Điểm báo ngày 21/7/2020

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế đào tạo cán bộ quản lý bệnh viện trong tình hình mới; Trường học Tây nguyên huy động toàn lực phòng chống dịch bệnh bạch hầu; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm 2 bé sau phẫu thuật tách rời; Đắc Lắc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu…

Bộ Y tế đào tạo cán bộ quản lý bệnh viện trong tình hình mới

Gần 60 Giám đốc, Phó giám đốc, các cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo của gần 40 bệnh viện thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã tham dự khóa đào tạo quản lý bệnh viện trong tình hình mới

Ngày 20/7 tại Thành phố Cần Thơ, lần đầu tiên Khóa đào tạo quản lý bệnh viện cho các bệnh việc thuộc Đồng bằng sông Cửu Long được Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Trung tâm phát triển năng lực quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức. Đây cũng là khóa học quản lý dành cho lãnh đạo các bệnh viện sau một thời gian tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Gần 60 Giám đốc, Phó giám đốc, các cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo của gần 40 bệnh viện thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã tham dự khóa đào tạo.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế cảm ơn các lãnh đạo bệnh viện đã nỗ lực không ngừng trong phòng chống COVID-19 để có mặt trong khóa Đào tạo quản lý Bệnh viện lần đầu tiên của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong tình hình mới hiện nay, khi cả nước tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19; dịch bạch hầu, sốt xuất huyết… các bệnh viện cũng đang thực hiện đổi mới để tự chủ, sắp xếp đổi mới bộ máy thì việc tham gia khóa đào tạo quản lý Bệnh viện góp phần giúp lãnh đạo các bệnh viện vượt qua những thách thức; sử dụng tốt nhất các nguồn lực để phát triển bệnh viện.

Bên cạnh việc đổi mới quản lý tài chính, quản trị nhân lực, cơ sở vật chất, các lãnh đạo bệnh viện phải tìm hiểu và nắm chắc các văn bản pháp luật của Nhà nước và Bộ Y tế để vận dụng hiệu quả.

“Trong thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện tốt phòng chống và điều trị COVID-19 nhưng không ít đơn vị gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị …. Đó chính là những thách thức  và lỗ hổng trong quản lý mà đội ngũ lãnh đạo và đội ngũ kế cận phải khắc phục” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lực quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, khóa đào tạo là dịp để các học viên chia sẻ kinh nghiệm, những đặc thù trong quản lý, điều hành bệnh viện trong thực hiện mục tiêu chung của ngành y tế và vượt qua những khó khăn, thách thức trong tình hình mới.

Hiện cả nước có 39 bệnh viện tuyến trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 Phòng khám Tư nhân; 11.000 Trạm y tế. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã phát triển vươn lên, trong khi một vài bệnh viện trung ương phát triển chững lại, trong khi đó đến đầu năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong giai đoạn này các bệnh viện phải thực hiện tốt Nghị quyết 20/NQ-TW; Quyết liệt trong thực hiện 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện để đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế, hạn chế sai sót chuyên môn và đảm bảo an toàn người bệnh; thực hiện chất lượng bệnh viện gắn với giá dịch vụ y tế; thanh toán BHYT. Bên canh đó, tiếp nối thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện cần tích cực thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa trong thời đại hiện đại hóa ngành y tế; thực hiện hồ sơ sức khỏe toàn dân….

Đồng thời, bên cạnh vấn đề phát triển chuyên môn, các bệnh viện cũng cần quan tâm đến những vấn đề nội bộ, đoàn kết bệnh viện để phát triển bệnh viện, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Trường học Tây nguyên huy động toàn lực phòng chống dịch bệnh bạch hầu

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành giáo dục đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh và học sinh về sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu.

Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, các đơn vị trực thuộc chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành Y tế địa phương triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu. Bên cạnh đó, huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia tích cực vào chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống dịch bệnh tại trường học, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tuân thủ tiêm chủng và điều trị dự phòng bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của ngành Y tế. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại đơn vị phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương biết để tổ chức khám, điều trị và xử trí kịp thời.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, UBND huyện Đăk Tô cũng đã chỉ đạo các trường khẩn trường cho học sinh thi học kì II. Hiện tại 36 trường từ bậc Mầm non đến THCS đã được nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh.

Không chỉ tại huyện Đăk Tô, tại huyện Sa Thầy 37 trường Mầm non, Tiểu học và THCS sau khi kết thúc chương trình học và kì thi học kì II năm học 2019-2020 đã được nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh.

Trước khi học sinh nghỉ học các trường tổ chức tổng dọn vệ sinh, khử trùng, cho học sinh mang toàn bộ dụng cụ cá nhân về nhà. Riêng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cuối năm.

Trong thời gian học sinh nghỉ học các trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh và học sinh cách phòng, chống bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành Y Tế để phun thuốc khử trùng và cho học sinh uống thuốc để phòng bạch hầu.

Còn tại làng Bông Hiot (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) toàn bộ học sinh trong làng đã được nghỉ học 1 tuần để phòng, chống bệnh bạch hầu. Trong thời gian này các em học sinh được thăm khám, uống thuốc phòng dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, đơn vị đã phối hợp với đoàn công tác của Bộ Y Tế đi kiểm tra thực tế tại các trường học trên địa bàn để triển khai các biện pháp y tế phù hợp.

Bên cạnh đó, Sở đã có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn theo dõi, kiểm tra thân nhiệt đối với các em học sinh trước khi vào lớp. Đặc biệt quan tâm những vùng nằm trong ổ dịch để có các biện pháp y tế phù hợp. Bên cạnh đó, ngành giáo dục phối hợp với ngành Y Tế tiếp tục triển khai các biện pháp để ngăn ngừa bệnh bạch hầu.

Tại Kon Tum đã phát hiện 23 trường hợp dương tính với bạch hầu; Gia Lai 13 trường hợp dương tính, trong đó 1 trường hợp tử vong; Đắk Nông 25 ca dương tính, 2 trường hợp tử vong. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm 2 bé sau phẫu thuật tách rời

Sáng 20/7 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm 2 bệnh nhi song sinh dính liền phức tạp đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố, TP.HCM sau ca phẫu thuật tách rời.

Cùng theo đoàn có  đoàn Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo UBND TP.HCM, đại diện Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

2 bệnh nhi đều đã ổn định sức khoẻ

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước về ca phẫu thuật tác dính và tình hình 2 bé sau phẫu thuật, TS.BS Trương Quang Định – Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố cho biết, tháng 6/2019 BV Nhi đồng Thành phố tiếp nhận từ BV Hùng Vương 1 trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu phức tạp, tuổi thai 33 tuần, cân nặng lúc sinh của cả 2 bé được 3,2kg. Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong cũng như các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân khác. Đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1:200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.

Hai bé dính liền vùng bụng với hàng loạt bất thường tại vùng bụng chung: Về hệ tiêu hoá, 2 bé có chung 1 phần hồi tràng, 1 khung đại tràng và chỉ có 1 lỗ hậu môn. Về hệ thận niệu, 2 bé có 2 bàng quang nằm 2 bên của ổ bụng chung, mỗi bàng quang được 2 niệu quản xuất phát từ 2 bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng 1 bé. Về cơ quan sinh dục, 2 bé có tử cung âm đạo đôi. Ngoài ra, 2 bé còn có hở khớp mu, khung chậu 2 bé lại xếp thành 1 vòng tròn.

Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật tách dính, hai bé đã được chăm sóc, điều trị liên tục từ tháng 7-2019. Đến nay hai bé đã 13 tháng tuổi, nặng 15kg, các chỉ số sức khoẻ phát triển tốt đảm bảo cho cuộc phẫu thuật.

Vào lúc 6 giờ 30 phút, ngày 15/7 ca phẫu thuật tách dính cho 2 bệnh nhi được thực hiện tại BV Nhi đồng Thành phố. Sau 2 giờ ê kíp gây mê hoàn thành công tác chuẩn bị, Trưởng êkip phẫu thuật tiến hành rạch da thám sát tổng thể, sau đó lần lượt các êkip Ngoại Tổng quát tiến hành phân chia đường tiêu hoá, êkip Thận niệu tiến hành phân chia hệ tiết niệu và sinh dục, êkip chỉnh hình tạo hình tiến hành tách khung chậu. Đến 14 giờ 07 phút 2 bé được tách đôi hoàn toàn và được di chuyển sang 2 phòng mổ tách biệt nhau. Sau đó êkip chỉnh hình, thận niệu, Ngoại tổng quát lần lượt phục hồi khung chậu, đường tiết niệu sinh dục, đường tiêu hoá cho mỗi bé. Đến 16 giờ 55 phút, êkip tạo hình khâu phục hồi thành bụng và tạo hình da, bó bột cố định khung chậu cho mỗi bé. Đến 19 giờ 20 phút, cuộc mổ kết thúc sau 14 giờ tính từ lúc gây mê phẫu thuật. Sức khoẻ của 2 bé ổn định được chuyển đến phòng Hồi sức sức ngoại tiếp tục máy, an thần và giảm đau. Dự kiến sau 3 tháng tới, 2 bệnh nhi sẽ phải trải qua thêm một cuộc phẫu thuật đóng hậu môn tạm.

TS.BS Trương Quang Định chia sẻ: “Mỗi bé phải trải qua 4 cuộc “đại phẫu”: Phẫu thuật đường tiêu hóa, tiết niệu, xương chậu và tầng sinh môn. Đến nay dù sinh hiệu đều ổn định nhưng các bé vẫn còn rất đau, các bé vẫn được hỗ trợ thở máy, sử dụng vận mạch, an thần và giảm đau và theo dõi chặt chẽ các nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt, trong thời gian 13 tháng dính liền giữa 2 bé có sự thông nối mạch máu, sau khi tách rời các bé sẽ có sự thay đổi. Bên cạnh đó, việc lấy 1 phần đại tràng của Diệu Nhi ghép cho Trúc Nhi giống như một quá trình ghép tạng, có nguy cơ phản ứng viêm cần theo dõi chặt chẽ về hậu phẫu, tránh các biến chứng sau ghép”.

Nỗ lực để thành công được trọn vẹn

Tại đây Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã bày tỏ sự xúc động khi được trực tiếp vào thăm 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi sau ca phẫu thuật tách dính phức tạp được cả nước quan tâm. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã biểu dương những nỗ lực của BV Nhi đồng Thành phố và cả êkip tham gia vào ca phẫu thuật đã chuẩn bị chu đáo, thận trọng tính toán, phân công chi tiết để đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh nhi, lường trước được các tình huống có thể xảy ra trước và sau phẫu thuật. Đặc biệt, BV đã có chuẩn bị trước chặng đường dài sắp tới để tiếp tục điều trị cho 2 bệnh nhi. Đối với cha mẹ của 2 bệnh nhi, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng phấn khởi chúc mừng khi cha mẹ của bệnh nhi được nhìn con với hình ảnh hoàn toàn khác trước đây.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ đạo: “Hiện nay nhiệm vụ của êkip các BS là làm sao để cố gắng phục hồi cho 2 bé như những bé bình thường. Cả 2 bé được đi lại, học tập, đóng góp cho xã hội. Với những tiến bộ về y tế cũng như năng lực chuyên môn, sự tận tâm, tận tuỵ của các BS chúng tôi tin tưởng rằng 2 bé sẽ sớm bình phục”. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Ngành y chưa bao giờ được ca ngợi như lúc này, sau dịch COVID-19 vừa qua, Việt Nam dù có đường biên giới sát với quốc gia bùng phát dịch bệnh nhưng với nỗ lực đã khống chế được dịch bệnh, đến nay lại thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp, chứng minh cho thế giới biết đến tiến bộ y tế của Việt Nam, đã càng tạo thêm niềm tin, tự hào cho người dân. Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi chúc BV Nhi đồng Thành phố nói riêng và ngành y tế nói chung có thêm những thành tựu y học vĩ đại”.

Trong khuôn khổ buổi thăm và làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao quà truyền thống đến với BV Nhi đồng Thành phố và trao thưởng cho êkip đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh.

Cũng tại đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã trao quyết định khen thưởng cho êkip các BS. Quyết định khen thưởng do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký. Ngoài ra, bà Lê Tuyết Mai – Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cũng đã trao quà và 20 triệu đồng cho cha mẹ của 2 bệnh nhi Trúc Nhi – Diệu Nhi. Phát biểu tiếp thu chỉ đạo tại đây, TS.BS Trương Quang Định cho biết: “Thành công của ca phẫu thuật không của chỉ riêng cá nhân nào, mà là thành công của cả êkip tham gia vào ca mổ bên cạnh đó là những người dù không trực tiếp tham vào ca mổ nhưng luôn có tinh thần hợp tác cùng êkip để cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất cho cuộc mổ thành công. Tiếp thu chỉ đạo, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng chăm sóc 2 bé để sự thành công được trọn vẹn”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Đắc Lắc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Ngày 20-7, đoàn công tác của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) do Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã có buổi làm việc với ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk về tình hình và công tác phòng, chống dịch, trong đó có bệnh bạch hầu.

Tại buổi làm việc, Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, nâng tổng số bệnh nhân mắc bạch hầu toàn tỉnh lên 18 trường hợp.

Theo đó, một trường hợp vừa được phát hiện dương tính với bạch hầu là thanh niên 19 tuổi, trú tại xã Cư Drăm, huyện Krông Bông.

Hiện, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 18 trường hợp dương tính với bạch hầu tại năm huyện, gồm huyện Lắk có một trường hợp, huyện M’Đrắk có bảy trường hợp, huyện Cư M’gar có sáu trường hợp, huyện Krông Bông ba trường hợp và huyện Cư Kuin có một trường hợp. Trong số 18 trường hợp nói trên thì có chín người lành mang trùng bạch hầu.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngành y tế tỉnh đã lấy tổng cộng 138 mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Đồng thời, đã triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho các địa phương có trường hợp dương tính với bạch hầu; chuẩn bị tiêm vắc xin Td cho 7.500 cán bộ, nhân viên y tế (cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân) trên toàn tỉnh, sau đó sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh.

Dự kiến, tổng số liều vắc-xin phòng bạch hầu cho toàn tỉnh là 3,7 triệu liều với kinh phí khoảng 32 tỷ đồng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Số ca dương tính với bạch hầu trên địa bàn tỉnh đang tăng lên từng ngày nên cần phải triển khai sớm công tác tiêm vắc-xin để kịp thời ngăn chặn và phải có kế hoạch cụ thể. Đối với những khu vực đang có dịch bệnh thì phải được ưu tiên trước.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Tiến sĩ Đặng Quang Tấn đề nghị tỉnh đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc-xin phòng bạch hầu ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là các địa phương đã có trường hợp mắc bệnh bạch hầu thì ưu tiên triển khai tiêm trước để ngăn chặn tình trạng lây lan của bệnh bạch hầu trong cộng đồng. (Nhân dân, trang 5).

 

Thêm một người mắc Covid -19 và ba người được công bố khỏi bệnh

Sáng 21-7, Việt Nam công bố thêm 12 ca mới mắc Covid-19 là công dân Việt Nam trở về từ Liên bang Nga ngày 17-7.

Cả 12 trường hợp này cùng đi trên chuyến bay VN5062 từ Liên Bang Nga (quá cảnh Belarus) về Sân bay Vân Đồn ngày 17-7, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Bốn bệnh nhân bao gồm: BN385 (bệnh nhân nữ, 51 tuổi, có địa chỉ tại Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, Hà Nam); BN386 (bệnh nhân nam, 53 tuổi, có địa chỉ tại Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, Hà Nam); BN387 (bệnh nhân nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ, Nam Định); BN388 (bệnh nhân nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại Cửa Lò, Nghệ An) sau nhập cảnh được cách ly ngay tại Nam Định.

Bốn bệnh nhân này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 19-7 nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2.

Mẫu bệnh phẩm tiếp tục được gửi tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm tham chiếu. Kết quả xét nghiệm ngày 20-7 có bốn mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả bốn bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

Tám bệnh nhân còn lại bao gồm: BN389 (bệnh nhân nam, 34 tuổi, có địa chỉ tại Hoằng Quỳ, Hoằng Hoá, Thanh Hoá); BN390 (bệnh nhân nam, 41 tuổi, có địa chỉ tại phường Phước Hải, TP. Nha Trang, Khánh Hoà); BN391 (bệnh nhân nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng); BN392 (bệnh nhân nữ, 24 tuổi, có địa chỉ tại Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình); BN393 (bệnh nhân nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại Trung An, Vũ Thư, Thái Bình); BN394 (bệnh nhân nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); BN395 (bệnh nhân nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà, Hà Nội); BN396 (bệnh nhân nam, 38 tuổi, có địa chỉ tại Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hoà).

Cả tám trường hợp này sau nhập cảnh được cách ly ngay tại Ninh Bình, được lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh này. Kết quả xét nghiệm ngày 19-7 có tám mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện cả tám bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đến sáng nay, Việt Nam ghi nhận 396 ca mắc Covid-19, trong đó có 256 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

96 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.088 người.  (Nhân dân, trang 8).

 

Trung tâm cấp cứu 115: Bất thường 1 quãng đường thu 2 khoản phí

Chỉ một quãng đường chưa đầy 1km, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lại thu đến 2 lần tiền với mức giá khác nhau. Nghi ngờ có điểm bất thường và thiếu minh bạch trong hoạt động thu phí dịch vụ vận chuyển của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, người dân đã làm đơn kiến nghị gửi các cấp để yêu cầu câu trả lời rõ ràng, thuyết phục.

Vận chuyển thi hài chưa đầy 1km thu 2 khoản phí

Trong đơn kiến nghị gửi các cấp, ông N.C.T (Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) đã phản ánh những sai phạm trong hoạt động của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Cụ thể, vào ngày 3.2.2020, ông và gia đình có sử dụng dịch vụ của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội để chuyển thi hài của mẹ đến nơi làm tang lễ.

Sau đó, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã đưa cho gia đình ông T, 2 hoá đơn thu tiền với mức giá khác nhau gồm: biên lai thu tiền số 0002341 ngày 3.2.2020 với số tiền 504.000 đồng với nội dung cấp cứu để lại và biên lai thu tiền 001964 ngày 3.2.2020 với số tiền thu là 700.000 đồng với nội dung chuyển thi hài theo yêu cầu đến nhà tang lễ 354. Điều đáng nói là khoảng cách từ gia đình ông T là 238 Đội Cấn đến nhà tang lễ Bệnh viện 354 là 800 mét.

“Một quãng đường chưa đầy 1 km mà nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã thu của gia đình tôi 2 hoá đơn với mức giá khác nhau. Vậy tôi xin phép được hỏi đâu là thật, đâu là giả?”, ông T bức xúc.

Ông T sau đó đã làm đơn kiến nghị gửi lên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội nhằm làm rõ những bức xúc và nghi vấn xung quanh 2 hoá đơn thu tiền của Trung tâm.

“Tôi cần sự minh bạch, không chỉ cho gia đình mình, cho người mẹ đã mất mà còn cho rất nhiều người dân khác đã đang và sẽ sử dụng dịch vụ của Trung tâm Cấp cứu 115″, ông T bức xúc.

Trung tâm Cấp cứu 115 nhận sau, “xin được giải quyết nội bộ”

Trong Biên bản làm việc giữa gia đình ông N.C.T và đại diện Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội ngày 15.5.2020, ông Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho rằng, kíp xe có một số nội dung thực hiện chưa đúng, nhưng lại không nói cụ thể là chưa đúng những gì. Vị giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội mong muốn “với tinh thần cầu thị, trung tâm rất muốn được gia đình tạo điều kiện cho trung tâm được giải quyết nội bộ sự việc trên”. Đồng thời, đại diện Trung tâm cũng cho biết sẽ bồi hoàn lại cho gia đình số tiền đã thu.

Trước trả lời này của đại diện Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, ông T và gia đình cho rằng, sự việc chưa được giải quyết “thấu tình đạt lý”.

“Trên thực tế, trong buổi trao đổi, đại diện trung tâm cấp cứu 115 đã nhận sai nhưng việc này lại không được đề cập trong biên bản làm việc”, ông T cho biết.

Ngày 20.5.2020, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tiếp tục gặp gỡ ông N.C.T và gia đình tại Thanh tra Sở Y tế để trao đổi giải quyết kiến nghị phản ánh. Đến lúc này đại diện Trung tâp Cấp cứu 115 Hà Nội mới nhận những sai phạm của kíp trực với gia đình ông T.

Qua xác minh, Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, đối với Biên lai thi tiền 0002341 được lập theo quyết định 45/2017/QĐ-UBND ngày 21.12.2018 của UBND TP Hà Nội ban hành giá dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế khi kíp cấp cứu đến nơi, bệnh nhân đã mất trước khi xe cấp cứu đến, kíp cấp cứu không tiến hành cấp cứu mà chỉ tiến hành lập biên bản tử vong.

“Vì vậy việc thu theo nội dung “Cấp cứu tại chỗ để lại nhà không vận chuyển” là không phù hợp”, đại diện Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thừa nhận.

Đối với Biên lai thu tiền số 001964 được lập theo quy định tại Quyết định số 190/QĐ-TTCC ngày 20.8.2018 của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội về việc ban hành giá thu dịch vụ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội với mức thu vận chuyển thi hài theo yêu cầu trên quãng đường từ 10 đến dưới 15 km. Sau khi xác minh, quãng đường thực tế mà kíp cấp cứu vận chuyển thi hài theo yêu cầu là 800 mét. Đối chiếu với quy định của Trung tâm, với khoảng cách này, giá vận chuyển thi hài theo yêu cầu là 600.000 đồng.

“Như vậy kíp cấp cứu đã thu sai so với quy định 100.000 đồng”, đại diện của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết.

Tại sao lại có việc thu 2 lần tiền với giá khác nhau cho cùng 1 lần vận chuyển. Báo Lao Động sẽ thông tin trong bài tiếp theo.  (Lao động, trang 1).

 

Xử lý sự cố y khoa nghiêm trọng tại Bình Phước

Tối 20-7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế Bình Phước xử lý sự cố y khoa nghiêm trọng khi một cháu bé 7 tuổi vào Bệnh viện đa khoa Bình Phước mổ lấy đinh ở tay nhưng sau mổ bị hôn mê, phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh để điều trị mà vẫn không qua khỏi. Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế Bình Phước phối hợp Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẩn trương động viên, chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân. Sớm tiến hành kiểm thảo tử vong, thành lập hội đồng chuyên môn để nhận định nguyên nhân, phối hợp các cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 102/2011/NÐ-CP. Rà soát tất cả các quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc đã thực hiện trên người bệnh từ lúc nhập viện đến khi xảy ra biểu hiện xấu và tử vong. Chỉ định một đầu mối phát ngôn của Sở Y tế để cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ cho cơ quan báo chí, truyền thông và sớm thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn và kết quả giám định pháp y đến gia đình nạn nhân. (Nhân dân, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/5/2021

CDC Hà Nam

20 vấn đề sức khỏe không thể chờ đợi hết dịch Covid-19 mới đi khám

CDC Hà Nam

Để lại bình luận