Những “chiến sĩ” thầm lặng trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19

(CDC Hà Nam)

Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các bộ, ban, ngành, đoàn thể còn có sự đóng góp không nhỏ của các chiến sĩ mặc áo blouse trắng. Không chỉ những bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân, mà đó còn là những “chiến sĩ” ngày đêm âm thầm làm việc; từ việc điều tra dịch tễ, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để có biện pháp xử lý kịp thời đến việc phun thuốc khử khuẩn, xử lý môi trường,…

Họ là những người làm việc ở tuyến đầu, không chỉ áp lực, vất vả, mà nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn cao. Song vượt lên trên những khó khăn đặc thù, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến, họ được ví như những “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

 Những hy sinh lặng thầm…

Không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến” phòng, chống dịch bệnh; xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch nhanh và hiệu quả. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam dù nắng hay mưa, dù đêm hay ngày, dù ở bất cứ đâu, mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, là lập tức đến để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch… Từ đó, tham mưu những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đắc Tiến, Trưởng khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm chia sẻ: “Tất cả mọi người đều làm hết khả năng, sẵn sàng ứng trực liên tục, không ai được phép ngừng liên lạc. Trong bất cứ tình huống nào, khi có lệnh điều động là phải lên đường”. Theo thạc sĩ Tiến: Chúng tôi đều xác định tiếp xúc với mầm bệnh truyền nhiễm, yếu tố nguy cơ lây nhiễm cao, thậm chí có thể tử vong; do vậy, chúng tôi đều phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ cá nhân theo quy định để giảm thiểu sự lây nhiễm cho cán bộ y tế.

Điều tra dịch tễ những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trên địa bàn huyện Kim Bảng, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19

Trong dịch Covid-19, không chỉ riêng Thạc sĩ Tiến mà các đồng nghiệp thuộc các Đội đáp ứng nhanh đều phải căng mình làm việc với cường độ liên tục, Bác sĩ Phạm Thị Thu cho biết: “Khối lượng công việc nhiều gấp 4 – 5 lần so với ngày thường, nhiều đêm phải thức trắng mới hoàn thành xong phần việc được giao”. Công việc của họ không chỉ mất nhiều thời gian mà còn gian khổ và nguy hiểm… nếu không có sự tận tụy, lòng yêu nghề thì khó có thể hoàn thành khối lượng công việc ấy. “Kể từ khi có ca đầu tiên nghi mắc Covid-19, cán bộ thuộc các Đội đáp ứng nhanh đã làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, nhiều cán bộ đã phải gác lại việc gia đình, con cái để tập trung cho công việc” – Thạc sĩ Tiến chia sẻ thêm. Còn Bác sỹ CKI Đoàn Thị Ngân lại cười vui vẻ: “Chúng tôi vẫn bông đùa với nhau, y tế dự phòng là những người “đi trước, về sau”, những bác sĩ không mặc áo blouse trắng!”.

Đo thân nhiệt cho các đại biểu về dự Kỳ họp thứ XIII của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam

Khó có thể kể hết những gian khổ của cán bộ làm công tác dự phòng. Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm… nên nhiều cán bộ y tế còn bị xa lánh. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn: “Khi chúng tôi tiếp cận điều tra dịch tễ học ca nghi ngờ Covid-19 đầu tiên, nhiều người lo sợ và xa lánh chúng tôi; kể cả người thân, gia đình và bạn bè, chứ không nói là người dân. Nhờ có công tác truyền thông và các Đội phản ứng nhanh chống dịch Covid-19 đã đến từng hộ gia đình có người tiếp xúc với nguồn lây nhiễm Covid-19 để tư vấn, tuyên truyền nên mọi người hiểu, cảm thông và bớt dần tâm lý lo sợ”.

Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh những ngày này cũng vất vả không kém. Dụng cụ luôn sẵn sàng, chỉ cần có “a lô” của lãnh đạo là lên đường bất cứ lúc nào. Giữa cái mưa cuối xuân thâm thâm trong đêm khuya lạnh giá, các cán bộ trong Khoa lại cùng với bộ phận dịch tễ vẫn lên đường đi điều tra dịch tễ, lấy mẫu, rồi lại nhanh chóng chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Với mong muốn có kết quả xét nghiệm sớm, phục vụ cho việc khẳng định tình trạng bệnh, từ đó giúp lãnh đạo đơn vị có những quyết định, tham mưu hiệu quả cho công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm đến từng nhà người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 08/3/2020 để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Có dịp đi cùng cán bộ y tế xuống cơ sở để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, chứng kiến quá trình làm việc, chúng tôi mới thấy rõ sự vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh khi họ trực tiếp tiếp xúc, lấy mẫu. “Nhiều lúc cũng sợ hãi, nao núng vì chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, cũng đã được tập huấn phòng dịch kỹ càng nên chúng tôi tự tin và cùng động viên nhau vượt qua tất cả” – kỹ thuật viên Vũ Thị Thu Hiền chia sẻ.

Khi nói về công việc của những cán bộ của mình, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Là đơn vị trực tiếp điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm những ca nghi ngờ, đội ngũ cán bộ đã không quản ngày đêm, mưa nắng, trong đó có rất nhiều cán bộ là nữ, phải trực dịch 24/24. Sau khi làm nhiệm vụ bản thân những y, bác sĩ này cũng phải cách ly tại chỗ, cách ly với gia đình”. Và bác sĩ Lê Thị Trang là một trong những trường hợp như thế. Vì nhiệm vụ, nhiều buổi đêm bác sĩ Trang vẫn phải đi làm, phải trực dịch, rồi cách ly… Bác sĩ Trang mới sinh, em bé mới được hơn 1 tuổi, đáng lẽ những ngày nghỉ bé được mẹ ấp ủ, nâng niu trong vòng tay, thế nhưng “Thương con lắm, nhưng tất cả vì sức khỏe cộng đồng nên phải cố gắng, chị ạ!”. Vượt qua những lo lắng, trăn trở, nguy cơ lây nhiễm cao, những cán bộ y tế ở đây vẫn lăn xả vào công việc, tìm mọi biện pháp để phòng, chống dịch được hiệu quả nhất”. Thạc sỹ Ánh nhấn mạnh: “Đó là sự hy sinh, sự cống hiến rất lớn trong đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng để tích cực chủ động trong phòng, chống dịch bệnh”.

Phun thuốc khử trùng toàn bộ trong và ngoài khu vực hội trường diễn ra Kỳ họp thứ XIII, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam

Đồng hành trong cuộc chiến chống dịch bệnh, thời gian qua, những chiếc máy phun thuốc khử khuẩn cũng là người bạn quen thuộc của các cán bộ làm công tác kiểm soát bệnh tật. Với tổng trọng lượng khoảng trên 30 kg, mỗi khi có dịch bệnh, họ phải di chuyển liên tục khắp các ngóc ngách, điểm công cộng để phun khử khuẩn. Dù phải đối mặt với hoá chất, công việc khó khăn, nặng nhọc, xong ai cũng hướng tới mục tiêu là thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân. Gần 30 năm gắn bó với nghề, kĩ thuật viên Nguyễn Ngọc Tâm chia sẻ: “Nhóm xử lý môi trường trung bình mỗi ngày phun khử khuẩn từ 20 đến 30 lít hóa chất tại các địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh. Tuy vất vả nhưng mọi người luôn nhiệt tình trong công việc và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để đẩy lùi dịch bệnh”

Nhưng lại là hạnh phúc riêng!

Mặc dù công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh, dịch luôn cận kề, song điều đáng tiếc là ít ai hiểu được vai trò quan trọng cũng như những khó khăn mà cán bộ y tế này luôn phải đối mặt. Tuy vậy, với mỗi ngành, lĩnh vực đều có những khó khăn, vất vả đi kèm niềm vui và hạnh phúc riêng. “Thông thường với mỗi bác sĩ điều trị, khi thành công là cứu được một ca bệnh hay một số ca bệnh. Nhưng với hệ thống y tế dự phòng nói chung và cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật nói riêng là bảo vệ cho cả một quần thể cộng đồng không bị dịch bệnh, ngăn chặn thấp nhất số người bị nhiễm bệnh phải vào bệnh viện điều trị. Bởi vậy, dù không trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhưng lại có thể bảo vệ sức khỏe của rất nhiều người, đó là niềm hạnh phúc khó tả của những bác sĩ công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng”, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Ánh bộc bạch.

Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm căng mình làm việc, không kể đêm ngày, mưa nắng trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, tất cả với mục đích: Vì sức khỏe cộng đồng.

Những gì mà các cán bộ y tế dự phòng đã và đang làm vì sức khỏe người dân là không thể kể hết. Chính họ đã đem lại hạnh phúc cho cộng đồng, tránh được bệnh dịch, góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện và các thầy thuốc hệ điều trị trên cả nước nói chung, Hà Nam nói riêng. Nhớ lại những kỷ niệm khi làm công tác chuyên môn, Thạc  sĩ Trần Đắc Tiến chia sẻ: “Có thể nói, làm công tác y tế dự phòng đã tôi luyện trong tôi sự năng động, sáng tạo và cả sự quyết đoán. Sự quyết đoán trong nhiều tình huống đã giúp ích được cho cộng đồng”.

Hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với cán bộ y tế dự phòng và công việc của họ sẽ được cộng đồng biết đến nhiều hơn chứ không còn thầm lặng như bấy lâu.

Ngọc Nga

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Béo phì trong thiếu chất do ăn sáng công nghiệp:

CDC Hà Nam

61 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, ra viện

Mậu Ngọ

Nhận biết dấu hiệu trầm cảm sau sinh

CDC Hà Nam

Để lại bình luận