Bệnh viện Bạch Mai: Xóa bỏ giường dịch vụ, không nằm ghép
Ngày 25/5, tại một cuộc họp báo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi kết thúc phong tỏa do dịch COVID-19, bệnh viện đã chuyển đổi phương thức quản trị cũ sang mô hình mới là tự chủ hoàn toàn và giải thể các đơn vị dịch vụ tại bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện cho biết, hiện nay, tỷ lệ giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai được khống chế ở mức tối đa là 30% (trong khi trước đây là 50-60%), lộ trình sau đó giảm xuống còn 25%, 20% và dần dần loại bỏ giường bệnh dịch vụ. Tất cả bệnh nhân đều được phục vụ tốt nhất có thể. TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu sẽ được khống chế, không vượt quá 30%, tiến tới còn 25%, 20% rồi dần bỏ giường dịch vụ. Đồng thời bệnh viện sẽ xây dựng tiêu chuẩn giường theo yêu cầu, với phòng riêng kèm theo điều kiện tiện ích.
“Khi không còn giường bệnh theo yêu cầu nữa, chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chuẩn, các gói dịch vụ để chăm sóc bệnh nhân. Mục tiêu là các bệnh nhân đều được chăm sóc tốt nhất. Quyền lợi của người bệnh là quan trọng, chất lượng chăm sóc là ưu tiên hàng đầu…”, TS Hùng nói.
Hiện nay, sau khi được dỡ bỏ phong tỏa vì dịch COVID-19, hoạt động khám chữa bệnh bình thường trở lại, bệnh viện dành ưu tiên cho công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bệnh viện đang tiến hành điều chỉnh, đưa chất lượng dịch vụ điều trị, chăm sóc lên hàng đầu, nên sự khác biệt giữa giường dịch vụ và giường thường sẽ được xoá nhoà.
“Sẽ tổ chức kiểm tra liên tục, đơn vị nào có nằm ghép phải giải trình rõ lý do, nhanh chóng giải toả để không còn tình trạng nằm ghép. Nếu khoa phòng nào còn có bệnh nhân nằm ghép thì không được phép thu tiền giường bệnh theo yêu cầu”, Phó giám đốc Dương Đức Hùng cho biết thêm.
Tuy nhiên do đây là bệnh viện tuyến cuối, tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nên rất khó để kiểm soát được lưu lượng bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên, bệnh nhân cấp cứu nên bệnh viện triển khai mô hình hạn chế tối đa nằm ghép. Cụ thể, bố trí giường cáng để bệnh nhân nằm tạm và trong 24 giờ, giường bệnh cho bệnh nhân phải được giải quyết.
Thông tin thêm về vấn đề nguồn thu của bệnh viện khi đi vào hoạt động tự chủ, TS Dương Đức Hùng cho hay, bệnh viện chủ trương nâng cao chất lượng điều trị, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại, nâng cao công tác chăm sóc, đáp ứng nhu cầu người bệnh để tăng thêm nguồn thu.
Thông tin tại cuộc họp báo, lãnh đạo bệnh viện cho biết, đã giải thể các đơn vị dịch vụ trong bệnh viện. “Thời gian qua bệnh viện đã thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy. Chủ trương của bệnh viện là những người có trình độ chuyên môn tốt dùng để làm công tác chăm sóc người bệnh. Các vị trí đón tiếp bệnh nhân sẽ tuyển dụng những đối tượng phù hợp, không để tình trạng có cử nhân điều dưỡng đứng đón tiếp người bệnh, điều này sẽ rất lãng phí nguồn chăm sóc bệnh nhân chất lượng cao”, ông Hùng nói.
Bệnh viện cũng đã chấm dứt hợp tác với Công ty Trường Sinh, nơi phát hiện nhiều ca mắc COVID-19, chấm dứt hàng loạt các dịch vụ khác như bán báo, tang lễ. Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai nói: “Đây là một quyết định rất khó khăn, có những người gắn bó với bệnh viện hàng chục năm. Thời gian bị phong tỏa vì COVID-19, bệnh viện không có doanh thu, thu nhập của nhân viên y tế bị cắt giảm nhưng các đơn vị dịch vụ vẫn được hưởng nguyên lương và chúng tôi vẫn trả nguyên lương tháng 5 cho các nhân viên” (Tiền phong, trang 6).
Thêm 1 ca mắc mới COVID-19, Việt Nam có 326 bệnh nhân
Chiều 25/5, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy đến nay nước ta đã có 326 bệnh nhân COVID-19. Ca bệnh 326 là bệnh nhân nữ, 20 tuổi, là du học sinh Pháp, địa chỉ tại Phường 19, Quận Bình Thạnh, TP HCM. Ngày 24/5,bệnh nhân từ Pháp về Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN008, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Sư đoàn 317 huyện Hóc Môn, TP HCM. Cùng ngày bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm ngày 25/5 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ chi.
Hiện Việt Nam có tổng cộng 186 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay nên không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Mới đây xuất hiện 3 trường hợp nhập cảnh về nước trốn khai báo y tế và cách ly tại Bạc Liêu. Bộ Y tế cho hay các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh, đặc biệt người dân qua cửa khẩu bằng các đường mòn lối mở, tránh tâm lý lơi lỏng, chủ quan. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly, xét nghiệm, khi về nhà phải theo dõi sức khỏe.
Cùng ngày có 5 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, tổng số trường hợp được chữa khỏi COVID-19 ở nước ta đến thời điểm hiện tại là 272/325 (chiếm 84% tổng số bệnh nhân).
Riêng về nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang trong tình trạng nặng, phụ thuộc hoàn toàn ECMO.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19 (Tiền phong, trang 6).
‘Bác sĩ không tên’ làm tiền trên bàn mổ?!: Liên tục sai phạm vẫn hoạt động bình thường
Thanh Niên đã phản ánh về “những bác sĩ không tên” làm tiền trên bàn mổ xảy ra tại các phòng khám đa khoa ở TP.HCM: Thái Bình Dương, Hoàn Cầu. Đáng lưu ý, hai phòng khám này liên tục có những sai phạm lặp lại.
Trên số báo ra ngày 25.5, Thanh Niên đã phản ánh về việc “những bác sĩ không tên làm tiền trên bàn mổ” xảy ra tại các phòng khám đa khoa ở TP.HCM: Thái Bình Dương, Hoàn Cầu. Đáng lưu ý, hai phòng khám này liên tục có những sai phạm lặp đi lặp lại.
Theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập được, Phòng khám (PK) đa khoa Thái Bình Dương (34 – 36 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM; gọi tắt là PK TBD) và pk đk Hoàn Cầu (80 Châu Văn Liêm, Q.5; gọi tắt là PK HC) có nhiều vi phạm khá giống nhau. Cụ thể, từ tháng 2.2018 – 1.2020, PK TBD bị phạt 5 lần với tổng cộng gần 195 triệu đồng. Các vi phạm lặp lại nhiều nhất là: quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không đúng phạm vi chuyên môn; chỉ định sử dụng dịch vụ KCB vì mục đích vụ lợi; sửa chữa hồ sơ bệnh án làm sai lệch thông tin KCB; không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động; thu giá cao hơn giá niêm yết; không đeo bảng tên…
Tương tự, từ tháng 2.2018 – 2.2020, PK HC bị phạt 8 lần với tổng số tiền trên 507 triệu đồng. Hành vi vi phạm nhiều nhất của PK HC vẫn là: quảng cáo dịch vụ KCB không đúng phạm vi chuyên môn; chỉ định sử dụng mục đích KCB vì vụ lợi; sửa chữa hồ sơ bệnh án làm sai lệch thông tin về KCB; thu giá cao hơn giá niêm yết; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; không đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân lực hoạt động trong quá trình hoạt động… PK HC từng bị đình chỉ hoạt động ở thời điểm tháng 10.2018.
Cuộc gặp “tình cờ” trong Sở Y tế
Chiều 15.5, Thanh tra Sở Y tế TP mời bệnh nhân (BN) N.Đ.Q.N lên hợp tác làm rõ vấn đề mà chị phản ánh về PK TBD làm tiền trên bàn mổ (Thanh Niên đã phản ánh ngày 25.5).
Chị N. kể khi chị ngồi trong phòng thanh tra SYT TP, thì xuất hiện một người phụ nữ trùm kín mít đề nghị chị N. ra ngoài nói chuyện. Khi chị N. từ chối, thì một phụ nữ lạ khác vào mời, nhưng chị vẫn không đồng ý gặp. Sau hơn 1 giờ đồng hồ làm tường trình, chị N. bước ra, người phụ nữ trùm kín mặt lúc nãy gặp tự giới thiệu là Phạm Tuyết Nhung, ở PK TBD. Người này “phủ đầu” khi nói rằng biết lý do chị N. đến Sở Y tế khiếu nại là “có những khó khăn cần được giải quyết”. Chị N. “vặn” lại tại sao bà Nhung biết được mình lên Sở Y tế khiếu nại thì bà này nói “tình cờ lên đây”.
“Tôi không biết em tên gì, chỉ thấy có cuốn sổ PK TBD. Em vào thanh tra là khiếu nại PK chị… Điều em mong muốn là gì để chị giải quyết cho em. Thí dụ em tới PK khám gì đó, điều trị gì đó, bây giờ PK đã làm cho em cái đó phát sinh bao nhiêu tiền em không đồng ý chị hoàn trả số tiền cho em”, bà Nhung nói.
Chị N. trả lời rằng tiền thì mình cũng đã nộp cho PK hơn 13 triệu đồng; nếu PK giải quyết ổn thỏa thì được. “Vì biết trước sau gì PK cũng đề cập đến tiền, nên tôi nói nếu vậy PK đền bù 130 triệu đồng… Tôi chỉ bực tức và nói số tiền đó chứ không phải muốn tiền của PK này. Tôi muốn mọi việc được các cơ quan chức năng làm rõ”, chị N. nói với PV Thanh Niên.
Liên quan việc người của PK TBD bất ngờ xuất hiện trong phòng thanh tra của Sở Y tế gặp chị N., bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết chiều 15.5 có mời 2 nhóm đối tượng khác nhau lên làm việc. “Người ở PK TBD đi ngang thấy chị N. cầm cuốn sổ PK TBD nên lập tức gọi ra. Không có chuyện “trong, ngoài” ở đây”, BS Mai nói.
Dụng “chiêu” bài bản
Khi nói về PK hoạt động kiểu “làm tiền” BN trên bàn mổ, PGS. TS. Nguyễn Hoài Nam, Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, cho rằng bản thân ông là một phẫu thuật viên nên rất hiểu tâm lý BN. “Một khi BN nằm trên bàn mổ, họ rất sợ. Dưới tác dụng của thuốc tiền mê, gây mê, đầu óc BN sẽ không bình thường; ai nói gì cũng nghe theo và dễ dàng đồng ý. Do vậy các PK đã chọn đúng điểm này để “làm tiền” BN. Rất bài bản! Nếu trước đó giải thích cho BN chưa chắc BN đã chịu mổ”, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam nói.
Sau đó, BS không ghi chẩn đoán rõ ràng là bệnh gì của cổ tử cung. Tiếp theo, họ sử dụng một “bài” điều trị đó là truyền kháng sinh nhiều ngày; đốt điện cổ tử cung; “làm thuốc” cổ tử cung… Các ca này khi đến tái khám, thường sẽ thấy cổ tử cung bị tổn thương do đốt lan rộng, tróc mô bị đốt gây chảy máu, tiết dịch bội nhiễm…
Không ít ca phá thai tại các PK này đã có các biến chứng, như sót nhau, sót thai. BN đã phải tự tìm đến Khoa Kế hoạch gia đình của BV Từ Dũ hút nạo lại. Tình huống này đẩy nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ tổn thương tử cung lên cao do phải can thiệp nhiều lần vào buồng tử cung. Có ca suýt mất mạng vì những người được gọi là “BS” ở các PK dạng này gắp luôn cả ruột của BN ra do bị thủng tử cung – ruột lòng thòng trong âm đạo.
Theo một chuyên gia về bệnh lý “thầm kín” nam giới ở BV Bình Dân, ông đã khám cho rất nhiều nam “nạn nhân” của PK kiểu như vậy. Bất kể BN đau “của quý”, bệnh lý nam khoa nào… thì đều bị cắt bao quy đầu – dù bao quy đầu của BN bình thường. Họ lấy lý do dài, hẹp để… cắt. Đa số, các PK này điều trị không đúng chỉ định; chủ yếu lấy tiền thông qua “quy trình” hù dọa BN.
“Cơ quan nhà nước làm chưa hết trách nhiệm, bởi các PK “quen tên” này sai phạm nhiều lần; phạt rồi hoạt động, rồi tái phạm. Cũng cần làm rõ trách nhiệm của những người đứng tên về chuyên môn vì để PK sai phạm xảy ra liên tục ảnh hưởng tính mạng BN và uy tín ngành y”, PGS-TS Hoài Nam đề xuất.
Các BS khuyến cáo, người dân nên tìm hiểu các cơ sở khám phụ khoa, nam khoa đáng tin cậy; không nên lo lắng mặc cảm khi đi khám bệnh phụ khoa, nam khoa vì đó là điều rất bình thường. Mạnh dạn trao đổi giải pháp điều trị nào là tốt nhất và có lợi nhất với BS mà mình đang khám và điều trị. Có quyền từ chối hay trì hoãn điều trị khi chưa hiểu rõ và chưa an tâm về bệnh của mình (Thanh niên, trang 16).