UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh Covid-19

(CDC Hà Nam)

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 7/3/2020 UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 557/KH-UBND đáp ứng với từng cấp độ dịch do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp xác định mắc CoVid-19, khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Hạn chế giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo kế hoạch, phân loại ra 5 cấp độ dịch bệnh. Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập và lây nhiễm thứ phát trong nước nhưng chưa xâm nhập vào địa bàn tỉnh; Cấp độ 2: Có dịch bệnh xâm nhập tại tỉnh dưới 20 trường hợp. Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, từ trên 20 trường hợp đến 40 trường hợp trên địa bàn tỉnh. Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 40 trường hợp mắc đến 150 trường hợp mắc trên địa bàn tỉnh. Cấp độ 5: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng với trên 150 trường hợp mắc trên địa bàn tỉnh.

Đối với mỗi cấp độ, UBND tỉnh đều xây dựng chi tiết các hoạt động chính, từ tổ chức chỉ đạo đến thực hiện phòng, chống dịch:

Ở cấp độ 1, việc tổ chức chỉ đạo tập trung vào việc theo dõi và cập nhật diễn biến tình hình trong nước, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên xâm nhập vào địa bàn tỉnh để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế sẵn sàng phòng chống dịch.

Đối với các hoạt động chuyên môn ở cấp độ này tập trung thực hiện tuyên truyền thường xuyên liên tục về tình hình dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch cho nhân dân; huy động tất các các cơ quan truyền thông tham gia công tác tuyên truyền; áp dụng đa dạng các hình thức truyền thông. Tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 có yếu tố dịch tễ liên quan; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 15 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Thực hiện nghiêm việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin dịch kịp thời…

 Khi dịch ở cấp độ 2 (Có dịch bệnh xâm nhập tại tỉnh nhưng dưới 20 trường hợp). Chỉ đạo Ngành Y tế căn cứ vào Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương, tham mưu công bố dịch theo quy định. Triển khai các hoạt động điều tra, giám sát phát hiện, phun xử lý ổ dịch tại các khu vực có liên quan đến trường hợp mắc bệnh.

Điều tra, lập danh sách theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh. Đồng thời tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan tại khu vực người bệnh ở, làm việc, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm các trường hợp bị lây nhiễm thứ phát, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng.

Triển khai cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định.. Cơ sở khám chữa bệnh bố trí khu vực cách ly riêng để điều trị bệnh nhân. Khu vực cách ly được chia thành 03 đơn nguyên: Bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và khu lưu giữ bệnh nhân trước khi xuất viện.

Về công tác hậu cần, căn cứ vào dự báo tình hình dịch, chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư hóa chất, phương tiện kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng

Khi dịch ở cấp độ 3 (Dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong tỉnh đến 40 trường hợp trong tỉnh).

Họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hàng ngày, điều chỉnh kế hoạch hoạt động phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế, huy động nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Về công tác giám sát, dự phòng : Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.

Về công tác điều trị: thực hiện nghiêm túc công tác thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân như cấp độ 2, đồng thời bổ sung các hoạt động sau:

Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi cách ly triệt để, chuyển người bệnh đến bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng.

Ngành Y tế có kế hoạch mở rộng khả năng thu dung bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh (50 giường), Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi (30 giường); Hỗ trợ điều trị cho tuyến huyện và các ổ dịch đã được khoanh vùng, cách ly.

Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm, khám điều trị chăm sóc bệnh nhân và những người liên quan khác.

Khi dịch ở cấp độ 4 (Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 40 trường hợp mắc đến 150 trường hợp mắc)

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch kiểm tra, đánh giá tình hình dịch bệnh hàng ngày để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị ở tất cả các tuyến; Tham vấn ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia để ban bố tình trạng khẩn cấp trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát thường xuyên tình hình dịch bệnh.. Thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm 3- 5 trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính ở ổ dịch mới để xét nghiệm xác định ổ dịch. Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc; cách ly những trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ tại các ổ dịch.

Về công tác điều trị: thực hiện nghiêm công tác cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân như cấp độ 3, đồng thời bổ sung các hoạt động sau:

Tập trung thuốc, phương tiện, trang thiết bị y tế, chuẩn bị giường bệnh, phòng khám, điều trị và bố trí cán bộ chuyên môn y tế trực 24/24 giờ để sẵn sàng cáp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí cho người bị nhiễm bệnh và người có nguy cơ nhiễm bệnh

– Duy trì hoạt động liên tục của các bệnh viện từ tỉnh đến huyện, đảm bảo tiếp tục các dịch vụ y tế thiết yếu, bao gồm cả dịch vụ có nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người có bệnh mạn tính. Huy động nguồn lực, vật lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư, …) cho các đơn vị điều trị bệnh nhân.

Khi dịch ở cấp độ 5 (Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 150 trường hợp mắc trên địa bàn tỉnh)

Thực hiện các hoạt động như ở cấp độ 4, đồng thời bổ sung các hoạt động chính như sau:

Huy động tối đa số giường của tất cả các bệnh viện do ngành Y tế quản lý và các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn để tăng cường khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh. Trong trường hợp số lượng bệnh nhân quá lớn và các bệnh viện không có khả năng thu dung thì triển khai bệnh viện dã chiến.

Tại tuyến huyện có nhiều người bệnh nhiễm bệnh: Chuyển hoạt động của bệnh viện huyện sang chỉ dành cho người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh, bệnh nhân đang điều trị được chuyển về các bệnh viện cấp huyện khác (phù hợp với địa bàn cư trú và khả năng của bệnh viện) hoặc chuyển điều trị ngoại trú.

Trường hợp khả năng y tế địa phương không đáp ứng, ngành Y tế tham mưu để huy động đơn vị điều trị của lực lượng công an, quân đội và các ngành, các cơ sở y tế tư nhân tham gia cách ly, điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh.

Báo cáo, xin hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế và tư vấn từ Ban Chỉ đạo quốc gia hoặc tỉnh bạn…

Với kế hoạch mới ban hành đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra, nhằm kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong trên địa bàn tỉnh.

                                                                                       Mậu Ngọ (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Những điều cần biết khi điều trị bệnh chân tay miệng

Ngọc Nga

Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Ngọc Nga

Thông tư mới về điều trị nội trú tại cơ sở y học cổ truyền

CDC Hà Nam

Để lại bình luận