Song hành với nỗ lực phòng, chống virus corona, các cơ quan chức năng đã, đang xử lý nhiều đối tượng đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Xử phạt nhiều tài khoản đưa tin thất thiệt
“Chiều nay Hà Nội sẽ công bố phát dịch corona, tối nay thời sự sẽ đưa tin về việc này. Đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau không nên ra đường trong cung giờ từ 4-7 giờ 30 sáng mai 1/2/2020… Mọi người ra đường nhớ đeo khẩu trang với kính cẩn thận nhé.” Đây là một trong số những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) trong chiều 31/1.
Theo đại diện Bộ Y tế, thông tin này là giả mạo, hoàn toàn không có thực. Do đó, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, không phát tán những thông tin này làm cho nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
Không chỉ vậy, những ngày qua, nhiều tài khoản cá nhân trên mạng xã hội còn đưa thông tin thất thiệt về các trường hợp nhiễm bệnh ngay trên địa bàn.
Điển hình như, khoảng 23 giờ ngày 30/1, tài khoản Facebook cá nhân “Hoang Nguyen Cong” đã đăng tải bài viết với nội dung: “Theo thống kê cụ thể trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 4.000 người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh. Một trong số họ ngày hôm nay 30/1/2020 đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chuyển tuyến khẩn cấp ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương do nhiễm virus corona khi người này vừa về Trung Quốc ăn Tết và quay trở lại Việt Nam làm việc!!! Chuyện xấu nhất xảy ra thì Bắc Ninh sẽ là ổ dịch lớn nhất cả nước…”
Bài viết kèm theo hình ảnh được chủ tài khoản chụp tại bệnh viện đã thu hút gần 600 lượt thích, bình luận, chia sẻ.
Tương tự, khoảng 13 giờ 42 phút ngày 29/1, tài khoản Facebook cá nhân có tên Nguyễn Đình Phong đăng tải bài viết với nội dung: “Hoang mang quá đóng cửa khẩu rồi có người chết trong chỗ đóng dấu”…
Thậm chí, nhiều tài khoản của các nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng (Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân…) cũng đăng các thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh.
Các cơ quan chức năng của nhiều địa phương đã mời các đối tượng đến làm việc, yêu cầu xóa bỏ thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật; có trường hợp đã bị xử phạt lên tới 30 triệu đồng.
Các trường hợp vi phạm đều đã nhận thấy hành vi sai trái của mình, xuất phát từ mục đích chia sẻ thông tin nhằm tuyên truyền đến người dân ý thức phòng chống dịch bệnh; tuy nhiên trong quá trình đăng tải đã không kiểm duyệt nội dung để dẫn đến sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống virus corona trên địa bàn cả nước.
Tránh tiếp nhận, phát tán thông tin sai sự thật
Tin giả, tin sai sự thật không chỉ gây ra hoang mang, lo lắng, còn gieo rắc nỗ sợ hãi cho cộng đồng.
Theo quy định tại khoản tại khoản 3, điều 64, Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng…, người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân.
Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Ngày 28 và 31/1/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các Chỉ thị số 05/CT-TTg và 06/CT-TTg về tăng cường các biện pháp phòng chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh nCoV gây ra.
Chỉ thị yêu cầu các Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an chỉ đạo các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành y tế phòng, chống dịch hiệu quả; tổ chức xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 8 giờ 30 ngày 1/2, tổng số trường hợp mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona trên thế giới là 11.949 trường hợp, trong đó tại Trung Quốc là 11.791 người.
Đã có 259 người tử vong (đều ở Trung Quốc). Bên ngoài Trung Quốc có 158 trường hợp mắc bệnh. Việt Nam đã ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với chủng mới của virus corona, nâng số người nhiễm loại virus này lên 6 người.
Theo nhiều chuyên gia, hiện, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực hết sức, triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân; mỗi cá nhân bên cạnh việc tự bảo vệ bản thân, cần có ý thức góp sức cùng nhà nước.
Mỗi người dân cần tỉnh táo tiếp nhận thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, từ đó có biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất; tránh tiếp nhận, phát tán những thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang lo lắng, phức tạp thêm tình hình phòng, chống dịch bệnh./.
Theo vietnamplus.vn