Bệnh bạch hầu hoành hành Tây Nguyên: Những bản cam kết lạ
Khi dịch bạch hầu đang hoành hành 4 tỉnh Tây Nguyên, lại đang lộ ra những bản cam kết rất lạ của người dân không tiêm chủng.
Trong hỗn độn những “giấy cam kết cho người không đi tiêm chủng mở rộng”, phần nhiều được đánh máy sẵn, có cùng một nội dung, chỉ có tên người được ghi bằng bút bi.
Bản cam kết được ghi vào ngày 3/1/2019, của một người có tên Thào Thị Máy (sinh năm 1994), trú tại thôn 9, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long. Bản đánh máy sẵn có nội dung: “Hôm nay, ngày 3/5/2019 (lệch với ngày điểm chỉ là 3/1/2019), tôi được y tế thôn tới nhà mời tiêm chủng mở rộng và tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ có thai. Sau khi được tuyên truyền, nhưng tôi không đồng ý tiêm vì lý do KHÔNG MUỐN TIÊM (bằng bút bi). Tôi cam kết nếu có gì xảy ra, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với bản thân và trẻ”. Cuối cùng chỉ thấy một dấu vân tay mờ mờ, không có tên tuổi, chữ ký.
Tương tự, những “giấy cam kết” dạng này của Hoàng Thị Dinh (sinh năm 1988, thôn 6 cùng xã) và nhiều người khác cũng thế. Thi thoảng lạc vào một bản viết tay khá ngây ngô do em trai và bố đẻ “cam kết” cho chị gái và con không tiêm với lý do: “vì ngại” (bản này ghi hồi 16g ngày 18/5/2020). Bản viết tay này có một vết điểm chỉ như vết mực đen ngòm không nhìn thấy dấu vân tay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng trạm Y tế xã Quảng Hòa cho cho biết, tỷ lệ tiêm chủng của người Mông rất thấp chỉ từ 40 đến 50%. Bà lý giải rằng, khi cán bộ y tế đến nhà vận động, người dân không chịu tiêm chủng, sau đó họ có ký vào giấy cam kết (thực ra là điểm chỉ-PV). Vị này cũng nói về chức năng của “giấy cam kết”: “Giấy cam kết không phải được soạn sẵn để ép bà con, mà để chứng minh cho cán bộ cấp trên biết, mình (cán bộ y xã) có xuống thôn trực tiếp vận động người dân nhưng không thành. Sau khi ký xong, tháng tới chúng tôi vẫn tiếp tục đi vận động người dân tiêm chủng”. Khi PV Tiền Phong nói muốn xem bản báo cáo tiêm chủng, bà này từ chối với lý do không phải người phát ngôn.
Xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) khoảng 130 km, đường đi trắc trở, khó khăn. Nơi đây có 1.892 nhân khẩu, người Mông chiếm hơn 95% dân số. Thôn này hiện có 3 ca mắc bệnh bạch hầu. Ông Ma A Tú (Trưởng thôn 12) cho biết, sau đợt dịch vừa rồi người dân đã có nhận thức hơn về tiêm chủng.
Tuy vậy, như lời ông này nói vẫn có trường hợp “cứng đầu” không chịu đi tiêm phòng. “Có những gia đình đẻ dày, tiêm một lúc 2 đến 3 đứa, sau đó thuốc phản ứng khiến chúng bị sốt. Bố mẹ không đi làm được. Họ còn nói với tôi, đây là thuốc giả nên con tôi mới bị ốm như vậy. Đó là nguyên nhân làm người dân không hợp tác”, ông Tú nói. Thôn 6 của xã này cũng có tình trạng tương tự.
Còn ông Huỳnh Thanh Huynh-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong cho rằng, giấy cam kết này chỉ phát sinh trong quá trình lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ chứ không phải được soạn sẵn để người dân ký vào.
Có “cam kết” hết trách nhiệm?
Trong thực tế, việc tiêm chủng với đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số luôn khó khăn, không riêng gì ở Tây Nguyên. Chính vì thế, đội ngũ y, bác sỹ thôn bản phải hy sinh rất nhiều trong công việc. Tuy nhiên, ở nơi nào được đầu tư bài bản, cộng với đội ngũ tận tâm, hiệu quả hiện hữu. Lấy ví dụ tại tâm dịch bạch hầu tháng 7/2015 tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam).
Đây là vùng “trắng” tiêm chủng nên bạch hầu được bà con xem như con ma rừng. Cán bộ các cấp đã về tận thôn, bản đứng xếp hàng chống nạnh tiêm mẫu để bà con chứng kiến. Đội ngũ y tế còn vào tận rừng sâu vận động những người trốn tiêm về; cử lực lượng cõng người già. Sau đó, nơi đây trở thành điển hình phòng, chống dịch.
Hiện tại, Đắk Nông đang là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về số ca mắc (gần 30 ca) lẫn số người tử vong (2 ca).
Những ngày gần đây, để làm rõ thêm trách nhiệm, cũng như đánh giá về tiêm chủng mở rộng của Đắk Nông, PV Tiền Phong nhiều lần liên hệ với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; lãnh đạo Sở Y tế… đều không được. Còn ở tuyến cơ sở, ông Trương Hy – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Nô trả lời chỉ quản lý chung, không nắm được việc này. Ông Hy đề nghị PV liên lạc với một ông khác (Tiền phong, trang 10).
Xuất hiện ổ dịch bạch hầu thứ hai tại Đắk Lắk
Trưa 12-7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết, vừa ghi nhận thêm hai trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu trên địa bàn huyện M’Đrắk. Đây là ổ bạch hầu thứ hai xuất hiện tại tỉnh Đắk Lắk.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Vàng A Bình 16 tuổi, người dân tộc H’Mông, trú tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Theo lời khai, ngày 8-7 bệnh khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt, kèm đau họng, mệt mỏi.
Ngày 10-7 bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk và được hướng dẫn nhập viện theo dõi. Cùng ngày, lực lượng y tế đã lấy mẫu ngoáy họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Đến ngày 11-7 có kết quả xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu…
Trường hợp thứ hai là em Giàng Seo Chứ 16 tuổi, dân tộc H’Mông. Em Giàng Seo Chứ là người nhà của bệnh nhân Vàng A Bình và trực tiếp chăm nuôi bệnh nhân Bình tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk. Hiện tại bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên…
Theo ngành y tế tỉnh Đắk Lắk, xã Cư Króa có 948 hộ gia đình với 4.415 nhân khẩu, trong đó riêng thôn 7 có 200 hộ gia đình với 1.247 nhân khẩu. Đặc biệt, điều tra tình hình tiêm chủng cho thấy 36 trẻ dưới 14 tuổi trong thôn 7 không có trẻ nào được tiêm vaccine 5 trong 1.
Hiện ngành chức năng đã khoanh vùng, lập chốt chặn, cách ly thôn 7, xã Cư Króa để phòng chống lây lan dịch bệnh bạch hầu.
Sở Y tế cũng chỉ đạo điều tra, giám sát và sử dụng kháng sinh dự phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần; phun hóa chất tại hộ gia đình bệnh nhân và những hộ xung quanh; khẩn trương triển khai tiêm vaccine Td cho đối tượng từ bảy tuổi đến dưới 26 tuổi tại thôn 7, đồng thời tiêm vaccine Td cho đối tượng bảy tuổi tại trường học và cộng đồng trên toàn địa bàn huyện M’Đrắk trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020 (Nhân dân, trang 8).
Cứu bệnh nhân 91 là biểu tượng chống COVID-19 của Việt Nam
BN 91 là biểu tượng thành của VN trong cuộc chiến chống COVID-19 – báo chí thế giới ca ngợi nỗ lực của Việt Nam cứu sống phi công người Anh.
BN 91 ca bệnh COVID-19 nặng nhất ở Việt Nam, người từng cận kề với cái chết – đã được xuất viện hôm 11.7 để trở về nhà. Trường hợp phi công Stephen Cameron, làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, đã trở thành một hiện tượng ở Việt Nam, nơi chính quyền thực thi chính sách xét nghiệm và cách ly nghiêm ngặt nên đã giữ được số ca bệnh ở mức thấp đến ấn tượng và không có ca tử vong” – hãng CBC News của Canada viết.
Hãng tin của Canada cho rằng, bệnh tình của Cameron và những nỗ lực cứu sống anh của các bác sĩ Việt Nam đã trở thành một biểu tượng thành công của VN trong cuộc chiến chống Covid- 19.
Nhập viện từ đầu tháng 3, Cameron đã có những thời điểm phổi chỉ còn 10% và rơi vào tình trạng nguy kịch. Rất nhiều người Việt Nam đã tình nguyện hiến phổi để cứu sống nam phi công. Như một phép màu, dưới sự chăm sóc 24/24 của các bác sĩ Việt Nam, Cameron dần dần hồi phục và đến tháng 6 anh không cần phải ghép phổi và thở máy nữa. CBC News viết, Việt Nam đã chi hơn 200.000 USD để điều trị cho Cameron, và các bác sĩ Việt Nam sẽ đi cùng bệnh nhân 91 trên chuyến bay đặc biệt trở về Anh.
Hãng tin Anh Reuters và tờ The Guardian của Anh cho biết, nam phi công, được báo giới Việt Nam gọi là “bệnh nhân 91” vì là người thứ 91 được xác nhận mắc COVID-19 ở Việt Nam, đang trên đường trở về nhà sau khi sống sót một cách kinh ngạc khi cơ hội sống có lúc chỉ còn 10%.
Tờ báo viết, chỉ mới 6 tuần trước, các bác sĩ Việt Nam nói rằng Cameron cần được ghép phổi, vậy mà sau gần 4 tháng nằm viện ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 10 tuần dùng máy thở, người phi công đến từ Motherwell, Scotland, đã được xuất viện hôm 11.7 và bay về Anh vào đêm cùng ngày.
“Tôi choáng ngợp trước sự hào phóng của người dân Việt Nam, sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ, y tá làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi cảm ơn tất cả mọi người vì những gì họ đã làm cho tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được về nhà. Nhưng cũng cảm thấy buồn khi phải tạm biệt những người mà tôi coi là bạn bè ở đây” – tờ The Guardian dẫn lời nam phi công nói khi rời bệnh viện Chợ Rẫy.
Trong khi đó, tờ Daily Mail của Anh dẫn lời bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Sự hồi phục của bệnh nhân giống như một chuyến bay dài. Nhưng ông ấy đã làm được. Các bác sĩ rất vui vì bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện”. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công được trao giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2, và được chứng nhận đủ sức khỏe để đi máy bay đường dài.
Tờ New York Times của Mỹ cũng dành bài viết lớn với tựa đề “Một phi công người Scotland trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống virus của Việt Nam được xuất viện”. Được biết, đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gửi thư chúc mừng BV Chợ Rẫy điều trị thành công cho bệnh nhân 91, và gửi kèm đường dẫn của bài báo đăng trên tờ The New York Times nói trên. “Giữa rất nhiều tin tức không vui về tình hình đại dịch, thật tuyệt vời khi thấy bệnh viện Chợ Rẫy nhận được sự chú ý tích cực của báo chí quốc tế như vậy” – bức thư của đại diện CDC Mỹ viết.
Hãng tin AP và tờ The Washington Post của Mỹ dẫn lời ông Lưu Hoàng Minh, Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919, nơi phi công Cameron từng làm việc, nói: “Chúng tôi muốn làm cho anh ấy hạnh phúc, để anh ấy cảm thấy như trở về ngôi nhà thứ hai của mình trên máy bay. Đêm nay sẽ là một đêm dài, nhưng anh ấy sẽ có đồng nghiệp của mình trên chuyến bay. Anh ấy sẽ cảm thấy như là một phi công một lần nữa”.
Đêm 11.7, Cameron – từng là BN nặng nhất – đã được sự hỗ trợ của nhân viên y tế và đội ngũ phục vụ mặt đất đưa lên máy bay Boeing 787-10 Dreamliner để về nước. AP viết, đây là dòng máy bay mà Cameron đã bay. Nam phi công người Anh ngồi khoang hạng thương gia và có 3 ghế đồng hạng cho bác sĩ đi cùng (Lao động, trang 7).
Hai người Việt về từ Nga mắc Covid-19
Chiều 12.7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo 2 ca nhiễm Covid – 19 mới là bệnh nhân (BN) thứ 371 và 372 tại Việt Nam, cùng nhập cảnh từ Nga.
BN 371 (nữ, 36 tuổi, địa chỉ tại H.Nam Sách, Hải Dương) và BN 372 (nữ, 31 tuổi, địa chỉ tại H.Mê Linh, Hà Nội) đều đi trên chuyến bay Việt Nam5062 ngày 9.7 từ Nga về Việt Nam. Sau khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Cần Thơ, 2 người cùng được cách ly tập trung tại tỉnh Bạc Liêu. Ngày 10.7, cả 2 được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Hiện 2 BN đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu. 9 trường hợp F1 có tiếp xúc gần với 2 nữ BN trên cũng được sàng lọc và đưa đi cách ly, theo dõi sk.
Theo BCĐ, 87 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; 232 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay; 11.009 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe; 350 BN trong số 372 ca mắc tại Việt Nam (tỷ lệ 94,1%) đã được điều trị khỏi (Thanh niên, trang 3).
Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết
Ngày 12.7, thông tin từ BYT cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 36.253 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 3 ca tử vong (tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh). So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 58,6%, số tử vong giảm 10 ca, nhưng hiện số ca mắc bắt đầu gia tăng theo diễn biến mùa dịch hằng năm và đã tăng hơn so với trung bình 5 năm trước.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số mắc SXH tăng trong những tuần gần đây do dịch có tính chất chu kỳ, số mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho véc tơ (muỗi) truyền bệnh phát triển.
Chiều 12.7, bác sĩ (BS) Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ, cho biết từ đầu tháng 7 đến nay, số ca mắc SXH từ các tỉnh, thành ĐBSCL nhập viện tại BV này gia tăng nhanh. Hiện có 3 ca rất nặng, đang phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc; trong đó 2 ca từ Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và 1 ca từ tỉnh Trà Vinh chuyển đến. Theo BS Thanh, ĐBSCL đang bước vào mùa mưa, là thời điểm bệnh SXH gia tăng. Các ổ dịch đồng loạt xuất hiện ở nhiều nơi như H.Bình Tân (Vĩnh Long), Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh… Trong 6 tháng đầu năm nay, BV Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận hơn 200 ca SXH, trong đó có một số ca nặng.
Còn theo báo cáo của ngành y tế Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có số mắc SXH tăng 21,7% so với cùng kỳ (hiện toàn tỉnh có 1.189 ca SXH). Gần đây, số ca SXH ở người lớn tăng khá rõ. Ngành y tế ghi nhận có nhiều ca SXH người lớn khi nhập viện trong giai đoạn nặng, sốc, không bắt được mạch, không đo được huyết áp.
Tại Đồng Tháp, tính đến giữa tháng 6 đã có 873 ca mắc SXH, giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hai, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, thì týp vi rút Dangue-2 đang chiếm ưu thế tại tỉnh này – đây là týp thường gây dịch SXH với số ca mắc và tử vong cao. “Số ca SXH có thể tăng nhanh trong thời gian tới. Nếu cộng đồng không quyết liệt và chủ động trong việc diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra dịch ở quy mô xã, phường, thị trấn rất cao”, ông Hai cảnh báo.
Tại Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có trên 1.800 ca mắc SXH, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng những tuần gần đây số mắc liên tục tăng cao, mỗi tuần có hơn 30 ca nhập viện (bình thường mỗi tuần chỉ có trên dưới 10 ca nhập viện). Trước tình trạng bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch, cuối tuần qua Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp đã có văn bản gửi các đơn vị, yêu cầu tập trung phòng chống SXH trên địa bàn.
UBND tỉnh An Giang cũng đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện tăng cường đồng bộ các giải pháp lăng quăng, phòng chống SXH; Sở Y tế An Giang chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện… phục vụ phòng chống, điều trị SXH, hạn chế số tử vong. Ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh An Giang có 1.119 ca mắc SXH (không có ca tử vong), giảm 10% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, đang vào mùa mưa, nhiều địa phương đang gia tăng bệnh SXH và có nguy cơ bùng phát rộng (Thanh niên, trang 5).