Ðắk Lắk tăng cường phòng, chống dịch bệnh bạch hầu
Hiện nay, dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp ở bốn tỉnh Tây Nguyên gồm Ðắk Nông, Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với 120 trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có ba người chết. Ngành y tế cùng Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Ðắk Lắk đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bạch hầu, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực biên giới.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðắk Lắk, bác sĩ Nay Phi La cho biết, trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên ở Ðắk Lắk trong năm 2020 là bà H Buôn Jê, sinh năm 1968, dân tộc Mnông, trú tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh này, ngành y tế tỉnh đã khoanh vùng, thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho các trường hợp tiếp xúc gần, phun hóa chất xử lý môi trường, khử khuẩn cho tất cả các hộ dân trong buôn và thực hiện các quy định về phòng, chống bệnh bạch hầu tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay, dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Những ngày qua, ngành y tế tỉnh liên tiếp ghi nhận các ca mắc bạch hầu mới tại nhiều địa phương.Tính từ ngày 25-7, toàn tỉnh ghi nhận 24 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại năm huyện gồm: Lắk, M’Ðrắk, Krông Bông, Cư M’gar và Cư Kuin. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Do đời sống còn nhiều khó khăn, người dân chưa quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường sống, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bạch hầu rất thấp. Do đó, nguy cơ dịch lây lan rộng trong cộng đồng là rất cao.
Ðến nay, đã có 8.580 trường hợp được cách ly, 1.977 hộ gia đình được xử lý hóa chất; 4.314 trường hợp được uống kháng sinh dự phòng, 6.550 trường hợp được tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu. Ngành y tế tỉnh cũng đã lấy tổng cộng 138 mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Ðồng thời, triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống cho các địa phương có trường hợp dương tính với bạch hầu; chuẩn bị tiêm vắc-xin Td cho 7.500 cán bộ, nhân viên y tế (cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân), sau đó sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các đơn vị y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng và tử vong.
Chủ động phòng, chống dịch vùng biên giới
Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại một số tỉnh Tây Nguyên nói chung và Ðắk Lắk nói riêng, ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh, BÐBP tỉnh Ðắk Lắk phối hợp ngành y tế chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng bệnh từ xa với quyết tâm “Không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn khu vực biên giới và đơn vị”. Khu vực biên giới tỉnh Ðắk Lắk gồm bốn xã thuộc hai huyện: Buôn Ðôn và Ea Súp, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng thấp do nhận thức người dân và điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. Chính vì thế, đây là địa bàn được xem là “vùng lõm” trong tiêm chủng, một trong những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch bệnh. Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Ðắk Lắk, Thượng tá Nguyễn Minh Tuyên, cho biết: Nhằm chủ động phòng bệnh bạch hầu trên khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động đóng quân trên địa bàn biên giới phối hợp ngành y tế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về nguyên nhân dịch bệnh, đường lây truyền và các biện pháp phòng, chống, nhất là khuyến cáo người dân không đi đến vùng đang có dịch; phối hợp địa phương rà soát các đối tượng trong diện tiêm chủng, thông báo thời gian, địa điểm, nội dung tiêm chủng qua hệ thống truyền thanh cơ sở, hoặc thông báo trực tiếp đến các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng để thực hiện tiêm đầy đủ, đúng lịch.
Ngoài ra, để kịp thời trao đổi thông tin về bệnh bạch hầu cũng như đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, Phòng Hậu cần BÐBP tỉnh Ðắk Lắk đã thiết lập trang Zalo “QYBÐBP Ðắk Lắk”. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ và quân y các đơn vị cùng người dân trực tiếp theo dõi tình hình dịch bệnh và chủ động có biện pháp phòng, chống; cung cấp tài liệu tập huấn cho lực lượng quân y về công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe. Trong trường hợp phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, sẽ tiến hành cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để nếu phát hiện ca bệnh, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Chủ nhiệm Quân y BÐBP tỉnh Ðắk Lắk, Thượng tá Âu Chiến Thắng khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bệnh bạch hầu vì căn bệnh này chưa được thanh toán, vi khuẩn vẫn lưu hành khá rộng rãi, đặc biệt người lành mang trùng vẫn là nguồn lây trong cộng đồng. Vì vậy, để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu ở trẻ em, ngành y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên về công tác phòng, chống dịch bạch hầu mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Ðắk Lắk nói riêng chú trọng tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Thứ trưởng cũng đề nghị các bệnh viện tuyến trên được phân công hỗ trợ các tỉnh phòng, chống dịch bạch hầu cần tăng cường tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh từ khâu phòng, chống dịch đến việc khám, điều trị bệnh; cần lập hệ thống khám, chữa bệnh trực tuyến để trao đổi, hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Ðồng thời cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu mới nhất, phù hợp với khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong khu vực khám, điều trị bệnh bạch hầu một cách hiệu quả nhất. (Nhân dân, trang 4).
Nỗ lực cao nhất, không để có người bệnh Covid-19 tử vong
Sáng 28-7, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện về công tác điều trị.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị y tế tại Ðà Nẵng đã báo cáo tình hình điều trị cho những người nhiễm Covid-19, trong đó có ba ca nặng; công tác phân luồng điều trị, giải tỏa người bệnh; công tác bảo đảm điều kiện về cách ly, điều trị cho các ca bệnh Covid-19. Hiện các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy đang tích cực hỗ trợ Bệnh viện Ðà Nẵng về công tác phân luồng, cách ly người bệnh, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho những trường hợp nặng. Ðể bảo đảm năng lực điều trị, TP Ðà Nẵng đã thiết lập trung tâm điều trị Covid-19 đặt tại Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng, tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân có triệu chứng mức độ nhẹ và vừa. Ðáng chú ý, để giảm tải cho Bệnh viện Ðà Nẵng, Bệnh viện T.Ư Huế đang chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận những người nhiễm Covid-19 có triệu chứng nặng tại Ðà Nẵng, những người có nhiều bệnh nền, nhất là những người bị suy thận đang phải chạy thận nhân tạo.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiển trao đổi đề xuất của chuyên gia, bác sĩ ở các điểm cầu, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam lưu ý trong công tác điều trị phải hết sức tập trung bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là diễn biến xấu rất nhanh. Phải nỗ lực cao nhất, không để có người bệnh tử vong. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường các đội cơ động của các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ cho các bệnh viện ở Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam trong công tác cách ly, điều trị cho người nhiễm Covid-19; yêu cầu Bệnh viện T.Ư Huế tiếp nhận ngay những người nhiễm Covid-19 có bệnh nền để điều trị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các biện pháp chống dịch phải làm rất đồng bộ, không chỉ y tế mà các lực lượng khác và toàn xã hội. Chúng ta phải hiệp đồng chặt chẽ, vận hành nhịp nhàng như một cỗ máy, từ khâu quản lý xuất nhập cảnh, rà soát các đối tượng có nguy cơ cho đến tiếp nhận người bệnh, tổ chức xét nghiệm, cách ly… Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc điều trị, trang thiết bị… của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư để công dân Việt Nam từ Ghi-nê Xích đạo về nước, trong đó dự kiến khoảng 120 ca nhiễm Covid-19.
★ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 28-7 thông báo ghi nhận thêm bảy người bệnh (người bệnh thứ 432, 433, 434, 435, 436, 437, 438) mắc Covid-19 trên địa bàn TP Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Như vậy, ngoài Ðà Nẵng, Quảng Ngãi đã ghi nhận các ca bệnh Covid-19 ở tỉnh Quảng Nam, đó là người bệnh 432 (nữ, 63 tuổi, ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Ðại Lộc); người bệnh thứ 433 ( nữ, 67 tuổi, ở xã Ðiện Thọ, thị xã Ðiện Bàn); người bệnh thứ 436 (nam, 66 tuổi, ở xã Ðiện Trung, thị xã Ðiện Bàn). Ba người bệnh thứ 436, 437, 438 đều là người bệnh của Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Ðà Nẵng. Ngoài ra, theo báo cáo của Tiểu Ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), trong hai ngày 27 và 28-7, có bốn người bệnh (thứ 357, 371, 372, 373) điều trị tại các bệnh viện: Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, đa khoa Bạc Liêu, Cà Mau được công bố khỏi bệnh.
★ Ngày 28-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành phố phải xác định rõ nguy cơ và nguồn bệnh từ đâu thì mới có các giải pháp hiệu quả. Muốn phòng, chống dịch thắng lợi, phương châm phải là phòng dịch sớm, phát hiện kịp thời, cách ly triệt để. Ðồng thời, lưu ý đến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cho rằng đây là mối nguy cơ cao, do vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình cần chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các loại hình dịch vụ hoạt động hiện nay, nếu không thật sự cần thiết thì nên giảm, công tác truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực, tự giác bảo vệ mình và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh quyết định từ 15 giờ ngày 28-7, TP Hồ Chí Minh thực hiện dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đến Ðà Nẵng trừ các trường hợp đặc biệt; các xe có hành trình qua Ðà Nẵng không được dừng đón trả khách tại đây…
★ UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khởi động hoạt động các tổ công tác của các thôn, bản, khu phố; bố trí mỗi thôn, khu có từ một đến hai tổ công tác bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và hiệu quả trong triển khai phòng, chống dịch. Các tổ công tác có trách nhiệm kiểm soát di, biến động nhân khẩu trên địa bàn, nhất là người nước ngoài, người từ các tỉnh, thành phố, địa phương khác về tạm trú, thuê nhà, thuê khách sạn… Ðêm 27-7, sân bay quốc tế Vân Ðồn (Quảng Ninh) tiếp nhận chuyến bay mang số hiệu VN1 của Hãng hàng không Vietnam Airlines chở 276 công dân Việt Nam từ Mỹ trở về.
★ Theo báo cáo của Sở Y tế Ninh Bình, đến nay có 18 trường hợp từ Ðà Nẵng về được lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2 lần thứ nhất, trong đó có một trường hợp có biểu hiện mệt mỏi, ho có đờm đã được cách ly ngay tại Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan; 15 trường hợp khác cho kết quả xét nghiệm âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
★ Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 178 người đang cách ly tập trung, trong đó có 41 người về từ Ðà Nẵng. Tại Vĩnh Phúc có 1.251 trường hợp đi từ TP Ðà Nẵng về đang được ngành y tế phối hợp với các địa phương yêu cầu tự cách ly, theo dõi ở nhà; trong đó có 6 trường hợp thực hiện cách ly tập trung.
★ Chiều 28-7, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định tạm dừng hàng loạt các hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 29-7 đến 0 giờ ngày 13-8 để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.
★ Ngày 28-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành chức năng và đơn vị liên quan tập trung cao độ việc tìm kiếm, truy vết tất cả các đối tượng F1 đã từng đi đến các bệnh viện ở Ðà Nẵng gồm: C, Ðà Nẵng, Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đã từng tiếp xúc với các ca mắc Covid-19 tại TP Ðà Nẵng và Quảng Ngãi từ ngày 15-7 đến nay. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi quyết định áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh và đồng ý tạm chi 40 nghìn đồng/người/ngày để hỗ trợ người dân nằm trong khu vực khoanh vùng, cách ly.
★ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 76 trường hợp F2, F3 liên quan đến hai người bệnh 416 và 418 ở Ðà Nẵng. Những trường hợp này được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà. Sáng sớm 28-7, trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát số 5 (huyện Phú Lộc) đã phát hiện hai người có quốc tịch Trung Quốc điều khiển xe gắn máy, di chuyển từ Ðà Nẵng ra Thừa Thiên Huế. Hai người này được kiểm tra sức khỏe và đưa đến cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.
★ Ngành y tế tỉnh Ðắk Lắk đã tiếp nhận, cách ly năm trường hợp trở về từ TP Ðà Nẵng, trong đó có một trường hợp có tiếp xúc với người bệnh thứ 416.
★ Chiều 28-7, Sở Du lịch TP Ðà Nẵng cho biết, đến 13 giờ cùng ngày, còn khoảng 314 du khách đang ở lại thành phố. Sở Du lịch đã đề nghị các khách sạn hỗ trợ tối đa du khách trong thời gian cách ly, tổng hợp danh sách sáu khách sạn, có giá hỗ trợ từ 200.000 đến 300.000 đồng/phòng hai người, 300.000 đồng/phòng năm người; các chi phí ăn uống khách tự túc, có bếp chung để tự nấu nướng. Ðáng chú ý, một số khách sạn sẽ miễn phí phòng và chi phí ăn uống tại khách sạn cho du khách trong vòng 14 ngày.
Thông báo khẩn của Bộ Y tế
Tối 28-7, Bộ Y tế đã phát đi thông báo khẩn đề nghị những người đến 17 địa điểm ở TP Ðà Nẵng và ba địa điểm tại tỉnh Quảng Nam, cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ; gọi điện đến các đường dây nóng: 1900.9095 (Bộ Y tế), hoặc 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ðà Nẵng), hoặc 0914.085.388 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam); cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc với mình; thực hiện cách ly tại nhà; khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI tại địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.
Trong tuần qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã phát hiện, tiếp nhận, ngăn chặn 10 vụ, 21 trường hợp, trong đó có 7 vụ (10 trường hợp công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép); tiếp nhận 2 vụ (9 trường hợp do phía Trung Quốc trao trả); ngăn chặn một vụ (hai trường hợp có ý định xuất cảnh trái phép). Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào địa bàn đều được cách ly theo quy định. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Tập chung nỗ lực điều trị cao nhất, không để bệnh nhân tử vong”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Tất cả các biện pháp chống dịch phải làm đồng bộ, vận hành nhịp nhàng”; Hà Nội mới, trang 7: “Thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19”; Nông thôn ngày nay, trang 1: “Phòng, chống dịch Covid-19: Một “ốc vít” lỏng có thể gây hậu quả lớn”.
Lo ngại gia tăng về tác động của dịch Covid-19
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 27-7, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra có nguy cơ đẩy gần bảy triệu trẻ em vào tình trạng suy dinh dưỡng, đồng thời có thể tác động đến sức khỏe của hàng triệu người thuộc nhiều thế hệ, trong bối cảnh nguồn cung viện trợ bị ảnh hưởng. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghê-brây-ê-xút bày tỏ lo ngại, khi số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi chỉ trong sáu tuần qua. WHO kêu gọi chính phủ các nước phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn để hạn chế tác động của dịch bệnh.
★ Mỹ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng về số trường hợp mắc Covid-19, nhất là ở các bang Ca-li-pho-ni-a, Tếch-dát, A-la-ba-ma và Phlo-ri-đa. Chính quyền bang Tếch-dát quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống. Theo đó, việc bỏ phiếu sớm qua hình thức trực tiếp bắt đầu từ ngày 13-10 và kéo dài cho đến hết ngày 30-10 tới.
★ Cơ quan Thuế Ca-na-đa (CRA) thông báo lùi thời hạn nộp thuế liên bang và không áp dụng phạt, cũng như lãi suất đối với các khoản nộp thuế muộn. CRA cũng miễn lãi suất đối với các khoản nợ thuế tồn đọng của cá nhân, doanh nghiệp từ ngày 1-4 đến ngày 30-9 năm nay.
★ Trong khi đó, dù hơn 50% lãnh thổ vẫn trong tình trạng báo động đỏ về dịch bệnh, Goa-tê-ma-la bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế. Ngành công nghiệp và giao thông công cộng được nối lại; trung tâm thương mại và nhà hàng được phép mở cửa, song lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn được duy trì.
★ Tại châu Âu, Ai-len thông báo kế hoạch triển khai gói hỗ trợ 375 triệu ơ-rô nhằm tạo điều kiện cho học sinh trở lại trường từ cuối tháng 8 tới. Trong đó, 52 triệu ơ-rô để thực hiện các biện pháp khử trùng; 75 triệu ơ-rô tu sửa phòng học. Hơn 1.000 giáo viên và nhân viên được tuyển dụng trở lại.
★ Bun-ga-ri cho phép du khách từ một số nước châu Âu và châu Á tới các khu nghỉ dưỡng tại nước này, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Chính phủ cũng hỗ trợ các khu nghỉ dưỡng mùa hè mở cửa trở lại, sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động.
★ Bộ Y tế Séc thông báo kế hoạch công bố bản đồ về mức độ rủi ro do dịch Covid-19 của từng quận, huyện và được cập nhật hằng tuần. Ðối với mức độ rủi ro cao nhất (mầu đỏ), người dân được khuyến cáo tránh tiếp xúc và chỉ đi lại trong những trường hợp cần thiết.
★ Bộ Y tế Ðức yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với du khách trở về từ những vùng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Trong khi đó, sau khi áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Tây Ban Nha, Anh tiếp tục đánh giá tình hình dịch bệnh tại các nước châu Âu, để đưa ra các quy định tương tự.
★ Sáng 28-7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 68 trường hợp mắc Covid-19, trong đó bốn ca nhập cảnh và 64 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, 57 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại khu tự trị Tân Cương, sáu ca ở tỉnh Liêu Ninh và một ca ở thủ đô Bắc Kinh.
★ Chính phủ Hàn Quốc quyết định thúc đẩy sửa đổi luật, theo đó yêu cầu các bệnh nhân Covid-19 là người nước ngoài tự trang trải chi phí điều trị. Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, việc tính phí đối với các bệnh nhân người nước ngoài được xem xét dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ ngoại giao.
★ Giới chức thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản kêu gọi cư dân thành phố hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Riêng tháng 7-2020, số ca mắc Covid-19 ở Tô-ki-ô đã vượt 5.000 người, chiếm khoảng 45% tổng số ca bệnh kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
★ I-ran và I-rắc mở lại cửa khẩu biên giới phục vụ trao đổi thương mại, sau 5 tháng gián đoạn để ứng phó dịch bệnh. Giới chức hai nước khẳng định, các quy định về bảo vệ sức khỏe người dân được áp dụng nghiêm ngặt khi mở cửa biên giới thông thương.
★ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua khoản viện trợ 4,3 tỷ USD giúp Nam Phi chống dịch. Khoản viện trợ này nhằm hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ giải quyết khó khăn về y tế và tác động về kinh tế do Covid-19.
★ Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn cắt ngắn chuyến thị sát ba ngày tại bang Quyn-xlen để tập trung hỗ trợ bang Vích-to-ri-a ứng phó dịch bệnh. Bang Vích-to-ri-a ghi nhận thêm 384 ca mắc Covid-19 và sáu trường hợp tử vong. (Nhân dân, trang 8).
Phòng dịch sớm, phát hiện kịp thời và cách ly triệt để
Sáng 28-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã tổ chức buổi giao ban công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Chủ trì là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Cùng dự có các đồng chí: Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
TPHCM đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
Báo cáo tại buổi làm việc, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính từ ngày 3-4 đến nay, TP đã trải qua 116 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid – 19 trong cộng đồng.
Trong ngày 27-7, có 7 chuyến bay quốc tế với 20 thành viên tổ bay và 8 hành khách (trong đó 4 hành khách chuyển cách ly tại khách sạn Ibis – Tân Bình, 2 hành khách chuyển về khách sạn Dic Star Vũng Tàu, 2 hành khách chuyển cách ly tại khách sạn Ngọc Hân – Vũng Tàu); 215 chuyến bay quốc nội với 36.130 hành khách, 13 chuyến tàu lửa với 5.406 khách; 19 tàu nhập cảnh với 368 thuyền viên, tất cả đều được khai báo y tế và đo thân nhiệt.
Bắt đầu từ ngày 25-7 đến 27-7, TP đã tổ chức hoạt động kiểm dịch y tế tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga xe lửa cho hành khách đến từ Đà Nẵng bao gồm khai báo y tế đầy đủ, đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe.
Những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ được chuyển về các bệnh viện để cách ly điều trị và xét nghiệm. Trong ngày 27-7, trên địa bàn 24 quận huyện đã tiếp nhận 4.907 người đến khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm cho 1.359 người.
Trong số người về từ Đà Nẵng có 10 trường hợp có triệu chứng được đưa vào cách ly điều trị và xét nghiệm chẩn đoán, hiện 8/10 trường hợp có kết quả âm tính, 2/10 trường hợp đang chờ kết quả. Các quận-huyện đang tiếp tục tổ chức tiếp nhận người tự đến khai báo y tế cùng với chủ động điều tra, rà soát trong cộng đồng dân cư, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng cách ly y tế, theo dõi sức khỏe.
“Ngành y tế TP đã xác minh được 3 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân số 420, tổ chức cách ly tập trung và xét nghiệm kiểm tra, hiện đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Nơi ở của những trường hợp tiếp xúc gần đều được vệ sinh khử khuẩn đầy đủ theo quy định”, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, thời gian tới, ngành y tế TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát y tế đối với người đến Đà Nẵng từ 1-7 hiện đang cư trú, lưu trú tại TPHCM. Các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân 416, 418 hoặc bệnh nhân khác (nếu có) sẽ được tổ chức cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Các trường hợp có triệu chứng liên quan đến Covid-19 phải được cách ly tại cơ sở y tế và xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2. Thực hiện khai báo y tế ở nơi cư trú, lưu trú, được xét nghiệm kiểm tra và cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
Bên cạnh đó, ngành y tế TP cũng sẽ tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi nặng trong cơ sở y tế, các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ngành y tế TP yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc cung cấp thông tin người có triệu chứng viêm hô hấp cấp đến mua thuốc, thông báo cho phòng y tế và trung tâm y tế địa phương để giám sát, theo dõi.
“Lực lượng y tế triển khai các quy trình xử lý chuẩn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bệnh xảy ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường rà soát và cách ly người nhập cảnh; tuyên truyền, vận động, tăng cường giám sát trong cộng đồng nhằm phát hiện kịp thời người nhập cảnh bằng đường bộ không khai báo, chưa được cách ly kiểm dịch theo quy định để thực hiện cách ly và giám sát theo quy định, ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập dịch bệnh qua biên giới đường bộ, lây lan trong cộng đồng; đồng thời sẽ xử lý nghiêm những đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào TP”, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.
Kiềm chế những nhu cầu cá nhân cần thiết để xã hội được an toàn
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, tốc độ lây lan dịch Covid -19 trên thế giới ngày càng tăng, ảnh hưởng đến kinh tế quy mô toàn cầu và nguy cơ tái phát rất lớn.
Chúng ta cần chủ động phòng dịch tốt, nhất là biết kiềm chế những nhu cầu cá nhân cần thiết để xã hội được an toàn. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, các ca lây nhiễm ở Đà Nẵng đến nay chưa có kết luận xác định nguồn lây nhiễm từ đâu, nhưng mấy ngày trước đó đã xuất hiện hiện tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, nên rất có khả năng có sự lây nhiễm từ nguồn này.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trước đây, chúng ta kiểm soát hàng không được thì giờ phải kiểm soát đường bộ cho tốt. Vì vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động đề phòng, nếu phát hiện có người nước ngoài xâm nhập trái phép, phải thông tin ngay đến cơ quan chức năng.
“Đó không phải là chuyện của người khác, mà đó là chuyện của chính mình, bởi nếu những người đó mang mầm bệnh thì là cả tai họa cho TPHCM. Người dân, đặc biệt cơ sở lưu trú, khi có khách nước ngoài phải đảm bảo việc đăng ký và thực hiện khai báo y tế chặt chẽ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, 3 ngày sắp tới, hàng ngàn người từ Đà Nẵng về TPHCM bằng đường bộ, Sở Y tế và Sở GTVT cần có sự phối hợp và có cách kiểm soát nguồn này. Đây là tình huống mới, phải có giải pháp kiểm soát y tế.
Vận động những người về TP phải hợp tác trong trường hợp bị nhiễm bệnh sẽ được điều trị kip thời, vì gia đình và vì TP, không nên bỏ trốn. Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý, phải chủ động phòng dịch sớm, phát hiện kịp thời, cách ly triệt để.
Việc đeo khẩu trang là một trong những biện pháp phòng dịch bệnh từ sớm. Cần bàn vấn đề này, ít nhất là bắt buộcnhững trường hợp từ Đà Nẵng về cần phải đeo khẩu trang. Đây là việc cần phải làm.
Liên quan đến việc nhận người Việt Nam từ nước ngoài về nước, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu thực hiện đúng quy trình. Sở Y tế, Sở GTVT làm việc với Trung ương để nắm bắt kế hoạch và sẵn sàng cho các tình huống. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng thống nhất với quan điểm, ai từ Đà Nẵng về phải tự giác cách ly 14 ngày, vì TP, vì gia đình và chính bản thân mình.
UBND TPHCM cần phối hợp Bộ Tư lệnh TP tổ chức việc tiếp nhận hợp lý khi TP đón người Việt Nam ở nước ngoài về. Với các hoạt động đông người, những việc không thật cần thiết, nên giảm bớt để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị các cơ quan chức năng truyền thông đến người dân phải tự bảo vệ mình và phát hiện các nguy cơ để bảo vệ cộng đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở – ngành, quận – huyện theo dõi sát diễn biến dịch, tiếp tục thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, hạn chế sự lây lan nơi cộng đồng.
Các quận-huyện chủ động rà soát, kiểm tra “đi từng ngõ gõ từng nhà” xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1-7 hiện đang có mặt trên địa bàn TPHCM để áp dụng khai báo y tế. Các sở-ban-ngành, cơ quan, đơn vị, các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn TP rà soát, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, khách du lịch từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 thực hiện khai báo y tế.
Tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi nặng trong cơ sở y tế, các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong cộng đồng; tổ chức giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây.
“Người dân cần nghiêm túc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng. Sở Y tế TP kích hoạt các Bộ tiêu chí an toàn trong từng ngành, lĩnh vực và vận dụng linh hoạt trong tình hình mới. Sở Công Thương TP nắm bắt các hoạt động liên quan, đảm bảo cung ứng hàng hoá nhu yếu phẩm trong mọi tình huống xảy ra; tuyên truyền để người dân biết, hiểu, an tâm và không ồ ạt tích trữ hàng hoá chưa cần thiết. Hiện tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, yêu cầu các sở ngành quận-huyện phát huy cao nhất tinh thần cảnh giác phòng chống dịch, không chủ quan lơ là”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 6: “Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19”.
Bên trong thành phố bị cách ly
Tôi có lúc cũng chợt như mất cảm giác về thời gian, giữa thành phố duy nhất của cả nước đang trong vòng cách ly, phong tỏa này.
“ Có chết tao cũng ở đây”
Chiều, cái nắng quái xiên khoai thật oi bức. Mấy anh công an ngồi gác chốt phong tỏa cụm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng nơi góc ngã ba Đống Đa – Quang Trung ngó chừng cũng đã thấm mệt, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Có chiếc xe cấp cứu từ phía Bệnh viện Đà Nẵng chầm chậm bò ra. Lạch xạch nhấc mấy thanh chắn bằng sắt mở lối. “Lại người chết rồi!”. Tiếng mấy người đứng ngồi chờ chực trên vỉa hè gần đó, có lẽ chờ tiếp tế cho người nhà bên trong. Là bệnh viện đa khoa lớn nhất Đà Nẵng, đón hàng ngàn ca bệnh mỗi ngày từ khắp các tỉnh miền Trung, chuyện những chuyến xe 115 từ bệnh viện đi ra không còi hụ không có gì xa lạ. Ai đó kể, mới khi sáng có cô gái bị tai nạn giao thông vào cấp cứu, cũng được đưa về rồi…
Lâu lâu, lại xuất hiện chiếc xe 115 dừng bánh làm thủ tục để chở bệnh nhân vào. Từ khi bị phong tỏa chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ sáng qua (28/7), chỉ những ca cấp cứu nguy kịch mới được nhập vào Bệnh viện Đà Nẵng. Một nhân viên trong bộ đồ cách ly trực sẵn gần đấy lập tức đeo bình phun thuốc khử khuẩn quanh chiếc xe.
…Tôi đứng treo chân bên thằng bạn học từ thời cấp 2, mỗi đứa một bên hàng rào sắt cách ly, giữa cái nắng nực nội. Lúc nãy đi ngang đường, tình cờ thấy nó đứng trước nhà, bên trong vùng phong tỏa, sát cạnh hàng rào sắt. Nó vẫn nghiêm chỉnh bộ đồ bỏ áo trong thùng như đang đi làm, nhưng kỳ thực từ sáng sớm tới giờ vẫn chỉ nhấp nhổm đứng ngồi ngó ra. Nó là bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện quận Hải Châu. Bệnh viện đang neo người, do một số y bác sĩ bị đưa đi cách ly sau khi tiếp xúc với ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng mấy ngày trước.
“Anh em đang phải trực “giã gạo” liên tục, còn mình lại bị ngồi nhà thế này…”, nó càu nhàu. Hỏi nó, sao không tìm cách sơ tán ra ngoài trước giờ “giới nghiêm”, nó cười mếu: “Tại bà già quyết không chịu rời nhà đi đâu cả, bảo chết tao cũng chết ở đây! Đành chịu”. Giờ thì nó ở với mẹ và đứa con út trong vùng phong tỏa, còn vợ thì ở lại trực luôn tại Trạm Y tế phường Thuận Phước cách nhà chừng cây số. Nó bảo tình huống cách ly nghiêm ngặt thế này, chỉ có Chủ tịch thành phố mới có thể giải quyết cho nó về lại bệnh viện để làm việc.
“Mới đứng lên được một chút, nay lại đổ bể thế này”
Nhưng nỗi bồn chồn nhất của bạn tôi, lại là chuyện con gái út chừng hơn tuần nữa sẽ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Liệu con cái nằm giữa vùng cách ly, phong tỏa thế này sẽ thi thố ra sao đây?!…
Vậy là từ 0h đêm 28/7, Đà Nẵng lại bước vào trạng thái cách ly xã hội đặc biệt như mấy tháng trước. Nhưng giờ đây đến thời điểm này, trên toàn quốc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chỉ “đơn độc” có mỗi Đà Nẵng! Trạng trái “bình thường mới” đã không còn, đúng hơn là tạm ngưng lại. Các chuyến bay, chuyến tàu, xe đã “bỏ qua” Đà Nẵng. Hồi trưa, ghé ga Đà Nẵng. Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Đà Nẵng Lê Văn Chiến đang chỉ đạo việc xuất tiền cho hành khách đến trả vé. Anh bần thần: “Mới đứng lên được một chút, nay lại đổ bể thế này!”. Chị Lê Thị Tuyến, Đội trưởng đội khách vận ga Đà Nẵng, chìa tôi xem tờ giấy viết tay. Trên đó ghi số hiệu của 11 chuyến tàu mà khách đã trả vé từ sáng đến giờ, lên tới 866 người, với số tiền phải hoàn lại cho khách là trên 300 triệu đồng. “Từ chiều tối nay, nhà ga đóng cửa, chỉ để lại một vài nhân viên phục vụ khách đến trả vé”, anh Chiến buồn bã nói.
Một bà cụ nhờ tôi lấy bút viết lại dãy số Chứng minh nhân dân giúp bà thật to trên mẩu giấy, để tiện cho việc vào quầy nhận lại tiền vé. Rồi bà cụ hấp háy mắt, hỏi nhỏ tôi vẻ bí mật: “Bây giờ tui tìm cách vào Tam Kỳ (Quảng Nam), rồi từ đó lên tàu vào Long Khánh có lọt không?”. Tôi gạt đi, khuyên bà ở lại, chứ đi kiểu đó là vi phạm pháp luật. Bà cụ rầu rĩ: “Giờ tui điện cho con trai từ Vũng Tàu chạy ra đón, nhưng cũng không biết có đi được không nữa. Con cháu tui ở Đà Nẵng đầy ra, ở 15 ngày cũng chả sao, nhưng sợ bao giờ mới hết dịch để về được nhà đây?!”.
Tôi thoáng chạnh lòng. Nhớ tới “Nhật ký phong tỏa bệnh viện” đọc lúc sáng trên facebook của bác sĩ Đặng Văn Trí hiện đang bị phong tỏa trong Bệnh viện C. Có đoạn thế này: “Đã 4 ngày đi qua, kể từ khi chúng tôi nhận được 3 chìa khóa và khi cả 3 cổng vào Bệnh viện đều đóng lại; dẫu biết là “tạm thời” nhưng tất cả đều chạnh lòng… Và, tất cả chúng tôi đều sống “cuộc sống 4 mới” để hoàn thành thiên chức thiêng liêng của các thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19. Đầu tiên là “cách sống và làm việc mới”: Tất cả chúng tôi đều làm việc gần như là 24/24 và liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc mới khi chúng tôi làm việc trong môi trường khắc nghiệt hơn; đôi lúc cảm thấy “mất nhịp sinh học” và thoáng quên mất thứ ngày…”.
Loanh quanh thế nào tôi ra đến bờ biển Đông. Biển cũng đã bị phong tỏa, vắng ngắt. Khối tượng đá trắng “Mẹ Âu Cơ” của điêu khắc gia Lê Công Thành nơi công viên Biển Đông giờ đã bị chăng dây phía ngoài ngăn người xuống biển. Những sợi dây báo hiệu giới hạn bằng nilon mảnh và dài, gió biển như muốn hất tung. Sống cả đời ở Hà Nội, nhưng quê hương của ông lại chính ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, gần nơi mấy bệnh viện đang bị phong tỏa. Người nghệ sĩ lừng danh ấy đã tạ thế hồi đầu năm ngoái ở tuổi 87, khi chưa biết đến đại họa COVID đang hành hạ loài người như lúc này. Nơi công viên biển vắng ngắt, từng đàn bồ câu vẫn bay lượn như thường.
Đàn chim câu ấy từng do nghệ nhân chim câu người Đà Nẵng Phạm Tài Thu gây dựng và huấn luyện từ hơn chục năm qua, ngày ngày những cánh chim vẽ lên bờ biển Đông khung cảnh hòa bình tuyệt đẹp. Nay thì cha đẻ của bầy chim ấy cũng vừa mới rời xa đời sống này. Những con người mang đến vẻ đẹp cho cuộc sống đang dần mất đi. Như chính đời sống mỗi ngày bề bộn, thưa vắng nỗi an lành.
Như bao phen đương đầu bão tố
Tôi hôm qua có lúc cũng chợt như mất cảm giác về thời gian, giữa thành phố duy nhất của cả nước đang trong vòng cách ly, phong tỏa này. Khi chạy xe trên những đường phố vắng tanh, những hàng quán đóng cửa, những đám đông đeo khẩu trang và tách rời xa nhau hơn. Để chợt nhớ tới những đại lộ, vỉa hè đường phố hoang vắng và mất dần tăm tích giữa sương mù ký ức trong văn chương Patrick Modiano.
Dù lệnh cách ly xã hội mới ban hành chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Gần nhà tôi có cái quán nhậu nho nhỏ, trong hẻm, không nhớ tên quán là gì. Đợt cách ly xã hội dịch COVID trước, ngoài quán có ghi mấy chữ “Quán vẫn bán mồi đem về” trên tờ giấy. Thế rồi sau đó quán hút khách hơn. Hôm qua chạy ngang, thấy dòng chữ kỳ lạ đó đã chính thức được đặt tên cho tên quán, trên bảng hiệu hẳn hoi.
Đà Nẵng trong lịch sử luôn ở tuyến đầu. “Thuyết âm mưu” về nguồn chủng virus mới cố tình được đưa từ bên ngoài vào, nếu là thực, thì quả thật kẻ thù bên ngoài và bọn phản quốc trong nước đã chọn một nơi thật lợi hại, là Đà Nẵng. Trung điểm du lịch, trung độ cả nước với sức lan tỏa rất lớn. Đến chiều tối qua, con số bệnh nhân COVID-19 đã lên tới 22 ca chỉ trong vòng hai ngày, tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, nay lại thêm Quảng Nam. Hàng chục ngàn trường hợp F1, F2, rải khắp các khu dân cư…
Nhưng thành phố này vẫn đang trong tâm thế hết sức bình tĩnh, tuân thủ nghiêm mọi mệnh lệnh chống dịch. Như đã từng bao phen đương đầu bão tố nơi mảnh đất khắc nghiệt suốt chiều dài lịch sử. Bức tranh “Có thành phố vượt qua bão tố” lan truyền trên mạng xã hội, như một minh họa sống động về Đà Nẵng lúc này. Những đội đặc nhiệm tinh nhuệ của Bộ Y tế và các bệnh viện lớn cả nước hiện đã trực chiến tại Đà Nẵng. Bức ảnh đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy lặng lẽ tiến vào Bệnh viện Đà Nẵng từ sáng sớm qua đã gây cảm xúc mạnh cộng đồng mạng.
Và không chỉ Đà Nẵng, miền Trung, cả nước những ngày qua, và những ngày tới cũng bước vào cuộc chiến đấu mới, để chiến thắng. Dẫu sẽ cam go hơn nhiều so với những tháng ngày trước đó… (Tiền phong, trang 7).
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Triển khai nhiều giải pháp mạnh phòng, chống Covid-19”; Lao động, trang 1: “Cuộc sống vẫn bình thường bên trong thành phố bị cách ly”
‘Chia lửa’ với Ðà Nẵng
Ngày 28/7, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 (Bộ Y tế), Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 và lãnh đạo Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện về công tác điều trị.
Hội chẩn quốc gia về những ca bệnh nặng
Cuộc họp được kết nối với các điểm cầu: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Phổi T.Ư, Bạch Mai, Đa khoa Đà Nẵng, Đồng Nai, Trung ương Huế và Sở Y tế Đà Nẵng. Đây là lần thứ 3 tình hình các bệnh nhân nặng ở Đà Nẵng được báo cáo chi tiết tại các cuộc hội chẩn trực tuyến toàn quốc trong 5 ngày gần đây.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho hay, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại đây, hiện có 3 ca trong tình trạng nặng gồm: bệnh nhân 416, 418 và 431. Điểm tích cực là hai bệnh nhân 416 và 418 đã hết sốt, nhiều chỉ số cải thiện. Trong đó, bệnh nhân 416 đã chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) ngày thứ 5, các thông số đã ổn định, cải thiện dần, xem xét khả năng cai ECMO trong những ngày tới.
Bệnh nhân 418 tiền sử mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp. Trong cuộc hội chẩn trực tuyến với Tiểu ban điều trị, bệnh viện xem xét khả năng đặt ECMO cho trường hợp này, nhưng với những cải thiện các chỉ số, thông số hô hấp, khí máu, oxy máu, kết quả xét nghiệm, đánh giá cơ học dần ổn định, đến nay bệnh nhân chưa có chỉ định ECMO, tiếp tục được theo dõi sát sao. Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân 431, mắc nhiều bệnh nền như suy thận mãn giai đoạn cuối, xơ gan, suy tim, suy hô hấp, tổn thương phổi, tăng huyết áp… hiện các thông số tạm ổn định, chưa phải chạy ECMO, đang thở oxy qua mặt nạ.
Bệnh viện Đà Nẵng đã phân luồng điều trị, giải tỏa bệnh nhân, đảm bảo điều kiện về cách ly, điều trị cho các ca bệnh COVID-19. Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng đã được cách ly, phân luồng chạy thận. Hiện Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy đang tích cực hỗ trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng nói riêng và y tế Đà Nẵng nói chung về công tác phân luồng bệnh nhân, cách ly, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng. Bên cạnh các bác sĩ giỏi, Bệnh viện Đà Nẵng còn nhận được sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị y tế hiện đại như máy chạy ECMO, máy thở…
Tại cuộc họp trực tuyến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đã phân luồng, phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm COVID-19 cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế trong các bệnh viện và người dân ngoài cộng đồng có liên quan. Để đảm bảo năng lực điều trị, TP Đà Nẵng đã khẩn trương thiết lập trung tâm điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa.
Để giảm tải cho Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng được chuyển từ Đà Nẵng ra, đặc biệt là những bệnh nhân có nhiều bệnh nền, phải chạy thận nhân tạo.
Không bất ngờ
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến trao đổi đề xuất của chuyên gia, bác sĩ ở các điểm cầu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, trong công tác điều trị phải hết sức tập trung bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là diễn biến xấu rất nhanh. Phải nỗ lực cao nhất, không để có bệnh nhân tử vong. Chia sẻ khó khăn, vất vả của các cán bộ y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất để tình huống đấy không bao giờ xảy ra”.
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, đặc biệt Hà Nội, TPHCM… không phải không có nguy cơ có những người liên quan đến ổ dịch ở Đà Nẵng, nhưng hiện nay Đà Nẵng vẫn đang là ổ dịch. “Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông yêu cầu, hệ thống y tế phải “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt giữa địa phương với Trung ương, giữa địa phương với địa phương.
Trước hết, Bệnh viện Trung ương Huế phải sẵn sàng đón nhận những bệnh nhân dương tính có bệnh nền. Bộ Y tế tăng cường các đội cơ động của các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ cho Bệnh viện Trung ương Quảng Nam để sẵn sàng công tác cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế điều động các lực lượng, sử dụng các công nghệ xét nghiệm để tìm ra nguồn bệnh nhanh nhất có thể.
Phó Thủ tướng yêu cầu toàn bộ hệ thống bệnh viện phải nâng cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định khi tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh: Sàng lọc, phân luồng, phân tuyến… trong bệnh viện. (Tiền phong, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 1: “Cả nước vì Đà Nẵng”.
Thêm 7 ca mắc mới COVID-19
Tối 28/7, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19 tại Quảng Nam và Đà Nẵng, là các trường hợp ghi nhận tại cộng đồng.
CA BỆNH 432 (BN432): Bệnh nhân nữ, 63 tuổi, địa chỉ tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ngày 18/7, bệnh nhân tham dự tiệc cưới tại Trung tâm Tiệc cưới và Hội nghị For You Place (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Kết quả xét nghiệm ngày 27/7/2020 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH 433 (BN433): Bệnh nhân nữ, 67 tuổi, ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngày 13-16/07, bệnh nhân chăm chồng điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 20/07, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt nhẹ, gọi y tế tư nhân đến điều trị tại nhà. Ngày 25/07, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Ngày 27/07, lấy mẫu xét nghiệm và kết quả ngày 28/7 là dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH 434 (BN434): Bệnh nhân nữ, 71 tuổi, địa chỉ tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng. Ngày 26/7, bệnh nhân thấy mệt, bị ho, sốt, điều trị tại Bệnh viện 199 – Bộ Công an, 21h00 cùng ngày bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. Ngày 27/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH 435 (BN435): Bệnh nhân nữ, 29 tuổi, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Trung, Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng, nhân viên Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH 436 (BN436): Bệnh nhân nam, 66 tuổi, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
CA BỆNH 437 (BN437): Bệnh nhân nam, 61 tuổi, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
CA BỆNH 438 (BN438): Bệnh nhân nam, 56 tuổi, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. BN436, BN437, BN438 đều là bệnh nhân của Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh về số ca mắc và tử vong.
“Vì thế, ngay từ đầu chúng tôi đã dự báo Việt Nam có thể sẽ có ca bệnh trong cộng đồng, không thể nào giữ được mãi. Chúng tôi không bất ngờ với điều này, tuy nhiên không ngờ khi ca bệnh được phát hiện tại Đà Nẵng”- Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói. Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, số ca mắc có thể không chỉ dừng lại tại đây mà còn có thể phát hiện thêm bệnh nhân trong những ngày tới. Vì thế, ngành Y tế Đà Nẵng cần đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, nhằm xác định sớm ca bệnh từ đó tiếp tục khoanh vùng, dập dịch. (Tiền phong, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Thêm 7 ca mắc mới Covid-19 ở Đà Nẵng và Quảng Nam”; An ninh Thủ đô, trang 7: “Thêm 7 ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam”.
Y bác sĩ lạc quan sẽ chiến thắng COVID-19
Ngày 28/7, một đoạn video được bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện C Đà Nẵng đưa lên mạng khiến nhiều người cảm động. Bên trong các bệnh viện đang bị phong tỏa, một không khí lạc quan, yêu đời, tin tưởng sẽ chiến thắng COVID-19.
“Chúng ta sẽ thắng”
Bác sĩ tên Đương, làm việc tại Bệnh viện C Đà Nẵng, xuất hiện trong video dài hơn 4 phút khiến nhiều người xem bật khóc. Bệnh viện đang được cách ly và phong tỏa, người dân cả nước dõi theo từng ca bệnh và không rõ bên trong như thế nào. Trong đoạn, bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít, đứng giữa phòng bệnh và khẳng định với các bệnh nhân: “Trận chiến với COVID-19 lần 2 này chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng!”.
Các bệnh nhân đa phần lớn tuổi, cùng vỗ tay tán thưởng. Tiếp đó, vị bác sĩ cùng hát bài “Năm anh em trên chiếc xe tăng” để tặng các bệnh nhân. Lời bài hát ngân lên, mọi người cùng vỗ tay hát theo. Kết thúc bài hát, vị bác sĩ gửi lời chúc và động viên tinh thần đến các bệnh nhân. Một tinh thần lạc quan, bình tĩnh của đội ngũ y bác sĩ đã giúp bệnh nhân đang cách ly tại bệnh viện và người nhà ở ngoài khu cách ly phần nào được nhẹ nhõm và ấm lòng.
Chị Nguyễn Thị Phượng Như, một điều dưỡng của Bệnh viện C, qua điện thoại kể: Bên trong bệnh viện những ngày đầu khá căng thẳng, nhưng nay mọi người đã dần quen. Đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện luôn đồng lòng, chung sức, chung vai để cùng vượt qua thử thách. Tất cả đều lạc quan và tin tưởng vào chiến thắng COVID-19 sẽ đến gần.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết: Việc thực hiện phong tỏa, cách ly 14 ngày đối với toàn bộ nhân viên y tế, y bác sĩ và người có tiếp xúc, tiếp xúc gần với bệnh nhân 416 mắc COVID-19 tại bệnh viện đã được áp dụng từ ngày 24/7. Trong 14 ngày, Bệnh viện C Đà Nẵng không làm thủ tục xuất viện cho các bệnh nhân đang điều trị, không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới.
Theo bác sĩ Thiện, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian cách ly chính là đảm bảo đời sống vật chất, chế độ dinh dưỡng và tinh thần yên tâm, không lo lắng đối với những người được cách ly. Đặc biệt, bữa ăn, thành phần dinh dưỡng cho bệnh nhân được cung ứng đầy đủ, đảm bảo liên tục 3 bữa/ngày. Bệnh viện đã thành lập đội phục vụ gồm 29 thành viên phối hợp với Khoa Dinh dưỡng trực tiếp xuống nhà bếp để sơ chế, nấu thức ăn, phân chia khẩu phần cho bệnh nhân. Nhân viên sẽ phân chia và thực hiện các phần việc như nấu, chế biến, phân chia thức ăn theo khẩu phần, bệnh lý sau đó chuyển thức ăn đến tận tay từng bệnh nhân cụ thể. Riêng các bệnh nhân điều trị bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, tim mạch sẽ có một khẩu phần ăn riêng để phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Ðảm bảo an toàn và chữa trị cho bệnh nhân
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, hiện tại toàn bộ y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện được thực hiện cách ly y tế. Trong đó, 1/3 đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng đã được đưa đi cách ly tại một khách sạn bên ngoài.
Theo bác sĩ Trung, việc này không ảnh hưởng nhiều đến công tác khám chữa bệnh, vì toàn bộ đội ngũ y bác sĩ đều ở lại bệnh viện nên đủ nhân lực với đầy đủ các trang thiết bị, vật dụng y tế để cứu chữa các bệnh nhân. Trong khi đó, bệnh viện đã ngừng tiếp nhận các ca bệnh mới nên y bác sĩ phải đi cách ly bên ngoài không ảnh hưởng nhiều đến công tác khám chữa bệnh của bệnh viện.
Trước tình trạng lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ Trung cho biết: Bệnh viện đã tổ chức động viên tinh thần đối với toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế toàn bệnh viện. Tinh thần của tất cả nhân viên y tế, y bác sĩ của bệnh viện đều ổn định và quyết tâm đồng lòng, cùng nhau đoàn kết để vượt qua tất cả. Riêng đối với nhân viên y tế nhiễm COVID – 19, tình hình sức khỏe vẫn ổn định.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng, trong thời gian phong tỏa và cách ly, các hoạt động bên trong khu vực cách ly vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, kịch bản ban đầu. Sau khi áp dụng cách ly, phong tỏa bệnh viện đã thiết lập lại các khu vực chức năng cho phù hợp, đảm bảo thực hiện cách ly, không làm lây lan dịch bệnh tại bệnh viện và ra ngoài cộng đồng.
Về chỗ ở bệnh nhân, bệnh viện tổ chức, sắp xếp lại các buồng, phòng theo nguyên tắc người có cùng nguy cơ được bố trí vào cùng phòng, những người bệnh có nguy cơ thấp hơn được bố trí vào phòng khác. Trường hợp cần thiết, các khoa/phòng liền kề hoặc trong cùng khu vực có thể được trưng dụng để phục vụ việc cách ly. Bên cạnh đó, bệnh viện bố trí và đảm bảo các điều kiện ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ y tế được cách ly. Yêu cầu về buồng phòng, sắp xếp giường bệnh, vệ sinh khử khuẩn, thông khí, phương tiện bảo vệ cá nhân, xử lý chất thải và các dụng cụ cần thiết khác để phòng tránh lây nhiễm bệnh COVID-19 phải được đảm bảo.
Trong thời gian cách ly, nếu có ca bệnh nhiễm COVID-19, bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân về Khoa Y học nhiệt đới hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác được phép thu dung, điều trị theo chỉ định của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố. Những bệnh nhân nội trú và người chăm sóc bệnh nhân nặng bước đầu xác định không có nguy cơ mắc bệnh sẽ được chuyển sang các khoa, phòng khác không có nguy cơ nhiễm bệnh để tiếp tục điều trị.
Đối với bệnh nhân nội trú và những người chăm sóc bệnh nhân nặng có nguy cơ mắc COVID-19, bệnh viện sẽ thực hiện cách ly tại chỗ ở các khoa, phòng đang điều trị. Để đảm bảo không gian thực hiện cách ly tại bệnh viện trong thời gian 14 ngày, Bệnh viện Đà Nẵng đã khám, sàng lọc và chuyển những bệnh nhân nhẹ và một số nhân viên y tế sang cơ sở cách ly khác. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đà Nẵng đang thực hiện cách ly khoảng 2.300 người, trong đó có 800 bệnh nhân và khoảng 1.500 nhân viên y tế.
Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, đã có phương án chuẩn bị nhân lực y tế trong trường hợp nhân viên đã bị lây nhiễm COVID- 19 và tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm virus. (Tiền phong, trang 5) .