Kết luận rút ra từ nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Zurich (UHZ) công bố đầu tháng 6, tìm thấy “sợi chỉ chung” giữa SARS-CoV-2 và tổn thương các cơ quan như tim và thận ở ba bệnh nhân. Bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông 71 tuổi, trước đó đã được ghép thận và qua đời 8 ngày sau khi nhập viện vì COVID-19. Sau khi qua đời, các bác sĩ đã tìm thấy các tế bào viêm và dấu hiệu các tế bào khỏe mạnh đã bị tổn thương và chết trong thận, tim và ruột non, còn các mạch máu của phổi thì bị tắc nghẽn.
Bệnh nhân thứ hai là một phụ nữ 58 tuổi bị béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp. Đến ngày thứ 16, một phần ruột bị tê liệt và cuối cùng tử vong vì một cơn đau tim. Khám nghiệm tử thi tìm thấy những dấu hiệu viêm tương tự như bệnh nhân đầu trong niêm mạc mạch máu ở phổi, tim, thận, ruột non.
SARS-CoV-2 tấn công vào thành mạch máu gây đông máu.
Bệnh nhân thứ ba, là một người đàn ông 69 tuổi bị tăng huyết áp phải đặt máy thở vì SARS-CoV-2 làm suy yếu phổi. Một lần nữa phát hiện ra rằng viêm mạch máu đã khiến các tế bào trong ruột non bị chết.
Các nhà nghiên cứu kết luận, SARS-CoV-2 đã tấn công trực tiếp vào lớp lót nội mạc của mạch máu. SARS-CoV-2 còn xâm nhập vào các tế bào phổi thông qua một thụ thể, giống như một “bến” di động, được gọi là ACE2. Những thụ thể này rất phổ biến trong phổi, virus có thể thâm nhập dễ dàng vào các thụ thể này qua các hạt hít vào.
Phát hiện trên có thể giải thích sự đông máu dai dẳng và tổn thương của các cơ quan nội tạng ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong không phải do suy phổi, mà do cục máu đông. Ví dụ, tại Mỹ theo báo cáo có tới 40% bệnh nhân COVID-19 hiện đang phát triển cục máu đông và ‘ngón chân COVID’. Đều này khẳng định, các mạch máu và tế bào phổi đều có các thụ thể cho phép SARS-CoV-2 xâm nhập, từ đó chúng làm suy yếu các cơ quan này và gây tử vong cho người bệnh.
Duy Khoa (Suckhoedoisong.vn)