Điểm báo ngày 27/7/2019

(CDC Hà Nam)
Phòng chống dịch Covid -19: Thủ tướng yêu cầu xét xử nghiêm các vụ nhập cảnh trái phép; Phát hiện thêm 2 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, Việt Nam có 420 ca bệnh; Xây dựng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT chuyên nghiệp, hiện đại; Giám đốc Biện viện K lý giải con số 70% bệnh nhân ung thư Việt Nam tử vong; TPHCM: Giám sát y tế những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7…

Phòng chống dịch Covid -19: Thủ tướng yêu cầu xét xử nghiêm các vụ nhập cảnh trái phép

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Quốc Phòng, Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là tại các đường mòn, lối mở, cửa khẩu; tăng cường việc kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án khẩn trương xem xét, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc nhập cảnh trái phép. Đây là một trong những nội dung nêu trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid – 19 diễn ra cuối tuần. (Chi tiết xem báo).  (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Phát hiện thêm 2 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, Việt Nam có 420 ca bệnh

Bản tin 18h ngày 26/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, Việt Nam có 420 ca bệnh

CA BỆNH 419 (BN419): Bệnh nhân nam, 17 tuổi, ở phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 14/7/2020, bệnh nhân đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để chăm anh đang điều trị, đến ngày 17/7/2020 về Quảng Ngãi bằng xe khách, trên xe có một số người từ Bệnh viện C Đà Nẵng về Quảng Ngãi.

Ngày 20/7/2020, bệnh nhân từ Quảng Ngãi đến lại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và có biểu hiện sốt.

Ngày 22/7/2020, bệnh nhân đi tầu từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi và có biểu hiện sốt, ho nhẹ, hơi khó thở, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi.

Ngày 24/7/2020, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ngãi lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, kết quả ngày 26/7/2020 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân đang chuyển cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Bình Sơn, cơ sở điều trị 2, Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

CA BỆNH 420 (BN420): Bệnh nhân nữ, 71 tuổi, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Ngày 12/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực, đến ngày 22/7 nhập viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Ngày 25/7 Bệnh viện C Đà Nẵng lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 26/7 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Tổng số ca mắc:

– Tính đến 6h ngày 26/7: Việt Nam có tổng cộng 420 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

– Tính từ 6h đến ngày 26/7: ghi nhận 2 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.187, trong đó:

– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 220

– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.193

– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 774

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/420 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 87,5% tổng số ca bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.

Tính đến chiều ngày 26/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 47 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khoẻ ổn định. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị 06 ca bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa- Vũng Tàu điều trị 16 ca bệnh- là cơ sở y tế điều trị nhiều bệnh nhan nhất đến thời điểm này;

Trung tâm y tế huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi điều trị 01 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu 03 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 01 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định điều trị 07 ca; Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình điều trị 11 ca; Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương điều trị 01 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị 04 ca bệnh… Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc điều trị 01 ca bệnh, Bệnh viện Thành phố Đà Nẵng điều trị 02 ca bệnh; Trung tâm Y tế Bình Sơn- Quảng Ngãi điều trị 01 ca bệnh; Bệnh viện C Đà Nẵng điều trị 01 ca bệnh (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

 

Xây dựng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT chuyên nghiệp, hiện đại

Tính đến ngày 31/3/2020, đã mở rộng và phát triển được trên 12 nghìn đại lý thu với trên 37 nghìn điểm thu và trên 52 nghìn nhân viên đại lý thu. Qua hệ thống đại lý thu, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày càng tăng, hàng năm đều đạt Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao về phát triển đối tượng…

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT

Phát biểu tại Hội thảo sửa đổi, bổ sung quy trình hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT; xây dựng tài liệu, quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT do BHXH Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Khánh Hoà, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, sau gần 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Quy định hoạt động của đại lý thu BHXH, BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1599/QĐ-BHXH ngày 28/10/2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhìn chung, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai có hiệu quả quy định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý đại lý thu thống nhất trên toàn quốc; hoạt động của đại lý thu đã đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định số 1599/QĐ-BHXH cho thấy, quy định đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung như: Chưa quy định về pháp nhân đối với một số tổ chức làm đại lý thu; chưa quy định đối với đại lý thu được cơ quan BHXH ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ khác; Công tác đào tạo, bồi dưỡng quy trình khai thác phát triển đối tượng cho nhân viên đại lý thu chưa được chú trọng; Nhân viên đại lý thu chưa chuyên nghiệp, kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa chủ động trong việc tiếp cận đến một số địa bàn rộng, dân cư không tập trung; chưa hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT…

Với chủ trương hướng đến xây dựng một hệ thống đại lý thu chuyên nghiệp, hiện đại, Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 1599/QĐ-BHXH; xây dựng tài liệu, quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT…

Phát huy vai trò của công tác truyền thông

Tại hội thảo, đại diện Ban Thu (BHXH Việt Nam) đã trình bày 2 Dự thảo. Theo đó, Dự thảo Quy định hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT gồm 07 chương với 25 điều, trong đó quy định rõ về điều kiện, hồ sơ làm đại lý thu BHXH, BHYT; điều kiện, hồ sơ làm nhân viên đại lý thu; nội dung, nguyên tắc và quản lý hoạt động đại lý thu; đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch và cấp thẻ nhân viên đại lý thu; quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan đến hoạt động đại lý thu.

Dự thảo Quy trình khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh, thành phố: Tổ chức khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đối với người cư trú trên địa bàn thành phố thuộc tỉnh và các trường hợp không phân cấp cho BHXH huyện. BHXH  huyện, tổ chức khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đối với người cư trú trên địa bàn huyện và các trường hợp có tính chất đặc thù như người lao động trong các hội, hiệp hội, làng nghề… theo phân cấp của BHXH tỉnh.

Quy trình tư vấn, khai thác, phát triển đối tượng như tư vấn trực tiếp cho cá nhân; tổ chức hội nghị khách hàng; chăm sóc khách hàng; chế độ thông tin báo cáo…

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng, công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bền vững. Thông qua công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT đã làm chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, giúp nhân dân, người lao động nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Vì vậy, nhân viên đại lý thu đi tuyên truyền, vận động cần phải được đào tạo bài bản, toàn diện về kiến thức, hiểu biết, nắm vững chính sách BHXH, cách thức, kỹ năng tiếp cận người dân. Đồng thời, cần ban hành bộ tài liệu truyền thông rút ra từ thực tiễn công tác truyền thông, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Nội dung bộ tài liệu phù hợp, gắn liền với thực tế, đơn giản, dễ hiểu, cô đọng, chính xác để người dân dễ nắm bắt được chính sách BHXH tự nguyện, BHYT. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các kịch bản truyền thông nhằm xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Giám đốc Biện viện K lý giải con số 70% bệnh nhân ung thư Việt Nam tử vong

Theo một nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ ung thư tại Việt Nam đứng cao nhất trong số 10 nước được thống kê. PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho rằng con số này chưa phản ánh đầy đủ.

Cơ quan nghiên cứu và phân tích toàn cầu (EIU) thuộc tạp chí The Economist vừa công bố nghiên cứu về ứng phó với bệnh ung thư tại 10 quốc gia thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong đó gồm: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Báo cáo chủ yếu dựa trên nguồn dữ liệu của tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới (IARC) và một phần do EIU thu thập độc lập.

Theo đó, trong năm 2018, khu vực này ghi nhận 8,8 triệu ca mắc ung thư mới và 5,5 triệu người tử vong, sự báo số mắc tiếp tục tăng. Tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tại Việt Nam ung thư đứng hàng 2 (chiếm gần 18% các trường hợp tử vong do nguyên nhân bệnh tật.

Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ung thư ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, dao động 60-70%, Việt Nam có tỷ lệ tử vong xấp xỉ 70%. Ở nhóm các quốc gia có thu nhập cao dao động 30 – 50%, cụ thể Nhật Bản chưa tới 50%, tỷ lệ này tại Hàn Quốc là 35% và tại Australia là 28%.

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), con số gần 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tử vong không phải là số chết trên số mắc mới trong 1 năm. Cụ thể, năm 2018, Việt Nam có 165.000 ca mắc mới ung thư, 115.000 ca tử vong, con số tử vong này là số tích luỹ của các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư từ trước đó, không phải trên số chết trên số mắc mới.

Ngoài ra, tỷ lệ tử vong trong ung thư đánh giá tại một thời điểm không có giá trị bằng đánh giá trong một khoảng thời gian dài 3 hay 5 năm. Tiêu chí chính xác hơn đánh giá năng lực điều trị ung thư là thời gian sống thêm, bệnh nhân sống thêm được bao lâu từ thời điểm chẩn đoán, điều trị.

Báo cáo của EIU cũng chỉ ra rằng tỷ lệ bệnh nhân ung thư tử vong ngay trong năm đầu tiên tại các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là 29%, PGS Quảng cho biết.

Ngoài ra nguyên nhân ung thư ở các nước khác nhau dẫn đến cơ cấu, tỷ lệ các loại ung thư khác nhau cũng là yếu tố làm nên tỷ lệ tử vong ung thư chung khác biệt giữa các nước.

PGS Quảng dẫn chứng Việt Nam, 3 ung thư hay gặp nhất là phổi, gan, dạ dày đều là những ung thư tiến triển nhanh, ác tính, tiên lượng xấu, điều trị khó khăn. Ngay các nước tiên tiến, nếu bệnh nhân mắc 3 bệnh ung thư trên, thì tỷ lệ điều trị hiệu quả cũng rất thấp nếu phát hiện ở giai đoạn muộn.

Trong khi đó tại Australia, 3 ung thư phổ biến nhất trong nghiên cứu là ung thư vú, tiền liệt tuyến, đại trực tràng đều là những ung thư diễn tiến chậm, tiên lượng tốt. Dù phát hiện ở giai đoạn muộn thì ở Việt Nam việc điều trị cũng có thể kéo dài thời gian sống thêm nhiều năm.

Hay tại Hàn Quốc, 3 ung thư thường gặp nhất là giáp trạng, đại trực tràng và dạ dày, trong đó ung thư tuyến giáp tại Việt Nam có thể nói gần như chữa khỏi hoàn toàn.

Theo Giám đốc Bệnh viện K việc so sánh chỉ thực sự có giá trị khi cùng một hệ quy chiếu, ít nhất tỷ lệ cơ cấu các ung thư tương đồng nhau, như vậy mới thể đưa ra so sánh đánh giá chính xác.

Trong khi đó mô hình ung thư ở mỗi quốc gia nhìn chung là khác nhau, liên quan nhiều yếu tố. Chẳng hạn ở các nước phát triển, phần lớn ung thư liên quan đến lối sống công nghiệp, béo phì, ít vận động. Trong khi ở các nước đang phát triển thường gặp ung thư liên quan đến nhiễm khuẩn như nhiễm virus viêm gan B gây ung thư gan, HPV gây ung thư cổ tử cung, EBV gây ung thư vòm và vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày.

Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, chi phí thấp. Ngược lại phát hiện muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn. Điều đáng nói, hiện nay, tỷ phát hiện sớm ung thư tại nước ta tăng lên 50% so với ngày trước chỉ 20-25%.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học trong chẩn đoán, điều trị phối hợp điều trị đa mô thức (xạ trị, hoá trị, phẫu trị và điều trị đích) đã khiến nhiều trường hợp người bệnh có thể tử vong gần, nhiều trường hợp tiên lượng chắc chắn tử vong nhưng vẫn được cứu sống và trở về với cuộc sống. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

TPHCM: Giám sát y tế những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covdi-19 tại TP Đà Nẵng, nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, ngăn ngừa không để lây lan trong cộng đồng, chiều 26-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký công văn số 2820/UBND-VX về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Theo công văn 2820,, UBND TPHCM yêu cầu Thủ trưởng các sở – ban – ngành, Chủ tịch UBND các quận – huyện, phường – xã – thị trấn nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

Đề nghị các ngành, các cấp chính quyền không được chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch Covdi-19, tăng cường tuyên truyền để nhân dân thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covia-19. Thực hiện nghiêm Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25-7-2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 3961/CV- BCĐ ngày 25-7-2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.

Giao Sở Y tế phối hợp UBND quận, huyện và Công an TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, kiểm tra trong cộng đồng dân cư, đồng thời truyền thông vận động người dân tự giác thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7, hiện đang có mặt trên địa bàn TPHCM để áp dụng biện pháp giám sát y tế theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và phòng ngừa lây lan dịch bệnh, cụ thể:

– Các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 416, 418 hoặc bệnh nhân khác (nếu có) được tổ chức cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

– Các trường hợp có triệu chứng liên quan đến Covid-19 phải được cách ly tại cơ sở y tế và xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 để tiến hành điều trị kịp thời.

– Các trường hợp khác: sau khi khai báo y tế sẽ được điều tra dịch tễ để áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tất cả những trường hợp nêu trên thực hiện khai báo y tế và cài đặt, sử dụng các ứng dụng Bluezone, Ncovi trên điện thoại di động theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế để được hỗ trợ, thông tin cảnh báo về dịch bệnh.

UBND TPHCM cũng giao Sở Du lịch phối hợp Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị lữ hành, các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP rà soát danh sách khách du lịch đang lưu trú, cung cấp thông tin người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 cho chính quyền và y tế địa phương để thực hiện các biện pháp đã nêu trên.

Đồng thời giao Công an TPHCM tiếp tục chỉ đạo công an địa phương quản lý chặt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý. Xử lý nghiêm các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào TP (nếu có).

Xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về dịch Covid-19 gây hoang mang trong dư luận.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự bảo vệ sức khỏe, tiếp tục tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong suốt thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2020 trên địa bàn TP.

Đề nghị các sở, ban, ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc rà soát, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 liên hệ, thông báo cho chính quyền và y tế địa phương để được giám sát y tế theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc triển khai các biện pháp kiểm soát, giám sát y tế phù hợp, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế đối với người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 trở về TPHCM trong thời gian này.

UBND TPHCM yêu cầu Thủ trưởng các sở – ban – ngành, Chủ tịch UBND các quận – huyện, phường – xã – thị trấn chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị báo cho Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP) để được hướng dẫn cụ thể. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Phòng chống COVID-19 lây nhiễm cộng đồng: Nhiều biện pháp lần đầu áp dụng

Khác hẳn với các bệnh nhân COVID-19 lây từ cộng đồng trong giai đoạn trước hầu hết đều tìm được nguồn lây ban đầu, cả 4 bệnh nhân vừa được ghi nhận trong hai ngày 25 và 26-7 đều không rõ nguồn lây.

Hiện không rõ lây từ đâu, nguồn lây trong hay ngoài nước… vì đã 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Vẫn đi tìm câu hỏi “nguồn lây từ đâu?”

Đây là câu hỏi quan trọng nhất hiện nay nhưng chưa được trả lời và do đó các hoạt động khoanh vùng, dập dịch hiệu quả sẽ kém hơn.

Qua xem xét hành trình của các bệnh nhân, ngoại trừ bệnh nhân 416, điều dễ nhận thấy ở các bệnh nhân còn lại là họ đều có mối quan hệ, tiếp xúc khá hạn chế (bệnh nhân 418 thường ở nhà vào mạng Internet, bệnh nhân 420 mới đi thăm con ở TP.HCM về và trước khi mắc bệnh, tiền sử đi lại chỉ có mua sắm ở chợ đầu mối). Nguồn lây hiện rất mù mờ.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đặng Quang Tấn – cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết hiện vẫn đang tổ chức điều tra dịch tễ, hành trình đi lại của bệnh nhân, các mối quan hệ, tiếp xúc… xem nguy cơ có thể phát sinh từ đâu.

Nhưng khó một điều là đến giờ vẫn chưa có bất kỳ manh mối nào, ngoại trừ may mắn là người thân của bệnh nhân được ưu tiên xét nghiệm trước và đều âm tính.

Xét nghiệm bằng test nhanh độ nhạy cao

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc rốt ráo và nhiều biện pháp “lần đầu tiên” đang được triển khai: Lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai 3 tổ công tác hỗ trợ xét nghiệm, điều tra dịch tễ và điều trị cho Đà Nẵng.

Đây là đội chuyên gia có kinh nghiệm nhất hiện nay, với nhóm bác sĩ từng điều trị cho bệnh nhân 91 – phi công người Anh, nhóm điều tra dịch tễ từng có mặt tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, nhóm xét nghiệm với sự chủ trì của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Một “lần đầu tiên” nữa là Bộ Y tế đã cho triển khai xét nghiệm bằng test nhanh trên diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao ở Đà Nẵng. Các test nhanh có độ nhạy, độ đặc hiệu lên tới 95%, không có phản ứng chéo với các bệnh khác và rất phù hợp để sàng lọc ngoài cộng đồng.

Trước mắt, phương pháp xét nghiệm nhanh này sẽ được đoàn cán bộ Bộ Y tế và CDC Đà Nẵng thực hiện với khoảng 2.200 nhân viên y tế, người liên quan tại Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai phương pháp này tại Bệnh viện C Đà Nẵng, các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418.

Phản ứng của Đà Nẵng đã rất nhanh chóng, đặc biệt là việc tạm dừng đón khách du lịch và các hoạt động không thiết yếu.

Khi dịch bùng phát tại Bệnh viện Bạch Mai ở giai đoạn trước, việc phong tỏa bệnh viện đã tiến hành chậm hơn nhiều: sau 10 ngày kể từ khi xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, chưa kể việc cho hàng ngàn bệnh nhân ra viện.

Với những phản ứnh nhanh này, có thể cơ hội khống chế dịch sẽ đến sớm hơn như hi vọng của chúng ta.

Dịch có lan rộng như giai đoạn trước?

Từ 13h ngày 26-7, TP Đà Nẵng quay lại thực hiện quy định “không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng” và yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu cũng được yêu cầu dừng hoạt động đến khi có thông báo mới.

Đến trưa cùng ngày, TP Đà Nẵng cũng cách ly toàn bộ Bệnh viện Đà Nẵng, nơi đang điều trị cho cả 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở địa phương này.

Theo ông Lê Trung Chinh – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, với lượng du khách lớn vẫn đang trong kỳ nghỉ, Sở Du lịch đã được yêu cầu làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ tiếp tục phục vụ chu đáo khách đến khi kết thúc hành trình. “Tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ 26-7” – ông Chinh nói.

Để không bị động với việc phòng dịch, trong ngày 26-7, một danh sách 28 điểm là các cơ sở y tế, địa điểm cách ly tập trung, các chốt phòng dịch đo thân nhiệt ở khắp Đà Nẵng đã dựng lên. Trong đó 7 chốt đo thân nhiệt ở cửa ngõ ngoại ô TP và ga đường sắt cũng đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, từ đêm 25-7 đã có nhiều đoàn đi ôtô rời Đà Nẵng mà không đợi chuyến bay vào hôm sau vì lo ngại Đà Nẵng sẽ bị phong tỏa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-7, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia Đỗ Xuân Tuyên cho biết trước mắt chỉ tính đến phong tỏa các khu vực có bệnh nhân, chưa tính đến phong tỏa phạm vi quận hoặc cả TP Đà Nẵng. Ông Tuyên cũng cho rằng về mức độ lo ngại, giai đoạn ghi nhận bệnh nhân 17 đáng lo ngại hơn.

Nhiều hoạt động giảm nguy cơ lây lan

Tối 26-7, Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 31-7 đến 5-8.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có công văn yêu cầu người dân từ Đà Nẵng ra Huế phải khai báo y tế và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương mới được vào Huế.

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu: tất cả những người từ Đà Nẵng đến Đồng Nai từ ngày 13-7 và người từ Quảng Ngãi đến hoặc trở về tỉnh này phải khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Y tế và cách ly tại nhà 14 ngày.

Quảng Ngãi từ ngày 26-7 cho trẻ mầm non nghỉ học, tạm dừng tất cả hoạt động dạy, học thêm cấp 1, cấp 2. Chỉ ưu tiên cho công tác ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng các trường phải thực hiện giãn cách trong lớp học, chia ca hợp lý. Ngoài ra, tỉnh này tạm dừng tất cả các hoạt động karaoke, quán bar, massage từ ngày 26-7.

Đang trong nghỉ hè nên Đà Nẵng cũng yêu cầu học sinh, học viên các cơ sở giáo dục mầm non, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm học thêm… nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động tập trung học sinh, học viên từ 13h ngày 26-7 đến khi có thông báo tiếp theo. Các trường ĐH ngoài công lập căn cứ tình hình thực tế và chỉ đạo của bộ chủ quản…

Bệnh nhân 420 từng tới chung cư ở TP.HCM

Tối 26-7, Bộ Y tế đã thông báo hành trình của P.T.B.P., 71 tuổi, bệnh nhân COVID-19 mới nhất tại Đà Nẵng (bệnh nhân 420). Theo đó, từ ngày 21-6 đến 8-7, bệnh nhân này đã đến thăm con ở một chung cư thuộc quận 11, TP.HCM.

Từ ngày 8-7 về lại Đà Nẵng, sống cùng chồng, con trai và con dâu. Vài ngày trước khi có dấu hiệu sốt, bệnh nhân cùng chồng đến chợ đầu mối mua sắm. Ngày 12-7, bệnh nhân có dấu hiệu sốt và đau ngực.

Trong thời gian này, bệnh nhân có đến nhà em ruột tại đường 2-9, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng… Sau khi dùng thuốc 5 ngày không giảm triệu chứng, ngày 21-7 bệnh nhân đến khám tại khoa khám bệnh Bệnh viện C, sau đó xin về nhà. Lúc này có 3 người nhà ở Quảng Nam ra thăm…

Trao đổi với phóng viên tối 26-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết mới nhận được thông tin ca bệnh 420 từng đến TP.HCM và hiện đang điều tra về ca bệnh này. (Tuổi trẻ, trang 1; Lao động, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế đưa ứng dụng Bluezone phục vụ truy vết, phát hiện sớm ca bệnh

Sáng 26/7, tại Bộ Y tế diễn ra Hội nghị trực tuyến Tập huấn và khai thác sử dụng phần mềm Bluezone trực tuyến với sự tham gia của 5 điểm cầu. Các điểm cầu bao gồm TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa (Nha Trang), Đăk Lắk.

Tại hội nghị, các địa phương tham gia đã được tập huấn quy trình cài đặt, vận hành và sử dụng ứng dụng. Công nghệ Bluezone trên điện thoại cho phép người sử dụng cài đặt trên điện thoại và ghi lại những tiếp xúc của người đó với bệnh nhân mắc Covid-19.

Khi một người được xác định nhiễm bệnh, lập tức ứng dụng sẽ phát hiện những người tiếp xúc gần và đủ lâu, từ đó có những cảnh báo kịp thời. Ưu điểm của ứng dụng cảnh báo này là giúp phát hiện sớm, từ đó xác định đúng các F1, giảm số người phải cách ly.

Ứng dụng truy vết người nghi nhiễm được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Từ tháng 3-4, các nước như Mỹ, Singapore, Australia, Việt Nam… đã sử dụng ứng dụng truy vết người nghi nhiễm bệnh. Đến tháng 6/2020, một số quốc gia châu Âu cũng áp dụng công nghệ truy vết như Đức, Italia.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ để truy vết người nghi nhiễm. Với ứng dụng Bluezone này, khi người được xác định dương tính xuất hiện, những người tiếp xúc với người nhiễm trong khoảng thời gian 10 phút ở khoảng cách 2m trong 14 ngày sẽ nhận được cảnh báo bảo vệ cá nhân và cộng đồng.

Ứng dụng Bluezone sẽ giúp khoanh vùng chính xác những người tiếp xúc, hạn chế những người cần phải đi cách ly, thay vì phải cách ly hàng nghìn người khi phát hiện 1 ca nhiễm bệnh. Người dân nên cài đặt Bluezone để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.

TS. Nguyễn Vũ Thượng, Viện Paster TP HCM cho rằng, ngoài tạo mã F0 cảnh báo những người tiếp xúc với F0, nên mở rộng tạo mã F1 vì trong giai đoạn đầu chưa thể xác định rõ được F0. Trong quá trình đưa vào triển khai Bluezone, nên triển khai trước mắt ở các quần thể nguy cơ, nên có chiến lược ưu tiên như trong các bệnh viện, cơ sở y tế làm trước hay triển khai với đối tượng có nguy cơ cao trước, sau đó mới mở rộng ra cộng đồng khác. Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông sẽ triển khai ứng dụng Bluezone trên địa bàn Đà Nẵng.

Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường cho biết, cần triển khai một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ qua báo chí, kêu gọi người dân Đà Nẵng cài đặt và sử dụng Bluezone trong thời điểm hiện nay; thông qua các thuê bao viễn thông, hướng dẫn cài đặt cho người dân; phát động các tổ chức, đoàn thể vận động hội viên cài đặt ứng dụng./. (An ninh Thủ đô, trang 4).

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch bệnh COVID-19

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Chiều 26-7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản hỏa tốc số 6082/VPCP-KGVX chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Văn bản nêu rõ, nhằm kiểm soát tốt dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 (Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25-7-2020 của Văn phòng Chính phủ).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy vết trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng, nhất là các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả khách du lịch.

Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị; điều tra, giám sát dịch, nhất là các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.

* Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 25-7-2020.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự nghiêm túc, cố gắng để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh của đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an và các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả. Đến nay, trong phòng, chống dịch, Việt Nam đã có 99 ngày liền không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, điều trị khỏi 365 người, kể cả những bệnh nhân nặng, không để xảy ra tử vong… là kết quả rất tích cực.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch, đã xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là và chưa thực hiện đầy đủ các khuyến cáo, quy định về phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.

Không chủ quan, lơ là hoặc có tâm lý hoang mang

Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng. Các bộ, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, nguyên tắc, phương châm và thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24-4-2020, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Đối với các trường hợp nhiễm bệnh mới trong cộng đồng, các diễn biến mới của dịch bệnh cần xử lý bình tĩnh, kiên quyết với các biện pháp phù hợp.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục việc thông tin để người dân chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là hoặc có tâm lý hoang mang.

Đà Nẵng xem xét cụ thể việc áp dụng ngay các biện pháp mạnh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng phải coi việc xử lý trường hợp nhiễm bệnh mới phát hiện trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất, cần tập trung chỉ đạo.

Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trên tinh thần bảo đảm an toàn của cả thành phố, xem xét cụ thể việc áp dụng ngay các biện pháp mạnh, phù hợp trong phòng, chống dịch, xác định chính xác các khu vực, phạm vi cần phong tỏa, bảo đảm gọn, hẹp, hạn chế các tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly tập trung, xét nghiệm, giám sát y tế đối với các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân 416 và các bệnh nhân khác (nếu có).

Chỉ đạo các nhà thuốc trên toàn thành phố thông báo đến các cơ sở y tế qua đường dây nóng các trường hợp mua, sử dụng thuốc điều trị cảm cúm, hạ sốt để tiến hành xét nghiệm nhanh vi rút SAR-CoV-2.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ: Y tế, Công an, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông xem xét cử ngay cán bộ tăng cường, hỗ trợ Đà Nẵng để thực hiện hiệu quả việc xử lý phòng, chống dịch tại thành phố.

Bộ Y tế thành lập tổ công tác do đồng chí lãnh đạo Bộ chỉ đạo để hỗ trợ Đà Nẵng xét nghiệm, cách ly, xử lý dịch; chỉ đạo thực hiện khẩn trương việc xét nghiệm trên diện rộng bằng phương thức phù hợp; cử các chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân, nhất là tập trung cứu chữa bệnh nhân số 416.

Giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm tất cả trường hợp có triệu chứng bệnh đường hô hấp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện trên toàn quốc: Tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây; kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch.

Tiếp tục phát huy các thành công, kinh nghiệm trong việc điều trị các trường hợp bệnh nặng trước đây, triển khai áp dụng các quy trình, phác đồ điều trị hiệu quả, đồng thời tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật giữa các tuyến để hạn chế tối đa trường hợp tử vong do Covid-19.

Bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch.

Các bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin như Ncovi, Bluezone để phát hiện, truy vết các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, trước hết yêu cầu sử dụng các biện pháp mạnh, sử dụng công nghệ truy vết trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng.

Xét xử nghiêm minh các vụ việc nhập cảnh trái phép

Về quản lý các trường hợp nhập cảnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.

Các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương tiếp tục tổ chức tốt việc cách ly, bảo đảm thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đủ thời gian theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế; đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bộ Công an, UBND tỉnh, thành phố rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, coi các trường hợp nhập cảnh trái phép như các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để áp dụng các biện pháp cách ly y tế và xử lý theo quy định.

Tổ chức, doanh nghiệp khi mời các chuyên gia, nhà đầu tư, đưa lao động tay nghề cao vào làm việc tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ: Quốc phòng, Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là tại các đường mòn, lối mở, cửa khẩu; tăng cường việc kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án khẩn trương xem xét, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc nhập cảnh trái phép, trước hết là tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và thông tin kịp thời, bảo đảm răn đe, phòng ngừa chung; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương, nhất là các địa phương có nguy cơ cao, xây dựng phương án phòng, chống dịch và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn, bảo đảm an toàn.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục có biện pháp phù hợp hỗ trợ các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng, hoạt động đầu tư, thương mại. Công bố quy trình, thủ tục và thực hiện công khai minh bạch việc hỗ trợ các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao được nhập cảnh làm việc, khảo sát cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức người Việt Nam, công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn bị kẹt ở nước ngoài và các trường hợp đặc biệt khác… được về nước.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các bộ: Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động trên.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý cụ thể, kịp thời các vấn đề đặt ra trong phòng, chống dịch, nhất là tại các điểm nóng (như tại Đà Nẵng hiện nay), không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Liên tiếp ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng

Tất cả các ca mắc Covid-19 này đều liên quan vùng dịch Đà Nẵng, hiện đang được cách ly điều trị ở bệnh viện.

Ngày 26.7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo thêm 3 ca mắc Covid-19, là bệnh nhân (BN) thứ 418, 419 và 420 tại Việt Nam. Đây là các ca mắc mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Vẫn chưa xác định nguồn lây nhiễm

Cụ thể, theo BCĐ, BN 418 (nam, 61 tuổi) sinh sống tại P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng; được xác định dương tính Covid-19 đêm 25.7 và đang điều trị cách ly tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng.

BN 419 (nam, 17 tuổi) ở P.Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Từ 14 – 22.7, BN nhiều lần đi về giữa Quảng Ngãi và Đà Nẵng, có tới BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Ngày 22.7, BN có biểu hiện sốt, ho nhẹ, hơi khó thở, đến khám tại BV đa khoa TP.Quảng Ngãi. Ngày 24.7, BN được Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ngãi lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, kết quả ngày 26.7 xác định dương tính với SARS-CoV -2. Hiện BN đang được điều trị tại Trung tâm y tế (TTYT) Bình Sơn, cơ sở điều trị 2, Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

BN 420 (nữ, 71 tuổi) ở P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Ngày 12.7, BN có biểu hiện sốt, đau ngực, đến ngày 22.7 nhập viện tại BV C Đà Nẵng. Ngày 25.7, BV C Đà Nẵng lấy mẫu gửi CDC Đà Nẵng xét nghiệm, kết quả ngày 26.7 khẳng định dương tính Covid-19. Hiện BN được cách ly, điều trị tại BV C Đà Nẵng.

Cùng ngày 26.7, BV đa khoa Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) cho biết bước đầu y tế địa phương đã xác định được 8 người nhà, người tiếp xúc trực tiếp và là F1 của BN 418. Đáng chú ý, vợ BN là giáo viên cấp 3 và có dạy thêm tại nhà. Con rể của bệnh nhân là giáo viên của một Trung tâm giáo dục thường xuyên tại Đà Nẵng. Hiện số F2 của BN 418 đang được cơ quan chức năng xác minh, tích cực khoanh vùng và theo dõi để kịp thời hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe. Để phòng, chống dịch Covid-19, sáng qua 26.7, BV Đà Nẵng đã “phong tỏa” nhằm hạn chế người từ BV ra ngoài để kiểm soát dịch sau khi thông tin về ca bệnh thứ 418 được Bộ Y tế công bố. Nhân viên TTYT Q.Hải Châu đã có mặt tại khu vực nơi BN Covid-19 thứ 418 cư trú để phun thuốc khử trùng và điều tra dịch tễ…

Quảng Nam cách ly người liên quan BN 416, 418

Ngày 26.7, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết ngành y tế đã cách ly tập trung (tại địa phương) và lấy mẫu xét nghiệm 106 trường hợp liên quan đến 2 BN 416 và 418 tại TP.Đà Nẵng. Trong đó, có 86 người ở H.Đại Lộc, 11 người ở TP.Hội An, 6 người ở TX.Điện Bàn, 2 người ở H.Thăng Bình, 1 người tại BV đa khoa Quảng Nam. Hiện sức khỏe của những người này ổn định, dự kiến hôm nay 27.7 sẽ có kết quả xét nghiệm. Người thân những người này cũng được cách ly tại nhà và theo dõi.

Phần lớn những người này đã dự tiệc cưới tại Trung tâm tiệc cưới và hội nghị For You Palace (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) hôm 18.7, cùng thời gian và địa điểm mà BN 416 dự tiệc.

Như vậy, từ sáng 25.7 đến chiều 26.7, đã có 4 BN Covid-19 trong cộng đồng được phát hiện tại TP.Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Đến chiều 26.7, Việt Nam có tổng cộng 420 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh.

Để triển khai các biện pháp khẩn cấp khoanh vùng, dập dịch, hạn chế lây lan ra các tỉnh lân cận và toàn quốc, BYT đã thành lập 3 đội công tác đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.Đà Nẵng, bao gồm các chuyên gia hàng đầu, có kinh nghiệm trong việc điều tra dịch tễ, cách ly, điều trị và xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. (Thanh niên, trang 1).

 

Liên tiếp có ca mắc mới COVID-19, hai bệnh nhân trở nặng nhanh

Trong ngày 26/7, Bộ Y tế cho biết có thêm 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân lên 420 trường hợp.

Ca bệnh 418 là nam giới, 61 tuổi, sinh sống tại phường Thanh Bình, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Bệnh nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2 đêm 25/7, đang được điều trị cách ly tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đà Nẵng, phải thở máy.

Chiều cùng ngày, 2 bệnh nhân mới được xác nhận là nam thanh niên 17 tuổi (ca bệnh 419) ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả xét nghiệm ngày 26/7 cho thấy bệnh nhân 17 tuổi dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Bình Sơn, cơ sở điều trị 2, Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Bệnh nhân 420 là nữ, 71 tuổi, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ngày 12/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực, đến ngày 22/7 nhập viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 26/7 cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Như vậy trong 2 ngày liên tiếp Đà Nẵng ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.

Hai bệnh nhân trở nặng nhanh, tiên lượng xấu

Sáng 26/7, Bộ Y tế công bố ca bệnh COVID-19 thứ 2 tại Đà Nẵng. Nhưng khác với những ca bệnh trong giai đoạn 1 của đại dịch, bệnh nhân số 418 lập tức phải thở máy vì tình trạng quá nặng. Cũng trong tình trạng thở máy, bệnh nhân 416 đã phải chuyển từ thở máy sang thở ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) trong đêm 25/7. Đáng chú ý cả 2 bệnh nhân đều ho, sốt, mệt mỏi vài ngày trước khi xác định chính xác mắc COVID-19.

Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết, bệnh nhân 416 được sử dụng thuốc an thần, giãn cơ để nằm yên, tránh trường hợp bệnh nhân co giật, giãy giụa làm ảnh hưởng đến hệ thống máy móc duy trì chỉ số sinh tồn của cơ thể. Hiện bệnh nhân sốt cao liên tục 38-39 độ C. Ngoài ECMO, bệnh nhân phải lọc máu liên tục, thở máy hỗ trợ. Chuyên gia thuộc Tiểu ban Điều trị cho biết thêm, các chỉ số và chức năng của bệnh nhân trong phạm vi kiểm soát, tuy nhiên tiên lượng rất nặng.

Bệnh nhân 418 được điều trị tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng từ 21/7 với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm trên nền bệnh đái tháo đường type2, tăng huyết áp. Hiện bệnh nhân gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp.

Khoanh vùng, truy nguồn lây

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay, mục đích của hoạt động truy vết trong phòng, chống dịch chính là tìm kiếm người tiếp xúc gần với bệnh nhân, càng sớm càng tốt để cách ly kịp thời, triệt để, ngăn chặn dịch lây lan. “Việc truy vết dựa trên các nguyên tắc, đó là chạy đua với thời gian, càng sớm càng tốt; các sự kiện, địa điểm hay còn gọi là mốc dịch tễ và từng người tiếp xúc gần cần được truy vết trong khoảng thời gian từ thời điểm 3 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế”, ông Dương cho biết.

Cùng với lực lượng được coi là đặc nhiệm do Bộ Y tế cử vào hỗ trợ, Đà Nẵng đã huy động tối đa nguồn nhân lực và vật lực đẩy mạnh xét nghiệm. Theo đó, khoảng 2.200 nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng được xét nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa lần đầu triển khai tại Việt Nam. Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ địa phương 10.000 bộ test để xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Elisa. Việc này giúp Đà Nẵng trong việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây nhiễm, phát hiện sớm người mắc để có biện pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng.

Phương pháp này sau đó sẽ được áp dụng tại Bệnh viện C Đà Nẵng (hiện đang cách ly khoảng 1.000 người, trong đó có gần 1 nửa là bệnh nhân, số còn lại là người nhà, cán bộ, nhân viên y tế), các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cũng đẩy mạnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao đối với 2 bệnh nhân này.

PGS.TS Trần Như Dương cho biết, do bệnh nhân phải thở máy, không trực tiếp khai báo thông tin, kết hợp với việc đi lại, tham gia nhiều sự kiện nên công tác truy vết gặp nhiều khó khăn. Với bệnh nhân 418, nhà chức trách đang xác định những trường hợp có tiếp xúc để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Truy vết lây nhiễm trên diện rộng

Chiều 26/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, nhằm kiểm soát tốt dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trước đó.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy vết trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng, nhất là các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả khách du lịch. Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị; điều tra, giám sát dịch, nhất là các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao. (Tiền phong, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/11/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/8/2018

admin

Để lại bình luận