Tròn 2 tháng Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến ngày 15/6 tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 323/334 bệnh nhân (chiếm 96,7% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).
Trong số 334 bệnh nhân, đã có 297 bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. Ước tính thời gian điều trị trung bình của những bệnh nhân ra viện là 20.0 ± 7.6 ngày. 11 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 6 cơ sở y tế, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có nhiều bệnh nhân với 3 trường hợp, đa số có sức khỏe ổn định. Tính đến sáng ngày 15/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 1 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 7 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, nam phi công người Anh- bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.
Bệnh nhân đã cai thở máy được 60 giờ. Sức cơ hô hấp có cải thiện, ho khạc đàm mạnh, tự thở được 60 giờ.
Đánh giá sơ bộ tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân hiện nay, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tuy nhiên sức cơ 2 chân còn yếu.
Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt. Bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu ngày 2 lần. Điều chỉnh bù nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt.
Về dinh dưỡng, các bác sĩ cho ăn qua đường tiêu hoá và bệnh nhân dung nạp. Bệnh nhân ăn 1.250 ml súp xay và sữa/ngày.
Bệnh nhân đã ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto.
Đến thời điểm hiện tại, mạch của bệnh nhân là 106 lần/ phút; huyết áp: 130/70 mmHg; T 37oC, SpO2: 99%.
Mặc dù có những tiến triển vậy, tuy nhiên Tiểu ban Điều trị cũng cho rằng, nam phi công vẫn cần nhiều tuần để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình phục hồi có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 89 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng lọc máu từ ngày 27/5, ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, ngưng thở máy từ sáng 12/6.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, với những bệnh nhân khác, những tiến triển nhỏ về sức khoẻ đó là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả “team” điều trị và Hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện đã cố gắng chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án điều bệnh nhân phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Bí thư thành ủy TPHCM: cần công bố hết dịch covid-19 ở trong nước với 3 tiêu chí
Phát biểu tại hội trường Quốc hội phiên thảo luận kinh tế – xã hội sáng 15/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với kết quả chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí gồm: tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người; tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người/1 triệu dân và không có người chết.
Việt Nam đảm bảo cả 3 tiêu chí
Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đề cập đến Việt Nam có thể cần lập trình quá trình mở cửa lại nền kinh tế, chủ động năng lực sản xuất kinh doanh trong nước, phát huy động lực kép và sức mạnh Việt Nam để phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Nói về dịch COVID-19, theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM, sau 6 tháng dịch toàn cầu, có thể rút ra 4 nhận thức về quy luật lây nhiễm và phát triển dịch. Đó là phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, rửa tay sát trùng và phải thực hiện cách ly triệt để.
Bốn giai đoạn dịch ở mỗi nước đã và sẽ diễn ra là:
Giai đoạn 1 lây nhiễm tăng trưởng rất chậm, bình quân khoảng 30 ngày mới có 100 người nhiễm. Ở giai đoạn này, các quốc gia không sợ.
Kế đó là giai đoạn tăng trưởng nhanh từ 150 người trong 10 ngày lây nhiễm, nhiều quốc gia bắt đầu hơi sợ.
Tiếp theo giai đoạn từ 1.000 người đến 32.000 người nhiễm chỉ trong vòng từ 25 đến 30 ngày. Các quốc gia sợ, hệ thống y tế khó khăn và nhiều nơi rối loạn. Thực tế cho thấy, khi số người nhiễm ở giai đoạn gia tăng ban đầu, số người phải điều trị cũng tăng và số người điều trị ở bệnh viện sẽ đạt đỉnh tối đa sau đó giảm dần. Đó là thời điểm chuyển giai đoạn trong chống dịch, các nước hay nói là dịch đạt đỉnh.
Sau khi chuyển giai đoạn, số người nhiễm tổng thể vẫn tăng, song số người điều trị giảm dần và đến giai đoạn thứ tư là số người điều trị bình quân không vượt quá 10 người trên 1 triệu dân, có thể coi là ngưỡng an toàn.
Tại Việt Nam với những thành tựu vô cùng to lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị rằng cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí gồm: Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện tại chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân); hai là tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (thực tế chỉ có 0,2 người) và thứ ba là không có người chết.
Vị Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần có lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh văn hóa, chính trị và kinh tế. Do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, chúng ta đã kiểm soát rất tốt đại dịch.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ, chúng ta có quan hệ kinh tế với nhiều nước nhưng chỉ có 17 nước có quan hệ đối tác quan trọng nhất, quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thoả thuận 2 bên.
Từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc… Vì vậy, Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này. 7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay.
Cần hết sức cẩn trọng
Dù những thành tựu của Việt Nam đạt được trong suốt thời gian qua, nhưng Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) lại cho rằng, cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, làn sóng thứ 2 vẫn lơ lửng trên đầu rất nhiều nước, trong đó có nước ta.
Cùng với đó, các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng Việt Nam chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với bằng chứng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Lân Hiếu, ta cần tiến hành biện pháp để khẳng định nguy cơ ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần dựa vào khoa học, có ngành y tham vấn, ví dụ cần làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn ở Việt Nam. Hay quy trình nhập cảnh khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo quy định kiểm dịch, phối hợp với các nước làm xét nghiệm kháng thể cho các khách muốn nhập cảnh để khách không mang dịch vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Lân Hiếu cũng đề cập vai trò của hệ thống y tế công cộng. Đây là hệ thống đã phát huy hiệu quả trong đợt dịch vừa qua, nhưng đang có nguy cơ suy yếu không được đầu tư.
Vị đại biểu đoàn An Giang cũng nhấn mạnh thêm: “Nâng cao chất lượng nhân viên y tế là nhu cầu cấp bách, cần có chiến lược đầu tư cho y tế để khi đối mặt với dịch bệnh thì Việt Nam mới có thể có điểm sáng trên bản đồ thế giới”. (Gia đình & Xã hội, trang 2; Tiền phong, trang 3).
Ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập
Trước diễn biến Trung Quốc phát hiện hàng chục ca nhiễm bệnh Covid-19 trong cộng đồng, Việt Nam tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài.
Chiều 15.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) cho biết, trong ngày, cả nước không ghi nhận ca mắc mới, tròn 60 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19. Hiện 323/334 bệnh nhân (BN), chiếm 96,7% tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi.
Về BN 91 (phi công người Anh, là ca bệnh Covid-19 nặng nhất đến thời điểm này, đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM), BCĐ cho biết, BN này đã qua 89 ngày điều trị, đã có tiếp xúc tốt, chức năng thận hồi phục, chức năng tim, gan tốt, tuy nhiên sức cơ 2 chân còn yếu.
BN 91 đã được ngưng tất cả các kháng sinh, chỉ còn dùng thuốc kháng nấm, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống. BN 91 đã ăn được qua đường tiêu hóa, khoảng 1.250 ml súp xay và sữa/ngày.
Về diễn biến dịch Covid-19, BCĐ nhận định, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến khó lường, đặc biệt là quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Sau gần 2 tháng không có ca nhiễm mới ở cộng đồng, chỉ trong vài ngày trở lại đây, Trung Quốc đã phát hiện hàng chục ca nhiễm bệnh trong cộng đồng khiến nhiều khu vực bị phong tỏa trở lại; một số chợ đầu mối bị đóng cửa; nhiều trường cho học sinh nghỉ học.
Tới đây, cả nước tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không; tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Việt Nam tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, công dân Việt Nam nhập cảnh nhưng phải bảo đảm không để nguồn bệnh xâm nhập; không để lây lan dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng. (Thanh niên, trang 3).