Đại học Thiên Tân tuyên bố đã điều chế thành công vaccine dạng uống cho bệnh viêm phổi corona, tiến đến thử nghiệm lâm sàng.
Giáo sư Huang Jinhai, người đứng đầu dự án vaccine đã tự uống 4 liều mà không gặp bất cứ tác dụng phụ nào. Trường đại học đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng để tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sản xuất rộng rãi.
Vaccine dạng uống sử dụng saccharomyces cerevisiae, một loại nấm men bia làm “chất mang” và protein gai của virus corona để tạo ra kháng thể chống Covid-19.
Vaccine uống được sản xuất dưới dạng viên nang, viên sữa và dạng bột. Nhóm nghiên cứu cũng phát triển các công nghệ cốt lõi trong việc xây dựng các tế bào tái tổ hợp, sàng lọc, biểu hiện protein và tạo động lực lên men. Đây đều là các bước rất quan trọng trong việc phát triển vaccine.
Vaccine dạng uống dành cho bệnh Covid-19. Ảnh: Đại học Thiên Tân |
Giáo sư Huang cho biết, vaccine dạng uống có khả năng kích thích miễn dịch niêm mạc tại màng nhầy để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Đây cũng là liệu pháp tiềm năng chống lại virus corona.
“Vaccine có độ an toàn cao, sử dụng thuận tiện và có thể được sản xuất nhanh chóng với quy mô lớn”, ông tuyên bố.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu của giáo sư Huang sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp đủ điều kiện hợp tác và đánh giá, tăng tốc thử nghiệm lâm sàng và mở rộng sản xuất.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã phân tách thành công nCoV và công bố trình tự di truyền của virus, mở đầu cho các nỗ lực chạy đua điều chế vaccine của nhiều nhà khoa học đại lục và trên thế giới. Song đây là một quá trình phức tạp, cần nhiều thời gian và nguồn nhân lực. Toàn bộ quá trình nghiên cứu và điều chế vaccine thông thường mất 2 đến 5 năm.
Ngày 21/2, Xu Nanping, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tuyên bố vaccine đầu tiên sẽ được thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 4.
(Theo vnexpress.net)