Tổng thư ký LHQ Guterres kêu gọi hành động khẩn cấp để đối phó nguy cơ xảy ra khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu vì Covid-19.
Bảo vệ sức khỏe thể chất là mối quan tâm chính trong những tháng đầu của khủng hoảng do Covid-19 gây ra, song đại dịch gây áp lực tinh thần nghiêm trọng đối với nhiều nhóm dân cư trên thế giới, Liên Hợp Quốc cho biết trong thông cáo hôm 13/5.
“Sau nhiều thập kỷ lãng quên và thiếu đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, đại dịch Covid-19 đang khiến các gia đình và cộng đồng thêm căng thẳng về mặt tinh thần”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo trong cuộc họp trực tuyến.
“Ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, trạng thái đau buồn, lo lắng và trầm cảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các cá nhân và cộng đồng”, Guterres nói.
Liên Hợp Quốc cho biết các căng thẳng tinh thần trong đại dịch gồm nỗi sợ bản thân hoặc người thân bị nhiễm hay chết. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho biết những người có nguy cơ mất sinh kế, bị tách khỏi người thân hoặc phải chịu lệnh phong tỏa nghiêm nghặt có thể chịu tác động tâm lý.
“Chúng tôi biết tình hình hiện tại, nỗi sợ hãi và bất an cùng bất ổn kinh tế gây ra hoặc có thể gây ra trạng thái tâm lý đau khổ”, theo Devora Kestel, người đứng đầu bộ phận phụ trách sức khỏe tâm thần và sử dụng chất gây nghiện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các nhân viên y tế cùng nhân viên cấp cứu đang phải làm việc “trong sự căng thẳng khủng khiếp” và thuộc diện đặc biệt dễ tổn thương. Kestel cho biết số vụ nhân viên y tế tự tử trên thế giới đang tăng.
Nhiều nhóm khác đang phải đối mặt với thách thức tinh thần do Covid-19 gây ra. Trẻ em không được đến trường, cảm thấy lo lắng và không chắc chắn. Phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi cao hơn khi mọi người phải ở nhà trong thời gian dài.
Người cao tuổi và người có bệnh lý nền, thuộc nhóm dễ tổn thương trong đại dịch, phải đối mặt với căng thẳng trước nguy cơ nhiễm nCoV. Những người có vấn đề tâm lý có thể chuyển sang giai đoạn trầm trọng hơn khi điều trị thông thường và trị liệu trực tiếp bị gián đoạn.
Liên Hợp Quốc cũng liệt kê nghiên cứu của các quốc gia cho thấy tình trạng suy sụp tinh thần đang gia tăng nhanh chóng. Nghiên cứu thực hiện tại khu vực Amhara, Ethiopia cho biết 33% dân địa phương mắc các triệu chứng liên quan tới trầm cảm, tăng gấp ba lần so với thời điểm trước đại dịch.
Các nghiên cứu khác cho biết tỷ lệ người trải qua đau đớn về tinh thần trong cuộc khủng hoảng tại Iran là 60%, tại Mỹ là 45%, Kestel nói. Một nghiên cứu của Canada cho biết gần một nửa nhân viên y tế của nước này cần hỗ trợ về tâm lý.
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh các quốc gia cần đưa quyền tiếp cận hỗ trợ tâm lý và chăm sóc tâm thần khẩn cấp vào tất cả khía cạnh trong phản ứng với Covid-19. Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời cho biết trước Covid-19, các quốc gia trung bình chỉ dành 2% ngân sách y tế công cộng cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
vnexpress.net