Điểm báo ngày 29/4/2020

(CDC Hà Nam)
 “Cuộc chiến chống Covid-19 giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế”; Chuyện về những cô đỡ thôn bản ở Gia Lai; 2 mẫu máy thở của VinGroup chuẩn bị ra thị trường…

Địa phương không áp biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống dịch, bởi ‘lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn’.

Thông điệp trên được Thủ tướng nhấn mạnh khi kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 28.4 bàn về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhằm tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, dịch vụ ăn uống, hàng không.

Không được lơ là, mất cảnh giác

Cụ thể, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống dịch, bởi “lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn”. Các cơ quan chức năng, đặc biệt Ban Chỉ đạo quốc gia, cần tiếp tục thực hiện chiến lược được đề ra, kiên quyết ngăn chặn dịch xâm nhập, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch một cách kịp thời, hiệu quả. Mặc dù nguy cơ thấp, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 12 ngày qua, nhưng việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 19 trên một số góc độ, một số khu vực cần phải tiếp tục được quan tâm, nhất là trong kỳ nghỉ kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu chính quyền cơ sở phải kiên quyết thực hiện các biện pháp đã nêu ra, đặc biệt là chống tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thông thường. Tuy nhiên, cần nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động tích cực, tăng tốc phát triển kinh tế ở lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở phương án phòng dịch, nhất là phản công, dập dịch nhanh nếu phát hiện. “Chủ tịch UBND các địa phương có thể xem xét nới lỏng một số ngành khác để phát triển sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng tất cả các địa phương phải chủ động đề ra các biện pháp chống dịch theo mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương mình, cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành đạt quá thấp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, dịch vụ ăn uống và đặc biệt là ngành hàng không. Thủ tướng cũng lưu ý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm trong mua các thiết bị y tế, nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.

Sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân

Về các đề nghị của Ban chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cho phép và tạo điều kiện tối đa xuất khẩu khẩu trang y tế, các thuốc điều trị Covid-19 và vật tư y tế. Thủ tướng nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu nhưng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín quốc gia. Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc xem xét bổ sung Nghị quyết 37 của Chính phủ về một số nhóm đối tượng hưởng chính sách về phòng, chống dịch và giao Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ; cho phép các đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả công lập và tư nhân) cũng như đồng tình với phương án cách ly chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà quản lý về VN theo hướng thuận lợi, phù hợp.

Các khu công nghiệp, khu du lịch, các đô thị đông dân cư, chợ, siêu thị, các nơi có mật độ giao lưu, giao thương lớn có sự kiểm soát, đôn đốc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch. Các địa phương và ngành giáo dục cần lưu ý việc bảo đảm an toàn khi học sinh đi học trở lại; Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn thật cụ thể, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế, với các địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát y tế đối với những người về VN qua đường mòn, lối hẻm. Bộ GTVT căn cứ diễn biến dịch, đặc biệt là nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa phù hợp, cũng như khách đi tàu lửa, ô tô, bảo đảm số chuyến, không để dồn ứ hành khách có nhu cầu đi lại.

Dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân kịp thời. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Nới lỏng các hoạt động kinh doanh, những không nới lỏng phòng dịch”; Lao động, trang 1: “Sớm trao tiền hỗ trợ đến người dân”; Công an Nhân dân, trang 1: “Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội”.

 

Chuyện về những cô đỡ thôn bản ở Gia Lai

Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như Gia Lai, việc phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản được ngành y tế đánh giá cao và có tác động tích cực đến cộng đồng. Không được hưởng lương hay nhận chế độ phụ cấp nào nhưng các cô đỡ thôn bản vẫn miệt mài với công việc bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm của mình. Họ thật sự đã có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng cao nơi đây.

Trước đây, vì điều kiện kinh tế khó khăn, cho nên nhiều thai phụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS ở Gia Lai không có điều kiện đến các cơ sở y tế thăm khám sức khỏe. Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về phong tục tập quán, tại các làng, phần lớn phụ nữ đều sinh đẻ tại nhà, thậm chí có nơi còn buộc các chị phải lên rừng để sinh. Nhiều người sinh thành công nhưng cũng có ca sinh khó khiến cả mẹ và con đều chết. Tại Gia Lai, lớp đào tạo đầu tiên cho cô đỡ thôn bản người DTTS trong thời gian từ ba đến sáu tháng do Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) tổ chức từ năm 1998, đến nay đã có hơn 200 cô đỡ được đào tạo. Sau khóa đào tạo, với những kiến thức cơ bản được trang bị, cập nhật, họ đã góp phần đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng. Hầu hết các cô đỡ đều thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, khám thai, đỡ đẻ đúng kỹ thuật, tư vấn tốt về chế độ dinh dưỡng và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản; đồng thời thường xuyên thông tin hai chiều với các trạm y tế cơ sở về số trẻ sẽ sinh, sẽ tiêm chủng trong tháng…

Nhắc đến chị Rơ Châm Alui, người có 14 năm làm cô đỡ thôn bản, bà con làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh luôn dành những tình cảm trân trọng, biết ơn. Chị H’Thá cho biết: “Mình mang thai lần đầu, không có nhiều kinh nghiệm nên rất lo lắng. Thật may, ngay từ khi mang thai, chị Alui thường xuyên tới nhà thăm khám, tư vấn, hướng dẫn tận tình việc ăn uống, vận động, sinh hoạt nhằm bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé, cho nên mình rất yên tâm”. Cũng nhờ có Alui mà giữa tháng 3-2019, con gái bà Rơ Châm Phe đã “vượt cạn” thành công tại nhà. Bà Phe kể lại: “Chín giờ tối, con mình có dấu hiệu chuyển dạ, tôi chạy qua báo tin và Alui đã có mặt giúp đỡ kịp thời. Alui còn thường xuyên chăm sóc mẹ và bé cho đến khi cháu bé rụng rốn. Gia đình tôi cảm động và biết ơn Alui nhiều lắm!”. Đối với chị Rơ Châm Alui, việc làm cô đỡ thôn bản là quyết định đúng của chị, đem đến cho chị nhiều niềm vui và hạnh phúc. Chia sẻ về công việc đang làm, chị Alui cho biết: “Năm 2005, Trạm y tế xã cử mình đi học khóa đào tạo cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ. Qua sáu tháng đào tạo, mình có thêm kiến thức trong việc khám thai, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai trước và sau sinh, nhất là kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ an toàn. Sau khóa học, mình trở về làng và bắt đầu nghề cô đỡ từ đó đến nay…”. Chị Alui cũng bày tỏ, dù không có lương hay các chế độ phụ cấp nhưng chị vẫn quyết tâm gắn bó, bởi công việc này cần thiết và có ý nghĩa, giúp đỡ được mọi người. Có vất vả đến mấy chị Alui đều cố gắng vượt qua. Nhiều khi nhận được tin các thai phụ chuyển dạ lúc đêm khuya, mưa gió là chị nhanh chóng có mặt. Có những ca vượt cạn khó khăn, thai phụ chuyển dạ từ chiều đến tận sáng hôm sau mới sinh nhưng chị vẫn luôn ở bên cạnh động viên, trợ giúp. Với những ca sinh khó, Alui hỗ trợ gia đình chuyển thai phụ đến cơ sở y tế sinh đẻ kịp thời, tránh được tai biến sản khoa. “Công việc vất vả nhưng nhìn mẹ và bé khỏe mạnh, an toàn là mình quên hết mệt nhọc”, chị Alui chia sẻ.

Cũng như chị Alui, bà Hoàng Thị Huyên, dân tộc Tày, thôn Hà Ra, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, cũng được tham dự lớp cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ từ năm 2005. Đến nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn tận tâm với công việc của cô đỡ thôn bản. Bà Huyên chia sẻ: “Sau khóa học, tôi nắm bắt được các kiến thức về khám thai, đỡ đẻ, nhận biết các bệnh lý về thai nghén. Tôi tâm niệm, đã theo nghề thì phải có tấm lòng, nhiệt huyết với công việc. Hễ có ai cần giúp thì bất kể giờ giấc, tôi nhanh chóng lên đường. Sau khi giúp sản phụ vượt cạn thành công, mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.

Bà Huyên cho biết, tại nơi bà sinh sống, đến nay nhiều phụ nữ DTTS vẫn còn thói quen sinh đẻ tại nhà. “Vì vậy, trong quá trình thăm khám, giúp đỡ các chị em trong vấn đề sinh đẻ, tôi vẫn thường tuyên truyền, vận động các thai phụ nên đến cơ sở y tế để sinh đẻ an toàn, đề phòng tai biến sản khoa”, bà Huyên nói.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, tại tỉnh Gia Lai đã có 1.672 sản phụ sinh tại nhà và 1.596 sản phụ sinh tại cơ sở y tế được cô đỡ thôn bản hỗ trợ; 5.750 phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản giới thiệu đến các cơ sở y tế. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Mai Xuân Hải cho biết: “Đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS ở Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn; nhiều hủ tục lạc hậu vẫn ảnh hưởng đến chất lượng sống nói chung và sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói riêng. Các cô đỡ thôn bản là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; tư vấn, giáo dục sức khỏe; kế hoạch hóa gia đình, vận động sản phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã; phát hiện thai nghén có nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời… Nhờ đó, tỷ lệ sản phụ bị tai biến, nhiễm trùng hậu sản, trẻ em bị uốn ván ở địa phương đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, hiện đời sống của các cô đỡ thôn bản gặp khá nhiều khó khăn, cho nên chúng tôi mong thời gian tới, Nhà nước, chính quyền và các ngành, các cấp nghiên cứu để có chế độ, chính sách hỗ trợ thiết thực cho đội ngũ này”.

Với những nỗ lực của mình trong thời gian qua, đội ngũ cô đỡ thôn bản ở Gia Lai chính là những “cánh tay nối dài” của ngành y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. (Nhân dân, trang 5).

 

Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh

Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, chi phí thấp được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19.

Chiều 28-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.

12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tại các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca nhiễm Covid-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, chi phí thấp được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19.

Do đó, cuộc họp hôm nay, Thường trực Chính phủ sẽ tiếp tục bàn về việc tháo gỡ, nới lỏng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.

Cuộc họp cũng sẽ tập trung thảo luận về một số biện pháp trong trạng thái “bình thường mới”. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bàn về việc tháo gỡ, nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, ổn định sản xuất  và tăng trưởng. Tập trung các giải pháp để ngăn chặn cho được nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, các biện pháp trong trạng thái bình thường mới cần áp dụng như vẫn tiếp tục đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách…

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, tính đến thời điểm hiện nay Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc Covid-19. 230 trường hợp đã khỏi bệnh (bao gồm 8 bệnh nhân dương tính lại); 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20,91,161), trong đó bệnh nhân số 20 và 161 đang tập cai thở máy. 8 trường hợp dương tính trở lại sau khi đã khỏi bệnh đang được cách ly, theo dõi tiếp tại các cơ sở y tế.

Đã sau 12 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới, những vùng có nguy cơ cao như Thường Tín, Mê Linh… đều không có lây nhiễm ra cộng đồng.

Đáng chú ý, 8 trường hợp dương tính trở lại sau khi đã khỏi bệnh đang được cách ly, theo dõi tiếp tại các cơ sở y tế. Đã thực hiện việc nuôi cấy lại 5 mẫu virus của các ca dương tính lại nhưng các virus này không phát triển. Hiện nay còn lại 48 người bệnh đang điều trị tại 9 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 8 ca, âm tính 2 lần liên tiếp là 2 ca, âm tính 3 lần liên tiếp trở lên là 4 ca, số ca kết quả xét nghiệm đang dương tính, chưa chuyển biến là 34 ca (12,6%).

Ban chỉ đạo cho rằng, trong tuần vừa qua (từ 20 đến 26-4), thế giới ghi nhận thêm 516.209 trường hợp mắc mới và 37.944 trường hợp tử vong, so với tuần trước đó thì số mắc mới tăng 33.054 trường hợp và tử vong giảm 8.314 trường hợp.

Trong thời gian này, tại Việt Nam chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc mới ngày 24-4 (về từ nước ngoài, được cách ly ngay khi xuống sân bay), ghi nhận ngày thứ 10 liên tiếp không có trường hợp mắc mới tại cộng đồng. Tuy nhiên, ghi nhận các trường hợp khỏi bệnh nhưng được xét nghiệm dương tính trở lại đang được theo dõi tại các cơ sở y tế. Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng nhưng không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ.

Việt Nam hoàn toàn chủ động việc xét nghiệm

Về vấn đề xét nghiệm, tại Việt Nam, thời gian đầu chủ yếu sử dụng nguồn sinh phẩm từ nước ngoài (từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), CDC Hoa Kỳ, Đức) để xét nghiệm kháng nguyên để xác định người mắc Covid-19. Sau đó, Việt Nam đã phát triển được loại sinh phẩm xét nghiệm thay thế nguồn nước ngoài (sinh phẩm do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phát triển). Sinh phẩm này đã và đang được sử dụng chủ đạo tại Việt Nam để xét nghiệm xác định virus SARS-CoV-2 với ưu điểm là giá thành hợp lý, chất lượng tương đương các sinh phẩm quốc tế.

Tới nay, chúng ta đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc Covid-19, tỷ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới. Bộ sinh phẩm này của Việt Nam đã được Vương quốc Anh công nhận chất lượng và được bán tự do tại 27 nước châu Âu.

Cả nước hiện có 112 phòng xét nghiệm Realtime – PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng hơn 27.000 mẫu/ngày), trong đó 48 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu/ngày).

Thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Đại học Nagasaki của Nhật Bản nghiên cứu và phát triển loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể. Điểm khác biệt rất đáng chú ý là sinh phẩm xét nghiệm của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác.

Sinh phẩm “made in Vietnam” có nhiều ưu điểm: sử dụng rộng rãi cho tất cả các tuyến từ tuyến huyện; độ nhạy và độ đặc hiệu cao khoảng 95% sau khi bị nhiễm 8 ngày; giá thành của sinh phẩm này rẻ (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm).

Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt. Nếu thành công, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể và thương mại hóa.

Ban chỉ đạo cho rằng, 2 xét nghiệm trên đây dùng để bổ trợ cho nhau trong việc khẳng định Covid-19 và xác định mức độ lây lan trong cộng đồng.

Thời gian tới, với 2 loại sinh phẩm sản xuất được, Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động việc xét nghiệm mà không cần phải mua thêm máy móc, thiết bị xét nghiệm cũng như các sinh phẩm, hóa chất cần thiết khác.

Về sản xuất máy thở, ngày 25-4, Bộ Y tế đã tổ chức họp đánh giá về máy thở Eliciae MV20 do Công ty Metran, Nhật Bản sản xuất (là sản phẩm mới ra đời, đang làm các thủ tục để đăng ký lưu hành). Sản phẩm của công ty được các chuyên gia đánh giá cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đang khẩn trương làm các thủ tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đưa vào sản xuất và có sản phẩm vào cuối tháng 5. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

2 mẫu máy thở của VinGroup chuẩn bị ra thị trường

Sau hơn 3 tuần công bố kế hoạch sản xuất máy thở phục vụ điều trị Covid 19, ngày 28/4/2020, Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất và chuẩn bị đưa ra thị trường hai mẫu máy thở xâm nhập có tỷ lệ nội địa hóa cao: VFS-410 và VFS-510.

VSmart VFS-410 và VFS-510 là hai mẫu máy thở xâm nhập “made in Việt Nam” được hoàn thiện và sản xuất toàn bộ từ hệ sinh thái Vingroup. Trong đó, VSmart VFS-410 là bản nâng cấp đặc biệt của phiên bản máy thở đầu tiên VFS-310 do chính các kỹ sư Vingroup phát triển từ ý tưởng thiết kế của Đại học MIT, còn VSmart VFS-510 nhận chuyển giao và cải tiến từ hãng sản xuất máy thở hàng đầu thế giới Medtronic (Mỹ).

VSmart VFS-410 là máy thở xâm nhập dựa trên công nghệ tạo khí bằng turbin, có tính năng tương đương với các máy thở xâm nhập lưu động cao cấp trên thị trường (chỉ bỏ chế độ CPAP dành cho người tự thở). Từ thiết kế máy thở không xâm nhập đơn giản của nhóm nghiên cứu trường Đại học MIT, VFS-410 đã được các kỹ sư Vingroup cải tiến để trở thành một máy thở xâm nhập với công nghệ tạo khí bằng turbin thay vì bóp bóng tự động nhằm đảm bảo tính chính xác cao. Bên cạnh đó, máy còn được bổ sung cảm biến giám sát và cảnh báo để duy trì nồng độ oxy, áp suất dương cuối kỳ thở ra, đo được nhịp thở bệnh nhân và tự điều chỉnh để đồng bộ với nhịp thở này. Toàn bộ nguyên lý hoạt động, bo mạch, linh kiện cơ khí, phát triển phần mềm và kiểu dáng của VSmart VFS-410 đều được thiết kế, phát triển và sản xuất tại Vingroup, dưới sự tư vấn sát sao của Bộ Y tế, các chuyên gia quốc tế và các bác sỹ Vinmec.

VSmart VFS-510 là máy thở xâm nhập dựa trên mẫu PB560 của hãng máy thở Medtronic đã được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. VFS-510 có ưu điểm nhỏ gọn, đa năng gồm 6 chế độ thở linh hoạt, có thể sử dụng cho bệnh nhân trưởng thành, bệnh nhi; cho người cần hỗ trợ thở xâm nhập hoặc không xâm nhập… đáp ứng đa dạng yêu cầu điều trị theo chỉ định của bác sỹ.

Vì tình trạng khan hiếm vật tư sản xuất máy thở trên toàn thế giới, 70% các cụm linh kiện trong máy, bao gồm cả các cụm linh kiện đặc biệt quan trọng và phức tạp như: quạt thổi khí (blower), các bo mạch (PCBA điều khiển, nguồn,…), bàn phím, màn hình hiển thị, pin, vỏ máy… đều do Vingroup chủ động nghiên cứu khắc phục để tự sản xuất hoặc nội địa hóa. Medtronic cũng đã phối hợp chặt chẽ với Vingroup để hiệu chỉnh lại phần mềm của máy nhằm đảm bảo các tính năng của VFS-510 hoàn toàn tương đương với máy gốc PB560.

Dự kiến lô sản phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng vào ngày 15/5/2020. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ để Báo Tuổi trẻ, trang 18: “VinGroup sản xuất thành công máy thở với tỷ lệ nội địa hóa”.

 

4 bệnh viện thử nghiệm truyền huyết tương điều trị Covid-19

Ngày 28.4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) cho biết cả nước không ghi nhận bệnh nhân (BN) Covid-19 mới, 12 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

222 (82%) trong số 270 ca bệnh Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh. Trong số các BN đang điều trị, có 8 ca kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính, 7 ca kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam sẽ sớm áp dụng phương pháp truyền huyết tương (có kháng thể chống lại SARS-CoV-2) từ BN Covid-19 đã bình phục để điều trị BN Covid-19. Thông thường, với những BN được điều trị khỏi, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống lại vi rút. Khi truyền cho BN Covid-19, kháng thể trong huyết tương này sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt vi rút.

Tuy nhiên, không phải ai khỏi Covid-19 cũng sinh ra kháng thể đủ mạnh để thu thập.

Có 4 đơn vị được thử nghiệm phương pháp này, gồm: BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV T.Ư Huế, BV Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.(Thanh niên, trang 4).

 

Việt Nam chưa có đỉnh dịch và khả năng sẽ không có đỉnh dịch Covid-19

Trả lời báo chí ngày 28-4, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, đến hôm nay, nước ta đã qua 12 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, phải xác định vẫn còn có thể có những ca dương tính ngoài cộng đồng chưa được phát hiện.

Mặt khác, sau thời gian cách ly xã hội, hiện nay thực hiện chính sách bảo hộ công dân nên đang và sẽ tiếp tục có công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Do đó, dự báo sắp tới có thể có thêm những ca mắc Covid-19 mới từ người nhập cảnh.

Song theo ông Phu, nếu có thêm ca dương tính mới ghi nhận ở nhóm người nhập cảnh thì cũng không đáng ngại vì tất cả người nhập cảnh lúc này đều được cách ly ngay khi vào nước. Vấn đề nữa là phải kiểm soát chặt việc nhập cảnh, nhất là qua các đường mòn, lối mở.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, Việt Nam đã ghi nhận 270 ca mắc Covid-19 nhưng chưa có đỉnh dịch và nếu khống chế tốt thì sẽ không có đỉnh dịch. Mặt khác, nếu kiểm soát tốt như hiện nay, Việt Nam sẽ không có “làn sóng dịch thứ hai”, tức dịch bùng phát mạnh trở lại sau thời gian tạm lắng.

“Tôi nghĩ Việt Nam sẽ làm tốt được việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, nên khó có nguy cơ này. Sắp tới, chúng ta có thể có những ổ dịch nhưng sẽ không lớn, rải rác và sẽ kiểm soát được. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như các nước” – ông Phu nói.

Về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh vẫn phải tiếp tục triển khai mạnh các biện pháp chống dịch hiệu quả đã được chỉ ra. “Hiện nay, dịch ở quốc tế rất phức tạp. Chúng ta phải xác định duy trì phòng, chống dịch và phải chung sống an toàn với dịch” – ông Phu nói thêm. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

“Việt Nam giải mã thành công hệ gene virus SARS-CoV-2

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và Viện Pasteur TPHCM đã thành công trong việc giải mã hệ gene virus SARS-CoV-2 trên hệ máy giải trình tự thế hệ mới.

Hiểu về cơ chế lây truyền của virus

Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, nhiều bí ẩn về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được giải mã. Trước yêu cầu của thực tiễn, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học đã phối hợp với Viện Pasteur TPHCM nghiên cứu giải trình tự toàn bộ hệ gene của virus SARS-CoV-2.

Trong khuôn khổ hợp tác này, Viện Pasteur TPHCM thực hiện các bước liên quan đến nuôi chủng virus phân lập từ bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trên tế bào VeroE6, sau đó tách chiết ARN của virus và tổng hợp cDNA mạch đôi từ ARN (ADN bổ sung). Viện Công nghệ sinh học sử dụng kỹ thuật giải trình tự đoạn dài đơn phân tử theo thời gian thực trên hệ thiết bị giải trình tự thế hệ mới PacBio SEQUEL để giải trình tự hệ gene của virus SARS-CoV-2 dựa trên cDNA của chủng virus do Viện Pasteur TPHCM cung cấp.

Kết quả lắp ráp và chú giải hệ gene cho ra đủ và chính xác các trình tự mã hóa gene của virus SARS-CoV-2. Kết quả kiểm chứng khi so sánh với các trình tự tham chiếu của NCBI và trình tự các chủng virus SARS-CoV-2 do Viện Pasteur TPHCM và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đăng ký trên Dữ liệu thế giới (GISAID) cho thấy trình tự lắp ráp của Viện Công nghệ sinh học có độ chính xác cao, tương đồng gần 100% với các trình tự tham chiếu.

Kết quả giải trình tự hệ gene của virus SARS-CoV-2 bằng công nghệ giải trình tự SMRT mà không cần hệ gene tham chiếu cho thấy Viện Công nghệ sinh học có khả năng ứng dụng công nghệ giải trình tự hiện đại trong việc giải mã tác nhân gây bệnh mới trong tình hình cấp thiết một cách nhanh chóng và hiệu quả (cả quá trình từ việc lập thư viện cDNA, giải trình tự, lắp ráp và chú giải gene chỉ mất 2 ngày), đáp ứng khả năng ứng biến khi một dịch bệnh hoàn toàn mới xảy ra mà không phải chờ đợi vào hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, hệ thiết bị PacBio SEQUEL có thể giải một lúc nhiều hệ gene của các chủng virus khác nhau (40-50 chủng/chip), giúp ích cho việc điều tra con đường lây lan của virus SARS-CoV-2.

Cơ sở để nghiên cứu văcxin

Theo GS.TS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu Hệ Gene, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, thông thường, để có được một kết quả giải trình tự hệ gene virus, nhà nghiên cứu sẽ phải phân lập mầm bệnh từ các bệnh nhân dương tính với virus, tách lấy vật liệu di truyền và bẻ gẫy nó đến kích thước có thể giải được trình tự trên máy (hiện tại, năng lực của các NGS là giải tối đa 600 cặp base). Sau một loạt các thao tác kỹ thuật khác để có được kết quả, họ sẽ phải lắp ráp các đoạn này thành một hệ gene hoàn chỉnh.

GS.TS Nông Văn Hải cho hay, nhờ kết quả giải trình tự gene có thể thấy virus lan truyền như thế nào, tốc độ lan truyền tại các thời điểm và ước tính được số lượng người có thể bị nhiễm bệnh. Các giải trình tự gene SARS-CoV-2 là yếu tố quan trọng để thiết kế và đánh giá các xét nghiệm chẩn đoán, để dò và truy dấu sự tiến triển của dịch bệnh cũng như nhận diện các lựa chọn can thiệp tiềm năng. Dùng để thiết kế phương thức điều trị và văcxin, đồng thời cho phép hiểu sâu hơn về các liệu pháp và văcxin hữu hiệu nhất có thể thay đổi như thế nào khi virus tiến hóa.

Hệ gene của virus SARS-CoV-2 không quá phức tạp so với hệ gene người và không lớn hơn 30.000 cặp base nucleotide (ký tự) nhưng những gì chúng ta biết về loại virus này vẫn chưa thực sự nhiều. Một trong những nguyên nhân quan trọng là vẫn còn nhiều thách thức trong khai thác thông tin từ những kết quả giải trình tự gene. Vì vậy, hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn còn chưa xác định chính xác đâu là vật chủ trung gian của loài virus này. (Khoa học & Đời sống, trang 1).

 

Thủ tướng chỉ đạo xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng, chống dịch

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19.

Xét đề nghị của Bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch COVID-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Ngăn chặn hiệu quả tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm trang thiết bị y tế”.

 

“Cuộc chiến chống Covid-19 giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế”

Báo Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời một số chuyên gia nhận định Việt Nam đã hành động quyết liệt để ngăn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và khả năng điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Nhiều hoạt động sản xuất có thể sẽ chuyển sang Việt Nam

Ông Julien Brun, đối tác quản lý tại công ty tư vấn đa quốc gia về đầu tư thị trường mới nổi CEL có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ lâu, Việt Nam đã là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa thị trường ngoài Trung Quốc. Thành tích chống dịch của Việt Nam cho tới nay sẽ giúp Hà Nội tăng thêm uy tín.

Mặc dù các nhà máy sản xuất quần áo và giày dép xuất khẩu ở Việt Nam đang phải vật lộn với tình trạng hủy đơn hàng loạt, song về lâu dài, nhiều hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực khác có thể sẽ chuyển sang Việt Nam. Về nguồn lực, Việt Nam khó có thể so sánh với Singapore hay Hàn Quốc, do đó, Việt Nam mới chỉ tiến hành xét nghiệm được 210.000 người, một con số khiêm tốn so với số dân, song lại cao so với mức độ bùng phát dịch.

Điều quan trọng để ngăn chặn bùng phát ổ dịch lớn ở Việt Nam là quy định kiểm dịch mạnh mẽ với việc lập các cơ sở cách ly cho hàng chục nghìn người trong các doanh trại quân đội, ký túc xá đại học và các cơ sở khác của nhà nước. Đầu tháng 4-2020, khi Việt Nam ghi nhận chưa tới 250 ca mắc bệnh, gần 45.000 người đã được đưa đi cách ly tập trung. Con số này hiện giảm xuống còn khoảng 11.000 người, trong khi có hơn 40.000 người tự cách ly tại nhà.

Về phần mình, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak trụ sở tại Singapore nhận định:  “Việt Nam đã hành động rất sớm và quyết liệt”. Việt Nam sớm nhận ra tính chất nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Theo tờ Wall Street Journal, 3 tháng sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Việt Nam cho tới nay có thể nói đã đánh bại được Covid-19. Các cửa hiệu và nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 23-4, sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế đi lại kéo dài trong 3 tuần. Các quán cà phê, ăn sáng ở Hà Nội đã bắt đầu có khách lui tới. Các dịch vụ gọi xe bắt đầu hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, trường học và các quán karaoke vẫn đóng cửa. Hiện một số khu vực vẫn đang bị cách ly và chưa trở lại nhịp sống bình thường. Quy định nới lỏng giãn cách xa hội ở mỗi địa phương là khác nhau. Ở một số thành phố lớn, các cuộc tụ họp từ 20 người trở lên vẫn bị cấm.

Việt Nam vô cùng sáng suốt trong cách xử lý vấn đề

Cũng liên quan đến chiến dịch chống dịch Covid-19 của nước ta, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao công tác ứng phó Covid-19 của Việt Nam. Chuyên gia Nga nhận định với thành công trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, Việt Nam đã cho thấy rõ hệ thống quản lý hoạt động rất hiệu quả.

Trong bối cảnh Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về hiệu quả chống đại dịch Covid-19, giới chuyên gia tiếp tục đi sâu phân tích những yếu tố giúp Việt Nam thành công. Giáo sư Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Quốc gia St.Petersburg (Nga) nhận định với thành công trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, Việt Nam đã cho thấy rõ hệ thống quản lý hoạt động rất hiệu quả.

Chuyên gia Nga cho rằng nghệ thuật quản lý là sử dụng các nguồn lực hạn chế để giải quyết các vấn đề cụ thể, và ở đây Việt Nam rất nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của virus với tất cả các nỗ lực đều nhằm phòng tránh đến mức tối đa nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh.

Theo Giáo sư Kolotov, cơ sở của hệ thống quản lý này đã được phát triển trong các cuộc kháng chiến trước đây ở Việt Nam, tiềm năng huy động sức dân được duy trì và được sử dụng đầy đủ trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống này được hiện đại hóa, cải tiến, có sử dụng các công nghệ thông tin và Internet.

Ông Kolotov nêu rõ điều chính yếu trong hệ thống này là khối đại đoàn kết toàn dân, tính kỷ luật cao và nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình huống này. Chính quyền cung cấp cho người dân vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của chính quyền.

Chuyên gia Kolotov nhấn mạnh Việt Nam đã tập trung mọi nỗ lực để tạo ra một hệ thống rõ ràng, mạch lạc và minh bạch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và phát hiện sớm các ca nhiễm. Hệ thống này đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Trong khi đó, ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế tại Mekong Economics, chia sẻ cách Việt Nam đối phó với dịch Covid-19 lần này đã cho thế giới thấy “Việt Nam vô cùng sáng suốt trong cách xử lý vấn đề”. Ông Fred Burke, nhà điều hành Công ty luật Baker McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh (công ty tư vấn cho chính phủ về các quy định đầu tư nước ngoài) thì nhận định Việt Nam đã đối phó với dịch SARS, dịch cúm gia cầm và nhiều cuộc khủng hoảng tài chính khác nhau, nên với đại dịch Covid-19 “Việt Nam biết rằng cần hành động nhanh và triệt để”. Theo ông, Việt Nam đang trong “tâm thế tốt” để phục hồi nhanh. (An ninh Thủ đô, trang 20).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/8/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận