Điểm báo ngày 05/6/2020

(CDC Hà Nam)
Chuyện giành sự sống cho bệnh nhân phi công người Anh số 91; Chuyên gia đầu ngành 3 miền hội chẩn đặc biệt; Đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu; Mỗi người dân sẽ có một mã định danh y tế

Chuyện giành sự sống cho bệnh nhân phi công người Anh số 91

Stephen Cameron, phi công người Anh 43 tuổi, bệnh nhân 91 mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM luôn bị tiên lượng nặng, có lúc phổi chỉ 10% hoạt động được. Tuy nhiên, sự bình phục của bệnh nhân này liên tục lập “kỳ tích” qua từng ngày: Phổi hoạt động trên 40%; cai ECMO; cử động chi; xoay đầu; mỉm cười; tự cầm ly uống nước…Thành công bước đầu đặc biệt quan trọng này có đóng góp rất lớn của các bác sỹ, trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành.

Hàng chục bác sỹ, y tá ngày đêm cứu chữa

Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân 91 đang có sự hồi phục diệu kỳ. Nam phi công tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng gan, thận đã phục hồi hoàn toàn. Đặc biệt bệnh nhân đã cai được ECMO, điều này xóa bỏ dự đoán “ngừng ECMO, bệnh nhân sẽ chết” được đưa ra trước đây. Tại phòng áp lực âm khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi bệnh nhân 91 đang điều trị, lúc nào cũng có đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng túc trực thăm khám, chăm sóc. Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ của người bệnh, ê kíp chăm sóc đều ghi lại cẩn thận. Hôm 2/6, bệnh nhân có tỉnh táo, có phản xạ ho mạnh hơn và lần đầu tiên, bệnh nhân đã mỉm cười, bắt tay các y bác sĩ, rơi nước mắt khi được hỏi thăm. “Lúc đó chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Sau bao ngày cận kề lằn ranh sinh tử, hôm nay anh đã có thể mỉm cười rất tươi, đôi mắt mở to”, một điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân 91 kể.

Chiều tối 22/5, bệnh nhân 91 được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Lúc đó, phi công người Anh  nằm trên băng ca, trên người chằng chịt dây nhợ cùng với hệ thống máy lọc, ECMO… Các nhân viên y tế khẩn trương đưa bệnh nhân vào lối đi riêng về khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay trong đêm, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức hội chẩn để đánh giá tình trạng bệnh của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 được bác sĩ Dương Thị Bích Thủy, Hà Thị Hải Đường, Nguyễn Văn Thành Được, Dư Lê Thanh Xuân cùng 16 điều dưỡng khoa này phụ trách ngày đêm. Điều kỳ diệu đã đến với bệnh nhân này, từ chỗ phổi gần như đông đặc, xơ cứng cả hai lá…, bệnh nhân đã có những dấu hiệu tích cực đầu tiên như ngưng lọc máu liên tục, tỉnh, cử động đầu chi… Hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang cho thấy, hơn 1/2 phổi bên trái đã cải thiện gần như hoàn toàn, phổi phải cũng bắt đầu có cải thiện về mặt chức năng hô hấp.

Theo bác sỹ chăm sóc bệnh nhân 91, hành trình hơn 2 tháng “chiến đấu” COVID-19, bệnh  nhan từng trải qua những thời điểm thập tử nhất sinh, rồi tìm thấy hy vọng ở cuối đường hầm, sức sống nơi anh đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ, khiến những y bác sĩ chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân và thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID – 19 vui mừng, phấn chấn.

Trực tiếp theo dõi và điều trị cho Bệnh  nhân 91 ngay từ ngày chuyển về nơi mới, Bác sỹ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Dù có thể cai được ECMO, bệnh nhân vẫn phải phụ thuộc rất lâu vào thở máy. Sau đó,  cai máy thở cũng là vấn đề khó khăn, phải cần nhiều thời gian hơn. Bây giờ, việc ưu tiên hàng đầu là cần hạn chế những nguy cơ cũng như các biến chứng do phải duy trì việc sử dụng ECMO kéo dài. Dù thế nào đi chăng nữa, bệnh viện vẫn sẽ cố hết sức, làm hết khả năng để điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân”.

Những ngày không quên

Là một trong 3 bác sỹ được BV Chợ Rẫy “biệt phái” sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ kỹ thuật ECMO điều trị bệnh nhân 91 trong 3 tuần, BS Huỳnh Thị Thu Hiền, khoa Hồi sức Cấp cứu kể: Ngày 6/4, chị vừa trực xong ca đêm, chưa kịp thay đồ về nhà thì được lệnh điều động sang BV Bệnh Nhiệt đới gấp. Ngay lập tức, BS Hiền và một đồng nghiệp lên đường. “Khi đó, chúng tôi đã xác định đến nơi là phải đặt ECMO cho bệnh nhân ngay, nhưng quả thật không thể ngờ được bệnh nhân này có quá nhiều biến cố đến như vậy. Đây là bệnh nhân ECMO phổi nặng nhất từ trước đến giờ mà tôi từng gặp”, BS Thu Hiền nhớ lại.

Theo bác sỹ Hiền, bệnh nhân kháng thuốc chống đông máu nên ngay trong ngày đầu tiên đặt máy, máu đã đông đặc, khiến các bác sỹ phải thay màng ECMO trong ngày. Sau đó, tình trạng huyết khối trong hệ thống dây dẫn lại xuất hiện, buộc các bác sỹ phải thay ống canuyn (dụng cụ mở khí quản cho bệnh nhân).

Ba tuần “trực chiến” tại BV Bệnh Nhiệt đới là quãng thời gian đáng nhớ đối với bác sỹ Hiền cũng như nhiều người khác, bởi bệnh nhân 91 liên tục gặp những biến cố phải xử lý gấp. Bệnh nhân nằm trong phòng áp lực âm, sự chuẩn bị điều kiện về vật dụng bảo hộ để chăm sóc cũng cực hơn so với chăm sóc các bệnh nhân khác. Các bác sỹ từ BV Chợ Rẫy sang hỗ trợ phải trực luân phiên đảm bảo liên tục 24/24 tiếng, phối hợp cùng các BS trong viện chăm sóc bệnh nhân. Mỗi ngày, bác sỹ phải vào đánh giá sức khỏe bệnh nhân 3-4 lần. Những hôm bệnh nhân chuyển nặng, bác sỹ gần như ở luôn trong phòng với bộ đồ bảo hộ kín mít.

65 ngày bệnh nhân 91 điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới cũng là ngần ấy thời gian BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trực tiếp theo dõi, chăm sóc người bệnh. Không ít lần bác sỹ Phong cùng nhiều đồng nghiệp “đứng tim” theo diễn tiến sức khỏe xấu đi của bệnh nhân. Đỉnh điểm là lúc phổi của bệnh  nhân đông đặc, chỉ còn hoạt động được 10%. Lúc đó, các bác sỹ phải tìm mọi cách để nâng chức năng hoạt động của phổi lên 20%, rồi 30%.

“Khi nghe tin bệnh nhân phi công hoàn toàn tỉnh táo, các y bác sĩ từng điều trị cho phi công người Anh rất phấn khởi. Điều đó thật kỳ diệu, như một kỳ tích trong y khoa. Ngày bệnh nhân chuyển qua BV Chợ Rẫy, cảm giác của chúng tôi hơi buồn. Hy vọng bệnh nhân người Anh có thể sớm hồi phục được sức khỏe và trở lại cuộc sống bình thường”, bác sỹ Phong cho biết.

BS CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy khẳng định: “Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ huy động toàn lực để tiếp tục cứu chữa cho phi công này” (Tiền phong, trang 14).

 

Chuyên gia đầu ngành 3 miền hội chẩn đặc biệt

Chiều 4/6, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì hội chẩn trực tuyến quốc gia của Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn (Bộ Y tế) cùng các chuyên gia hồi sức, tim mạch lồng ngực, truyền nhiễm, hô hấp, ngoại khoa… về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân 91-nam phi công người Anh. Cuộc hội chẩn có sự tham gia của chuyên gia ở các điểm cầu BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Trung ương Huế.

Báo cáo tại buổi hội chẩn, đại diện BV Chợ Rẫy cho biết, ngoài những diễn biến tích cực trước đó như đã mỉm cười, thực hiện được các y lệnh của bác sĩ,  hiện tại bệnh nhân 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 2/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO sáng ngày 3/6. Đến nay sau 24h ngừng sử dụng ECMO, bệnh nhân vẫn ổn định.

Kết quả chụp XQ phổi của bệnh nhân cải thiện. Vùng sáng (thông khí) cải thiện nhiều, đặc biệt phổi trái đã thông khí hơn 50%, phổi phải hơn 8%. Kết quả CT-ngực và bụng sáng ngày 04/6: Nhìn chung các tổn thương bình thường. Bệnh nhân hiện đang thở máy áp lực.

Tại buổi hội chẩn, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị và chuyên gia từ các điểm cầu đều gửi lời chúc mừng kết quả bước đầu trong điều trị bệnh nhân 91 đến thời điểm này của BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM và BV Chợ Rẫy kế thừa sau đó

Tham gia hội chẩn, chuyên gia tại các điểm cầu đều cho rằng dù bệnh nhân có những tiến triển ban đầu về sức khoẻ, tuy nhiên tình trạng vẫn còn nặng và cần tiếp tục nỗ lực điều trị nội khoa, hồi sức, dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu và bệnh nhân cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tổ điều trị cho bệnh nhân tiếp tục theo dõi điều trị về nội khoa; đảm bảo về mặt dinh dưỡng, chỉ số miễn dịch và tình trạng nhiễm trùng.  Bên cạnh điều trị nội khoa để bệnh nhân ngày càng tốt hơn thì cần phải chuẩn bị sẵn điều kiện về ngoại khoa (nhóm ghép phổi) để có thể sẵn sàng tiến hành khi đủ điều kiện

Với bệnh nhân này đề nghị hết sức cố gắng trong điều trị để làm sao  cho phổi bệnh nhân tăng tiếp diện tích thông khí (Tiền phong, trang 14).

 

Đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu

 Ngày 4-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.

Đánh giá diễn biến dịch bệnh trên thế giới, các chuyên gia cho biết, hiện nay, một số quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện tốt chính sách ngăn chặn dịch từ sớm nên đã kiểm soát được dịch bệnh, tương đối an toàn và ổn định. Nhưng đối với nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm khi thực hiện các biện pháp phong toả, xét nghiệm nhưng do triển khai muộn nên chưa thể khẳng định được khu vực nào là an toàn.

Các chuyên gia cho rằng tình hình dịch bệnh bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp, nên chúng ta vẫn phải tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt công tác cách ly; kịp thời phát hiện ca mắc mới để thực hiện khoanh vùng, điều trị hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, do dịch bệnh kéo dài nên vấn đề tổ chức đưa công dân Việt Nam từ các khu vực có dịch về nước (người lao động hết hợp đồng, du học sinh, người thăm thân, chuyên gia người Việt bị kẹt lại các nước do dịch bệnh), cũng như việc đón các đoàn ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao… vào Việt Nam đang tạo ra sức ép rất lớn.

Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, trong đó có giải pháp: Tổ chức chuyến bay đến một số điểm trung chuyển; đón công dân Việt Nam, các đoàn ngoại giao; mở kênh đăng ký cho các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, bao gồm cả có những chuyên gia chỉ nhập cảnh ngắn hạn để xúc tiến đầu tư, hoạt động thương mại;…

Vì thế, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, các hướng dẫn về đưa đón, tổ chức cách ly đối với các đối tượng nhập cảnh phải hết sức cụ thể, tổ chức kiểm tra thường xuyên. Bộ Y tế được giao xây dựng và ban hành sớm hướng dẫn đón các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam ngắn hạn.

Ban Chỉ đạo cũng lưu ý, mặc dù tình hình trong nước tương đối tốt nhưng thời gian qua trong bộ máy ở một số nơi có biểu hiện lỏng lẻo, sơ hở, điển hình là việc chuẩn bị những địa điểm cách ly phi hành đoàn, chuyên gia nước ngoài. Chúng ta cần phải tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh.

Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận và thống nhất tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly các phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; cách ly người nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ; xem xét mở kênh đăng ký chuyến bay đối với các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam; giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối xem xét giải quyết thủ tục đưa các chuyên gia, kỹ sư, doanh nhân người Việt đang bị kẹt ở nước ngoài (như đối với chuyên gia nước ngoài) về Việt Nam để phục vụ phát triển sản xuất trong nước…

Về nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19, hiện đã có nhiều quốc gia và tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới tham gia nhưng mới ở giai đoạn thử lâm sàng, chưa thể hy vọng có ngay được để phục vụ phòng, chống dịch bệnh (Nhân dân, trang 1).

 

Mỗi người dân sẽ có một mã định danh y tế

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2153/QĐ-BYT về quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế. Theo đó, mã số Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được sử dụng làm mã định danh y tế để xác định danh tính một cá nhân tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Mỗi người dân chỉ được cấp một mã định danh y tế duy nhất và mỗi mã định danh y tế chỉ được cấp cho một người, đồng thời tồn tại suốt đời. Các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác. Theo quy định, mã định danh y tế gồm 10 ký tự số là số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT theo quy định tại Quyết định số 1263/QĐ-BHXH ngày 21-11-2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành và quy định quản lý, sử dụng hệ thống danh mục dùng chung, chỉ tiêu báo cáo ngành BHXH. Bộ dữ liệu thông tin định danh gồm: Mã số BHXH, họ tên, ngày sinh, giới tính, mã tỉnh/huyện/xã nơi đăng ký khai sinh, mã thẻ BHYT (nếu người dân có tham gia BHYT). Các cơ sở y tế tra cứu mã số BHXH của người dân trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. Khi trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh của người bệnh, các cơ sở khám bệnh sử dụng mã định danh y tế và các thông tin liên quan để liên kết các thông tin của người bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 23/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/01/2019

Ngọc Nga

Để lại bình luận