Điểm báo ngày 20/5/2020

(CDC Hà Nam)
Hy vọng sống cho bệnh nhân mắc COVID-19 là phi công người Anh; Đối phó nguy cơ Covid-19 tái bùng phát; Nếu kiểm soát tốt, Việt Nam không có ‘làn sóng thứ hai’; Hội chẩn phương án điều trị người bệnh Covid-19 thứ 91

Hy vọng sống cho bệnh nhân mắc COVID-19 là phi công người Anh

Chiều 19/5, Bộ Y tế tổ chức cuộc hội chẩn liên viện về ca bệnh số 91, phi công người Anh để xác định khả năng ghép phổi. Hiện tỷ lệ đông đặc phổi của nam bệnh nhân đã giảm xuống còn gần 80%, thay vì 90% như thời gian qua.

Nhiều dấu hiệu cải thiện

Báo cáo tại buổi hội chẩn, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, bệnh nhân không sốt, đã sử dụng ECMO ngày 43. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của bệnh nhân hiện nay tất cả đều âm tính, xét nghiệm lại tại Viện Pasteur cho kết quả tương tự. Đến nay, bệnh nhân 91 đã có 5 lần liên tiếp cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (11 ngày liên tục âm tính) và đã ngừng dẫn lưu màng phổi. Tuy nhiên kết quả nuôi cấy virus bất hoạt của bệnh nhân vẫn đang đợi. Tình hình nhiễm trùng của bệnh nhân được khống chế bằng kháng sinh. Hiện phổi của bệnh nhân đã cải thiện, giảm đông đặc, tỷ lệ còn gần 80% so với trước đó là 90%.

Chia sẻ thêm thông tin về sức khoẻ của bệnh nhân này, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tình trạng tràn dịch màng phổi của bệnh nhân hiện vẫn còn, so với các lần trước không thay đổi nhiều. Kết quả chụp CT não không thấy tổn thương nghi ngờ nhồi máu, xuất huyết não.

Trước đó, tại buổi hội chẩn ngày 18/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kết luận, nếu kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân âm tính hoàn toàn thì Bệnh viện Chợ Rẫy nhận bệnh nhân sang theo dõi, điều trị để có thể tiến hành ghép phổi khi đủ điều kiện. Bệnh viện Chợ Rẫy đang sửa lại khu điều trị cho đảm bảo an toàn khi bệnh nhân chuyển sang.

Trước đó, ngày 17/5, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cùng nhiều chuyên gia về ghép tạng khác đã vào TPHCM thăm bệnh nhân. PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: “Đến hôm nay, bệnh nhân 91 đã có những dấu hiệu cải thiện như vậy là sự nỗ lực của không chỉ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, các chuyên gia đầu ngành phần nào được đền đáp. Các thầy đã hội chẩn hàng ngày để điều trị cho bệnh nhân. Chúng ta cố gắng giữ bệnh nhân đến ngày hôm nay, góp phần giữ vững chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam, hiện chưa có bệnhnhân tử vong”.

Các thành viên tham gia hội chẩn đều cho rằng, bệnh nhân đã kết thúc điều trị bệnh truyền nhiễm, cần điều trị nội khoa để hồi sức tích cực hơn nữa, tiếp tục dùng ECMO để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia thống nhất cho rằng, mặc dù bệnh nhân còn nặng, nhưng có những dấu hiệu cải thiện. Do đó, các thành viên tham gia hội chẩn thống nhất chuyển bệnh nhân về trung tâm điều trị chuyên sâu hồi sức tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ghép phổi khi đảm bảo yêu cầu về sức khỏe

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau điều trị tích cực nội khoa, phương án đặt ra là ghép phổi hoặc các tạng khác cho bệnh nhân 91 nếu không có khả năng phục hồi. Khi đó Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ xây dựng phương án, kế hoạch điều trị cho bệnh nhân theo các bước phục hồi nội khoa và ngoại khoa. Hội đồng chuyên môn giao Bệnh viện Chợ Rẫy lên kế hoạch điều trị, giao Bệnh viện Việt Đức lên kế hoạch cụ thể để tiến hành ghép phổi khi bệnh nhân đủ điều kiện về sức khỏe.

“Hội đồng chuyên môn và các chuyên gia sẽ tiếp tục cùng hội chẩn về trường hợp bệnh nhân này khi cần thiết. Với tinh thần “còn nước còn tát” và sự tiến bộ của y học Việt Nam hiện nay, chúng ta nỗ lực hết sức có thể để điều trị, cứu chữa bệnh nhân này”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Liên quan đến kinh phí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Hội Doanh nhân trẻ và nhiều nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ kinh phí điều trị, ghép phổi cho bệnh nhân này.

“Để ghép tạng cho bệnh nhân 91 thì người nhà và Đại sứ quán Anh phải có ý kiến. Nguồn ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về hiến tạng. Hơn nữa về yếu tố về pháp lý, sau này khi bệnh nhân được ghép xong thì các điều kiện về chăm sóc, điều kiện về điều trị, hồi sức… cũng phải có người bảo hộ, giám hộ”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói thêm (Tiền phong, trang 6).

 

Đối phó nguy cơ Covid-19 tái bùng phát

Nguy cơ dịch Covid- 19 tái bùng phát khiến nhiều nước phải nâng cao cảnh giác, thậm chí cân nhắc kỹ kế hoạch nới lỏng phong tỏa để khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội. Làn sóng thứ 2 ập đến

Giới chức HQ ngày 19.5 thông báo tính đến cùng ngày có tổng cộng 187 ca liên quan đến đợt bùng phát mới tại khu phố giải trí Itaewon ở Seoul, theo Yonhap. Vào cuối tháng 4, tình hình dịch Covid-19 tại Hàn Quốc ghi nhận tín hiệu khả quan khi số ca nhiễm mới trong nhiều ngày ở mức 1 chữ số. Chính quyền sau đó thông báo dỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa và cho phép mở cửa trở lại cửa hàng, quán bar, cơ sở tôn giáo…

Tuy nhiên, những diễn biến tích cực bị đảo ngược sau khi một người bị nhiễm bệnh nhưng không hay biết đã đến nhiều hộp đêm ở khu Itaewon vào tối 1.5 và đến ngày 6.5 mới được xét nghiệm dương tính. Chính quyền Seoul ngày 9.5 ra lệnh đóng cửa vô thời hạn đối với toàn bộ hộp đêm, quán bar… trong thành phố và xét nghiệm cho hàng ngàn người đã đến khu vực này.

Bên cạnh đó, giới chức y tế Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng báo động về chùm lây nhiễm mới tại Trung tâm y tế Samsung, một trong 5 bệnh viện công lớn tại Hàn Quốc. Theo Yonhap, ít nhất 4 y tá tại bệnh viện đã nhiễm bệnh sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 18.5 nhưng chưa rõ nguồn lây.

Trong khi đó, TP.Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm đã bị phong tỏa hoàn toàn sau khi phát hiện ca nhiễm mới vào ngày 7.5. Theo Trung Văn xã, chính quyền Thư Lan từ ngày 18.5 bắt đầu siết chặt thêm quy định phong tỏa khi số ca nhiễm trong đợt bùng phát này tiếp tục tăng. Tính đến hôm qua, đã có 19 người nhiễm Covid-19 trong đợt lây nhiễm mới tại thành phố gần 700.000 dân này.

Trước đó, Singapore là nước hứng chịu tác động lớn từ đợt lây nhiễm thứ 2. Trong thời gian đầu, Singapore được xem là một trong những hình mẫu về chống dịch Covid-19. Nước này ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 23.1 và được cho là kiểm soát được vào tháng 2. Đến ngày 31.3, Singapore ghi nhận tổng cộng 879 ca nhiễm, trong đó 3 người tử vong. Tuy nhiên, dịch bệnh đột ngột bùng phát mạnh vào đầu tháng 4 và đến ngày 10.4, số ca nhiễm đã tăng gấp hai lên thành 1.910 người.

Bác sĩ Dale Fisher, giáo sư y khoa thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm Singapore, cho rằng nguyên nhân dịch bệnh bùng phát là do chính quyền trước đó đã bỏ sót hàng trăm ngàn ld nước ngoài sống trong các khu tập thể đông đúc và thiếu vệ sinh. Từ đầu tháng 4, Covid-19 lây lan tại đây khiến Singapore trở thành tâm dịch của khu vực Đông Nam Á. Tính đến ngày 19.5, có hơn 28.000 ca Covid-19 tại Singapore. Số ca nhiễm mới trong cộng đồng giữ ở mức thấp khoảng trên dưới 30 ca mỗi ngày, nhưng trong các khu của người ld nước ngoài là hàng trăm đến hàng ngàn ca mới, theo Đài CNBC.

Khó phát hiện

Giới chuyên gia nhận định khó để truy ra nguồn gốc của các ca nhiễm trong làn sóng lây nhiễm thứ 2. Nhà chức trách Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn đang điều tra nguồn gốc của những trường hợp tái bùng phát trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc các nước này bắt đầu nới lỏng quy định phong tỏa và khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội được cho là một phần nguyên nhân khiến Covid-19 lan rộng.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng Covid-19 có thể sẽ không thể bị xóa sạch vì một bộ phận người dân có thể đã bị nhiễm bệnh nhưng chưa có triệu chứng. Theo Bloomberg, vi rút gây Covid-19 có thể lây lan dễ dàng từ người này sang người khác trong thời gian ủ bệnh, khiến cho việc phát hiện và cách ly trở nên khó khăn.

Biện pháp đề phòng

Trong cuộc họp báo gần đây, đại diện WHO Maria Van Kerkhove nhấn mạnh các nước dỡ bỏ quy định giãn cách xh để mở cửa nền kinh tế cần phải chuẩn bị các phương án xác định và dập dịch nhanh chóng nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Theo bà Kerkhove, việc nới lỏng quy định không nên được thực hiện quá nhanh vì Covid-19 có thể bùng phát mạnh. Vị chuyên gia cho rằng cách duy nhất để kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh này là truy dấu các ca bệnh và cách ly những người có tiếp xúc.

Phó giáo sư Chu Tử Quân, chuyên gia y tế công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh, nói với tờ Hoàn Cầu thời báo rằng năng lực xét nghiệm của Trung Quốc đã được cải thiện và nước này hiện có đủ khả năng xử lý các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài về. Mặc dù ban hành lệnh phong tỏa mới tại một số nơi, chính quyền Trung Quốc được cho là sẽ cân nhắc việc nới lỏng kiểm soát biên giới để khôi phục giao thương với quốc tế vì tình hình dịch trên tổng thể tại nước này đã suy giảm.

Riêng tại Bắc Kinh, kể từ ngày 1.6, người dân bắt buộc phải tuân thủ một loạt biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo tờ China Daily, quy định mới bắt buộc người bị ốm phải đeo khẩu trang nơi công cộng, khi hắt hơi hoặc ho phải che mũi và miệng, không được ăn trên phương tiện giao thông công cộng, giữ khoảng cách ít nhất 1 m với người khác tại nơi công cộng…

Trong khi đó tại Hàn Quốc cũng như Hồng Kông, việc tái mở cửa được đánh giá là thành công dù có các trường hợp lây nhiễm mới. Giới chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố góp phần cho sự thành công này gồm: xét nghiệm trên diện rộng, chia sẻ dữ liệu với người dân về địa điểm lây nhiễm, truy dấu người bị nhiễm và những người tiếp xúc gần để cách ly.

Mới đây, Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc đã đưa ra hướng dẫn mới về việc giữ khoảng cách trong cs thường ngày. Theo đó, người bị ốm phải ở nhà theo dõi từ 3 – 4 ngày. Khi ra ngoài phải giữ khoảng cách ít nhất 2 cánh tay với người khác; phải đeo khẩu trang tại tất cả sự kiện trong nhà, và tại những sự kiện ngoài trời trong trường hợp không thể giữ khoảng cách 2 m với người khác; phải thường xuyên rửa tay, khi ho hoặc hắt hơi phải dùng khăn che; mở cửa sổ cho thoáng khí văn phòng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đồng thời phải thường xuyên tẩy trùng (Thanh niên, trang 2).

 

Nếu kiểm soát tốt, Việt Nam không có ‘làn sóng thứ hai’

Nếu tiếp tục làm tốt như vừa qua, đặc biệt là người dân có ý thức phòng chống dịch tốt thì Việt Nam sẽ không có làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Ông Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng Việt Nam kiên định nguyên tắc chống dich: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly, xét nghiệm, khi về nhà thì vẫn phải theo dõi sk.

“Với chiến lược này và tiếp tục làm tốt như vừa qua, đặc biệt là người dân có ý thức phòng chống dịch tốt thì Việt Nam sẽ không có làn sóng dịch Covid-19 thứ hai”, ông Phu đánh giá và cho rằng: “Khi ca bệnh được phát hiện sớm, cách ly, sẽ không có đỉnh dịch, không có làn sóng thứ hai. Dịch sẽ chỉ là những đốm lửa nhỏ và bị dập tắt chứ không thành những đám cháy lớn”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý: “Trước đây, dịch SARS xuất hiện và đã “biến mất” thì Covid-19 lại được dự báo là sẽ tồn tại lâu dài, hằng năm, thậm chí nó sẽ tồn tại như cúm hay HIV. Vì có khoảng 60% người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng không được điều trị tại các cơ sở y tế, nên âm thầm lây nhiễm”.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đánh giá, mặc dù trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn, do nguy cơ xâm nhập bên ngoài vào Việt Nam, khi các hãng hàng không sẽ tiếp tục đưa công dân về nước. Các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới cũng là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm (Thanh niên, trang 2).

Hội chẩn phương án điều trị người bệnh Covid-19 thứ 91

Chiều 19-5, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị Covid-19, các thành viên Tiểu ban Ðiều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn công tác điều trị người bệnh Covid-19 nặng. Tại buổi hội chẩn, các thành viên Hội đồng chuyên môn đã nghe Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh báo cáo về tình trạng người bệnh thứ 91 vẫn còn tình trạng nhiễm trùng màng phổi, cho nên chưa thể ghép phổi và cần tiếp tục điều trị nội khoa để hạn chế tình trạng nhiễm trùng của người bệnh. Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh khi điều trị người bệnh thứ 91 không còn vi-rút SAR-CoV-2 trong 10 ngày nay. Tuy nhiên, người bệnh cần tiếp tục điều trị nội khoa để chống nhiễm trùng. Người bệnh được Hội đồng chuyên môn đề nghị chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị tích cực chuyên sâu. Khi tình trạng phổi của người bệnh được cải thiện, tình trạng nhiễm trùng được hạn chế thấp nhất, Hội đồng chuyên môn sẽ xem xét phương án điều trị ngoại khoa như ghép phổi, ghép thận.

* Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến cuối ngày 19-5, Việt Nam qua 33 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.326 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 302 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.929 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.095 người.

* Cùng ngày, theo báo cáo của Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) có thêm một người bệnh (người bệnh thứ 92) mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Ðây là người bệnh dương tính lại sau khi được công bố khỏi bệnh vào ngày 14-4. Trong quá trình điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, người bệnh được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 liên tục từ ngày 30-4 đến ngày 13-5. Người bệnh đang tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo (Nhân dân, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/8/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo 12/02/2019

Ngọc Nga

Để lại bình luận