Thêm ca nhiễm covid-19 được cách ly
Chiều tối 26/5, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19, là hành khách trên chuyến bay VN0062 từ Nga về nước, được cách ly ngay khi nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 327, trong đó 272 người khỏi bệnh… (Tiền phong, trang 6; Thanh niên, trang 3; Nhân dân, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Phi công người Anh mắc loại vi khuẩn nguy hiểm, phải lọc máu trở lại
Kết quả cấy đàm của nam phi công người Anh ra Burkholderia cenocepacia, đây là vi khuẩn rất khó điều trị trên nền bệnh nhân có suy giảm miễn dịch. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch vì còn phụ thuộc gần hoàn toàn vào ECMO và nhiễm trùng phổi chưa khống chế được. Đã cho lọc máu trở lại.
Theo đó, thông tin mới nhất từ Tiểu ban điều trị tối 26/5 cho biết, bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh, 43 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch vì bệnh nhân còn phụ thuộc gần hoàn toàn vào ECMO và nhiễm trùng phổi chưa khống chế được. Đã cho lọc máu trở lại.
Đánh giá sơ bộ, bệnh nhân còn mê, đồng tử đều 2 bên, phản xạ ánh sáng dương tính, có nhịp thở tự nhiên nhưng chưa phục hồi phản xạ ho và chưa cử động được tay chân trong quá trình giảm liều thuốc an thần, ngưng thuốc dãn cơ. Đánh giá tri giác và vận động của bệnh nhân chỉ chính xác khi thuốc tích luỹ được thải hết.
Phổi bệnh nhân vẫn chưa cải thiện thêm trong những ngày điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, lưu lượng máu ECMO vẫn còn cao (4,5 lít/ phút), để duy trì oxy máu SpO2 90-95%
Chức năng thận của bệnh nhân chưa phục hồi: vẫn cần furosemide để duy trì lượng nước tiểu cần thiết, creatinin máu đang tăng dần sau ngưng lọc máu liên tục, tối qua tiến hành lọc máu lại.
Tình trạng viêm phổi của bệnh nhân hiện vẫn chưa kiểm soát được, kết quả cấy đàm ra Burkholderia cenocepacia, đây là vi khuẩn rất khó điều trị trên nền bệnh nhân có suy giảm miễn dịch (điều trị từ 21/4 đến nay cấy vẫn dương tính).
Bệnh nhân 91 là ca bệnh đầu tiên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ở quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh) kết quả được thông báo hôm 18/3. Bệnh nhân sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi).
Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Sáng 6/4, bệnh nhân được ê-kíp đặc nhiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) ngay tại phòng cách ly áp lực âm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên xen lẫn trong đó là những lần dương tính yếu.
Bệnh nhân này có yếu tố béo phì (cao 1m83, nặng 100kg, chỉ số khối cơ thể là 30,1). Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” – hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho người này. (Tiền phong, trang 6).
Dịch sốt xuất huyết và Zika vào cao điểm
Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh thành phố trong cả nước về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Zika và SXH.
Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay, thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do virus Zika phát triển mạnh đe dọa tới sức khỏe của người dân. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Cứu sống bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch phình vị
Ông Huỳnh Tiên, 77 tuổi, trú TP Đà Nẵng vừa được các bác sĩ Khoa Nội II, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cứu sống kịp thời sau khi xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch phình vị (dạ dày). Hiện, bệnh nhân đã khỏe mạnh và được xuất viện.
Ngày 26-5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, đã thực hiện can thiệp cầm máu thành công trường hợp vỡ búi phình tĩnh mạch ở dạ dày cho bệnh nhân Huỳnh Tiên (77 tuổi, Đà Nẵng) và cho người bệnh xuất viện sau năm ngày điều trị. Ca nội soi can thiệp thành công trong điều kiện người bệnh bị xơ gan mất bù có biến chứng xuất huyết tiêu hóa nặng kèm nhiều bệnh lý phức tạp.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ra máu tươi lẫn bầm đen. Theo bệnh nhân, khi ông đang nằm nghỉ bình thường thì bụng quặn lên, sau đó nôn ra máu với một lượng lớn. Ngay sau đó, bệnh nhân đã nhập viện cấp cứu.
Sau khi thăm khám và thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện ở phình vị dạ dày có một búi giãn tĩnh mạch, có dấu chảy máu, đồng thời xác định, người bệnh có phình tĩnh mạch thực quản kèm trên nền bệnh lý xơ gan nặng, viêm gan B, đái tháo đường type II. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn và đi đến quyết định nội soi can thiệp cầm máu cho người bệnh bằng cách tiêm chất keo sinh học histoacryl vào búi tĩnh mạch chảy máu. Trường hợp bệnh nhân này vừa chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do xơ gan mất bù, rối loạn chức năng đông máu, tiên lượng dè dặt kèm nhiều bệnh lý phức tạp, gây khó khăn cho ekip khi tiến hành can thiệp.
Với sự hỗ trợ của các đơn vị trong bệnh viện và đã có sự đầu tư, chuẩn bị từ trước, ekip bác sĩ đã thực hiện can thiệp thành công trong thời gian ngắn, bệnh nhân ngừng chảy máu, không có biến chứng xảy ra trong quá trình can thiệp.
Sau năm ngày tích cực điều trị, bệnh nhân đã ổn định, không chảy máu, ăn uống được và xuất viện.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân mắc bệnh lý xơ gan khi có dấu hiệu chảy máu (đi ngoài phân đen hoặc nôn ra máu) cần khẩn cấp đến ngay cơ sở y tế tin cậy để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Xuất huyết do vỡ phình tĩnh mạch (tĩnh mạch thực quản, tâm phình vị dạ dày) là nguyên nhân chính gây ra chảy máu đường tiêu hóa trên ở người bệnh xơ gan (70% các trường hợp); 50% các trường hợp tử vong trong lần chảy máu lần đầu, đặc biệt là các trường hợp xơ gan mất bù. (Nhân dân, trang 5).
Tổng vệ sinh, phun hóa chất diện rộng phòng chống sốt xuất huyết
Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tổ chức đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diện rộng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác khi dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng và xuất hiện mưa, lũ…
Để chủ động sớm trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây nên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội năm 2020.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục củng cố, bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ Thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời mọi diễn biến của bệnh dịch không để dịch lan rộng; đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất xử lý ổ dịch.
Tăng cường giám sát dịch (giám sát bệnh nhân và giám sát véc tơ) tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng (lưu ý các khu vực nguy cơ và các ổ dịch cũ về sốt xuất huyết); Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế tư nhân, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học, đặc biệt mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích diệt bọ gậy trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh để xử lý dịch triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Các đơn vị phải thường xuyên tập huấn về phác đồ điều trị và tăng cường năng lực thu dung, điều trị cho các cơ sở y tế nhằm hạn chế trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết. Phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, dịch truyền để chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn; các trường học, đình chùa, nghĩa trang, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng… đóng trên địa bàn chủ động triển khai tích cực, hiệu quả vệ sinh môi trường diệt bọ gậy trên địa bàn và tại đơn vị;
Duy trì vệ sinh môi trường diệt bọ gậy thường xuyên theo tuần hoặc tháng tùy tình hình dịch bệnh. Căn cứ tình hình dịch bệnh, tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao và các nơi phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết; Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diện rộng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác khi dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng và xuất hiện mưa, lũ…
Các quận huyện cũng cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc men cho công tác xử trí phòng, chống dịch bệnh. Bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc sẵn sàng cấp cứu, điều trị người bệnh hạn chế thấp nhất tử vong do dịch… (An ninh thủ đô, trang 7).27