Điểm báo ngày 23/6/2020

(CDC Hà Nam)
Báo động tình trạng ngộ độc ở các bếp ăn tập thể trong mùa hè; Bệnh nhân người Anh từng gặp nhiều biến cố hiếm gặp trong y văn thế giới; Quanh việc phát hiện 2 ổ dịch bạch hầu tại Đăk Nông: Khoanh vùng, cách ly hàng trăm người dân trong vùng dịch để tránh lây lan…

 

Vững vàng vượt qua đại dịch (Tiếp theo và hết) (*)- Bài 5: Tiên phong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch

Dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã… phải sản xuất cầm chừng, thậm chí phải tạm dừng hoạt động. Thành phố đã có nhiều giải pháp để vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bắt nhịp đà tăng trưởng sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ngay giữa thời điểm thực hiện công tác phòng, chống dịch, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố làm việc với Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội và 11 tổng công ty lớn của thành phố để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Từ đó đưa ra những chỉ đạo quan trọng để giải quyết các vấn đề kinh tế của Thủ đô. Đó là tăng cường sản xuất nông nghiệp để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, làm việc với các đơn vị thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và thành phố như: Giãn, giảm, miễn nhiều loại thuế, phí cho doanh nghiệp; giảm lãi suất vốn vay, giãn cách nợ vay ngân hàng; đẩy mạnh các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính… Cộng đồng doanh nghiệp thành phố đánh giá, những giải pháp này như “máy trợ thở”, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sự sát cánh của thành phố đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp thêm vững tin, chủ động, sáng tạo trong thực hiện “nhiệm vụ kép”. Khi chuỗi cung ứng trong lĩnh vực dệt may bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp dệt may của Hà Nội đã nhanh chóng chuyển sang may khẩu trang kháng khuẩn, quần áo bảo hộ. Trong tháng 3 và tháng 4, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã đưa ra thị trường gần bảy triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Tổng công ty May 10 sản xuất 27 triệu khẩu trang/tháng. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, việc sản xuất khẩu trang đã bù đắp tình trạng thiếu hụt đơn hàng do dịch Covid-19, duy trì đời sống cho hơn 12 nghìn người lao động. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, các đơn vị này còn xuất khẩu hàng trăm triệu khẩu trang sang thị trường Mỹ, Đức…

Để không ai bị bỏ lại phía sau, thành phố triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai chương trình tặng lương thực, thực phẩm miễn phí cho người nghèo trong 10 ngày (từ ngày 15 đến 25-4) tại nhiều địa điểm. Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã vận động các chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê nhà cho công nhân. Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội đã phát động “Chiến dịch 10 nghìn việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch”. Thành phố xây dựng một số nhóm chính sách đặc thù như hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong ba tháng cho sinh viên, công nhân…

Cùng với đó, thành phố nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống. Sáng 30-4, ông Vũ Bá Ước, ở ngõ 8A, phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa được cháu đưa ra UBND phường Ô Chợ Dừa nhận hỗ trợ. Xúc động khi nhận số tiền hỗ trợ từ cán bộ phường, ông Ước chia sẻ: “Với những người nghèo, người đã nghỉ hưu, không còn khả năng lao động, số tiền hỗ trợ này thật đáng quý”. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chi trả đợt 1 gói hỗ trợ an sinh xã hội. Đến nay, 415 nghìn đối tượng là người có công; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí là gần 506 tỷ đồng. Việc rà soát năm nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng đợt 2 tiếp tục được các ngành, địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt từ giữa tháng 5. Đến ngày 4-6, thành phố đã tiếp nhận hơn 85 nghìn hồ sơ của người sử dụng lao động và người lao động đề nghị hỗ trợ, trong đó có hơn 82.500 hồ sơ là đối tượng lao động tự do.

Bắt nhịp đà tăng trưởng

Khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, Hà Nội trở lại nhịp sống sôi động vốn có. Không khí hồ hởi, khẩn trương lao động, sản xuất, kinh doanh lan khắp thành phố, đưa Hà Nội bước vào giai đoạn “bình thường mới” với nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh tăng trưởng, khôi phục kinh tế, đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2020 tăng gấp 1,3 lần so với bình quân chung của cả nước.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa, ngày 28-5, Hà Nội phối hợp Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020. Hơn 200 doanh nghiệp đã phấn khởi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của mình, cùng nhau ký các biên bản ghi nhớ hợp tác, kết nối cung cầu. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh nhấn mạnh: “Qua dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã có những bài học, kinh nghiệm quý để chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, không để quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, chú trọng hơn tới thị trường nội địa. Đồng thời, tổ chức cơ cấu lại phương thức tổ chức, quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để có thể giảm thiểu tác động bởi điều kiện khách quan”.

Trong các phiên họp tập thể UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó các tình huống phát sinh; triển khai nhanh chóng, kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ và thành phố hỗ trợ, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền thành phố và sự bắt nhịp nhanh chóng của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô đã dần khôi phục. Hầu hết các chỉ tiêu kết quả sản xuất, kinh doanh của thành phố trong tháng 5 đều tăng so tháng 4-2020. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 12,3%. Tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 20,9%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.120 triệu USD, tăng 4,7%. Đối với thu hút đầu tư trong nước, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư 29 dự án, tổng số vốn phê duyệt và tăng thêm là 9.058 tỷ đồng; thành lập mới 12.260 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 181,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, 3.669 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Hà Nội cũng đã mở cửa đón khách du lịch trở lại, với nhiều giải pháp như tổ chức các lễ hội văn hóa, các chương trình khuyến mại, nâng cao chất lượng phục vụ.

Chỉ ít ngày nữa, ngày 27-6, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”. Đây là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, ổn định đối với các nhà đầu tư. Qua đó cũng thể hiện Hà Nội quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch.

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và cả nước. Nhưng trong khó khăn càng khẳng định bản lĩnh của hệ thống chính trị của đất nước nói chung, của thành phố nói riêng, giúp nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu của thành phố để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới 2020 – 2025. (Nhân dân, trang Hà Nội).

 

Người già nhập viện do viêm phổi, rối loạn điện giải tăng cao

Từ ngày 22-6, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc tiếp tục xuất hiện nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có nơi hơn 40 độ C, khiến tình trạng người già nhập viện do viêm phổi, rối loạn điện giải tăng cao.

Bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, những ngày gần đây, người cao tuổi nhập viện điều trị nội trú do bị viêm phổi, rối loạn điện giải tăng gấp 150% so với những ngày bình thường.

Nguyên nhân là do ở người cao tuổi, khả năng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết kém, nhất là khi nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, có một lý do khác là người bệnh sử dụng điều hòa không đúng cách, để nhiệt độ trong phòng với bên ngoài chênh lệch lớn dẫn đến tình trạng viêm phổi.

Tương tự, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận trung bình 1.200 bệnh nhân/ngày. Số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng, thanh quản, viêm xoang… tăng cao trong những ngày Hà Nội nắng nóng.

Bác sĩ Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Hữu Nghị khuyến cáo, để tránh các bệnh đường hô hấp vào mùa hè do sử dụng điều hòa, mọi người nên thường xuyên súc miệng, sát trùng họng bằng nước muối vào buổi sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Bệnh nhân người Anh từng gặp nhiều biến cố hiếm gặp trong y văn thế giới

Trong 57 ngày dùng ECMO, bệnh nhân nhiễm COVID-19 phi công người Anh đã thay 7 màng ECMO, đồng thời kháng heparin gây hội chứng giảm tiểu cầu. Đây được xem là một trường hợp đặc biệt, trên y văn thế giới không nhiều ca.

Đây là chia sẻ của PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo – phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – về phía sau quá trình điều trị bệnh nhân phi công người Anh vào ngày 22-6.

BS Ngọc Thảo cho biết trong quá trình điều trị bệnh nhân số 91 đã xảy ra nhiều biến cố, có khi nhiều biến cố xảy ra cùng lúc. Các bác sĩ cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân với tâm thế “còn nước còn tát”.

Về phương án ghép phổi cho bệnh nhân được tính toán trước đó (khi phổi bệnh nhân chỉ còn 10% hoạt động), nếu ghép, khả năng sống còn của bệnh nhân vẫn rất thấp. Đến nay, các ca ghép phổi tại Việt Nam chỉ “tính trên đầu ngón tay” nên kinh nghiệm không nhiều.

Ngoài ra, có những thời điểm lại không có thuốc, không đầy đủ thiết bị điều trị cho bệnh nhân nên các bác sĩ đã sử dụng một số loại thuốc chưa từng sử dụng cho bệnh nhân Việt Nam, đồng thời phải đặt mua thuốc từ nước ngoài về.

Bệnh nhân còn kháng heparin gây hội chứng giảm tiểu cầu (HIT). Hội chứng này rất hiếm gặp đối với bệnh nhân đang dùng ECMO và nhiễm virus corona, nên đây là một trường hợp rất đặc biệt, trên y văn thế giới không nhiều ca.

Thời điểm đó, các bác sĩ đọc rất nhiều tài liệu và quyết định đổi qua loại thuốc kháng đông. Nhưng ngay trong đêm quyết định cho bệnh nhân dùng thuốc khác thì màng ECMO lại đông liên tục, các bác sĩ phải thay màng để bệnh nhân không ngưng tim và chảy máu. Đây là kỹ thuật rất khó, phải thực hiện trong thời gian ngắn, êkip hồi sức tập luyện nhiều mới thực hiện được. Trong 57 ngày bệnh nhân dùng ECMO thì đã thay 7 màng ECMO.

“Chúng tôi đã đọc tài liệu cả ngày lẫn đêm để ra phác đồ điều trị đặc biệt và có lợi cho bệnh nhân và người dân Việt Nam. Điều này được nhiều báo chí nước ngoài đã ca ngợi. Sau đợt dịch COVID-19, chúng tôi nghĩ phải có những bài nghiên cứu khoa học để công bố trên cộng đồng thế giới” – BS Thảo chia sẻ thêm.

Theo Bộ Y tế, sẽ có cuộc hội chẩn liên viện 3 miền thứ 5 về bệnh nhân phi công người Anh, và là cuộc hội chẩn cuối cùng, dự kiến tổ chức đầu tuần này, đánh giá sức khỏe trước khi chuyển bệnh nhân.

Hiện tình trạng của bệnh nhân đang tiến triển nhanh, hôm nay 22-6 là tròn 1 tháng bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy và đây là 1 tháng bệnh nhân hồi phục nhanh: phổi phục hồi 85%, tay phục hồi hoàn toàn, chân 4/5, thận, tim, gan, men tụy về bình thường. Trong khi 1 tháng trước, phương án được hi vọng là điều trị để bệnh nhân đủ sức và đủ điều kiện ghép phổi. (Tuổi trẻ, trang 14).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “Bệnh nhân 91 hồi sinh ngoạn mục: Kỳ tích trong y khoa Việt Nam”; Công an Nhân dân, trang 2: “Phổi của bệnh nhân 91 đã hồi phục 85%”.

 

Hội chẩn quốc gia đánh giá sức khỏe bệnh nhân phi công

Chiều ngày 22/6, cuộc hội chẩn quốc gia lần thứ 5 về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đã diễn ra tại điểm cầu Trung tâm điều hành chẩn đoán, điều trị bệnh nhân nặng mắc COVID-19 (Bộ Y tế) kết nối với các bệnh viện: Chợ Rẫy, Nhiệt đới TPHCM, Nhiệt đới T.Ư, Bạch Mai, Việt Đức, T.Ư Huế, Đà Nẵng.

Cuộc hội chẩn diễn ra với sự chủ trì của PGS. TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị cùng các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực.

Phát biểu mở đầu buổi hội chẩn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Tổng lãnh sự Anh, đại sứ quán Anh đã đến thăm và nắm được tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân mong muốn về quê nhà.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, việc đưa bệnh nhân này về nước chỉ thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu an toàn đủ sức khỏe ra khỏi phòng hồi sức, an toàn trong quá trình vận chuyển và sự chuẩn bị đón tiếp/tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện phía bên kia đảm.bảo

“Trải qua 96 ngày, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ điều trị trực tiếp của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh viện Chợ Rẫy. Thành công đến thời điểm này không chỉ cứu sống bệnh nhân mà đó còn là thể hiện tính nhân văn của chúng ta trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân người  nước ngoài”- GS. TS Nguyễn Gia Bình  – chuyên gia về điều trị tích cực chia sẻ.

Báo cáo của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân hiện tỉnh, dung nạp thức ăn tốt, các xét nghiệm đánh giá nhiễm trùng của bệnh nhân âm tính.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, giao tiếp tốt bằng lời nói, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy.

Về chức năng tiêu hoá, bệnh nhân tự ăn uống qua miệng. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường

Theo báo cáo của kíp điều trị, tâm lý của bệnh nhân vui buồn lẫn lộn, có lúc khóc, các nhân viên y tế phải động viên, dỗ dành. Bệnh nhân có nguyện vọng trở về quê nhà.

Thảo luận tại buổi hội chẩn, bác sĩ Trần Đăng Khoa, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, hiện bệnh nhân tập phục hồi chức năng 2 buổi sáng/ chiều, gồm tập thở, tập vận động, giao tiếp và chức năng sinh hoạt hàng ngày, tập kháng trở có trợ giúp…

“Việc hồi phục của bệnh nhân phụ thuộc vào cả quá trình dinh dưỡng, phục hồi chức năng và tăng sức đề kháng”, bác sĩ Khoa thông tin thêm. (Tiền phong, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Chỉ chuyển nam phi công về nước khi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn”.

 

Hải Phòng: Tập thể y bác sĩ ngừng việc, bệnh viện tê liệt

Hơn 30 bác sĩ đã làm đơn xin nghỉ việc tự túc vì không được trả lương nhiều tháng khiến Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng (thuộc Cục Y tế giao thông vận tải, Bộ GTVT) gần như tê liệt, Bệnh viện đã phải “cầu cứu” hệ thống bệnh viện trong ngành để được điều thêm 5 y bác sĩ đến hỗ trợ bệnh viện.

Nợ lương và không có phụ cấp nghề nghiệp

Bác sĩ Đ.T.M – Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng – cho biết: Từ đầu năm đến nay, các y bác sĩ của bệnh viện không được trả lương và phụ cấp nghề nghiệp theo quy định (là 40% mức lương). Sau khi kiến nghị nhiều lần, tháng 4.2010, bệnh viện trả lương tháng 1.2020, đến tháng 6 mới trả tiếp lương tháng 2.2020. Năm 2019 trước đó, bệnh viện cũng nhiều lần nợ lương người lao động, 2 -3 tháng mới được trả lương một lần, nhưng vẫn không được trả phụ cấp, vi phạm nghiêm trọng luật Lao động.

Bác sĩ T.H.H cho biết: Ngoài việc nợ lương và phụ cấp của y bác sĩ, người lao động, bệnh viện cũng không cung cấp đầy đủ vật tư thiết yếu, thuốc men để điều trị cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị của bệnh nhân và uy tín của bệnh viện.

Theo các y bác sĩ, họ đã nhiều lần kiến nghị việc này lên Ban Giám đốc bệnh viện nhưng không được giải quyết, nên mới phải gửi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Theo những người kiến nghị, ngoài lượng bệnh nhân khám chữa bệnh theo BHYT, còn có lượng bệnh nhân ổn định đang chạy thận nhân tạo (khoảng 50 người), cộng với việc khám sức khỏe cho thuyền viên và các hợp đồng dịch vụ khác, bệnh viện hoàn toàn đủ khả năng chi trả lương, phụ cấp cho y bác sĩ, người lao động.

Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp, đến hết năm 2019, Bệnh viện GTVT Hải Phòng nợ các đơn vị cung cấp dược phẩm, trang thiết bị với tổng số tiền gần 12 tỉ đồng.

Ngày 19.6, 32 y bác sĩ đã gửi đơn xin nghỉ tự túc vì không có thu nhập. Đến ngày 22.6, có 5/6 khoa (Chạy thận nhân tạo, Ngoại, Dược, phòng xét nghiệm, Y học cổ truyền) có bác sĩ nghỉ làm. Theo ghi nhận của PV tại Bệnh viện GTVT Hải Phòng sáng ngày 22.6, chỉ có Khoa Khám bệnh là mở cửa, các khoa còn lại đã bị khóa cửa ngoài, không hoạt động.

Do thu không đủ bù chi ?

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Hữu Hoàng, Giám đốc Bệnh viện GTVT Hải Phòng cho biết: Ngày 19.6, có 32 y bác sĩ (trên tổng số 79 người) gửi đơn xin nghỉ việc tự túc với lý do không được trả lương. Bệnh viện chưa kịp xét duyệt thì sáng nay (22.6), có 18 y bác sĩ tự ý nghỉ việc (những người đang trong ca làm việc).

Ông Hoàng cũng thừa nhận tình trạng nợ lương của y bác sĩ và người lao động trong bệnh viện vì “mất cân đối thu chi, thu không đủ bù chi”. Nguyên nhân dẫn đến mất cân đối thu chi là do từ ngày 1.1.2019, Bệnh viện GTVT Hải Phòng đã tự chủ thu – chi, nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh viện có ít bệnh nhân đến điều trị do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số hợp đồng dịch vụ cũng bị dừng lại, nên ảnh hưởng đến nguồn thu. Bệnh viện không có nguồn để trả lương và phụ cấp cho y bác sĩ.

Về việc không cấp đủ vật tư y tế, thuốc để điều trị cho bệnh nhân, ông Hoàng cho biết, với những loại thuốc thiết yếu, bệnh viện vẫn cung cấp đủ, đồng thời thừa nhận, những loại thuốc không thiết yếu, thì để người nhà bệnh nhân tự mua.

Theo ông Hoàng, ngay trong ngày 22.5, Bệnh viện đã được bổ sung thêm 5 y bác sĩ đến từ ngành dọc để hỗ trợ bệnh viện trong công tác khám chữa bệnh. Thời gian tới, bệnh viện sẽ xin tạm ứng từ BHXH thành phố, đồng thời mở rộng công tác khám chữa bệnh… để có nguồn thu và chi trả lương cho y bác sĩ, NLĐ trong bệnh viện.

Trao đổi với PV Lao Động qua điện thoại, ông Phạm Thành Lâm, Cục phó Cục Y tế giao thông vận tải, cho biết: Liên quan đến đơn thư kiến nghị của tập thể y bác sĩ Bệnh viện GTVT Hải Phòng, Cục đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra các vấn đề kiến nghị và sẽ có kết luận đúng, sai và trách nhiệm của những người liên quan.

Ông Lâm cũng cho biết, Cục sẽ chỉ đạo bệnh viện để tìm nguồn chi trả lương cho NLĐ, đồng thời đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân. (Lao động, trang 1).

 

Quanh việc phát hiện 2 ổ dịch bạch hầu tại Đăk Nông: Khoanh vùng, cách ly hàng trăm người dân trong vùng dịch để tránh lây lan

Sáng 22/6, ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông (CDC Đắk Nông) cho biết, liên quan đến ổ dịch bệnh Bạch hầu tại xã Quảng Hoà, huyện Đắk G’long được phát hiện vào ngày 19/6, đến sáng nay, qua rà soát đã có 7 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong Sùng Thị H. (SN 2011).

“Cả 7 trường hợp này hiện đang được ngành y tế địa phương hướng dẫn đưa đến cách ly, theo dõi tại Trạm Y tế xã Quảng Hoà, đồng thời tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và đang chờ kết quả”, ông Thành thông tin.

Trong khi đó, trao đổi với ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết thêm, ngay sau khi phát hiện ổ dịch bệnh Bạch hầu tại xã Quảng Hoà, ngành y tế tỉnh đã tiến hành tổ chức các biện pháp để ngăn chặn, dập ổ dịch này. “Qua công tác rà soát, khoanh vùng, ngành y tế Đắk Nông đã cách ly toàn bộ 2 cụm dân cư với khoảng 355 người.

Tất cả đều phải tuân thủ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mọi giao dịch đều thông qua các chốt kiểm dịch để ngăn ngừa phát tán dịch bệnh ra ngoài. Ngoài việc cách ly, ngành y tế cũng đã tiến hành phun hoá chất khử trùng toàn bộ 2 cụm dân cư và một số địa điểm như trường học, Trạm y tế xã”, ông Hùng cho biết thêm.

Trong một diễn biến khác, chiều cùng ngày, bác sỹ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, từ ngày 20/6 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 14 người (13 trẻ và 1 người lớn) đến từ 2 ổ dịch Bạch hầu ở Đắk Nông.

“Qua kiểm tra, đã có 2 ca cho kết quả dương tính với bệnh Bạch hầu (1 trẻ và 1 người lớn) ác tính viêm cơ tim cấp tính rất nặng. Các trường hợp còn lại đang được bác sỹ bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm theo dõi tại 1 khu cách ly riêng biệt có lối đi riêng để tránh lây nhiễm ra cộng đồng”, bác sỹ Minh thông tin thêm.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cũng tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân nhi mắc bệnh bạch hầu được chuyển đến từ Đắk Nông. Hai ca bệnh này học tập tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn (tại Thôn Đức Lập, xã Đăk Sor, huyện Krông Nô), sau khi mắc bệnh đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên điều trị. Hiện cả hai bệnh nhân này đã khỏe và đã được xuất viện.

Ông Đặng Thành, Giám đốc CDC Đắk Nông cho biết thêm, tại khu vực xuất hiện ổ dịch bệnh Bạch hầu ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long phần lớn là người đồng bào Mông, có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Ngành y tế tỉnh Đắk Nông tổ chức tuyên truyền nhưng nhiều bậc phụ huynh không đồng ý cho con em đến tiêm chủng. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình phòng bệnh.

“Trước tình hình dịch bệnh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên phối hợp cùng CDC Đắk Nông hỗ trợ y tế tuyến cơ sở tiêm 140 liều vắc xin phòng bạch hầu – uốn ván cho những người liên quan. Các trường hợp còn lại cũng sẽ được tiêm chủng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tỉnh Đắk Nông được thành lập (năm 2004 – PV) mới ghi nhận có trường hợp mắc và tử vong do bệnh Bạch hầu”, ông Thành nói. (Công an Nhân dân, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Cách ly khu dân cư phòng dịch Bạch hầu”.

 

Báo động tình trạng ngộ độc ở các bếp ăn tập thể trong mùa hè

Trong 5 tháng đầu năm nay, dù cả xã hội thực hiện lệnh giãn cách để phòng Covid-19 nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm vẫn gia tăng, số ca tử vong cũng tăng vọt tới 17 người so với cùng kỳ 2019. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, vấn đề đảm bảo ATTP còn rất nhiều mối lo.

– Con số tăng tới 17 người tử vong do ngộ độc thực phẩm chỉ trong 5 tháng thực sự rất đáng báo động. Ông có thể thông tin rõ hơn về tình trạng này?

– Từ 1-1 đến ngày 31-5-2020, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. So sánh với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người.

Số ca tử vong chỉ phản ánh một phần nổi trong lĩnh vực đảm bảo ATTP. Thực tế số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể – với số lượng người mắc lớn – chủ yếu là ngộ độc do vi sinh vật, số người nhập viện rất cao nhưng tỷ lệ tử vong thường rất thấp (trừ những người có bệnh lý nền nặng).

Chúng tôi đã phân tích, hầu hết ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm từ đầu năm đến nay là ngộ độc do độc tố như rượu chứa cồn công nghiệp, nấm độc.

Điển hình như tháng 4-2020 vừa qua, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khi một nhóm công nhân xây dựng ra quán tạp hóa mua rượu trắng về uống. Sau uống rượu, cả 12 người phải nhập viện, 2 người tử vong.

Qua các hội thảo, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần tới Bộ Công Thương về việc phải yêu cầu đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm, tránh tình trạng sử dụng loại cồn này vào pha chế thực phẩm, bia rượu.

Song hiện tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến. Nhiều cơ sở làm ăn phi pháp, bất chấp lương tâm, đã mua cồn công nghiệp (màu trong suốt) về pha với nước để làm thành rượu giá rẻ bán ra thị trường, vô cùng nguy hiểm.

– Vừa qua, Cục ATTP đã kiểm tra, khảo sát bếp ăn tập thể ở một số tỉnh/ thành phố, vậy qua đánh giá, đâu là vấn đề đáng lo ngại nhất?

– Như tôi đã nói, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học vẫn đang là một mối lo lớn trong lĩnh vực đảm bảo ATTP ở nước ta.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành quy định pháp luật của người sản xuất kinh doanh không cao, vì lợi nhuận mà sẵn sàng làm trái.

Trong khi đó, do các đối tượng công nhân ở khu công nghiệp, học sinh sinh viên… thu nhập thấp, vẫn chấp nhận lựa chọn những thực phẩm rẻ tiền, những suất ăn giá rẻ và đương nhiên nguy cơ mất an toàn cũng cao hơn. Chưa kể thói quen tiêu dùng thực phẩm tươi sống của nhiều người chậm thay đổi.

Vào mùa hè, thời tiết nóng nực như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng gia tăng do thực phẩm nhanh bị ôi thiu. Qua kiểm tra giám sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt.

Cũng phải nói rằng, tình trạng thực phẩm nhập nhập lậu qua biên giới còn rất phức tạp. Trong nước, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn, trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất thực phẩm trên cả nước thì 85% là những cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình.

Qua kiểm tra, không ít cơ sở sản xuất chỉ là một căn phòng nhỏ vừa dùng làm nơi ở vừa làm nơi chế biến. Chưa kể gần 200 làng nghề chế biến thực phẩm truyền thống…

– Có ý kiến cho rằng một nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng vi phạm về ATTP còn nhức nhối là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Điều này có đúng hay không, thưa ông?

– Trong các giải pháp để đảm bảo ATTP, giải pháp đầu tiên vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về ATTP, hướng dẫn người dân cách sử dụng thực phẩm an toàn.

Giải pháp quan trọng thứ hai mới là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan ở địa phương, khi phát hiện vi phạm pháp luật về ATTP, phải xử phạt thật nặng và cùng đó công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo.

Có thể khẳng định, mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tăng lên rất nhiều. Với những hành vi cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Tuy vậy, các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra còn mỏng và yếu, thậm chí có nơi, có lúc còn lơi lỏng xử lý vi phạm.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, nhất là vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm rất nhiều nhưng không dễ xử lý. Đây là vấn đề cần tiếp tục khắc phục và chúng tôi cũng đang có những kiến nghị, đề xuất giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

– Xin cảm ơn ông! (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Cách chức Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Phan Thiết

Ngày 22.6, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận Nguyễn Quốc Việt cho biết đã có quyết định cách chức Giám đốc Trung tâm y tế TP.Phan Thiết đối với ông Nguyễn Trung Hà và ông Ngô Giang Vũ, Phó giám đốc trung tâm này, do liên quan đến vụ án tham ô tài sản xảy ra tại đơn vị.

Ông Việt cho biết việc kỷ luật về mặt Đảng đối với hai cán bộ này thuộc thẩm quyền của Thành ủy Phan Thiết.

Đối với Phó giám đốc Bệnh viện TP.Phan Thiết (tên gọi cũ) Nguyễn Thị Bích Anh, do đã nghỉ hưu nên sẽ bị cơ quan chức năng xem xét kỷ luật về mặt Đảng. Đối với bà Trần Thị Thu Thảo (Trưởng phòng Tài chính kế toán) sẽ do Giám đốc Trung tâm y tế TP.Phan Thiết ra quyết định xử lý kỷ luật.

Cũng theo ông Việt, riêng trường hợp ông Nguyễn Quang Thời, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, nguyên Giám đốc Bệnh viện TP.Phan Thiết, vì hết thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính, nên sẽ do Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xử lý kỷ luật về mặt Đảng.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an TP.Phan Thiết phát hiện từ năm 2013 – 2018, Nguyễn Duy Hiển (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế hoạch Trung tâm y tế TP.Phan Thiết) đã lập khống hồ sơ nghỉ ốm, thai sản, nâng khống hệ số phụ cấp ưu đãi nghề để chiếm đoạt của nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng. Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán đơn vị này vào năm 2017 nhưng vẫn không phát hiện.

Sau khi Hiển bị khởi tố, bắt giam (ngày 13.5.2019), các lãnh đạo nêu trên đã nộp lại tiền để khắc phục hậu quả (ông Vũ nộp lại 1,8 tỉ đồng; bà Thảo nộp lại 1,35 tỉ đồng; ông Hà nộp lại 1 tỉ đồng; ông Thời nộp lại 900 triệu; riêng bị can Hiển đã nộp lại hơn 386 triệu đồng). Bị can Hiển đã bị Viện KSND tỉnh Bình Thuận truy tố tội tham ô tài sản và chuyển cáo trạng sang TAND tỉnh chờ ngày xét xử.

Do Hiển khai thực hiện hành vi vi phạm này là có sự chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện TP.Phan Thiết, nhưng không đưa ra được chứng cứ, do vậy, ngày 3.4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tách thành vụ án riêng để tiếp tục điều tra theo quy định. (Thanh niên, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/7/2021

CDC Hà Nam

75% người bệnh sa sút trí tuệ không được chẩn đoán kịp thời

Ngọc Nga

Để lại bình luận