Điểm báo ngày 5/5/2020

(CDC Hà Nam)
Việt Nam hỗ trợ Nhật Bản thêm 140.000 khẩu trang y tế chống Covid-19; Thuận lợi nhất 12 tháng nữa có vaccine phòng Covid-19; TP.HCM xét nghiệm hàng ngày với bệnh nhân mắc covid 19 đã xuất viện; Bệnh nhân tử vong ở Hà Nam do xơ gan giai đoạn cuối, không phải do Covid-19; 99 thiết bị y tế mua về kém hiệu quả, hư hỏng, “đắp chiếu”

Việt Nam hỗ trợ Nhật Bản thêm 140.000 khẩu trang y tế chống Covid-19

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 4.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, trao đổi về tình hình phòng chống dịch Covid- 19 ở mỗi nước, nhất trí hợp tác chặt chẽ để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Thông báo với Thủ tướng Abe Shinzo, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch, từng bước đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cảm ơn việc chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam hơn 1,8 triệu USD để phòng chống dịch; đồng thời thông báo việc đã quyết định hỗ trợ Nhật Bản 140.000 khẩu trang y tế để chống dịch.

Đánh giá cao thành tích ấn tượng của Việt Nam trong phòng chống dịch, Thủ tướng Abe Shinzo cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ Nhật Bản vật tư, khẩu trang y tế. Thủ tướng Abe Shinzo cũng thông báo, chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ 100.000 yen (khoảng gần 22 triệu đồng)/người cho không chỉ người dân Nhật Bản mà cả cho công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại đây (Thanh niên, trang 3).

 

TP.HCM xét nghiệm hàng ngày với bệnh nhân mắc covid 19 đã xuất viện

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 4.5, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết toàn TP.HCM có 9 ca tái nhiễm.

Trước tình trạng số ca tái nhiễm gia tăng, TP.HCM sẽ tăng cường giám sát sk của BN xuất viện qua việc lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày để chủ động kiểm soát, hạn chế tối đa lây lan trong cộng đồng. Trước đây, TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 5, ngày thứ 10 và ngày thứ 15 thì sắp tới sẽ lấy mẫu trong vòng 30 ngày, mỗi ngày 1 lần.

Liên quan đến BN số 271 là chuyên gia dầu khí người Anh, ông Bỉnh cho biết đây là 1 trong số 13 chuyên gia được Chính phủ cho phép nhập cảnh vào Việt Nam ngày 28.4. Sau khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), các chuyên gia được cách ly trong phòng riêng biệt tại khách sạn ở H.Cần Giờ.

Khi vào Việt Nam, nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm thì cho kết quả âm tính với Covid-19, nhưng đến lần xét nghiệm 5 ngày sau khi nhập cảnh, BN số 271 có kết quả dương tính. Đáng chú ý, BN này từng nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước Anh, được điều trị tại nhà 14 ngày, sau khi có kết quả âm tính mới bay qua Việt Nam (Thanh niên, trang 4).

 

Bệnh nhân tử vong ở Hà Nam do xơ gan giai đoạn cuối, không phải do Covid-19

Tối 4.5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, ca tử vong ở Hà Nam do xơ gan giai đoạn cuối, không phải do covid- 19.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam, BN vào BVĐK tỉnh Hà Nam điều trị với nhiều bệnh nền như xơ gan, gout. Đến ngày 7.4, mẫu bệnh phẩm của BN này được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. BN được chuyển ngay đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư để điều trị Covid-19.

Vào các ngày 10, 12, 15 và 17.4, BN được BV Bệnh nhiệt đới T.Ư xác định khỏi bệnh, không còn bị nhiễm Covid-19, tình trạng các bệnh lý khác ổn định, chuyển tuyến dưới để điều trị bệnh xơ gan từ ngày 17.4.

Do các bệnh nền có diễn biến nặng, BN tiếp tục vào điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Nam. Ngày 1.5, BN diễn biến nặng và tử vong vào khoảng 3 giờ sáng 2.5. Nguyên nhân tử vong do xơ gan, không có dấu hiệu Covid-19. Xét nghiệm thời điểm BN tử vong cũng cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Ngày 4.5, Hội đồng chuyên môn BYT đã họp với các chuyên gia đầu ngành và xác định trường hợp tử vong này không phải do Covid-19. Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do Covid-19 (Thanh niên, trang 4).  

 

99 thiết bị y tế mua về kém hiệu quả, hư hỏng, “đắp chiếu”

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-5, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị – công trình y tế Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị báo cáo giá trúng thầu thiết bị, vật tư y tế để công khai trên website của bộ từ năm 2019.

“Tới đây các địa phương sau khi đấu thầu đều phải gửi thông báo về thiết bị, vật tư đã mua, giá, cấu hình/chủng loại để từ đó có dữ liệu cho các đơn vị khác so sánh, làm cơ sở khi chấm thầu” – ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Yêu cầu này có thể giúp giá mua sắm vật tư, thiết bị y tế được công khai, giảm “tù mù”, gây bức xúc trong dư luận.

140 tỉ đồng

Qua khảo sát thiết bị y tế tại 8 tỉnh thành, Bộ Y tế cho biết có 99 thiết bị đang bị hỏng ở thời điểm kiểm tra, sử dụng kém hiệu quả hoặc đang sửa chữa. Đáng chú ý có những thiết bị mua về đã 1 năm nhưng chưa đủ nhân lực để sử dụng, bệnh viện đang cải tạo, chưa có phòng để thiết bị, thậm chí không sử dụng trong suốt 3 năm do chưa có nhu cầu.

Hoặc có những thiết bị như máy X-quang cao tần, máy X-quang răng kỹ thuật số, bộ nội soi khớp kèm dụng cụ, monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, máy in ảnh dùng kết nối với bộ nội soi… đều nhập khẩu từ Anh, Mỹ, Nhật Bản ít sử dụng hoặc chưa sử dụng do ít có nhu cầu. Vấn đề là nhu cầu ít hoặc không có nhưng thiết bị thì vẫn mua và để “đắp chiếu”.

Tổng số thiết bị y tế theo bảng khảo sát này cho thấy có 99 thiết bị, tổng chi phí mua sắm (từ ngân sách, vốn ODA hoặc các dự án) là trên 140 tỉ đồng.

Thời điểm trả lời kiểm toán, Bộ Y tế cũng cho biết đã chấn chỉnh đầu tư tại nhiều đơn vị trực thuộc, tránh tình trạng mua nhưng không dùng hoặc ít dùng, xây dựng giá kế hoạch cần đảm bảo đủ cơ sở. Việc đầu tư cũng cần xác định trên cơ sở nhu cầu, nếu đơn vị không sử dụng được phải chuyển ngay cho các đơn vị khác để tránh tình trạng nhận máy về không sử dụng.

Tuy nhiên sau kết quả kiểm toán này, vấn đề thiết bị y tế lại tiếp tục “lùm xùm”, nhất là sau vụ dịch COVID-19 cho thấy giá cả thiết bị chưa có cơ chế để kiểm soát, dẫn đến mỗi tỉnh thành, bệnh viện chênh lệch giá…

Cụ thể, cùng thiết bị Cobas 4800 thì tỉnh Thái Bình mua 6,45 tỉ (tính mức trước đàm phán), Ninh Bình mua 5,9 tỉ; cùng Qiagen nhưng Quảng Ninh mua 8,4 tỉ, Hà Nội mua 7 tỉ, Quảng Nam mua 7,2 tỉ…

Dự kiến hôm nay 5-5 Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo giá trúng thầu thiết bị để tổng hợp thành dữ liệu chung, công khai, có cơ sở để các địa phương so sánh khi mua sắm.

Vì sao giá chênh lệch?

Trong văn bản phản hồi những thông tin của cơ quan kiểm toán về quản lý, mua sắm thiết bị, vật tư y tế tại 15 đơn vị, Bộ Y tế cho biết nhiều trường hợp kiểm toán dẫn chứng cùng chủng loại mặt hàng nhưng giá vật tư chênh lệch quá xa nhau.

Ví dụ Bệnh viện Việt Đức mua kim cánh bướm 945 đồng/chiếc, Bệnh viện Chợ Rẫy lại mua tới 7.350 đồng/chiếc, đó là do thông số kỹ thuật khác nhau. “Kim Bệnh viện Việt Đức mua là kim dùng 1 lần, chỉ dùng tiêm, truyền đơn thuần; loại Chợ Rẫy mua là kim bằng crom phủ silicon để hạn chế tổn thương thành mạch, dùng nhiều lần cho tiêm truyền trong nhiều ngày” – Bộ Y tế giải thích.

Tương tự, Bộ Y tế cho biết Bệnh viện Bạch Mai mua dây truyền huyết thanh giá 2.940 đồng/dây là loại dây thông thường, thường có xuất xứ Trung Quốc; Bệnh viện Việt Đức mua 18.000 đồng/dây là dây truyền dịch thông minh, chỉ dùng cho bệnh nhân ghép tạng, có nhiều khác biệt với dây thường. Các loại hóa chất chênh lệch giá tới 5,8 lần, Bộ Y tế cũng cho biết là do chất lượng sản phẩm khác nhau (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h ngày 16-4 đến 18h ngày 4-5, 18 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Trước đó, ngày 24-4, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 đều là du học sinh từ Nhật Bản về, được cách ly ngay khi nhập cảnh. Ngoài ra, ngày 3-5, Việt Nam ghi nhận thêm một trường hợp mắc mới là chuyên gia dầu khí người Anh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, do đó, không có yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng.

Như vậy, tính đến 18h ngày 4-5, Việt Nam có 131 ca mắc Covid-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Hiện, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước ta là 271 trường hợp. Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 4-5 có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đó là bệnh nhân 170 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) và bệnh nhân 166 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Như vậy, hiện có 221 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi (chiếm 81%). Trong số 50 bệnh nhân còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế có 10 ca âm tính lần 1 và 11 ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 27.409, trong đó có 238 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 5.871 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 21.300 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. So với ngày hôm qua, tổng số trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly, theo dõi sức khỏe đã giảm hơn 3.000 người (Hà Nội mới, trang 7).

 

Thuận lợi nhất 12 tháng nữa có vaccine phòng Covid-19

Theo thông tin từ TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH ) – Bộ Y tế, sau khi bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vaccine phòng COVID-19, các nhà khoa học của công ty này đã tiêm thử nghiệm trên chuột 2 tuần nay.

Dự kiến trong tuần này, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, đây mới chỉ là đánh giá ban đầu. Sau giai đoạn này, nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, đánh giá trên động vật về tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch, tiếp sau đó mới thử nghiệm trên người.

Do yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình phát triển vaccine với nhiều giai đoạn thử nghiệm nên sớm nhất và thuận lợi nhất cũng phải mất 12 tháng mới có kết quả.

Ông Đạt cho biết, loại vaccine phòng Covid-19 mà VABIOTECH và các nhà khoa học hướng đến là loại sử dụng protein, công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene.

Vì thế, việc này giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vaccine, dễ nâng quy mô sản xuất và giảm giá thành, đáp ứng tốt nhu cầu về vaccine trong trường hợp khẩn cấp khi xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm như Covid-19 trong tương lai (An ninh thủ đô, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/10/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/7/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận