbohydrate và đường đơn giản, tập trung vào protein nạc và rau.

Tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp người bệnh giảm cân. Người bệnh cần ngủ đủ giấc, vì các nghiên cứu cho thấy ngủ không đủ giấc khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng có liên quan đến nỗ lực giảm cân thành công hơn.

  1. Một số loại thực phẩm giúp giảm cân ở người bệnh suy giáp

3.1. Thực phẩm giàu chất xơ

Nhiều người bị bệnh tuyến giáp phải vật lộn với chứng táo bón và tăng cân. Chất xơ rất quan trọng đối với tiêu hóa, sức khỏe tim mạch, nhu động ruột khỏe mạnh và tăng cường cảm giác no.

Chất xơ đã được chứng minh là giúp giảm cân đáng kể ở những người bị bệnh tuyến giáp. Nguyên nhân có thể do:

– Tình trạng táo bón thường gặp ở bệnh suy giáp có thể là do tiêu hóa chậm. Tiêu hóa chậm có thể dẫn đến tăng cân hoặc giảm cân bị đình trệ. Khi đó, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ có thể cải thiện hiệu quả tình trạng táo bón.

– Chất xơ cũng làm giảm sự thay đổi lượng đường trong máu và giảm lượng đường huyết trong thực phẩm, rất tốt cho những người bị kháng insulin.

– Thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp người bệnh no lâu hơn và mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Từ đó có thể giúp giảm cân.

Nguồn thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh là: trái cây, rau quả, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt…

3.2. Bổ sung chất béo lành mạnh

Người bệnh nên bổ sung chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ và các loại hạt vào chế độ ăn uống. Loại chất béo này có đặc tính chống viêm có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Ngoài những thực phẩm trên, người bệnh có thể ăn thêm cá hồi. Cá hồi cũng là một nguồn cung cấp chất béo tốt tuyệt vời, giúp chống viêm hiệu quả.

3.3. Uống đủ nước

Uống đủ nước sẽ giúp quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả hơn và nó cũng có thể làm giảm sự thèm ăn, loại bỏ tình trạng giữ nước và đầy hơi, cải thiện tiêu hóa, chống táo bón và mệt mỏi.

3.4. Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất

Sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tuyến giáp. Vì vậy, người bệnh cần đảm bảo có đủ lượng vitamin và khoáng chất, đặc biệt là: thực phẩm giàu vitamin D (trứng, sữa, nấm, cá hồi, cá ngừ…); vitamin B12 (thịt, cá, trứng, sữa…); selen (thịt bò, gà, hải sản, quả hạch, hạt hướng dương…); sắt (thịt đỏ, thịt gia cầm, gan, hải sản, các loại ngũ cốc…); kẽm (hải sản, thịt đỏ, thịt gia cầm, các loại ngũ cốc, đậu và các loại hạt…)…

  1. Một số thực phẩm cần hạn chế

4.1. Cắt giảm đồ ngọt

Bệnh tuyến giáp làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2. Thực phẩm nhiều đường được hấp thụ nhanh chóng, làm tăng lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu cao liên tục cũng có thể gây viêm. Vì vậy việc giảm và cân bằng lượng đường trong máu giúp giảm căng thẳng lên các hormone, bao gồm cả hormone tuyến giáp.

Để giúp giảm nguy cơ này người bệnh cần cắt giảm hoặc loại bỏ nước ngọt, bánh kẹo ngọt và các thực phẩm chứa đường khác như mật ong, mật mía…

4.2. Hạn chế đồ uống có cồn

Đồ uống có cồn thường chứa nhiều carbohydrate và đường, không tốt cho sức khỏe của người bệnh tuyến giáp. Lạm dụng đồ uống có cồn như rượu cũng gây căng thẳng cho gan và hệ thống miễn dịch.

4.3. Tránh thực phẩm không an toàn

Hormone, thuốc kháng sinh và thuốc trừ sâu là những chất độc và chúng có thể kích hoạt các phản ứng tự miễn dịch và viêm. Nếu loại bỏ được những chất độc này khỏi thực phẩm thì sẽ tạo ra ít căng thẳng hơn trong hệ thống miễn dịch và nội tiết.

Người bệnh nên chọn lựa thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất. Tốt nhất nên sử dụng thực phẩm hữu cơ, không có hormone, không có kháng sinh, không có thuốc trừ sâu, được nuôi thả tự do hoặc đánh bắt từ tự nhiên.

Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Những điều cần biết về bệnh do virus Adeno và cách phòng tránh

Ngọc Nga

Những hệ luỵ gì về sức khoẻ khi bạn thường xuyên thức khuya

CDC Hà Nam

Nên thận trọng khi để những thứ này tiếp xúc với mắt

CDC Hà Nam