Thủ tướng: Tùy hoàn cảnh cụ thể, các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc 16 với các ổ dịch COVID-19

(CDC Hà Nam)
Phát biểu chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 sáng ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong bối cảnh tình hình phức tạp. Tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện.

 

Triển khai mọi biện pháp để dập ổ dịch tại Đà Nẵng, hỗ trợ Quảng Nam

Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến sáng 29/7, ổ dịch tại Đà Nẵng đã ghi nhận 30 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 27 trường hợp tại Đà Nẵng; 2 trường hợp tại Quảng Nam; 1 trường hợp tại Quảng Ngãi. Dự kiến, chiều nay sẽ công bố thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố lớn.

Nhận định tình hình dịch của Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phần lớn các trường hợp nhiễm có liên quan đến khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa).

Xác định ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận bên ngoài, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có 3 trường hợp chưa tìm thấy nguồn gốc lây nhiễm (trường hợp lây nhiễm cộng đồng thuộc quận Hải Châu và quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) dù đã tiến hành điều tra kỹ.

Đối với các địa phương khác, hiện nay mới chỉ phát hiện khả năng cao xâm nhập từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Đắk Nông. Do đó, hiện nay ưu tiên tối đa cho vấn đề về dập dịch tại ổ dịch Đà Nẵng. “Dập ổ dịch của Đà Nẵng hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Đà Nẵng cần phải chạy đua với thời gian và triển khai nhanh tất cả các biện pháp”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh

Lưu ý tầm quan trọng trong vấn đề về xét nghiệm tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, hiện nay, khả năng xét nghiệm của Đà Nẵng đạt trên 1.000 mẫu, có thể đạt tối đa 2.000 mẫu/ngày. Dưới sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đà Nẵng đặt mục tiêu xét nghiệm từ 5.000 đến 7.000 mẫu xét nghiệm/ngày.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, ngoài những đội tinh nhuệ đã được cử vào Đà Nẵng về điều trị, xét nghiệm, điều tra dich tễ, Bộ Y tế cử đội công tác là các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng và thiết lập một phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Viện Pasteur Hồ Chí Minh hỗ trợ CDC Đà Nẵng, thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện 199 Bộ Công An.

Dự kiến, ngày 30/7, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga sẽ đến Đà Nẵng hỗ trợ với việc thành lập một phòng thí nghiệm di động và Học viện Quân y hỗ trợ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xét nghiệm.

Bộ Y tế đã giao trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam để có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm tại đây.

Liên quan đến việc điều chỉnh các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bộ Y tế yêu cầu chuyển tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Hiện một số bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền, chạy thận nhân tạo đã chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế.

Đối với tất cả địa phương trên cả nước, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực; khả năng xét nghiệm để đảm bảo cho công tác phát hiện, khoanh vùng, dập dịch và điều trị.

Cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, đảng của các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch, huy động hệ thống chính trị và nhân dân cùng đồng hành tham gia.

Theo đó, từng địa phương phải có kịch bản ứng phó với COVID-19, trong đó phải có những biện pháp khuyến cáo đến nhân dân về các biện pháp phòng chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp       Ảnh:Chinhphu.vn

Theo Thủ tướng, dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0, do đó, tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn, các tỉnh, thành phố xung quanh thành phố Đà Nẵng.

“Vì vậy, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này”, Thủ tướng nêu rõ. “Khi tình hình xấu rồi thì sẽ trở tay không kịp”, do đó, không được chủ quan. Các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch để đề cao cảnh giác.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo. Các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác, “các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp đã được phổ biến”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế, tài chính và các địa phương phải đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, gồm cả công cụ xét nghiệm và đảm bảo an toàn cho các lực lượng có liên quan. Cùng với đó là đẩy mạnh truy tìm F1 và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, nhất là Quân khu 5, cần thực hiện cách ly cho người dân Đà Nẵng tốt nhất, bởi đây là nơi có số lượng cần cách ly đông.

Để nâng cao năng lực xét nghiệm, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng cần tăng cường thêm phương tiện, cán bộ chuyên gia không chỉ cho địa phương mà cả các địa phương khác khi có yêu cầu. Tăng cường xét nghiệm, nhất là ở những địa phương có điều kiện, đối với những cá nhân tiếp xúc với bệnh nhân và tiếp cận nhưng nơi ổ dịch.

Thủ tướng đồng ý phương án tăng cường vị trí điều trị ở các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, các bệnh viện ở Huế, Quảng Nam để điều trị cho bệnh nhân có bệnh nền nặng. Các trường hợp cần thiết cần tăng cường xét nghiệm kịp thời hơn, nhất là cần ra lời kêu gọi những người sốt, ho để chủ động đi xét nghiệm để sàng lọc các ca nhiễm.

Thủ tướng đồng ý chủ trương đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở y tế tư nhân; ở Trung ương do Thủ tướng quyết định, ở địa phương sẽ do Chủ tịch UBND quyết định.

Cần nâng cao năng lực xét nghiệm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường thêm phương tiện, cán bộ có liên quan không chỉ cho Đà Nẵng mà các địa phương khác khi có yêu cầu.

Thủ tướng đồng ý phương án tăng cường các vị trí điều trị ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện quân đội, các cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam để xử lý tình hình có các bệnh nhân mắc bệnh nền rất nặng.

Bảo đảm bình ổn giá cả, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân

Thủ tướng nêu rõ tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện. Còn đối với Đà Nẵng, thực hiện triệt để Chỉ thị 16 trong phạm vi toàn Thành phố. Thủ tướng lưu ý, không được ngăn sông cấm chợ. Từng địa phương đều có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch, trong đó phải có những biện pháp khuyến cáo đến nhân dân về phòng chống dịch.

Thủ tướng nêu rõ tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện                         Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly mà mình đang quản lý.

Những nơi tập trung đông người, đặc biệt phương tiện giao thông công cộng thì cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch diệt khuẩn… Những nơi có dịch bệnh không tổ chức các lễ hội lớn, kể cả vận động không tổ chức đám tang, đám cưới đông người…

Thủ tướng đề nghị các địa phương, Bộ GD&ĐT có phương án bảo đảm kỳ thi an toàn.

Các địa phương đều phải tổ chức tốt quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là bảo đảm bình ổn giá cả, bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để tình trạng lộn xộn xảy ra trên địa bàn của mình.

Không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà các trung tâm, các thành phố lớn, nhất là các thành phố du lịch ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng cho đến Bình Thuận… phải có biện pháp chủ động hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh, hai ngày một lần, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phải họp xử lý công việc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý các vấn đề cần thiết.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ nguồn lực, sinh phẩm y tế để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng; Tăng cường hỗ trợ trang thiết bị y tế, hỗ trợ máy thở nhân tạo, ECMO để điều trị bệnh nhân; tạo thuận lợi hỗ trợ chuyên môn, nguồn lực, cả bệnh viện dã chiến đề phòng dịch diễn biến xấu.

Tại cuộc họp, Bộ Quốc phòng cho biết đã kích hoạt các biện pháp “chống dịch như chống giặc” như trước đây, siết chặt quản lý địa bàn ở những nơi có nguy cơ cao, tập trung quản lý ở các khu cách ly tập trung, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly khi cần cách ly số lượng lớn hơn. Bộ yêu cầu biên phòng các địa phương rà soát, kiểm tra chặt chẽ các khu vực biên giới.

Suckhoedoisong.vn

 

Bài viết liên quan

HÀ NAM: TIẾP NHẬN ỦNG HỘ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Ngọc Nga

Sở Y tế tỉnh Phú Yên thông báo khẩn

Mậu Ngọ

Phòng học đảm bảo tiêu chuẩn chiếu sáng

hanh phan

Để lại bình luận