Điểm báo ngày 19/6/2020

(CDC Hà Nam)
Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên đón em bé đầu tiên ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm; Sẵn sàng ứng phó với tình huống mới của dịch Covid-19…

 

Vững vàng vượt qua đại dịch- Bài 4: Những tháng ngày không quên

Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện giãn cách xã hội được người dân Thủ đô tự giác chấp hành nghiêm túc. Người dân chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, hy sinh lợi ích cá nhân để cùng Đảng, Chính phủ vượt qua dịch bệnh. Những ngày tháng không quên ấy càng làm nổi bật hơn tinh thần yêu nước, sự đoàn kết của người dân Thủ đô.

Nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội

Những ngày cuối tháng 3, đường phố ở Thủ đô bắt đầu vắng vẻ hơn. Hà Nội là địa phương sớm nhất trong cả nước yêu cầu người dân làm việc ở nhà, hạn chế ra đường, hạn chế dùng dịch vụ vận tải công cộng, đóng cửa các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu… Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu nhân dân cả nước thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1-4. Hà Nội bước vào giai đoạn cam go nhất của “trận chiến” chống Covid. Cùng lúc, thành phố phải thực hiện hai nhiệm vụ: Guồng máy chống dịch hoạt động với công suất cao nhất và thực hiện cách ly xã hội một cách tốt nhất. Thành phố lập 30 chốt kiểm soát cách ly xã hội gồm các lực lượng công an, thanh tra giao thông, y tế túc trực tại các cửa ngõ của Thủ đô, để kiểm soát người và phương tiện ra vào. Ở 30 quận, huyện, thị xã, hàng trăm chốt kiểm dịch được lập nên, tạo thành nhiều vòng bảo vệ, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Những khuyến cáo, tuyên truyền để vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân.

Quận Hoàn Kiếm là khu vực kinh doanh sầm uất nhất của Thủ đô, cũng là địa bàn người dân thực hiện nghiêm túc nhất việc giãn cách xã hội. Tại đây, các cơ quan chức năng của quận liên tục kiểm tra nhiều lần trong ngày để nhắc nhở người dân thực hiện. Anh Lê Văn Vinh, chủ một nhà hàng trên phố Mã Mây chia sẻ: “Trong giai đoạn cao điểm chống dịch, các cửa hàng đều được tuyên truyền nêu cao cảnh giác, không thể lơ là, chủ quan. Vì vậy, dù rất khó khăn về tài chính, nhưng nhà hàng buộc phải đóng cửa để phòng, chống dịch”. Tại quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Xuân Tài cho biết, quận tập trung tuyên truyền, đồng thời triển khai 15 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn. Các khu vực hay tập trung đông người đều được các phường bố trí người giám sát, nhắc nhở người dân tạm dừng tập thể dục, đi dạo trong thời gian cách ly. Ở khu vực ngoại thành, nhiều địa phương có những sáng tạo trong thực hiện giãn cách xã hội, điển hình như huyện Đông Anh với mô hình “khu dân cư an toàn chống dịch”. Những chốt kiểm soát được lập lên để kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Mỗi làng, mỗi phố đều trở thành “pháo đài chống dịch”. Ngay trong cộng đồng dân cư ở các tổ dân phố, phường, xã, những thông tin về dịch Covid-19 được cán bộ UBND phường, xã, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố theo dõi và nắm bắt kịp thời, chủ động thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo để người dân thực hiện các biện pháp chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Nhớ lại thời điểm đặc biệt của những ngày cách ly toàn xã hội, ông Nguyễn Đức Châu, Tổ trưởng Tổ dân phố 17 phường Khương Mai, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tổ dân phố lập nhóm trên mạng xã hội Zalo để nhận và trao đổi thông tin cho các hộ dân một cách nhanh nhất. Chưa bao giờ chúng tôi nhận thấy sự đồng thuận cao như thế từ phía người dân. Thực tế, cũng có một vài trường hợp vi phạm nhưng đã được các lực lượng chức năng xử phạt và nhắc nhở, cho nên hầu hết người dân đều thực hiện nghiêm túc”.

Để người dân yên tâm thực hiện chủ trương “ở nhà là yêu nước”, thì có những bộ phận phải xông pha nơi “tiền tuyến”. Các lực lượng chức năng Hà Nội đã khẩn trương rà soát, xét nghiệm nhanh hàng chục nghìn trường hợp có nguy cơ cao như tại thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Bệnh viện Bạch Mai, tiểu thương kinh doanh tại năm khu chợ đầu mối… Các địa phương đã huy động mọi nguồn lực “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, nhằm xác định cụ thể từng trường hợp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bệnh, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng.

Lan tỏa những tấm lòng nhân ái

Có một Hà Nội hoàn toàn khác trong những ngày cách ly xã hội. Đường phố vắng lặng, yên tĩnh hơn khi tất cả các cửa hàng, các khu vui chơi giải trí đều “cửa đóng, then cài”. Sự đồng hành, ủng hộ bằng việc chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và thành phố của người dân Thủ đô đã giúp Hà Nội nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gửi lời cảm ơn, tri ân sâu sắc đến toàn thể người dân Thủ đô đã chung sức, đồng lòng cùng chính quyền thành phố chống dịch hiệu quả.

Trước dịch giã, mỗi người dân Thủ đô đã thể hiện lòng yêu nước và đóng góp vào cuộc chiến chống dịch bằng những cách riêng. Nhiều cá nhân đã tạm gác việc riêng để bảo đảm an toàn chống dịch trong cộng đồng. Để hạn chế tập trung đông người, hàng trăm gia đình đã lùi thời gian tổ chức cưới, chuyển sang hình thức báo hỷ, hoặc chỉ tổ chức liên hoan trong nội tộc. Anh Nguyễn Phi Hùng (ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Đám cưới là ngày vui của hai họ, nhưng vì dịch bệnh, chúng tôi quyết định lùi thời gian tổ chức. Chúng tôi không muốn ngày vui của mình ảnh hưởng tới mọi người”. Tại thị xã Sơn Tây, trong thời gian triển khai phòng, chống dịch Covid-19 đã có 11 đám cưới thực hiện hình thức báo hỷ, 16 đám cưới tổ chức gọn nhẹ trong gia đình,173 đám tang không tổ chức ăn uống; 128 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng và 54 cơ sở tôn giáo dừng hoạt động… Tại các quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, mỗi địa phương cũng có hơn 50 gia đình tạm hoãn đám cưới hoặc chuyển sang hình thức báo hỷ.

Dịch bệnh hoành hành, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, khiến cuộc sống của một bộ phần người dân gặp khó khăn. Người dân Thủ đô với tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã cùng nhau góp sức để thành phố sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tiền mặt và hàng trăm tấn hàng hóa, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng thông qua hệ thống mặt trận các cấp đã kịp thời được chuyển đến, giúp đỡ những người yếu thế, tiếp sức cho “các chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch. Nhiều tấm lòng thơm thảo đã tình nguyện cung cấp các suất cơm nóng sốt cho các cán bộ, nhân viên y tế, bộ đội, mở các điểm phát nhu yếu phẩm cho người khó khăn. Hình ảnh cụ Nguyễn Thị Bí, 83 tuổi, ở thôn Hòa Xá, xã Đồng Phú, huyện Mỹ Đức vượt đường sá xa xôi đến cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội ủng hộ 10 triệu đồng, đóng góp cùng thành phố chống dịch khiến không ít người xúc động. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thể hiện sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân với các chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và thành phố. Đây là nguồn động viên, tiếp sức cho thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

Với nỗ lực, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn thể nhân dân, Hà Nội là điểm sáng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch. Tại nhiều cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội. Thành phố đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, trong đó có Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, thực hiện phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở. (Nhân dân, trang Hà Nội).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 3: “Cử tri Thủ đô đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

 

Sẵn sàng ứng phó với tình huống mới của dịch Covid-19

Ngày 18-6, tại Hà Nội diễn ra phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước, khu vực và trên thế giới; các biện pháp ứng phó cũng như thích nghi với dịch trong tình hình mới.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đánh giá, ở trong nước chúng ta cơ bản đã khống chế dịch Covid-19, nhưng diễn biến trên thế giới hết sức phức tạp. Trong khi tâm lý người dân và các cơ quan phòng, chống dịch trong thời gian gần đây ít nhiều có dấu hiệu chững lại. Ðất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể lây nhiễm vào trong nước bất cứ lúc nào.

Do vậy, Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, lơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra. Tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Ban Chỉ đạo cho rằng, hiện chúng ta vẫn còn người nhiễm Covid-19 đang được điều trị; đồng thời cũng tiếp tục đưa công dân Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào Việt Nam làm việc, cho nên việc công bố hết dịch cần cân nhắc kỹ. Ban Chỉ đạo giao Bộ Ngoại giao phối hợp các đơn vị liên quan, rà soát, xây dựng các quy định để tổ chức các khu vực riêng biệt, bảo đảm các điều kiện về an toàn dịch tễ để phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân vào làm việc.

Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thảo luận, thống nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam; giao Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam quản lý tổ truy vết để sẵn sàng phát hiện các ca bệnh mới từ đó có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

★ Chiều 18-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo xác nhận bảy người nhiễm Covid-19, gồm các người bệnh thứ 336 (nam, 29 tuổi, có địa chỉ tại Nghi Lộc, Nghệ An); 337 (nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa); 338 (nam, 38 tuổi, có địa chỉ tại Lạng Giang, Bắc Giang); 339 (nam, 37 tuổi, có địa chỉ tại Diễn Châu, Nghệ An); 340 (nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại Yên Thành, Nghệ An); 341 (nam, 35 tuổi, có địa chỉ tại Tứ Kỳ, Hải Dương) 342 (nam, 41 tuổi, có địa chỉ tại Hương Khê, Hà Tĩnh). Ngày 16-6 những người bệnh này từ Cô-oét (quá cảnh Ca-ta) về sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay QH9092 và được cách ly ngay tại khu cách ly thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 17-6, bảy người này được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Hiện bảy người bệnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.

★ Ngày 18-6, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2553/QÐ- BYT về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không”. Nội dung hướng dẫn tập trung vào một số quy định như: Ðối với người điều khiển phương tiện và phương tiện vận chuyển hàng hóa đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19; người điều khiển phương tiện, phương tiện vận chuyển hàng hóa đến từ hoặc từng đi qua quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 cần thực hiện nghiêm các quy định như: Tự theo dõi sức khỏe bản thân; thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế; chỉ được chở hàng hóa đến khu vực giao, nhận hàng hóa ở khu vực cửa khẩu đường sắt, đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, không đi sâu vào nội địa… Hướng dẫn bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại các cửa khẩu; phòng, chống lây nhiễm tại khu vực lưu trú tạm thời; xử lý khi phát hiện trường hợp nghi mắc bệnh tại khu vực lưu trú tạm thời; khử khuẩn hàng hóa nhập khẩu và phương tiện vận chuyển hàng hóa…

★ Sở Y tế Hải Phòng cho biết, trường hợp người bệnh T.T.T., SN 1994, tái dương tính với Covid-19 sau tám ngày xuất viện không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Sáng 18-6, bốn trường hợp F1 tiếp xúc gần với người bệnh này đã được lấy mẫu xét nghiệm và đều có kết quả âm tính với vi-rút SARS-CoV-2. Anh T.T.T. (người bệnh thứ 300) trở về từ Nga ngày 13-5, đã được điều trị khỏi, ra viện ngày 8-6 và trở về đơn vị tại Hải Phòng. Trước khi xuất viện, anh T. đã có bốn lần xét nghiệm kết quả âm tính. Ngày 16-6, Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng thực hiện xét nghiệm và xác định mẫu xét nghiệm của anh T. có kết quả dương tính đối với Covid-19. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở Y tế Hải Phòng đã phối hợp đơn vị công tác của anh T. thực hiện chuyển anh về Khoa Bệnh Nhiệt đới – Cơ sở 2 Bệnh viện Việt Tiệp để cách ly y tế. Ðồng thời, các cơ quan chức năng cũng lập danh sách những người tiếp xúc gần anh T. để có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. Hiện, anh T. trong tình trạng sức khỏe tốt và được cách ly trong phòng áp lực âm. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “Nối lại việc đi lại với các nước trên cơ sở bảo đảm phòng dịch”.

 

Cân nhắc kỹ việc công bố hết dịch Covid-19

Đối với vấn đề công bố hết dịch, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho rằng cả nước vẫn còn bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị; đồng thời chúng ta cũng tiếp tục đưa công dân Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào Việt Nam làm việc nên vấn đề công bố hết dịch cần hết sức cân nhắc.

Ngày 18-6, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo), Ban chỉ đạo đã có cuộc họp đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, khu vực và trên thế giới; việc triển khai các biện pháp ứng phó trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch thứ 2 tại một số quốc gia.

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đánh giá, tình hình dịch Covid-19 ở trong nước đã cơ bản được khống chế nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp. Trong khi tâm lý người dân và các cơ quan phòng chống dịch trong thời gian gần đây ít nhiều có dấu hiệu chững lại.

Nhấn mạnh quan điểm thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn, Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng chống dịch không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra. Đặc biệt để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Đáng chú ý, đối với vấn đề công bố hết dịch, Ban Chỉ đạo cho rằng cả nước vẫn còn bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị; đồng thời chúng ta cũng tiếp tục đưa công dân Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào Việt Nam làm việc nên vấn đề công bố hết dịch cần hết sức cân nhắc.

Về quản lý người nhập cảnh là các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư, những người này chỉ nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, thương mại. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất giao Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng làm tổ trưởng tổ công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, xây dựng các quy định để tổ chức các khu vực riêng biệt, đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch tễ, phòng xét nghiệm để phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân vào làm việc.

Theo Ban Chỉ đạo, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đưa hơn 8.000 công dân về nước, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo hộ công dân theo quy định và tình hình thực tiễn.

Đáng chú ý, tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo bàn thảo, thống nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam. Đồng thời giao Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) quản lý tổ truy vết để sẵn sàng phát hiện các ca bệnh mới để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Hiện thế giới đã ghi nhận trên 8,2 triệu người mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cùng với đó là hơn 445.900 trường hợp tử vong, có 8 quốc gia có trên 10.000 trường hợp tử vong, 25 quốc gia có số tử vong từ 1.000 – 10.000 trường hợp; 30 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19, trong đó có Việt Nam.

Hiện dịch Covid-19 có xu hướng thuyên giảm tại châu Âu. Trong khi đó tại châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ và Brazil, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với sự gia tăng mạnh số ca mắc và tử vong mỗi ngày. Đặc biệt tại châu Á đang gia tăng nguy cơ xuất hiện làn sóng thứ 2 dịch Covid-19 tại một số quốc gia, trong đó có TP Bắc Kinh (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc). (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Xem xét nối lại đường bay với một số quốc gia, vùng lãnh thổ”.

 

Thêm 7 ca bệnh Covid-19 là người nhập cảnh từ Kuwait

Chiều nay 18.6, Việt Nam ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc Covid-19 là người trở về từ Kuwait, được cách ly ngay khi nhập cảnh. Hiện, Việt Nam có 342 ca mắc.

Ngày 16.6, các bệnh nhân này từ Kuwait (quá cảnh Quatar) về sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM trên chuyến bay QH9092 và được cách ly ngay tại khu cách ly thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngày 17.6, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 17.6 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, 7 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu.

Như vậy, đến 18 giờ chiều nay, Việt Nam có tổng số 342 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 202 bệnh nhân được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 325 bệnh nhân/342 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi. 63 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng. (Thanh niên, trang 3).

Cùng chủ đề Tuổi trẻ, trang 4: “Thêm 7 ca COVID-19, đều từ nước ngoài về”; Lao động trang 3: “63 ngày, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng”.

 

Triển khai giải pháp trí tuệ nhân tạo VinDr trong chẩn đoán hình ảnh y tế

Hôm nay (19.6), Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Tập đoàn Vingroup) triển khai thử nghiệm giải pháp phân tích hình ảnh y tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (VinDr) tại các bệnh viện 108, Đại học Y và Vinmec Times City. Với khả năng nhận biết các điểm bất thường chính xác trên 90%, VinDr sẽ hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong sàng lọc ung thư và phát hiện các bệnh nan y.

VinDr được nghiên cứu và phát triển từ cuối năm 2018, nhằm hỗ trợ các bác sĩ đưa ra quyết định chính xác và nhanh chóng trong chẩn đoán hình ảnh. Theo kế hoạch, VinDr sẽ có 6 chức năng chẩn đoán, trước mắt đưa vào triển khai 2 chức năng là Chẩn đoán các bệnh lý phổi trên ảnh X-quang lồng ngực và Chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang tuyến vú. Bốn chức năng gồm: Chẩn đoán ung thư phổi trên ảnh cắt lớp (CT), Chẩn đoán ung thư gan trên ảnh CT, Chẩn đoán đột quỵ não trên ảnh CT và Chẩn đoán u não trên ảnh cộng hưởng từ sẽ được triển khai trong năm 2021.

Đánh giá về VinDr, bác sĩ Lê Tuấn Linh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết việc phát hiện sớm ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị thành công các bệnh nhân ung thư. Ứng dụng AI trong lĩnh vực này tạo ra công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các chương trình sàng lọc ung thư hoặc các bệnh nan y khác trong tương lai. “Chúng tôi đánh giá hệ thống VinDr có thể đứng top đầu trong việc hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh”, bác sĩ Linh nói.

Tại VN, mỗi năm có khoảng 15.000 ca ung thư vú, trong đó 70% số ca phát hiện muộn. Còn trên thế giới, mỗi năm có tới 2 triệu ca ung thư vú mới và hơn 500.000 ca tử vong. Do đó, nhiều quốc gia phát triển đầu tư mạnh mẽ ứng dụng AI trong xử lý hình ảnh y tế. “Chúng tôi đã dành gần 2 năm nghiên cứu về một giải pháp toàn diện trong chẩn đoán hình ảnh sử dụng AI để giảm tải cho lực lượng bác sĩ. Mục đích của chúng tôi là mang đến giải pháp y tế hiện đại và hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho các bệnh viện và góp phần điều trị sớm người bệnh”, GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, chia sẻ. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Tuổi trẻ, trang 4: “Dùng AI trong chẩn đoán hình ảnh y tế”.

 

Nguy cơ cao bùng phát lại dịch COVID-19

Ngày 18/6, tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo đánh giá, ở trong nước cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết: “Chính trong giai đoạn này chúng tôi rất lo lắng, quan ngại”. Đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào.

Thực tế cho thấy làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 đã bùng phát ở nhiều nước. Nhấn mạnh quan điểm, thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn, Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, nơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra.

Theo Ban Chỉ đạo, để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Hiện chúng ta vẫn còn bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị; đồng thời tiếp tục đưa công dân Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào Việt Nam làm việc, nên vấn đề công bố hết dịch cần hết sức cân nhắc.

Cũng tại cuộc họp, các thành viên bàn thảo, thống nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam.

Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sức khỏe của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu. Hiện phổi bệnh nhân này đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. “Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói. (Tiền phong, trang 6).

 

3 bệnh nhi 17 – 19 tháng bị chó cắn nhập viện

Ngày 16/6, TS.BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, trong 1 tháng qua Bệnh viện đã tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp bệnh nhi chưa được 2 tuổi bị chó cắn, dẫn đến thương tích nghiêm trọng ở vùng đầu, mặt.

Đó là bệnh nhi L.N.D. (17 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Tiền Giang), nhập viện trong tình trạng có nhiều đường rách lớn ở vùng hàm mặt, vết thương thiếu hổng nhiều vùng da, lộ tổ chức cơ, mỡ, xương, răng. Trước đó, bé đang ăn xúc xích và bị chó nhà hàng xóm lao đến cướp miếng xúc xích, cắn vào vùng mặt và đầu khiến bé bị thương nặng, rách môi, rách vùng má và 3 vết thương nặng ở vùng da đầu lộ xương.

BSCKI Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khám đánh giá tổn thương của bé và tiến hành phẫu thuật trong đêm nhằm bảo tồn khuôn mặt. Ca phẫu thuật kéo dài 3,5 giờ với 7m chỉ để khâu lại toàn bộ vùng mặt cho bệnh nhi.

Một bệnh nhi 18 tháng tuổi khác từ Bình Dương chuyển tới là bé Đ.Q.V. nhập viện trong tình trạng có một đường rách lớn trên má phải. Bệnh nhi vô tình vấp phải con chó nhà nuôi đang ngủ nên bị chó cắn vào mặt. Bệnh nhi được đưa đến một bệnh viện quận để cấp cứu khâu lại vết thương. Tuy nhiên sau đó, vết thương bị nhiễm trùng, bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để điều trị.

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhi L.N.G.H. ở Tây Ninh mới vừa 19 tháng tuổi, vô tình đến gần con chó nhà đang ăn, nên bị chó cắn rách da vùng má phải với vết thương lớn, lộ cơ, mô mỡ… Các bác sĩ cũng mất hơn 3 giờ đồng hồ và 5m chỉ để khâu vá lại vết thương cho bệnh nhi.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, hằng năm tại khoa đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn gây thương tích nghiêm trọng, để lại vết thương sâu, khó hồi phục, ảnh hưởng nhiều cơ quan quan trọng của trẻ như mắt, mũi, miệng.

“Hơn thế nữa, răng chó và móng chó rất bẩn, nên các bệnh nhi dễ bị nhiễm trùng uốn ván hay nhiễm virus dại. Dù được cấp cứu, xử trí, tuy nhiên quá trình theo dõi tình trạng của các bệnh nhi thường phải kéo dài với nguy cơ để lại những sẹo xấu, nghiêm trọng hơn như tổn thương hệ thần kinh gây méo miệng, không nhắm được mắt, sang chấn tâm lý ở bệnh nhi…”, TS.BS Nguyễn Văn Đẩu cảnh báo.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên nuôi chó khi có trẻ nhỏ, hoặc cách ly trẻ khỏi chó để tránh những tình huống gây nguy hiểm cho trẻ, không được chủ quan với chó nuôi trong mọi trường hợp. Chó càng lớn, khả năng gây tổn thương cho trẻ càng nặng nề, trầm trọng. Nên hạn chế thả rông chó đến các khu vực công cộng có nhiều trẻ nhỏ. Khi cho chó ra ngoài cần rọ mõm và dây xích. (Khoa học & Đời sống, trang 6).

 

Mối nguy từ người tâm thần, ”ngáo đá”

Trước tình trạng tội phạm là người tâm thần có xu hướng bạo lực, các đối tượng phạm tội trong trạng thái bị ảo giác do sử dụng ma túy, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá (hay còn gọi là “ngáo đá”) diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể trong quản lý, phòng ngừa những mối nguy này ngay từ cơ sở.

Loại tội phạm khó phòng ngừa

Ngày 3-6 vừa qua, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã giải cứu thành công một đối tượng “ngáo đá” trèo lên nóc một tòa nhà gần Bến xe Mỹ Đình. Trước đó đúng một tháng (ngày 3-5), Thào Văn Trường (sinh năm 1990, quê ở tỉnh Điện Biên) trong lúc “ngáo đá” đã dùng dao khống chế một phụ nữ tại quận Hoàng Mai… Những vụ việc trên cho thấy, nguy cơ đối tượng phạm tội trong trạng thái bị ảo giác do sử dụng ma túy tiềm ẩn những hậu quả khó lường.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 13.000 người nghiện ma túy và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. So với những năm trước, số người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý ở Hà Nội tuy giảm, nhưng lại tập trung vào những người trẻ dưới 35 tuổi. Trong đó, số có mặt tại cộng đồng là 8.845 người, vắng mặt là 1.204 người. Số người nghiện chưa được quản lý chặt đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh hành vi phạm tội.

Đại úy Phạm Đức Ngọc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an quận Hai Bà Trưng) cho rằng, rất khó để phát hiện sớm, phòng ngừa hành vi phạm tội của các đối tượng trên. Trong khi đó, việc đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện rất khó khăn bởi chỉ khi gia đình tự nguyện mới có thể đưa người nghiện đi được. Ông Dương Ngọc Hải (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, gần nhà ông có đối tượng nghiện ma túy dù đã được đưa đi cai nghiện nhưng sau đó vẫn “ngựa quen đường cũ”, gây bất an cho khu dân cư.

Phòng ngừa tội phạm phát sinh vì “ảo giác do ma túy” hoặc “ngáo đá” đã khó thì việc chủ động ngăn ngừa các đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực lại càng khó khăn hơn. Theo Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), hiện chưa có con số thống kê về tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần trong các vụ án hình sự. Trong khi đó, quy định pháp luật không đặt vấn đề xử lý hình sự đối với người tâm thần phạm tội mà chỉ buộc họ chữa trị bệnh.

Chia sẻ thêm về những mối nguy từ hành vi phạm tội của người mắc bệnh tâm thần, bác sĩ Trần Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt nếu sử dụng rượu, bia, ma túy rất dễ dẫn đến hành vi bạo lực, gây nguy hiểm cho xã hội.

Quản lý chặt từ cơ sở

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để các loại tội phạm “ảo giác do ma túy”, “ngáo đá”, tâm thần gây án nghiêm trọng, các địa phương đã cụ thể hóa thành những cách làm thiết thực.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) Nguyễn Trịnh Tuyết Thanh, Cảnh sát khu vực là lực lượng nòng cốt theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng bị bệnh lý về tâm thần trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính quyền phường cũng phối hợp với các ban, ngành chức năng, cơ quan y tế, gia đình tổ chức thăm khám, giám định, chẩn đoán, phân loại để theo dõi và áp dụng biện pháp xử lý kịp thời…

Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Mạnh cho biết, hiện quận đang quản lý 911 người nghiện, trong đó 557 người đang có mặt tại địa bàn. Để làm tốt công tác quản lý các đối tượng này, quận đã đẩy mạnh hoạt động của 14 câu lạc bộ B93 (Mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng), đồng thời thành lập một đội công tác xã hội tình nguyện gồm 9 thành viên, thường xuyên tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục người nghiện trên địa bàn, qua đó giúp họ từ bỏ ma túy, có việc làm ổn định.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố đang thực hiện chế độ báo cáo hằng ngày để cập nhật số lượng các đối tượng “ngáo đá”, tâm thần từ công an các đơn vị, địa phương, từ đó có phương án theo dõi, quản lý chặt chẽ, phòng ngừa các nguy cơ gây án. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ cũng tập trung phát hiện, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; giải quyết các địa bàn, tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy.

Bác sĩ Trần Hồng Thu cũng khuyến cáo, các gia đình có người thân mắc biểu hiện bị “ảo giác do sử dụng ma túy”, “ngáo đá”, tâm thần nên sớm đưa họ đến các cơ sở chức năng để khám, theo dõi và điều trị. Những người bệnh sau khi cai nghiện, chữa khỏi có thể về chung sống cùng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tránh bệnh tái phát, khó kiểm soát, gây nguy hiểm cho cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Hà Nội xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết có hơn 80 người mắc

Đến thời điểm này, tại xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã có 81 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trở thành ổ dịch có số ca mắc cao nhất của Hà Nội từ đầu năm 2020.

Trong ngày hôm qua, 17-6, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ).

Theo báo cáo, tính đến 17h ngày 16-6, trên địa bàn huyện Phúc Thọ ghi nhận 8/21 xã có bệnh nhân mắc SXH với tổng số 89 trường hợp, trong đó số bệnh nhân đang được điều trị là 52 ca, số ca được điều trị khỏi là 37.

Đặc biệt, tại xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), số bệnh nhân mắc SXH tăng nhanh trong những ngày gần đây. Toàn xã đã ghi nhận 81 ca mắc, trở thành xã có số ca mắc SXH cao nhất của Hà Nội.

Qua kiểm tra trực tiếp tại một số hộ gia đình trên địa bàn xã Tam Hiệp, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội phát hiện nhiều dụng cụ chứa nước vẫn còn các ổ bọ gậy, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh SXH.

Trước tình trạng đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đề nghị chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải không để cho muỗi sinh sản và phát triển.

Mặt khác, kiện toàn, tập huấn, phân công cụ thể đội xung kích diệt bọ gậy nhằm nâng cao hiệu quả phòng dịch tại cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.

Tới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sẽ hỗ trợ địa phương tổ chức 2 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; 2 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để khoanh vùng, xử lý sớm nhất các ổ dịch SXH trên địa bàn huyện Phúc Thọ. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên đón em bé đầu tiên ra  đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm

Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên vừa đón em bé đầu tiên chào đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tính đến nay, Đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản và sàng lọc trước sinh của Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên là trung tâm thứ 36 trên toàn quốc và tỉnh Hưng Yên là tỉnh thứ 10 (không tính Hà Nội và TPHCM) triển khai thành công kỹ thuật này.

Anh Nguyễn Hồng Long (bố cháu bé) chia sẻ khi đón nhận thiên thần nhỏ  chào đời, gia đình anh rất hạnh phúc và xúc động, ước mơ làm cha mẹ của vợ chồng anh đã thành hiện thực. Anh Long kể, vợ chồng anh hiếm muộn đã nhiều năm, chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không có mụn con.

Khi biết thông tin Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Hưng Yên triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, lúc đầu vợ chồng anh rất băn khoăn. Sau khi tìm hiểu và được biết bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu, trang thiết bị mới được đầu tư hiện đại và được sự giúp đỡ trực tiếp của GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, vợ chồng anh đã tới xin khám và tư vấn.

“Sau khi tới Bệnh viện, được gặp và trao đổi thông tin với các y bác sĩ Đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản, vợ chồng chúng tôi đã quyết định đặt niềm tin vào bệnh viện”, anh Long nói.

Và không phụ lòng mong mỏi của đôi vợ chồng nhiều năm chạy chữa vô sinh, họ đã vui mừng đón đứa con chào đời, mang lại hạnh phúc cho cả gia đình.  “Vợ chồng tôi không biết nói gì hơn vào lúc này, đến giờ chúng tôi rất hạnh phúc và xúc động chúng tôi đã đón được đứa con chào đời sau bao nhiêu năm mong mỏi, chờ đợi”, anh Long xúc động cho biết.

Chúc mừng thành công của Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên khi lần đầu thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mang lại hạnh phúc được làm cha mẹ cho vợ chồng hiếm muộn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, đây là niềm tự hào vì hiện nay mới có 12 tỉnh, thành phố thực hiện được kỹ thuật này.

Thứ trưởng mong muốn Bệnh viện Sản – Nhi cần tiếp tục tăng cường gửi cán bộ đi đào tạo tại tuyến trên, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kỹ thuật để không lạc hậu; rà soát lại trang thiết bị để tăng cường đầu tư trang thiết bị phù hợp phục vụ cho chẩn đoán, sàng lọc và thụ tinh trong ống nghiệm… Đồng thời đề nghị các vụ/cục liên quan của Bộ Y tế cùng phối hợp để giám sát, thẩm định để Bệnh viện thực hiện ngày càng hiệu quả kỹ thuật này.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, chủ trương của Bộ Y tế là đẩy mạnh đưa dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng về cơ sở để người dân được thụ hưởng chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao ngay tại địa phương. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên tăng cường hội chẩn từ xa cho các bệnh viện tuyến dưới. Thực hiện việc này không chỉ giúp bệnh viện tuyến trên giảm tải mà người dân còn đỡ vất vả hơn khi không phải lên tuyến trên thăm khám, điều trị, giảm được những ảnh hưởng liên quan khác về an sinh xã hội. (Công anh Nhân dân, trang 7) .

Bài viết liên quan

Phát hiện thêm 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 18/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/10/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận