Điểm báo ngày 18/6/2020

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng: Truyền thông góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến chống dịch COVID-19; Việt Nam tiếp tục có bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới

Thủ tướng: Truyền thông góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến chống dịch COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức vào chiều nay, 16/6. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hơn 2 tháng qua, chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Việt Nam là “tấm gương sáng chói và hy vọng”, “Nguồn động viên lớn lao” trên thế giới trong công cuộc phòng chống dịch COVID -19

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Lê Mạnh Hùng- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo trình bày cho biết, với phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống COVID-19 ngay từ khi dịch xuất hiện, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 được triển khai hiệu quả trên tất cả các hình thức tuyền thông như trên báo chí, truyền thông qua tin nhắn SMS, truyền thông trên tất cả các loại hình mạng xã hội, các ứng dụng trên nền tảng internet, truyền thông trực tiếp trong cộng đồng…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Theo điều tra của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) 84% người được hỏi đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống COVID-19.

Cho biết hầu hết dư luận quốc tế  đánh giá Việt Nam đã hành động một cách xuất sắc, luôn chủ động, sẵn sàng hợp tác và hoàn toàn minh bạch; có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch của Chính phủ cao nhất thế giới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng dẫn chứng các bài báo quốc tế nhận định Việt Nam là “tấm gương sáng chói và hy vọng”, “Nguồn động viên lớn lao” trên thế giới trong công cuộc phòng chống dịch COVID -19; trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có sự hồi đáp rất nhanh, có nhiều sáng kiến, thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID -19.

“Nhiều người nước ngoài, nhất là những người đã thực hiện cách ly y tế và được điều trị tại Việt Nam gửi đi những thông điệp bày tỏ cảm ơn Việt Nam “là một đất nước của những con người tuyệt vời, tuyệt vời với những trái tim đẹp”; “Khi nghĩ đến người Việt Nam tôi luôn cúi đầu với sự tôn trọng hết mực”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trích lại chia sẻ của các bệnh nhân người Anh, Ba Lan đã từng được cách ly, chăm sóc ở Việt Nam…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí đã thể hiện vai trò xung kích, chấp hành đúng các quy định pháp luật và sự chỉ đạo, định hướng thông tin của các cơ quan chức năng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, đưa nhiều bằng chứng để khẳng định Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành của Việt Nam đã, đang làm hết sức mình để phòng ngừa, kiểm soát bằng được dịch COVID-19.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 1/2 đến 31/5/2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch COVID-19, trong đó, về sắc thái, tin tích cực chiếm tỷ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỷ lệ 35,47%, tin tiêu cực chiếm tỷ lệ 22,56%.

Khi Việt Nam bước sang trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch COVID-19 vẫn được các cơ quan báo, đài tiếp tục duy trì từ 28-40% tỷ lệ tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên không gian mạng Việt Nam có gần 17 triệu đề cập (dòng trạng thái, bình luận) liên quan tới tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Tại hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 do Ban Tuyên giáo, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức chiều ngày 16/6 ở Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: trong chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ về phòng, chống đại dịch COVID-19, với quan điểm việc cung cấp thông tin phải đảm bảo “Kịp thời – Minh bạch – Chính xác và Tin cậy”, chúng ta đã huy động sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động các lực lượng, các phương tiện, kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông với những dấu ấn thật sự ấn tượng.

Truyền thông phải góp phần lan tỏa những năng lượng tích cực trong xã hội

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, truyền thông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng trong công tác phòng, chống COVID-19, một đại dịch toàn cầu hơn 100 năm mới xuất hiện một lần.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngay từ khi dịch xuất hiện, Đảng, Nhà nước đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch  đều dựa trên cơ sở khoa học, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là những yêu cầu như cách ly xã hội, toàn dân đeo khẩu trang…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác truyền thông thông tin đã góp phần tạo đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân, khơi dậy tinh thần dân tộc, yêu nước để phòng, chống dịch thành công. Trong đó có việc tuyên truyền, quán triệt lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng sức, đồng lòng quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với đó là tuyên truyền về các chủ trương mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra như “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Chính phủ đã chỉ đạo lực lượng quân đội, công an cùng vào cuộc, hình thành các khu cách ly tập trung, khóa chặt các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” để đảm bảo không có trường hợp nhiễm bệnh mà không phát hiện.

Chính vì thế, nước ta đạt được những thành công rất quan trọng, đó là số người nhiễm COVID-19 trên tổng số dân thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Chi phí cho công việc này là thấp so với nhiều nước. Và điều quan trọng nhất là không có người nào tử vong trên đất nước Việt Nam.

Nhắc lại câu chuyện về chuyến công tác chống hạn, mặn tại các tỉnh phía Nam, Thủ tướng cho biết, khi đó, phát hiện bệnh nhân số 17, thị trường náo loạn, “chúng ta đã chỉ đạo kịp thời và báo chí đồng loạt đưa tin, Việt Nam bảo đảm đầy đủ hàng hóa, có cơ số dự phòng ứng phó mọi tình huống, các cửa hàng mở đến 11 giờ đêm”. Nhờ đó, thị trường đã trở lại bình thường. Hay là hàng tỷ tin nhắn đã được gửi tới người dân.

“Chúng ta đã thông tin kịp thời, minh bạch”, áp dụng công nghệ trong đưa tin. Rất nhiều hình ảnh ấn tượng về chiến sỹ áo trắng, cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an gác dọc biên giới, những câu chuyện chiến sỹ không thể về thắp hương khi bố mất hay không thể về thăm con mới sinh… đều được báo chí, truyền thông đưa lên. Qua báo chí, đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho các cán bộ, chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch, động viên, khuyến khích người dân bình tĩnh, chủ động.

“Vì lẽ đó, chúng ta đã có tình hình Việt Nam là một trong số ít nước bắt đầu đến tiến trình bình thường mới sau đại dịch sớm nhất thế giới”, Thủ tướng nói, đồng thời nêu rõ, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

Nếu chống dịch thành công bước đầu mà để “kinh tế đổ gãy, nhân dân cơ hàn” thì không thể hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là phát triển kinh tế – xã hội, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, nếu chủ quan là trả giá khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện chưa có vaccine. “Chúng ta nói về việc chuẩn bị mở cửa nhưng mở cửa ở đâu, mở cửa như thế nào, kiểm soát làm sao để không lây nhiễm ra cộng đồng từ khách du lịch”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo Thủ tướng, ngành tuyên giáo và truyền thông thông tin, các cơ quan báo chí, truyền thông, các giới văn nghệ sĩ của nước ta đã đóng góp rất quan trọng vào công cuộc phòng, chống dịch.

“Tôi muốn rút ra ý này trong việc thể hiện những tác phẩm, những bài viết, sản phẩm mà các đồng chí đã đóng góp trong thời gian dịch dã vừa qua. Những vấn đề như vậy không chỉ ở đô thị mà đến nông thôn, từ vùng cao đến biên giới, từ trong nước và nước ngoài… có sự đóng góp của các đồng chí và các bạn rất lớn. Điều này được khẳng định, đó là truyền thống, một món quà quý giá để chúng ta có những sản phẩm thiết thực, đóng góp vào kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa trong những ngày hôm nay. Tôi xin chúc mừng các đồng chí một lần nữa”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Thủ tướng cũng đánh giá, cách thức truyền thông đa dạng, sinh động, vừa đảm bảo kỷ luật thông tin, không gây kích động trong xã hội, nhất là các đô thị lớn, nhưng lại đủ để đảm bảo người dân không chủ quan và chấp hành tốt việc phòng, chống dịch

Nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, quyết tâm đạt cao nhất các mục tiêu đề ra. Do đó, nhiệm vụ của công tác truyền thông là tiếp tục để người dân không chủ quan với bệnh dịch, đồng thời phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.

Truyền thông phải góp phần lan tỏa những năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những người tốt việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội bật dậy nhanh sau dịch.

Truyền thông thông tin cần góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực xử lý các khó khăn vướng mắc, giải quyết đề xuất các kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng phát triển thị trường trong nước đối với nước tiêu dùng 100 triệu dân đang tăng trưởng nhanh về thu nhập.

Đi liền với đó, chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng muốn nêu là thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa của gần 100 triệu người Việt Nam. Du lịch nội địa khởi động tốt, khách sạn cần đông người, hàng hóa không thiệt hại… Tinh thần được phát động lên để nền kinh tế tiếp tục phát triển mức độ cần thiết. Đó chính là những thông tin truyền thông cần thiết.

Chủ động thực hiện tốt thông tin đối ngoại, tuyên truyền những nỗ lực thành tựu Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là  điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Thủ tướng đề nghị báo chí tham gia tích cực, góp phần vào thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Việt Nam tiếp tục có bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới

Sáng qua, 17-6, Bộ Y tế thông tin, Việt Nam đã ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 mới để nâng tổng số bệnh nhân lên 335 trường hợp.

CA BỆNH 335 (BN335) là bệnh nhân nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sống và làm việc tại Kuwait 2 năm.

Ngày 16/6 bệnh nhân từ Kuwait (quá cảnh Quatar) về sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay H9092, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả xét nghiệm ngày 16/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Do được cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên ca bệnh này không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Tính đến 6h ngày 17/6, Việt Nam có tổng cộng 195 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, không có nguy cơ lây ra cộng đồng, đồng thời ghi nhận 62 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Cũng về vấn đề này, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Ban Chỉ đạo tiếp tục cho rằng tình hình dịch bệnh bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp, nên chúng ta vẫn phải tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt công tác cách ly; kịp thời phát hiện ca mắc mới để thực hiện khoanh vùng, điều trị hiệu quả… (An ninh thủ đô, trang 3; Thanh niên, trang 3).

 

Hà Nội tiếp nhận gần 14.000 đơn vị máu tại 3 điểm hiến máu cố định

Viện Huyết học – Truyền máu trung ương và Sở Y tế Hà Nội ngày 17-6, đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động của các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội.

Theo đó, trong năm 2019, trên địa bàn Hà Nội đã thành lập 3 điểm hiến máu cố định tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (số 26 Lương Ngọc Quyến), Trạm Y tế phường Nhân Chính (số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân) và Phòng khám Đa khoa số 2 – Trung tâm Y tế quận Đống Đa (số 10, ngõ 122 đường Láng). Từ khi thành lập (ngày 22-6-2019) cho đến ngày 31-5-2020, 3 điểm hiến máu cố định đã tổ chức 598 buổi hiến máu, tiếp nhận được gần 14.000 đơn vị máu.

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương cho biết, trong thời gian dịch Covid-19, các điểm hiến máu cố định vẫn tiếp nhận lượng máu ổn định, tạo thuận lợi cho người dân không phải đi xa, không phải đến những nơi tập trung đông người. Nhờ vậy, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại đến các điểm hiến máu cố định đạt khá cao (chiếm 59-62%). (Hà Nội mới, trang 1).

 

Chủ tịch UBND TP.HCM thăm hỏi bệnh nhân phi công người Anh

Chiều 17-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh đang điều trị tại đây.

Tại buổi thăm bệnh nhân 91, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chia sẻ: “Quá trình phục hồi bệnh nhân 91 hết sức kỳ diệu, có những thời khắc bệnh nhân 91 ‘thập tử nhất sinh’ và lúc đó chúng ta còn bàn đến phương pháp phải ghép phổi.

Nhưng phải nói nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy rất lớn đã giúp bệnh nhân bước đầu phục hồi, đem lại niềm tin lớn cho cả chính bệnh nhân.

Qua thông tin báo đài, tôi có nắm về tình hình bệnh nhân nhưng sau khi vào thăm và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, tôi thấy bệnh nhân rất tỉnh táo…”.

Qua đó, ông Phong bày tỏ tình cảm trân trọng, cảm phục không chỉ đối với chuyên môn mà còn tấm lòng của đội ngũ y bác sĩ của hai bệnh viện là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy, hai nơi điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91.

Theo ông Phong, các y bác sĩ đã thể hiện vai trò là chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19 khi đối diện với dịch bệnh. Trong khi đó, điều kiện y tế của nước ta còn hạn chế so với các nước tiên tiến. Toàn thành phố dù có đến 27.000 bác sĩ nhưng chuyên khoa nhiễm chỉ có hơn 300 người.

Ở các nước lân cận, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó ông Phong đề nghị: “Hiện chỉ là thắng lợi bước đầu, chúng ta không được phép chủ quan. Cần tiếp tục kiên trì biện pháp chống dịch có hiệu quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, giữ vững thành quả chống dịch đạt được trong thời gian sắp tới”.

Tại buổi thăm bệnh nhân 91 và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, UBND TP.HCM đã khen thưởng cho hai bệnh viện gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy do những nỗ lực trong công tác chẩn đoán và điều trị cho ca bệnh COVID-19 nặng là bệnh nhân 91.

Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh – phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết hiện tại bệnh nhân 91 đang hồi phục tốt, tuy nhiên còn cần thêm ít thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động.

Sau cai máy thở, rút ống thở qua khí quản, sức cơ bệnh nhân hồi phục tốt. “Những ngày đầu nhập về Bệnh viện Chợ Rẫy tình trạng bệnh nhân rất nặng, nhiều lúc chúng tôi không dám tin bệnh nhân có thể hồi phục được”, bác sĩ Linh chia sẻ. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét

Để hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030, công tác phòng, chống bệnh cần tiếp tục được sự đầu tư hơn nữa từ Chính phủ, chính quyền các địa phương, nhất là sự tham gia tích cực và chủ động của người dân tại cộng đồng.

Theo số liệu báo cáo của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư (Bộ Y tế) cho thấy: Năm 2019, công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét (SR) ở nước ta tiếp tục thu được những kết quả quan trọng như giảm cả về số người bệnh SR trên toàn quốc giảm, ký sinh trùng SR giảm; cũng như tỷ lệ ký sinh trùng SR/1.000 dân… Từ năm 2010 đến năm 2019, số người chết do bệnh SR ở Việt Nam đều giảm, riêng năm 2019 không có người chết do SR, điều đó cho thấy hiệu quả công tác giám sát phát hiện và điều trị tại tất cả các tuyến. Bên cạnh đó, người bệnh mắc SR ác tính không tăng.

Đáng chú ý, lần đầu tiên tại Việt Nam công bố và trao giấy chứng nhận loại trừ bệnh SR cho 25 tỉnh, thành phố, gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, TP Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ và Hậu Giang. Đây là các địa phương đã triển khai tốt công tác phòng, chống SR, đạt tiêu chí loại trừ bệnh SR của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Dự án quốc gia phòng, chống SR.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình bệnh SR vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền trung, Tây Nguyên (Gia Lai, Phú Yên, Bình Phước, Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Quảng Trị…). Theo PGS, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống và loại trừ SR ở các địa phương hiện nay chủ yếu là do tập quán người dân đi rừng, ngủ rẫy; dân di biến động giữa các vùng trong nước, hoặc với các nước láng giềng phức tạp, khó quản lý; tình trạng ký sinh trùng SR kháng thuốc… Mặt khác, thói quen lao động, ăn uống, sinh hoạt chưa hợp vệ sinh tạo điều kiện cho bệnh ký sinh trùng phát triển trong cộng đồng.

Đáng chú ý, người dân tại vùng SR lưu hành, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động thời vụ tại nương rẫy chưa tích cực tham gia công tác phòng, chống SR như không phun hóa chất tồn lưu; đi nương rẫy nằm ngủ không mắc màn, không uống thuốc đúng, đủ liều khi bị bệnh. Ngoài ra, công tác giám sát, quản lý phòng, chống SR cho đối tượng là dân di biến động vẫn là một thách thức lớn đối với công tác loại trừ SR hiện nay. Trong khi đó, muỗi truyền bệnh SR có sự thay đổi tập tính, muỗi kháng hóa chất, cho nên công tác phòng, chống SR gặp nhiều khó khăn; chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng, chống SR tại địa phương…

Việc thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh SR tại Việt Nam vào năm 2030 đã được đưa vào Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành T.Ư về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; đồng thời thực hiện tốt các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016 – 2020, công tác phòng, chống và loại trừ SR trong năm 2020 và trong những năm tới cần tiếp tục tập trung vào các giải pháp cụ thể đã đề ra. Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh SR; sử dụng thuốc thay thế hiệu quả tại những vùng có SR kháng thuốc. Bảo đảm người bệnh SR và người có nguy cơ mắc bệnh SR được xét nghiệm chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Đối với các tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn loại trừ SR, cần xây dựng kế hoạch để duy trì bền vững kết quả đã đạt được; tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhằm duy trì tình trạng không có SR, tập trung giám sát, phát hiện SR ngoại lai và ngăn ngừa bệnh SR quay trở lại.

Tại các tỉnh thực hiện loại trừ SR theo kế hoạch năm 2020 cần tập huấn, hướng dẫn cho các tuyến về tiêu chí loại trừ, hồ sơ, thủ tục công bố loại trừ để hoàn thành thủ tục và công bố loại trừ vào cuối năm 2020. Đối với các địa phương có bệnh SR lưu hành, nhất là các vùng trọng điểm về SR và SR kháng thuốc, chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hằng năm cho công tác này theo phân cấp; đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho công tác phòng, chống và loại trừ SR ở địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao sức khỏe để người dân chủ động phòng, chống SR cho bản thân, gia đình và cộng đồng một cách hiệu quả… (Nhân dân, trang 5.).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/2/2019

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 24/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/12/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận